Tại sao Apple lại có thể bán iPad rẻ mà vẫn lãi cao đến như vậy?

PV  | 13/04/2012 0:00 AM

Vượt trội về thiết kế, hiệu năng và đặc biệt là "tình cảm" của người dùng nhưng iPad, iPhone vẫn có giá tương đối thấp, tại sao vậy?

Cách đây hơn một năm, tôi và nhóm biên tập CNQT của GenK bắt tay đưa tin về sự kiện ra mắt iPad 2, cũng là sự kiện lớn đầu tiên của nhóm khi đó. Điều ấn tượng nhất của tôi trong sự kiện này không hoàn toàn nằm ở tính năng, thiết kế, các thông số kỹ thuật mà là giá rẻ đến bất ngờ của iPad 2 khi đó. Đến năm nay, khi New iPad mới ra mắt, sự ấn tượng này càng thêm sâu sắc khi giá của New iPad bằng với mức giá của iPad 2 khi ra đời trong khi iPad 2 giảm tới 100 USD.
 

 
Thật ra, các tablet khác cũng có mức giá xung quanh giá của iPad nhưng hãy chú ý, hầu hết các hãng sản xuất tablet khác đều công bố lỗ, trong khi dù có mức giá khá "mềm" nhưng iPad vẫn mang lại mức lợi nhuận rất cao cho Apple. Vậy, điều gì đã giúp Apple làm được điều này.
 
iPad, quá hấp dẫn
 
Trừ phi là một anti fan của Apple hoặc có điều gì đó khiến bạn thù ghét íOs đến tận xương tủy thì việc lựa chọn iPad là điều gần như tất yếu (tất nhiên, trừ khi nhu cầu của bạn chỉ là đọc sách thì một số máy tính bảng giá rẻ khác có thể đáp ứng hoàn hảo). Không một đối thủ nào cùng tầm giá có hiệu năng tương đương, chất lượng tương đương với iPad. Dù không muốn nhưng có một sự thật bất cứ ai cũng phải công nhận, Android trên tablet hiện vẫn còn kém quá xa so với iOS cả về sự ổn định, tính năng, lẫn kho ứng dụng. Với nhiều đặc điểm vượt trội, sự phổ biến cộng thêm mức giá quá hấp dẫn, gần như không có một đối thủ Android nào xứng tầm với iPad. Một điều kỳ lạ nữa là những hãng sản xuất tablet khác đều bị lỗ hoặc có lãi rất ít dù sản phẩm có cấu hình, giá tương đương với iPad, ví dụ như Playbook của RIM, TouchPad của HP...
 
 
 
Trong một bài phỏng vấn gần đây, có chuyên gia đã nhận định nếu không có Tim Cook, giá mỗi chiếc iPad sẽ lên tới 5000 USD. Có thể con số này là phóng đại nhưng lý lẽ đưa ra cũng rất hợp lý, quả thật iPad có giá quá rẻ so với chất lượng của nó. Vậy bí mật nằm ở đâu?
 
Câu chuyện cái giá của iPad
 
Muốn đi tìm sự kỳ diệu làm nên mức giá hết sức cạnh tranh của iPad, trước hết, chúng ta hãy nhìn vào công thức dưới đây
 
Lợi nhuận = Doanh thu - Chi phí
 
Một công thức hết sức quen thuộc, đơn giản và ai cũng biết. Nhìn vào công thức, rõ ràng, muốn tăng lợi nhuận có hai cách, hoặc giảm chi phí hoặc tăng doanh thu. Trong bài viết này, tôi sẽ dành hầu hết để nói về yếu tố chi phí. Vấn đề doanh thu sẽ chỉ được đề cập qua ở phần cuối cùng của bài viết. Nếu có điều kiện, chúng ta sẽ cùng bàn về vấn đề mức giá và doanh thu của iPad trong một bài viết khác.
 
Chi phí
 

Tổng chi phí = Chi phí cố định + chi phí biến đổi

 
Có nhiều cách để tính toán tổng chi phí để tạo thành một sản phẩm, công thức trên là một trong số đó. Hiểu một cách nôm na, chi phí cố định là phần chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra trong quá trình sản xuất, không phụ thuộc vào lượng sản phẩm. Trong trường hợp của iPad, đó là các chi phí nghiên cứu thiết kế sản phẩm, chi phí marketing, chi phí quản lý... Chi phí biến đổi là loại chi phí thay đổi phụ thuộc vào lượng sản xuất: chi phí linh kiện, chi phí nhân công. Ngoài ra một khái niệm nữa trong bài viết tôi sẽ sử dụng là chi phí biên - chi phí để sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm.
 
