Hôm nay, trong lúc nói chuyện phiếm, 1 người bạn hỏi tôi: Hãy thử liệt kê những thay đổi đáng kể nhất của công nghệ thông tin trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây? Câu hỏi ấy là 1 thắc mắc rất thú vị, và để trả lời nó cũng cần 1 câu chuyện thật dài. Khoa học công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng có những bước tiến nhanh, mạnh đến không ngờ trong suốt 10 năm đầu của thiên niên kỷ này. Đứng từ năm 2011 nhìn lại, chúng ta thấy điện toán trên nền chip xử lý đa nhân, điện thoại đường dài miễn phí, Internet phổ cập là những chuyện rất bình thường. Nhưng năm 2000 đó đều là chuyện khoa học viễn tưởng.
Và rất có thể những thay đổi hôm nay mà chúng ta vẫn trầm trồ ngưỡng mộ như máy ảnh lấy nét sau khi chụp Lytro, sạc pin không dây thì chỉ vài năm nữa con cháu chúng ta sẽ xem đó là... đồ cổ. Và cách hữu hiệu nhất để dự đoán, chuẩn bị và... phòng chống tương lai chính là nhìn vào quá khứ.
Và dưới đây là 9 thay đổi mà cá nhân tôi cho là ấn tượng nhất của 1 thập kỷ tiến hóa như vũ bão của CNTT.
1. Phổ cập Internet
Cách đây 10 năm, Internet còn là 1 thứ xa xỉ phẩm chỉ dành cho người giàu. Tôi vẫn còn nhớ khoảng năm 2000 khi tôi lần đầu tiên sử dụng Internet ở 1 quán Internet cạnh cổng trường. Ngày đó Internet với tôi là chat chit, theo dõi 1 vài diễn đàn thời kỳ sơ khai như VNN, TTVN và... chấm hết. Sự thực là cách đây 10 năm, nội dung của Internet hầu như gói gọn trong việc liên lạc, tán gẫu, giải trí đơn giản mà có rất ít thông tin. Và tốc độ mạng dial-up những năm 2000 thì phải nói là chậm tới mức thảm hại. Bạn có thể phải ngồi chờ trước màn hình máy tính vài ba phút chỉ để tải 1 trang web độ dăm chục dòng chữ. Chưa kể tới việc Internet Dial-up ngày đó đắt tới mức ít người có đủ tiền lắp mạng internet hộ gia đình mà hầu hết đều truy cập ở các cửa hàng dịch vụ Internet.
Rồi tới năm 2003 khi Internet băng thông rộng ADSL tràn vào Việt Nam và liên tục giảm giá. Đến khoảng giữa thập kỷ trước thì Internet chính thức được coi là 1 dịch vụ bình dân với 3 nhà mạng lớn VNPT, FPT, Viettel cung cấp kết nối băng thông rộng đến cho phần lớn người sử dụng. Rồi cùng với kết nối băng thông rộng là sự thâm nhập thị trường của Wifi. Cách đây mới chỉ 6,7 năm Wifi là 1 khái niệm xa xỉ và những hàng cafe Wifi trên địa bàn Hà Nội có thể đếm trên đầu ngón tay, những người có thiết bị hỗ trợ Wifi còn thưa thớt hơn.
Dần dần từ 1 vài điểm kết nối nhỏ lẻ, sóng Wifi lan rộng, phủ kín các thành phố lớn như Hà Nội. Giờ đây chỉ cần đi tới những địa điểm đông đúc một chút là chúng ta có thể dễ dàng sử dụng Wifi không mất phí.
Khi 3G và các dịch vụ Internet di động vào cuộc, Internet lại được lột xác 1 lần nữa. 3G và smartphone đồng nghĩa với việc Internet gần gũi hơn, tức thời hơn và tiện lợi hơn. Nội dung của Internet cũng ngày càng phong phú hơn. Từ game online cho tới Wikipedia, báo mạng đều trở nên rộng rãi, phổ cập. Hãy thử tự hỏi mình xem nếu như không có Internet, cuộc sống của bạn sẽ ra sao. Vì vậy có lẽ sẽ là không ngoa khi nói rằng Internet chính là thay đổi tuyệt vời nhất của công nghệ thông tin trong thập kỷ vừa rồi.
