Thủ thuật thú vị khi bảo hành sản phẩm Apple ở Mỹ

PV  | 13/01/2012 0:00 AM

Những thủ thuật nhỏ mà vô cùng hữu ích cho những ai đang có dự định đi bảo hành sản phẩm của Apple trên đất Mỹ.

Trung tâm bảo hành của Apple tại Mỹ có tên là Genius Bar, hãng này được đánh giá là có dịch vụ chăm sóc khách hàng và hậu mãi cực tốt. Họ có thể giải quyết hầu như tất cả mọi vấn đề thiết bị gặp phải trong quá trình sử dụng. Khách hàng chỉ cần đăng ký bảo hành rồi đem sản phẩm tới đúng nơi rồi ngồi đợi đến lượt mà không cần lo lắng về lỗi của sản phẩm.
 
 
Đa phần người tiêu dùng đều nhận thấy là Genius Bar hoạt động rất tốt, tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra rằng họ còn có thể làm nhiều hơn bên cạnh việc khắc phục sự cố kỹ thuật. Thực tế bạn có thể khai thác rất nhiều thứ tại trung tâm bảo hành của Apple nếu biết cách. Sau đây là một số thủ thuật thú vị cực kỳ hữu ích khi tới Genius Bar trên đất Mỹ.
 
Hãy trung thực! Nhất là khi điện thoại của bạn bị hỏng bởi nước
 
Đừng cố đánh lừa nhân viên nhân bảo hành của Apple, hãy cố gắng miêu tả chính xác lý do dẫn tới sự hỏng hóc của thiết bị. Chẳng ai muốn giúp đỡ bạn khi nhận ra rằng mình đang bị lừa cả. Các thiết bị kiểm tra hỏng hóc của hãng có thể tìm ra nguyên nhân sự cố một cách chính xác. Theo một số nguồn tin cậy, Apple đặt vào thiết bị của họ một cảm biến độ ẩm nên họ có thể dễ dàng xác minh rằng máy có bị nhúng nước hay không. Do đó đừng bao giờ kể câu truyện (cổ tích) rằng mình đang sử dụng một cách bình thường rồi tự dưng nó lăn đùng ra chết.
 
Một lần ngoại lệ
 
 
Trước đây hệ thống bán hàng của Apple đưa ra một chính sách có tên gọi là “một lần ngoại lệ”, theo đó khách hàng sẽ được đổi thiết bị của mình lấy một chiếc mới tinh bất kể hỏng hóc và hạn bảo hành còn bao lâu. Rất tiếc là gần đây chính sách này bị hãng thắt chặt hơn, những nhân viên bảo hành bình thường không được phép nhận đồ kiểu này nữa, chỉ có những người quản lý cấp cao mới có quyền quyết định.
 
Kéo dài thời gian bảo hành thêm một chút
 
Genius Bar vẫn có thể cân nhắc đổi thiết bị cho bạn ngay cả khi nó đã quá hạn bảo hành (tất nhiên là không quá lâu, chỉ trong khoảng 45 ngày). Quản lý trung tâm sẽ quyết định xem có nhận máy hay không. Do đó khách hàng sẽ phải tìm cách thuyết phục người này phê duyệt nếu như muốn được nhận bảo hành.
 
Mẹo nhỏ để được đổi một chiếc iPhone mới cóng với giá rẻ
 
Trong trường hợp pin của iPhone bị hỏng, Apple sẽ không nhận bảo hành cho bạn, tuy nhiên họ đưa ra dịch vụ thay thế pin với giá 80 USD. Điều này liên quan gì đến việc đổi máy mới? Đừng vội, đoạn sau mới là phần thú vị.
 
 
Trên thực tế, Apple sẽ không thay cho khách hàng một cục pin mới mà họ sẽ trả lại một chiếc điện thoại hoàn toàn mới. Vâng, bạn chỉ tốn 80 USD cho việc đổi con iPhone cũ mèm dùng chán chê của mình lấy một cái tương tự nhưng mới kính cong, mặc cho việc nó có còn hay không còn nằm trong thời gian bảo hành.
 
