Có một sự thực như thế này, ngay ở trên GenK, mỗi khi 1 bài viết có đề cập tới 2 chữ "hậu-PC" thì cầm chắc rằng bài viết đó sẽ nhận được ít nhất là 1 comment của bạn đọc về việc PC hữu ích ra sao, smartphone, tablet không bao giờ thay thế được PC như thế nào. Và lập luận ưa thích của nhiều người thường là "anh đang viết bài bằng PC hay tablet, smartphone?". Tôi cho rằng những phản ứng thái quá của nhiều người khi đề cập tới kỷ nguyên hậu-PC xuất phát từ sự thiếu những kiến thức căn bản về ý nghĩa thực sự đằng sau 2 chữ "hậu-PC" (Post-PC).
(Từ đây về sau trong bài viết tôi sẽ dùng lẫn 2 cụm từ hậu-PC và post-PC tùy từng văn cảnh).
Nếu đến thời điểm hiện tại bạn vẫn cho rằng "hậu-PC" có nghĩa là tablet, smartphone sẽ thay thế máy tính cá nhân truyền thống như desktop, laptop đồng thời các thiết bị điện toán mà chúng ta sử dụng ngày hôm nay sẽ lùi vào dĩ vãng thì bài viết này chính là dành cho bạn. Hãy bỏ ra chút thời gian để cùng GenK tìm hiểu ý nghĩa thực sự của cụm từ "hậu-PC" mà chúng ta vẫn sử dụng thường ngày.
Không phải là trận chiến 1 mất 1 còn
Hậu-PC là 1 khái niệm không hề mới, thực tế là rất nhiều người đã đề cập đến nó trước Steve Jobs. Nhưng như chúng ta đều biết, cụm từ này đã gắn liền với tên tuổi Steve Jobs, nhất là sau khi Apple cho ra đời những sản phẩm thành công rực rỡ mà hãng này gán cho cái tên "các thiết bị hậu-PC" như iPhone, iPad... Đề cập đến post-PC rất nhiều nhưng Steve Jobs rất ít khi giải thích 1 cách tường tận về ý nghĩa thực sự của cụm từ này. Đây chính là lý do khiến nhiều người tự tìm cách diễn dịch "hậu-PC" theo ý hiểu của mình, và kết luận mà họ thường đi tới nhất đó là "post-PC" có nghĩa là kỷ nguyên mà PC sẽ nhường chỗ cho tablet, smartphone giống như cái cách mà máy hơi nước thay thế sức ngựa kéo hoặc đèn điện "triệt hạ" đèn dầu, đèn nến.
Sự thực hoàn toàn không phải như vậy. Bản thân Steve Jobs, trong buổi tọa đàm với AllThingD cùng Bill Gates năm 2007 cũng tuyên bố rằng "trong kỷ nguyên hậu-PC, máy tính truyền thống vẫn sẽ tồn tại và phát triển". Và chính vì lý do đó, trong tuyên bố rất nổi tiếng của mình hồi đầu năm nay trong lễ ra mắt iPad 2, Steve Jobs khẳng định rằng "chúng ta đang ở trong kỷ nguyên hậu-PC" bất chấp việc Apple vẫn đang sản xuất rất nhiều PC, cả laptop lẫn desktop.
Như vậy điều đầu tiên cần làm rõ đó là post-PC không đồng nghĩa với cái chết của máy tính cá nhân như chúng ta vẫn sử dụng ngày hôm nay mà nó chỉ đơn giản là sự ra đời của 1 lớp thiết bị mới. Lớp thiết bị đó đại diện cho kỷ nguyên điện toán "sau thời kỳ PC". Vì vậy bạn hoàn toàn có thể yên tâm rằng kể cả khi chúng ta đang ở trong thời đại "hậu-PC" thì điều đó không có nghĩa là chiếc desktop bạn mới mua hôm qua là "đồ bỏ" hoặc "lạc hậu". PC vẫn sẽ phát triển, vẫn sẽ cải tiến và không "đột tử" trong "hậu-PC". Sự chuyển giao giữa PC và hậu-PC không phải là trận chiến 1 mất 1 còn, trong đó chỉ có 1 bên được sống như trong tưởng tượng của nhiều người. Các thiết bị post-PC không cần và cũng không thể "giết" được PC và ngược lại, PC cũng không thể ngăn được bước tiến của hậu-PC.
Tất nhiên sự ra đời của tablet và smartphone sẽ khiến nhu cầu về máy tính truyền thống suy giảm 1 cách đáng kể, nhưng chúng sẽ không bao giờ thay thế được desktop, laptop.