2. Tiến triển về phần cứng
Cách đây 13 năm tôi mua 1 ổ cứng dung lượng 900MB với giá 1tr800 ngàn đồng. Vừa tháng trước tôi mua cho anh bạn tôi 1 chiếc ổ cứng dung lượng 1TB có giá 1tr700 ngàn. Chưa kể đến việc trượt giá của VNĐ, chúng ta đã thấy dung lượng lưu trữ tăng 1000 lần trong khi kích thước và giá thành hầu như không đổi. Và dung lượng lưu trữ mới chỉ là 1 phần rất nhỏ trong sự thay đổi của diện mạo thế giới phần cứng.
Từ những CPU Pentium III xung nhịp 300 MHz đến những CPU Core i7 có tới 4 lõi, tất cả những sự thay đổi ấy chỉ diễn ra trong vòng chưa tới 10 năm. Cách đây 12 năm, 1 bộ máy tính có 128MB RAM, Pentium III 300MHz, HDD 900MB, màn hình CRT 15 inch có giá thị trường là 10 triệu đồng tương đương 833$. Qui đổi ra thời giá hiện tại nó tương đương khoảng 17 triệu đồng. Hãy thử nhẩm xem với 17 triệu đồng bạn có thể xây dựng được 1 chiếc desktop có cấu hình ra sao.
Phần cứng mạnh hơn châm ngòi cho tất cả mọi thứ, biến điều không thể thành có thể. Nói 1 cách ngắn gọn, những bước tiến của CNTT trong 10 năm qua đều song hành cùng phần cứng.
3. Blogging và sự phát triển của MXH
Yahoo! 360 có thể được coi là bước trưởng thành đầu tiên của cộng đồng mạng Việt Nam. Trước khi Yahoo! 360 nổi lên như 1 hiện tượng vào khoảng nửa đầu 2006, Internet Việt Nam không hề giống với thời kỳ hiện tại. Ngày đó game Online mới chỉ manh mún, 1 số diễn đàn lớn hoạt động sôi nổi nhưng bị giới hạn trong quy mô tổ nhóm đơn lẻ. Yahoo! 360 mặc dù có tính năng mạng xã hội rất giới hạn nhưng đã mở đầu cho trào lưu kết nối và chia sẻ trong cộng đồng mạng.
Yahoo! 360 đã trở thành 1 tác nhân khiến cộng đồng mạng Việt Nam mạnh dạn chia sẻ các suy nghĩ của mình hơn, từ đó đi vào chiều sâu hơn chứ không chỉ phát triển bề nổi như thời kỳ trước đó. Cư dân mạng có ý thức hơn, có hiểu biết hơn và có trách nhiệm hơn đối với cuộc sống Online của chính mình một phần rất lớn nhờ vào blogging và sự kết nối các cá nhân mà MXH mang lại.
Cộng đồng netizen Việt hiện vẫn chưa thực sự trưởng thành tuy nhiên có thể tin tưởng rằng với sự phát triển của MXH cũng như blogging ý thức, trình độ của công dân mạng sẽ ngày càng được cải thiện.
Có thể nói Blogging và MXH như Facebook chính là 1 trong những tác nhân thay đổi cả yếu tố con người trong xã hội Việt Nam, cả online và offline.
4. Công cụ tìm kiếm trực tuyến
Giờ đây Google được chúng ta sử dụng hàng ngày và coi như là chuyện rất thường tình. Tuy nhiên những năm cuối thập niên 90, khi Google còn chưa được "địa phương hóa" để hiển thị các kết quả tìm kiếm ở Việt Nam, Internet vẫn còn là 1 không gian bí ẩn đối với người sử dụng. Trong suốt nhiều năm liền mục "Mỗi tuần 1 trang web" trên các trang báo giấy như Hoa Học Trò, Echip, Làm bạn với máy vi tính là chuyên mục ưa thích của tôi. Thậm chí để tiện tra cứu, tôi còn cắt những địa chỉ web hay ra và dán vào 1 quyển sổ nhỏ mà đến tận giờ tôi vẫn còn giữ.
