Sự kiện ra mắt iPad 2: Steve Jobs và Apple đang mất dần "ma thuật"?

S&L  | 04/03/2011 0:00 AM

Jobs vẫn xuất hiện tại sự kiện ra mắt iPad 2 nhưng dường như sự hiện diện của ngài CEO đáng kính lần này không mang lại nhiều bất ngờ như trước.

Trong những năm gần đây, mỗi lần Steve Jobs xuất hiện trong một sự kiện ra mắt sản phẩm là giới công nghệ lại được một phen bàng hoàng với những "điều kì diệu" mà ông cùng các đồng nghiệp tại Apple mang đến. Mới cách đây khoảng một năm, iPad gây nên bao ngạc nhiên và mở đầu cho một xu thế máy tính bảng trên thị trường.
 
Hay như iPhone 4 khi được giới thiệu, sản phẩm này cũng khiến không ít người "mắt tròn, mắt dẹt" vì thiết kế tuyệt vời và sức mạnh phần cứng ấn tượng thì hôm nay, sự kiện ra mắt iPad 2 lại diễn ra không có nhiều bất ngờ với hầu hết người đam mê công nghệ.
 
iPad 2: Sản phẩm "dễ đoán" và không nhiều đột phá
 
iPad 2 là một máy tính bảng tốt và có khá nhiều cải tiến so với người tiền nhiệm: Mỏng hơn, nhẹ hơn, mạnh mẽ hơn... Tất cả làm nên một chiếc tablet tuyệt vời và nhiều khả năng sẽ tiếp tục thống trị thị trường trong năm 2011.
 
Về căn bản, điểm ấn tượng đầu tiên ở người dùng đối với iPad 2 chính là "thân hình siêu mỏng" của sản phẩm này. Cụ thể, độ dày của iPad 2 chỉ bằng 2/3 người tiền nhiệm (8,8 so với 13,4 mm), thậm chí nó còn mỏng hơn cả iPhone 4 (9,3 mm). Đồng thời, nó cũng nhẹ hơn 13% so với thế hệ đầu.  
 
 
Tất nhiên, đây là một lợi thế của iPad 2. Tuy nhiên, một người bạn của tôi đã thốt lên rằng "iPod Touch phóng to?" khi nhìn thấy thiết kế chính thức của mẫu máy tính bảng được mong đợi nhất trong năm này. Bởi vậy, đối với nhiều người vốn yêu thích kiểu dáng và sự "đầm tay" của iPad cũ thì đây lại là điều làm họ không hài lòng với sản phẩm mới của Apple.
 
Ngoài ra, điểm làm nhiều người thấy vọng nhất là màn hình iPad 2 vẫn... vậy. Không có sự cải tiến nào về chất lượng của thành phần quan trọng này. Không Retina, không độ phân giải full HD, cũng không có tính năng nào đặc biệt. Màn hình của iPad 2 giống hệt như đàn anh của mình: 9,7 inch, 1024 x 768 pixel. Có thể thấy, độ phân giải và kích thước màn hình iPad 2 không có nhiều sự khác biệt với các đối thủ trên thị trường và thậm chí còn kém một số sản phẩm như HP TouchPad.
 
Tất nhiên, nhiều người sẽ cho rằng chất lượng màn hình của iPad vốn đã quá tốt và Apple không cần thiết phải tiến hành nâng cấp. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng Apple vốn là một công ty đột phát, sáng tạo và luôn áp dụng công nghệ mới vào sản phẩm của mình. Bởi  vậy, không tiến có nghĩa là Apple đang thụt lùi. Chung "số phận" với màn hình, pin của iPad 2 cũng không được cải tiến gì so với đàn anh.
 
 
Về mặt kỹ thuật, iPad 2 cũng tham gia vào "cuộc đua" chip lõi kép khi được trang bị CPU A5 dual-core 1 GHz có xung nhịp tương đương với sản phẩm đình đám Xoom. Tại thời điểm này, chưa thể so sánh chính xác về sức mạnh và hiệu năng của A5 nhưng nhiều khả năng, A5 sẽ vượt trội hơn và đặc biệt là tiết kiệm điện hơn đối thủ. Điểm đáng chú ý của iPad 2 là khả năng xử lý đồ họa sẽ tăng lên rất nhiều với GPU mới được Apple quảng cáo là mạnh hơn 9 lần so với thế hệ cũ.
 
Tuy ấn tượng, nhưng đây cũng là điều được nhiều người dự đoán trước ngày ra mắt. Nhiều người đã chờ đợi ở iPad 2 một bộ vi xử lý vượt trội hơn hẳn so với các đối thủ. Ví như CPU lõi kép tốc độ 1,5 GHz chẳng hạn. Nhưng không, iPad 2 cũng chỉ được trang bị một bộ vi xử lý "tầm tầm" với xung nhịp 1 GHz khá phổ biến hiện nay.
 