Con đường riêng biệt
PC và hậu-PC có thể chung sống hoàn toàn hòa bình và thực tế điều này đang diễn ra xung quanh chúng ta hàng ngày. Cá nhân tôi sử dụng smartphone có lẽ tới 16/24 giờ một ngày khi tôi ở ngoài đường, trên công trường để liên lạc qua email, đọc tin tức, kiểm tra tình trạng chuyên mục mà tôi phụ trách tại GenK, đọc bản vẽ nhưng khi về đến nhà, việc đầu tiên tôi làm là bật chiếc máy tính để bàn lên để tiếp tục làm việc và chiếc smartphone được cất qua một bên. Bất luận chiếc smartphone mà tôi sử dụng là loại gì, cấu hình "khủng" đến đâu hoặc màn hình lớn cỡ nào thì tôi cũng không thể sử dụng nó cho những công việc như soạn thảo bài viết, vẽ Autocad cắt ghép 1 đoạn film HD làm minh họa cho bài viết. Các yếu tố như sức mạnh xử lý bị hạn chế, màn hình cảm ứng, giới hạn về phần mềm khiến có những công việc không thể hoàn thành được trên các thiết bị "hậu-PC" như smartphone, tablet và đó chính là lúc mà máy tính truyền thống phải vào cuộc.
Post-PC không đồng nghĩa với cái chết của máy tính cá nhân.
Rất nhiều năm qua chúng ta sử dụng máy tính cá nhân (cả laptop và desktop) như những thiết bị "biết tuốt", đảm nhiệm tất cả các nhu cầu về công việc, nghe nhạc, lướt web, xem film và thậm chí là cả liên lạc nữa. Nếu bây giờ bạn đọc nào đủ kiên nhẫn ngồi thử liệt kê xem mình làm những gì trên chiếc laptop hoặc desktop của mình có lẽ bạn sẽ phải ngạc nhiên vì sự đa năng của chiếc laptop của mình. Chúng ta dựa vào PC để giải quyết tất cả những nhu cầu điện toán của mình, và hướng giải quyết ấy đã diễn ra trong suốt hơn 30 năm tồn tại của PC.
Và hầu hết chúng ta đều cảm thấy việc sử dụng laptop, desktop để duyệt web, xem film, chơi game đều "bình thường như cân đường hộp sữa", không có gì đặc biệt. Tuy nhiên nếu bạn đọc nào có 1 lần được cầm 1 chiếc tablet chạy iOS hoặc Android và duyệt web hoặc xem film, chơi game trên đó, tôi nghĩ bạn sẽ khó lòng không cảm thấy thích thú khi được cầm cả... trang web trên tay, chạy đi chạy lại xung quanh nhà hoặc nằm ườn trên giường, điều mà với cả những laptop gọn nhẹ nhất cũng không hề dễ dàng. Cách thức tương tác bằng cảm ứng cũng cho cảm giác thú vị, trực quan và là 1 trải nghiệm khác hẳn việc xem film, duyệt web trên máy tính. Có lẽ rất ít người từng dùng tablet để xem film, lướt web rồi mà vẫn còn muốn làm những việc đó trên chiếc laptop nặng nề hoặc dính bàn tọa đến còng lưng mờ mắt cạnh chiếc desktop nhàm chán.
Đọc ebook, duyệt web trên tablet "đã" hơn laptop rất nhiều.
Hoặc một ví dụ khác là smartphone. Trước thời kỳ smartphone đã có Google Maps, nhưng phiên bản Google Maps trên máy tính thời kỳ ấy quả thực là chỉ để nhìn cho...vui. Chỉ tới khi Google Maps được đưa lên smartphone chúng ta mới hưởng hết lợi ích của thiết bị này. Hoặc video chat trước đây từng có mặt trên PC từ rất lâu và khá thành công, nhưng khi được đưa lên smartphone với khả năng di động liên tục thì video chat lại mang 1 bộ mặt hoàn toàn mới, tiện lợi và tức thời hơn. Hay như việc cập nhật mạng xã hội cũng tuyệt vời hơn trên smartphone rất nhiều so với khi bạn bị "đóng khung" bên máy tính hoặc laptop.
Facebook là lý do nhiều người bỏ tiền mua smartphone.