Nếu như bạn đang ở Mỹ hay có người quen tại đây mà muốn đổi chiếc iPhone bị lỗi hay đã nứt màn hình của mình, đừng ngần ngại mang điện thoại ra Genius Bar (hoặc nhờ người quen làm việc đó), báo với họ là pin của mình bị hỏng và muốn thay pin dịch vụ. Có thể nhân viên sẽ tiến hành kiểm tra điện thoại, nhưng đừng lo, không có gì có thể khiến họ có thể từ chối thay pin cả. Tiếp theo đó là chờ đợi vài ngày trước khi Apple trả lại cho bạn một chiếc iPhone mới cứng.
 
Tai nghe và các phụ kiện khác của iPhone cũng được bảo hành
 
 
Đây không phải là một thông tin quá là đặc biệt, tuy nhiên có rất nhiều người không biết rằng các phụ kiện đi kèm với sản phẩm mà họ mua cũng nhận được bảo hành từ phía Apple. Nếu như tai nghe hay sạc pin, cáp nối của bạn bị hỏng, có thể dễ dàng đổi được cái mới ở một đại lý chính thức bất kỳ của Táo Khuyết một cách nhanh chóng. Cần lưu ý rằng chỉ những phụ kiện trong hộp đi kèm sản phẩm chính mới được bảo hành, những thứ mua thêm bên ngoài sẽ không thể đổi mới tại hãng khi hỏng.
 
Thiết bị gặp phải một trong những lỗi thường gặp sẽ được đổi mới ngay lập tức
 
Nếu như thiết bị của bạn gặp phải những lỗi thường gặp đã được Apple công nhận, Genius Bar sẽ ngay lập tức đổi mới khi nhận lại sản phẩm. Thậm chí cả khi người sử dụng đem tới bảo hành vì lý do khác nhưng vô tình nhắc tới lỗi đó, họ cũng thu lại và đưa trả một chiếc máy mới tinh. Một số lỗi được đổi ngay nhiều người đã gặp phải trong quá trình sử dụng là: hỏng phím home, nút nguồn bị dính và xuất hiện điểm chết trên màn hình.
 
Update phần mềm và back up dữ liệu trước khi đem đi bảo hành
 
Hãy chắc chắn rằng bạn đã nâng cấp phiên bản mới nhất cho các phần mềm cài đặt trên điện thoại của mình và sao lưu toàn bộ dữ liệu ra máy tính trước khi đem đến trung tâm bảo hành của Apple. Vì sao ư? 2 câu hỏi quen thuộc của nhân viên tiếp nhận là “bạn đã update phần mềm chưa?” và “bạn đã có bản sao lưu ở nhà chưa?”. Khách hàng sẽ phải tốn kha khá thời gian để làm 2 việc trên (bao gồm cả thời gian đi đi lại lại) trước khi quay trở lại trung tâm bảo hành lần nữa để có thể được chấp nhận sửa chữa hoặc thay thế phần hỏng hóc.
 
Đừng cố tìm cách “chen hàng”
 
 
Nếu đã từng đi bảo hành bất kỳ món đồ gì tại một trung tâm lớn, chắc chắn bạn sẽ biết khu vực nhận bảo hành luôn luôn đông đúc, Genius Bar của Apple tại Mỹ cũng vậy. Để có được một cuộc hẹn với nhân viên tại đây, bạn phải đặt chỗ trước qua mạng hoặc đến tận nơi để đăng ký tay. Thực sự là không có cách nào để có thể “chen hàng”, gặp nhân viên nhận bảo hành trước người đến trước cả.
 
Cần lưu ý rằng nếu như đến muộn 15 phút vì bất kỳ lý do gì, cuộc hẹn ngày hôm đó của khách hàng sẽ bị huỷ. Tuy nhiên Genius Bar sẽ cấp vị trí ưu tiên cho người đó trong cuộc hẹn lần sau.
 
Tham khảo: businessinsider.com.
Xem thêm:

apple