Đầu tiên, xét tới phần chi phí cố định, đây là loại chí phí mà Apple nghiễm nhiên phải trả. Tổng loại chi phí này không thay đổi cho dù Apple có sản xuất bao nhiêu iPad đi chăng nữa. Như vậy, chi phí cố định trên mỗi chiếc iPad sẽ được tính bằng công thức:
 

Chi phí cố định trên sản phẩm = Chi phí cố định/sản lượng

 
Dễ thấy để giảm chi phí cố định trên mỗi sản phẩm, ta có 2 cách: tăng lượng sản phẩm hoặc giảm chi phí cố định. Việc giảm chi phí cố định là rất khó và thực tế loại chi phí này ở các mẫu tablet cũng khá gần nhau. Dễ thấy, với một lượng sản phẩm khổng lồ bán được, chi phí cố định trên mỗi chiếc iPad là rất rất nhỏ. Trong khi đó, các sản phẩm đối thủ bán được một số lượng rất nhỏ (vài chục hoặc vài trăm nghìn sản phẩm so với vài chục triệu của iPad) nên chi phí cố định trên mỗi đầu sản phẩm lớn hơn iPad rất nhiều.
 
Thử làm một phép tính nhỏ, RIM, tính đến báo cáo công bố gần đây nhất cho biết đã bán được khoảng 1 triệu Playbook trong khi đó, ít nhất 40 triệu iPad đã được bán ra. Giả sử chi phí cố định của việc sản xuất iPad gấp đôi RIM thì lượng chi phí cố định trên mỗi sản phẩm của Apple cũng chỉ bằng 5% RIM.
 
 
Tiếp đến là chi phí biến đổi. Không có nhiều điều đáng nói về loại chi phí này bởi nó phụ thuộc vào lượng iPad sản xuất. Có một điểm cần lưu ý, lượng linh kiện Apple mua rất lớn nên giá có lẽ là mềm hơn so với các đối thủ khác. Hơn nữa, các chi phí nhân công, chi phí sản xuất... trên mỗi sản phẩm cũng thấp.
 
Chi phí quản lý, vận chuyển, chi phí vốn...
 
Một câu chuyện đáng nói nữa bên cạnh chi phí sản xuất. Nếu các bạn thường xuyên theo dõi  thông tin của GenK, chắc hẳn bạn nhớ cách đây không lâu chúng tôi có đề cập về sự kỳ diệu trong cách thức quản lý của Apple. Chỉ số luân chuyển hàng tồn kho công ty này đều ở mức khó có thể tin nổi: chỉ số tốt gấp đôi đối thủ Dell, gấp 5 HP. Để giải thích chính xác chỉ số này khá phức tạp nhưng nôm na thì nó cho bạn biết hiệu quả sử dụng vốn của Apple. Điều này lại càng đáng nói hơn khi quy mô doanh thu của Apple là cả trăm tỷ USD mỗi năm, xấp xỉ GDP Việt Nam.
 
Ngoài lề một chút, trường hợp Dell - hãng có hiệu quả sử dụng vốn rất cao (so với mặt bằng chung) nhưng vẫn không thể coi là "kỳ diệu" như Apple bởi lẽ Dell yêu cầu khách hàng đặt hàng trước khi sản xuất và quy mô của Dell nhỏ hơn rất nhiều so với Apple.
 
Sử dụng vốn hiệu quả cộng thêm lượng tiền mặt dồi dào khiến chi phí sử dụng vốn của Apple thấp hơn các hãng khác.
 

 
Tất nhiên, chúng ta cũng không thể bỏ qua một yếu tố quan trọng: tài năng của CEO, trước đây là COO của Apple: Tim Cook. Chính ông là người đã đưa ra quyết định xóa bỏ toàn bộ hệ thống sản xuất cồng kềnh, tốn kém của Apple và outsource sang Trung Quốc. Nếu có điều kiện, chúng ta sẽ cùng bàn đến điều này trong một bài viết khác.
 
Thêm nữa, hệ thống store vững chắc của Apple mà iPad được tận dụng. Hãy nhớ, năm vừa qua, có tới 110 triệu lượt khách hàng đến các Apple Store. Tất nhiên, số tiền chi cho các cửa hàng này vẫn tính vào chi phí bán hàng nhưng rõ ràng, nó thấp hơn nhiều so với các đối thủ khác. Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua được hệ thống phân phối lớn của Apple trên khắp thế giới. Một lưu ý quan trọng những, thương hiệu Apple quá vững chắc khiến cho nhiều người muốn tham gia, đã tham ra mở rộng hệ thống bán hàng của Apple (hệ thống hàng xách tay chẳng hạn), điều này giúp giảm đáng kể chi phí bán hàng của iPad cũng như các sản phẩm khác của "táo khuyết".
 
Kết
 
Bí ẩn về chi phí của Apple cuối cùng có thể tóm gọn trong hai yếu tố: lượng hàng bán khổng lồ và hiệu quả trong việc sử dụng vốn. Hiệu quả sử dụng vốn đề từ tài thao lược của bộ máy đứng đầu bởi Tim Cook còn doanh số khổng lồ đến nhiều từ thương hiệu và sự trung thành tuyệt đối của khách hàng. Tất nhiên, cũng không thể bỏ qua được yếu tố chất lượng tuyệt vời của những chiếc iPad và những gì nó thực sự đem lại cho người dùng.
 
Thế mới thấy, thương hiệu quan trọng như thế nào...