Tôi nói dài dòng như vậy chỉ để chứng minh 1 điều: các thiết bị hậu-PC không giống như PC truyền thống. Nếu như ở PC truyền thống chúng ta gom góp tất cả các nhu cầu mà con người có thể có như công việc, duyệt web, liên lạc, giải trí và đưa ra 1 thiết kế để thỏa mãn tất cả các nhu cầu đó và tìm cách cân bằng để mỗi tính năng đều ở mức "sử dụng tạm ổn, chấp nhận được" thì các thiết bị post-PC lại được thiết kế chuyên biệt phục vụ 1 vài nhu cầu cụ thể như liên lạc, di động (smartphone) hoặc giải trí, lướt web (tablet) và cố gắng để khiến trải nghiệm của người sử dụng ở các tính năng đó đều đạt mức tuyệt vời.
Chính vì ý tưởng thiết kế mang tính chuyên biệt như vậy mà các thiết bị hậu-PC không và không bao giờ bảo đảm được toàn bộ các tính năng mà chúng ta thường sử dụng trên laptop, desktop. Cụ thể là hiện tại chưa có thiết bị post-PC nào phục vụ chuyên biệt cho những công việc như soạn thảo văn bản, xử lý đồ họa (và có lẽ cũng sẽ không bao giờ có 1 thiết bị như thế vì hậu-PC đồng nghĩa với việc phải đảm bảo tính di động cao) vì vậy thị trường đang phát triển theo hướng PC và hậu-PC tồn tại song hành. Trong khi PC phục vụ công việc và các nhu cầu đồ họa cao cấp thì post-PC đánh vào nhu cầu giải trí, di động.
Có thể nói nếu bạn có ngân sách giới hạn thì kỷ nguyên hậu-PC chưa đến với bạn. Hậu-PC có nghĩa là chúng ta sẽ sở hữu thêm 1 vài thiết bị nữa bên cạnh chiếc desktop ở nhà để phục vụ những nhu cầu chuyên biệt. Vì vậy khi bạn chỉ đủ tiền để mua 1 thiết bị duy nhất thì máy tính cá nhân truyền thống với ưu điểm thỏa mãn được tất cả các nhu cầu sẽ là sự lựa chọn hợp lý. Các thiết bị post-PC đem đến trải nghiệm cao cấp hơn, và sẽ đòi hỏi thêm ngân sách. Không phải ai cũng đủ tiền để "góp vui" với phong trào hậu-PC. Nhưng dù bạn có muốn hay không, nó vẫn sẽ xảy ra và thực tế là giờ đây nó đã hiện hữu xung quanh tất cả chúng ta. Nhu cầu về 1 dòng thiết bị lướt web dễ dàng hơn laptop, xem film tiện lợi hơn laptop, dễ dàng "mang vác" hơn netbook là 1 nhu cầu có thật, và rất lớn, đó chính là lý do ra đời, thành công của các thiết bị post-PC.
Làm lại từ đầu
Hồi năm 2010 khi Apple chuẩn bị cho ra mắt iPad, tôi đã mong chiếc tablet này chạy HĐH Mac OS X giống như các máy Mac của Apple. Cá nhân tôi không thích iOS vì tính khép kín và cấm đoán chặt chẽ của HĐH này. Nếu iPad sử dụng Mac OS đồng nghĩa với việc tôi có thể chạy các ứng dụng thường ngày của mình trên đó. Nhưng khi iPad ra mắt và chạy iOS tôi hiểu rằng đây chính là chiến lược để đánh chiếm thời kỳ hậu-PC của Apple.
Trong
bài viết hôm qua về lý do thành công của Windows tôi có nói về việc các thế hệ Windows đi sau luôn phải duy trì khả năng tương thích ngược với HĐH đi trước nó. Thậm chí Windows 7 vẫn phải duy trì 1 chế độ giả lập để chạy được các ứng dụng của MS-DOS, 1 HĐH ra đời đã trên 30 năm đã bị khai tử cách đây cả chục năm. Việc duy trì khả năng tương thích ngược với các thế hệ trước giúp HĐH mới thu hút được lượng khách hàng nâng cấp vì các phần mềm mà họ cần chắc chắn sẽ hoạt động được trên HĐH mới.