Ngày ấy, quyển sổ đó chính là cái "mục lục" giúp tôi định hướng trên Internet. Muốn đọc gì, tìm gì tôi sẽ lên trang web tương ứng với chủ đề mình cần. Và nếu trang web ấy không có nội dung cần tìm, coi như bó tay. Đến khoảng 2002 khi Google bắt đầu trở nên phổ biến ở Việt Nam. Google trở thành 1 "giáo sư biết tuốt" mà mỗi lần cần gì tôi chỉ việc gõ vào ô tìm kiếm và bấm enter. Cách đây 10 năm, nếu đang đi trên đường hết xăng và cần tìm 1 cây xăng gần nhất để đổ thì lựa chọn duy nhất là hỏi người dân xung quanh, và nếu không may bạn sẽ không tìm được người để hỏi. Giờ đây chỉ 1 chiếc điện thoại với kết nối internet di động và Google là mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Đó cũng chỉ là 1 ví dụ rất nhỏ về việc Google khiến cuộc sống của tôi tiện lợi và dễ dàng hơn như thế nào, và chắc rằng bạn cũng vậy. Cuộc sống hiện tại của chúng ta không thể thiếu Internet còn Internet lại không thể thiếu công cụ tìm kiếm, mà tiêu biểu trong số đó là Google.
5. Điện thoại di động
Thời kỳ chưa có mạng di động, bố tôi mua về 1 chiếc điện thoại "mẹ bồng con" tầm xa với 1 chiếc ăng ten cao 4,5 mét lắp trên nóc nhà. Tầm phủ sóng của "cục gạch" đó khoảng 7,8km và chỉ có mỗi 1 công dụng là dùng để... gọi bố về buổi tối khi ông mải chơi thể thao mà quên mất giờ ăn cơm vì chỉ có máy mẹ và máy con gọi được cho nhau chứ không gọi ra điện thoại ngoài được. Mấy năm sau đó "cục gạch" của bố tôi được thay thế bằng 1 chú Motorola Star-Tac rồi sau đó là Nokia 8250. Ngày đó đối với tôi, điện thoại di động là một thiết bị chỉ có trong viễn tưởng.
Những năm 2000, điện thoại di động còn là 1 thứ đồ chơi xa xỉ chỉ dành cho dân nhà giàu. Cho tới mãi tận những năm giữa thập niên 2000, cước điện thoại 3000đ/phút vẫn khiến tôi lắc đầu lè lưỡi. Năm lớp 12 tôi lần đầu tiên sở hữu 1 chiếc điện thoại di động và ngày đó như thế đã là "đi đầu" trong lớp. Giờ đây hình như cả học sinh tiểu học cũng đã manh nha sử dụng smartphone.
Mạng di động dần phủ rộng, vượt qua biên giới của các thành phố lớn. Giờ đây bạn có thể đứng ở đất mũi Cà Mau, lưng chừng Fansipan, trên cột cờ Lũng Cú mà vẫn có thể chia sẻ cảm xúc với bạn bè, người thân qua điện thoại di động. Từ dumbphone đến smartphone còn là 1 bước tiến dài hơn thế.
6. Phương thức chia sẻ dữ liệu
Cách đây 10 năm hầu như cách duy nhất để luân chuyển dữ liệu qua lại giữa các máy tính là đĩa mềm. Nếu bạn cần sao chép 1 phần mềm 20 MB bạn sẽ phải vác theo cả tệp vài chục chiếc và đánh số từng chiếc 1. Nếu sao chép vài trăm MB thì hầu như bạn chỉ có 1 lựa chọn là... tháo luôn ổ cứng ra để mang đi.
Rồi ổ CD ra đời và trở thành "mốt". Có thời phần mềm lậu chép vào đĩa CD trở thành nguồn nuôi sống hàng trăm cửa hàng buôn bán đĩa CD phần mềm trên địa bàn Hà Nội. Và sau đó khi nội dung giải trí nặng nề hơn, DVD thế chỗ CD. Nhưng khi Internet tốc độ cao được phổ cập, các dịch vụ chia sẻ file như Rapidshare , Megaupload dần dần "thủ tiêu" các dạng đĩa phần mềm "tổng hợp". Rồi khi tốc độ Internet tăng lên, các phần mềm dung lượng lớn hơn và game cũng dễ dàng được tải về từ Internet thông qua torrent, đĩa lưu trữ vật lý thực sự đã "hết nhiệm kỳ". Các hàng bán đĩa CD cũng theo đó lụi tàn dần.
7. Số hóa
Và không chỉ việc chia sẻ, lưu trữ phần mềm thay đổi, lưu trữ và chia sẻ các nội dung số cũng thay đổi theo. Những năm 2000 khi tôi muốn bạn bè tôi cùng nghe 1 bài nhạc, cách duy nhất là đem máy cát sét đến tận nơi cho người bạn đó. 1 truyện ngắn thú vị sẽ phải chép tay mang đến lớp, 1 bức ảnh mới chụp cùng gia đình trong chuyến du lịch vừa qua sẽ phải đem rửa rồi mới "khoe" với người khác được.
