Biết rồi, khổ lắm, nói mãi...
Theo điều 7 Thông tư số 11/2009/TT-BCT của Bộ Công Thương (Thông tư quy định chi tiết Nghị định số 107/2008/NĐ-CP của Chính phủ), việc các doanh nghiệp niêm yết giá hàng hoá dịch vụ bằng ngoại tệ hoặc thu tiền bán hàng hoá dịch vụ bằng ngoại tệ mà không được phép là hành vi vi phạm về niêm yết giá, bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 9 Nghị định số 107.
Tuy nhiên, người mua hàng không còn xa lạ với trường hợp giá hàng hóa, đặc biệt là hàng công nghệ, điện tử “trồi sụt” theo giá USD thường xuyên diễn ra. Tuy đã có Nghị định, Thông tư rõ ràng, nhưng dường như không mấy công ty, cửa hàng, đặc biệt là phần lớn cửa hàng nhỏ quan tâm. Chỉ cần dạo qua một vòng các trang web mua bán trên internet, chúng ta dễ dàng thấy giá các mặt hàng có giá trị này được niêm yết song song bằng 2 loại giá USD và VNĐ hoặc chỉ bằng giá USD. Ngay ở những gian hàng nhỏ hơn được quảng cáo có những sản phẩm “độc”, hàng xách tay 100%, người ta cũng bắt gặp tình trạng tương tự.
Tình trạng niêm yết giá bán bằng USD vẫn đang diễn ra phổ biến.
Khi được hỏi, đại diện của các cửa hàng thường trả lời rằng hàng hóa của họ là hàng nhập khẩu, mua từ nước ngoài về bằng USD, nên việc họ niêm yết giá cả bằng USD là đương nhiên (!). Thêm vào đó, giá USD phập phồng khi lên khi xuống nên họ thông báo cho khách hàng giá sản phẩm bằng USD luôn cho tiện, để người mua tự cập nhật giá cả.
Chị Văn Thị Huệ (một người kinh doanh điện thoại xách tay ở quận Đống Đa) cho biết: “Bản thân tôi là một người hay phải nhập trực tiếp hàng từ nước ngoài nên tôi hiểu rất rõ tác hại của việc hàng hóa thăng giáng theo biến động của ngoại tệ, nhất là USD. Tính sơ sơ đến thời điểm hiện tại mỗi chiếc iPhone 4 mà tôi nhập về (cả 2 phiên bản 16GB và 32GB) đã tăng lên từ 400.000 đến 500.000 đồng. Nếu tăng giá bán đột ngột thì khách sẽ không mua, mà nếu không tăng thì lỗ mất!”.
Phải chăng những điều mà Thông tư số 11/2009/TT-BCT và Nghị định số 107/2008/NĐ-CP vẫn chưa thể phát huy hiệu quả trong cuộc sống thực, thị trường thực? Mức phạt 20 – 30 triệu đồng có lẽ vẫn còn quá ít khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu, đặc biệt là hàng công nghệ vẫn bỏ ngoài tai và coi thường những quy định của Nhà nước. Giữa các văn bản luật và thực tế cuộc sống vẫn còn những khoảng “chênh” khiến cho việc thi hành luôn trục trặc và thực trạng này vẫn chưa có giải pháp triệt để.
USD tăng, giá hàng tăng và câu chuyện không hồi kết
Mặc dù lý luận của các đơn vị phân phối hàng công nghệ nghe khá thuyết phục và lọt tai, nhưng điều đáng nói hơn là, những người đam mê hoặc có nhu cầu mua đồ công nghệ, dù cố “ngậm đắng” khi mua hàng ở Việt Nam theo giá tiền Mỹ, nhưng giá cả luôn rất bấp bênh và lộn xộn. Bởi lẽ, các cửa hàng không tính tỉ giá USD theo tỉ giá liên ngân hàng được Nhà nước đưa ra, mà tính theo giá chợ đen. Mà đã là chợ đen, thì mỗi của hàng tính một kiểu, giá cả cũng dao động mỗi ngày một khác, mà hầu như chỉ có một chiều tiến chứ không mấy khi lùi. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ cho ta thấy với các biến động của ngoại tệ, còn đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là người mua hàng.
Ngay cả ở những siêu thị điện máy, cửa hàng chỉ niêm yết giá bằng VNĐ thì giá cả cũng không cố định mà dao động theo ngày. Một chiếc laptop tại thời điểm tỷ giá USD liên ngân hàng chưa lên so với thời điểm hiện tại đã chênh nhau từ vài trăm nghìn cho đến hàng triệu đồng. Khi được hỏi, các nhân viên bán hàng đều trả lời rằng: “Hàng của chúng tôi là hàng nhập khẩu nên phải thay đổi theo tỷ giá USD. Khách hàng đành phải hiểu và chấp nhận thôi chứ cửa hàng cũng không thể chịu lỗ được”. Khi GenK đặt câu hỏi hàng nhập về theo lô hàng nghìn chiếc ngay từ khi chưa có biến động tỷ giá thì tại sao vẫn lên giá, phải chăng đây là một hành động tát nước theo mưa, bắt chẹt khách hàng thì đều bị phía cửa hàng từ chối trả lời (!).
Khá nhiều mẫu laptop tăng giá từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng.
Cùng chung tâm trạng bức xúc, anh Trương Văn Chung (khách mua máy ảnh kỹ thuật số, quê Văn Giang, Hưng Yên) bức xúc: “Chẳng hiểu tại sao lại có chuyện phi lý như vậy. Tôi định mua máy ảnh mới, người ta nói lên giá vì biến động ngoại tệ. Tôi chuyển qua mua máy đã qua sử dụng, nhưng vẫn nhận được câu trả lời tương tự. Hàng mới tăng giá đã đành, đằng này hàng cũ mà cũng tăng theo tỷ giá USD thì lạ quá. Khi tôi hỏi thì người ta lại im lặng”. Cứ với đà này, không chỉ hàng công nghệ mà thậm chí cả đồ gia dụng, thực phẩm thường ngày cũng tăng giá chóng mặt (chứ hầu như không giảm) theo biến động ngoại tệ, đặc biệt là đồng USD.
Làm sao để bảo vệ người tiêu dùng một cách đúng nghĩa (chứ không chỉ là hô hào khẩu hiệu) trước “cơn bão giá” là điều những người đang khốn khổ vì mua hàng thời đô-la hóa luôn mong ngóng. Câu trả lời thỏa đáng, chắc vẫn còn xa lắm hoặc không bao giờ đến. Từ giờ đến lúc đó, các thượng đế vẫn đành chịu khó chờ thời, “chộp” thời điểm giá USD giảm để mua hàng hoặc chấp nhận sự im lặng khó hiểu và những câu trả lời kiểu như “hỏi gì mà nhiều thế…có mua hay không đây?”.