Tuy nhiên việc bấu víu quá nhiều vào "dĩ vãng" cũng có tác hại của nó. Đầu tiên là việc cứ chất chồng thêm tính năng mới lên nền tảng cũ khiến 1 sản phẩm mới ra đời trở nên phức tạp, rối rắm. Cứ hỏi thử 1 lập trình viên bất kỳ bạn sẽ biết rằng việc duy trì tương thích ngược của 1 phiên bản mới với các phiên bản trước sẽ tiêu tốn rất nhiều công sức của họ. Bên cạnh đó việc phải "dắt díu" quá nhiều phiên bản sẽ khiến sức sáng tạo của 1 sản phẩm bị giới hạn rất nhiều. Windows 7 không có được 1 giao diện cảm ứng cho ra hồn vì vẫn phải cố duy trì giao diện cửa sổ quen thuộc vốn rất không thân thiện với thao tác bằng màn hình cảm ứng. Các tablet chạy Windows như chiếc
Acer W500 mà trước đây tôi từng có điều kiện gửi tới bạn đọc bài đánh giá chính là 1 "nạn nhân" của sự rối rắm trong giao diện của Windows 7. Khi sử dụng tablet tôi không cần tất cả các tính năng của Desktop nhưng sự thực là để duy trì sự thống trị của Windows thì Microsoft vẫn phải bám víu vào chúng cho các sản phẩm tablet.
Và Steve Jobs chọn cách "xây mới" hoàn toàn đối với các thiết bị post-PC của Apple. iPhone, iPad chạy HĐH iOS hoàn toàn mới, không "dây mơ rễ má" gì với Mac OS nữa. Khó khăn duy nhất khi xây dựng 1 nền tảng mới là kho ứng dụng cũng phải làm lại từ đầu thì Apple đã giải quyết ổn thỏa với AppStore quá hùng mạnh.
Như vậy post-PC không chỉ đơn giản là việc trích xuất 1 tính năng cụ thể của PC ra, tối ưu nó rồi tung ra thị trường mà còn là việc cho ra đời những nền tảng hoàn toàn mới. iOS, Android, Windows Phone... là những đứa con của post-PC. Có thể chúng sẽ không bao giờ thay thế được Windows, Mac OS nhưng chúng chính là những nhân tố mới quyết định tương lai của công nghệ điện toán. Kỷ nguyên hậu-PC không có nghĩa là PC sẽ chết mà chỉ đơn giản là các thiết bị như tablet, smartphone càng ngày sẽ càng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống hàng ngày của chúng ta, và chúng sẽ trở thành "đầu tàu" tạo cảm hứng cho những tiến bộ về công nghệ mới, và tất nhiên, là có doanh số tiêu thụ vượt mặt PC truyền thống.
Post-PC không chỉ đơn thuần là sự ra đời của 1 vài thiết bị mới mà nó còn là cả những nền tảng HĐH mới, cách thức tương tác mới.
Kỷ nguyên PC đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp Silicon và các công nghệ bán dẫn, mạng internet... Giờ thì hãy nhìn xung quanh xem, công nghệ hiển thị mới như AMOLED, màn hình cong, e-ink, cách thức giao tiếp với máy tính mới như cảm ứng đa điểm, Siri, hệ thống liên lạc mới như 3G, 4G chẳng phải đều là những tiến bộ xuất phát từ các sản phẩm post-PC hay sao?
Kết luận
Những gì tôi nói trên đây chỉ là sự diễn giải về post-PC dưới góc nhìn của Apple. Trên thực tế, đây là quan niệm về post-PC được thừa nhận rộng rãi nhất. Bên cạnh đó cũng có những cách tiếp cận khác chẳng hạn như Microsoft với Windows 8 cho rằng không cần phải "đập đi xây lại" khi bước vào hậu-PC mà chỉ đơn giản là "đắp" thêm 1 lớp giao diện hợp thời hơn mà thôi. Cách suy nghĩ ấy cũng không có gì là sai và dĩ nhiên là có cái lý của nó. Tôi cũng rất muốn thiết bị post-PC của mình tương thích ngược với các thế hệ PC đi trước.
Nhưng liệu cách tiếp cận của Microsoft có thành công hay không, đó là 1 câu hỏi chỉ thời gian mới đưa ra được câu trả lời. Nhưng có 1 điều mà tôi biết rất rõ: Lý thuyết về post-PC của Steve Jobs đang dần dần chứng tỏ sự đúng đắn của mình thông qua thành công vang dội của những sản phẩm được Apple xây dựng theo hướng đi này. Và nếu phải đặt cửa, tôi sẽ chọn kèo Apple.
Post-PC là 1 xu thế tất yếu và nó đang xảy ra rất nhanh. Dù muốn dù không, một ngày nào đó bạn sẽ cảm thấy mình có nhu cầu mua 1 chiếc tablet hoặc smartphone. Nếu ngày đó tới thì xin chúc mừng, bạn đã chính thức bước chân vào kỷ nguyên hậu-PC.