 
Camera cũng là một điểm mạnh đáng kể của iPad 2. Mẫu máy tính bảng mới của Apple sở hữu tới 2 camera với chất lượng tương đối cao, hỗ trợ hiệu quả tính năng Facetime - một "đặc sản" của Apple. Mặc dù vậy, cũng như những yếu tố khác, sự xuất hiện của Camera đã được các fan của Quả táo cắn dở dự đoán từ trước.
 
iOS 4.3: Quá bình thường
 
Khó có thể yêu cầu một sự đột phá từ iOS trong thời điểm này. Những thay đổi của Apple trong thời điểm này hầu như chỉ nhằm nâng cấp hiệu năng của hệ điều hành (HĐH).
 

Điểm "đột phá" lớn nhất của iOS 4.3 chính là khả năng chia sẻ kết nối Internet thông qua sóng Wifi. Đây được coi là một cải tiến lớn của iOS mặc dù một số HĐH khác đã có thể chia sẻ kết nối Internet thông qua Wifi từ lâu. Người dùng iPad cũng rất vui khi có thể "tùy biến" nút khóa xoay của mình cho hai mục đích: khóa xoay màn hình và tắt tiếng. 
 
Tất nhiên, các tính năng mới như: Home Sharing, cải tiến Airplay,... cũng quan trọng nhưng nó không thực sự ảnh hưởng quá nhiều đến người dùng iOS.
 
 
 
iOS 4.3 cũng chứng tỏ Apple đã bắt đầu "giật mình" ở mảng thị trường trình duyệt khi nỗ lực cải tiến công nghệ Java trong phần mềm Safari của mình. Tất nhiên, trong tương lai, Java và HTLM 5 sẽ là tương lai của thế giới web. Bởi vậy, với công nghệ mới của mình, Apple đang thách thức Microsoft khi người khổng lồ này đang chứng tỏ sức mạnh vượt trội với Java.
 
Phải chăng Jobs và Apple đang mất dần ma thuật?
 
Không phải iPad 2, cũng không phải iOS 4.3 mà điều làm tôi bất ngờ nhất ở sự kiện lần này của Apple chính là việc... tôi không bị bất ngờ. Thật vậy, đến với các sự kiện giới thiệu sản phẩm của Apple, tín đồ của thế giới công nghệ đã quá quen với việc Quả táo cắn dở khiến họ bất ngờ trước các sản phẩm mới. Trầm trồ, thán phục là những cảm xúc đã quá quen thuộc với mỗi sự kiện của Apple.
 
 
Lần này, điều duy nhất khiến tôi "trầm trồ" có lẽ là mức giá 69$ (tương đương 1,5 triệu đồng) cho một chiếc case. Còn lại, những yếu tố khác như chip lõi kép, GPU mạnh mẽ, camera... hay thậm chí các tính năng mới như Photo Booth đều đã được dự đoán từ trước. Chưa bao giờ, các thông tin "leak" về sản phẩm của Apple lại đúng và chuẩn xác đến vậy. Dường như, Apple đã buộc phải hòa nhịp và dòng chảy chung của làng công nghệ thế giới thay vì những sự đột phát kỳ diệu như trước đây. Phải chăng, Jobs và Apple đang mất hết ma thuật?

Câu trả lời đa phần là có. Apple có thể đã dễ đoán hơn trước rất nhiều. Điều này là đương nhiên bởi hãng đang chịu quá nhiều sự chú ý của giới truyền thông khi đã trở thành công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Có lẽ, hiếm có sự kiện nào được nhiều trang tin và đài truyền hình bình luận như các sự kiện của Apple. Từng hành động, từng sự kiện của hãng được quan tâm như vậy nên chúng ta khó có thể kỳ vọng sự xuất hiện những "ma thuật" như thời điểm hãng mới ra mắt iPhone.
 
 
Hơn nữa, sức sáng tạo là có hạn. Không ai có thể "đột phá" mỗi năm một lần như người dùng kỳ vọng. Quá khó để tạo nên sự khác biệt mạnh mẽ, liên tục trong một thị trường đầy sự cạnh tranh như hiện nay. Rõ ràng, Apple các sản phẩm của mình, như iPad chẳng hạn, đã mở đường, tạo ra các giá trị mới nhưng thật khó để nó liên tục làm nên những điều kỳ diệu để các đối thủ phải đi theo.
 
Sự kiện mùa xuân của Apple đã kết thúc với sự hài lòng của nhiều người nhưng không phải là của những fan nhiệt thành nhất của Apple. Đơn giản, bởi hãng đã giới thiệu một sản phẩm thực sự tốt (iPad 2) nhưng thiếu đi sự đột phá vốn đã thành bản sắc riêng của Quả táo cắn dở.
Xem thêm:

apple

iPad