Tại sao màn hình iPad 2 vẫn “dậm chân tại chỗ”?

Hồng Phượng  | 09/03/2011 10:00 AM

Có nhiều lý do được đưa ra về màn hình của iPad 2 khi độ phân giải vẫn giữ nguyên so với phiên bản đầu. Tại sao Apple là quyết định như vậy?

Trước khi iPad 2 chính thức ra mắt, rất nhiều người dự đoán Apple sẽ cải thiện độ phân giải trên màn hình của chiếc tablet này. Tuy nhiên, họ đã sai, bởi theo thông báo của Steve Jobs ngày 2/3, iPad 2 vẫn sẽ giữ nguyên độ phân giải 1024 x 768 như phiên bản cũ. Ngay lập tức cánh phóng viên đặt ra câu hỏi: Tại sao "Quả táo cắn dở" lại không để con số này “nhích lên” chút nữa?
 
 
Lịch sử phát triển của iPhone có thể cho chúng ta biết được vài manh mối. Apple đã luôn giữ nguyên độ phân giải 480 x 320 cho cả 3 đời smartphone đầu tiên của hãng và chỉ thực sự nâng cấp khi ra mắt iPhone 4 với độ phân giải rất lớn, gấp đôi chỉ số ban đầu: 960 x 640. Sự nâng cấp này cũng đi đôi với thuật ngữ mới, được Apple gọi là "công nghệ Retina", có nghĩa màn hình sẽ thể hiện vượt qua giới hạn nhìn của con người.
 
Sức mạnh của việc nhân đôi
 
Một lí do khiến Apple tăng độ phân giải của iPhone lên gấp đôi chính là tạo thuận lợi hơn cho các nhà phát triển ứng dụng. Bằng việc nhân đôi cả hai chiều cao và chiều rộng, các nhà phát triển ứng dụng sẽ dễ dàng cập nhật sản phẩm của mình theo độ phân giải mới.
 
"Apple thích cải nhiên mọi thứ theo hướng gấp đôi" - Raymond Soneira, Chủ tịch DisplayMate Technologies nhận xét. "Apple buộc phải làm vậy bởi độ phân giải của iPhone 3GS là khá thấp nếu so sánh với các đối thủ trên thị trường. Và độ phân giải thấp cũng khiến việc cải tiến trở nên khó khăn nếu không tăng lên theo cấp số nhân".
 
 
Tuy nhiên, viejec nâng cấp iPad lại gặp khá nhiều rắc rối. Nếu Apple cải thiện độ phân giải của thiết bị này lên gấp đôi, các studio phát triển ứng dụng sẽ gặp vài vấn đề về toán học, khi đó, độ phân giải cần thiết nhảy vọt lên tới 2048 x 1536, lớn hơn rất nhiều so với chuẩn full HD (1920 x 1080).
 
"Đó là điều không cần thiết. Bạn không cần phải nhân đôi độ phân giải màn hình bởi thực tế, chỉ cần độ phân giải ở mức 1600 x 1200, các ứng dụng vốn được thiết kế cho độ phân giải thấp sẽ được chip xử lý đồ họa thay đổi tỉ lệ và nhìn chung là khá mượt". - Soneira cho biết.
 
Bên cạnh đó, việc tăng độ phân giải kéo theo nhiều vấn đề khác. Giá thành màn hình cao hơn là lý do thứ nhất. Với việc phải xử lý quá nhiều điểm ảnh, bộ vi xử lý của iPad 2 sẽ phải hoạt động nhiều hơn. Liệu Apple có thể kéo dài thời lượng pin mà thiết kế sản phẩm vẫn đảm bảo vóc dáng mảnh mai cho iPad 2? Đó là vấn đề thứ 2. Cuối cùng, độ sáng của màn hình hiển thị cũng sẽ chịu ảnh hưởng.
 

 
Soneira giải thích: "Nếu bạn tăng độ phân giải, ánh sáng từ các panel sẽ giảm. CPU phải hoạt động mạnh mẽ hơn và tiêu thụ nhiều điện năng và kết quả là làm giảm thời lượng pin". 
 
"Bạn thực sự không cần đến màn hình Retina cho iPad 2 bởi khoảng cách từ mắt đến sản phẩm khi sử dụng là xa hơn so với iPhone. Về mặt kỹ thuật mà nói, nó chẳng đem lại điều gì cả. Thiết bị sẽ trở nên quá nét hay thậm chí, ngay cả iPhone 4 cũng có độ nét hơn mức cần thiết" - Soneira chia sẻ.
 
Độ phân giải không đổi
 
Nếu phần phía trên của bài viết, chúng ta đã hiểu phần nào tại sao iPad 2 không cần công nghệ Retina hậu thuẫn thì quả thực, việc Apple giữ nguyên độ phân giải cho con cưng của mình vẫn là một câu hỏi được nhiều người quan tâm. Trước khi sự kiện 2/3 chính thức khởi động, Soneira từng đoán "Quả táo" sẽ nâng độ phân giải của model lên 1152 x 768 và chuyển tỉ lệ màn hình thành 3:2, giống như chuẩn trên iPhone, và cũng để không thua thiệt nhiều so với các đối thủ, ví như Motorola Xoom (1280 x 800).
 

 
Dĩ nhiên, cuối cùng Apple đã không làm như vậy. Trong khi hãng từ chối đưa ra bình luận về việc không nâng cấp màn hình iPad 2, nhiều tin đồn trước sự kiện cho rằng có thể "Quả táo" đã gặp vấn đề về kỹ thuật với độ phân giải cao hơn.
 
"Apple hiện đang mua màn hình với số lượng cực lớn. Từ kinh nghiệm làm việc với các nhà sản xuất của mình, tôi biết rằng rất khó để Apple có thể mua một số lượng lớn như thế mà không có kế hoạch đặt trước. Có lẽ là họ đã không có đủ số lượng cần thiết" - Soneria cho biết.
 
Độ phân giải của iPad 3 sẽ cao hơn?
 
Vậy là iPad 2 đã ra đời và vẫn giữ nguyên độ phân giải như phiên bản đầu. Tuy nhiên, nếu bỏ qua khía cạnh đó, sản phẩm vẫn là một lựa chọn đáng giá bởi phần cứng đã được nâng cấp, đúng như kỳ vọng của fan hâm mộ. iPad 2 là thế, vậy liệu iPad 3 sẽ có sự thay đổi nào về màn hình, độ phân giải? Không một ai ngoài Apple biết điều này, nhưng Soneira nghĩ rằng đó là điều Apple nên làm với iPad 3.
 
 

Nhân vật này cũng dự đoán: "Tôi nghĩ vào tầm mùa thu năm nay, độ phân giải 1024 x 768 sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dùng và iPad sẽ bị thúc đẩy bởi cuộc cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường. iPad 2 đang bắt đầu trở nên giống iPhone 3GS, một sản phẩm bị Apple kìm hãm ở độ phân giải 480 x 320 rất lâu".