Giờ đây những cách chia sẻ thông tin theo kiểu truyền thống như vậy đã không còn đất sống.
Trào lưu số hóa nội dung đa phương tiện đã thực sự khiến cuộc sống công nghệ của chúng ta trở thành 1 thế giới khác so với cách đây 5,6 năm.
Đầu tiên là âm nhạc sau đó là tới hình ảnh và video. Chia sẻ 1 bài nhạc hay giờ đây chỉ còn là copy và paste đường link, chia sẻ 1 bức ảnh đẹp chỉ mất vài chục giây ngay sau khi bức ảnh đó được chụp từ điện thoại thông qua các trang MXH như Facebook... Những ý tưởng cách đây 10 năm là viễn tưởng, giờ đây đã trở thành sự thực, hiện hữu rất bình dị xung quanh chúng ta.
8. Phương thức giao tiếp với máy tính
Tôi sẽ không nói tới thời kỳ máy tính sử dụng giao diện dòng lệnh và không có chuột vì nó đã xa quá rồi. Nhưng hãy thử tưởng tượng cách đây 10 năm chúng ta "nói chuyện" với máy vi tính bằng con chuột và bàn phím. Vài năm sau các smartphone màn hình cảm ứng chạy WinMo phổ cập hơn và chúng ta nói chuyện với máy tính bằng bút trỏ. Năm 2007 iPhone ra đời kéo theo sự phát triển của công nghệ điện dung và chúng ta tiếp xúc với máy tính bằng ngón tay của mình. Sau đó Wii rồi Kinect ra đời giúp máy móc hiểu được ngôn ngữ cử chỉ của con người.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt giúp máy móc nhận biết chủ nhân đã được ứng dụng khá phổ biến, và giờ đây dường như tương lai của phương thức giao tiếp giữa người với máy sẽ là chuyện trò như giữa 2 người bạn.
Cách thức mà chúng ta tương tác với công nghệ thay đổi kéo theo cảm xúc của chúng ta đối với các thiết bị công nghệ cũng thay đổi theo. Năm 2000 tôi chỉ coi máy tính là... 1 cục sắt dùng để chơi Mario. Năm 2011 smartphone và desktop trở thành người bạn, thành cửa sổ nhìn ra thế giới của tôi.
Xu hướng đó sẽ tiếp tục thay đổi trong thời gian tới.
9. Nhỏ hơn, mỏng hơn, nhẹ hơn
Có thể nói đây là tư tưởng chủ đạo của lý thuyết về kỷ nguyên hậu PC của Steve Jobs. Cách đây 10 năm máy tính hầu như chỉ là desktop và bị "trói" vào các ràng buộc về nguồn điện, trọng lượng và hầu như "không bao giờ được thấy ánh mặt trời". Sau đó Laptop phổ cập và theo con người ra đường, lên trường, xuống phố. Nhưng smartphone và tablet mới chính là những thiết bị của tương lai với các đòi hỏi rất khắt khe về tính di động.
Bù lại với kích thước và trọng lượng của mình, các thiết bị "hậu-PC" gắn bó với con người chặt chẽ hơn, gần gũi hơn và tức thời hơn. Bạn không thể mở 1 chiếc laptop ra khi đang chạy xe máy nhưng với smartphone thì check mail trong lúc dừng đèn đỏ là điều hoàn toàn có thể. Tương tự với tablet. Các thiết bị hậu-PC theo sát con người hơn và đủ sức trám vào những chỗ trống thời gian mà trước đó laptop và desktop để trống. Chẳng hạn như nửa tiếng nghỉ sau giờ ăn trưa, 15 phút chờ xe bus, nửa tiếng trong tiệm cắt tóc, tất cả đều có thể trở thành thời gian làm việc, giải trí, liên lạc với smartphone và tablet.
Kết
Sẽ là rất vô nghĩa nếu nói rằng "10 năm qua là 10 năm phát triển nhanh chưa từng có của CNTT". Vì sự thực là sự phát triển của CNTT sẽ càng ngày càng thần tốc. 10 năm sau sẽ lại phá kỷ lục của 10 năm trước và cứ thế xã hội sẽ tiến lên. Nắm bắt được xu hướng của công nghệ là điều rất quan trọng nhưng không hề dễ dàng.
Những năm tới sẽ còn hứa hẹn rất nhiều điều thú vị. Hãy thắt dây an toàn, đội mũ bảo hiểm và nín thở chờ đợi!