"Khi tôi gặp Steve, anh ấy là một chàng trai tầm tuổi tôi, mặc quần jeans, trông giống người Do Thái hoặc Ả Rập và đẹp trai hơn Omar Sharif".
Mona Simpson là một tiểu thuyết gia và là giảng viên tiếng Anh tại ĐH California, Los Angeles. Bà đã đọc điếu văn cho anh trai Steve Jobs vào ngày 16/10 tại buổi lễ tưởng niệm ở Nhà thờ Tưởng nhớ của ĐH Stanford.
Tôi là con một sống cùng một bà mẹ đơn thân. Chúng tôi nghèo. Vì tôi biết bố tôi đã di cư từ Syria, nên tôi tưởng tượng ông ấy trông giống như Omar Sharif. Tôi mong ông ấy giàu có, tốt bụng. Ông ấy sẽ bước vào cuộc sống của chúng tôi (và căn hộ tồi tàn của chúng tôi) và thay đổi nó. Sau khi đã gặp bố, tôi cố tin rằng ông phải đổi số điện thoại và bỏ đi mà không để lại địa chỉ vì ông là một nhà cách mạng với nhiều lý tưởng. Ông đang lên kế hoạch cho một thế giới mới của người Ả Rập.
Dù là một người ủng hộ nữ quyền nhưng cả cuộc đời mình, tôi vẫn chờ đợi một người đàn ông để yêu thương. Trong nhiều thập kỉ, tôi từng nghĩ rằng người đàn ông đó là bố tôi. Khi tôi 25 tuổi, tôi gặp người đàn ông đó: anh trai tôi.
Năm 1985, tôi sống ở New York, cố gắng để viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Tôi làm việc cho một tạp chí nhỏ, ở một văn phòng có diện tích bằng một chiếc tủ quần áo cùng 3 nhà văn đầy tham vọng khác.
Vào một ngày, một luật sư gọi cho tôi – một cô gái tầng lớp trung lưu tới từ California, người đã cãi cọ với ông chủ để chúng tôi được mua bảo hiểm y tế. Người luật sư này nói rằng khách hàng của ông là một người nổi tiếng, giàu có và anh ta là người anh trai thất lạc đã lâu của tôi. Khi biết tin này, những đồng nghiệp trẻ của tôi như phát điên. Họ bắt đầu cá cược.
Ứng cử viên hàng đầu là John Travolta. Tôi âm thầm hi vọng rằng mình là một hậu duệ văn học của Henry James – một người tài năng hơn tôi, một người thông minh mà thậm chí không cần cố gắng.
Tôi gặp Steve, một chàng trai tầm tuổi tôi, mặc quần jean, trông giống người Do Thái hoặc Ả Rập và đẹp trai hơn Omar Sharif.
Chúng tôi đã đi bộ khá lâu – một thói quen mà ngẫu nhiên cả hai đều thích. Tôi không nhớ nhiều về việc chúng tôi đã nói gì vào ngày đầu tiên gặp nhau, chỉ nhớ rằng anh ấy có vẻ là người mà tôi muốn làm bạn. Anh giải thích rằng anh làm việc trong lĩnh vực máy vi tính.
Tôi không biết nhiều về máy vi tính. Lúc đó tôi vẫn làm việc với một chiếc máy đánh chữ Olivetti có hướng dẫn sử dụng. Tôi đã kể với Steve rằng tôi đang xem xét để mua chiếc máy vi tính đầu tiên có tên gọi là Cromemco.
Steve nói với tôi rằng đó là một thứ tốt đẹp mà tôi đang chờ đợi. Anh ấy nói rằng anh đang làm một cái gì đó trông sẽ rất đẹp.
Tôi muốn chia sẻ với các bạn một vài điều mà tôi đã học được từ Steve trong suốt 3 giai đoạn riêng biệt, trong suốt 27 năm tôi biết anh ấy. Đó không phải là những giai đoạn tính theo khoảng thời gian, mà là theo tình trạng của anh: cuộc sống đầy đủ, thời gian bệnh tật và khi Steve chết.
Steve đã làm việc ở nơi mà mình yêu quý. Anh làm việc chăm chỉ. Mỗi ngày.
Nhưng ngược lại, anh đãng trí.
Khi anh bị đuổi ra khỏi Apple, mọi thứ thật đau buồn. Anh ấy đã nói với tôi về bữa tối mà ở đó 500 nhà lãnh đạo Silicon Valley đã gặp Tổng thống đương thời mà Steve không được mời.
Bị tổn thương nhưng Steve vẫn làm việc ở Next. Mỗi ngày.
Sự mới lạ không phải là giá trị cao nhất của Steve. Vẻ đẹp mới là giá trị cao nhất.
Steve khá trung thành. Nếu thích một cái áo, anh ấy sẽ đặt mua 10 hoặc 100 cái. Trong ngôi nhà ở Palo Alto, có thể có đủ áo cotton cổ lọ màu đen cho tất cả mọi người trong nhà thờ này.
Steve không ủng hộ mánh lới. Anh giống những người ở độ tuổi của mình.
Triết lý thẩm mỹ của Steve làm tôi nhớ đến một câu nói: “Thời trang là cái trông có vẻ đẹp bây giờ nhưng xấu xí sau này; nghệ thuật có thể xấu xí lúc đầu nhưng sẽ đẹp sau đó”.
Steve luôn khao khát làm ra "cái đẹp sau đó".
Anh sẵn lòng chấp nhận bị hiểu lầm.
Sự mới lạ không phải là giá trị cao nhất của Steve. Vẻ đẹp mới là giá trị cao nhất với ông.
Steve giống như một cô gái khi nói về tình yêu. Tình yêu là ưu điểm lớn nhất, là thần của các vị thần của Steve. Anh quan tâm tới cuộc sống tình cảm của những người làm việc cùng mình.
Bất cứ khi nào anh nhìn thấy một người đàn ông, anh đều nghĩ tới một phụ nữ và gợi ý: “Này, đang cô đơn à? Có muốn ăn tối với em gái tôi không?”
Tôi nhớ rằng vào cái ngày mà anh gặp Laurene, Steve đã gọi cho tôi: “Có một phụ nữ rất xinh đẹp. Cô ấy thực sự thông minh và có một chú chó. Anh sẽ kết hôn với cô ấy”.
Khi Reed được sinh ra, anh ấy bắt đầu bận rộn và không còn chút thời gian nào rảnh nữa. Anh là một ông bố tâm lý. Steve chọc tức bạn trai của Lisa, khích động Erin vì độ dài của chiếc váy và quan tâm tới sự an toàn của Eve khi ở cạnh những con ngựa mà con bé yêu mến.
Không ai trong số chúng tôi tham gia bữa tiệc tốt nghiệp của Reed quên được cảnh Reed và Steve nhảy múa. Anh tin rằng tình yêu có mặt ở mọi lúc, mọi nơi. Steve không bao giờ mỉa mai, không bao giờ hoài nghi, không bao giờ bi quan. Tôi đã cố gắng học điều đó.
Steve thành công khi còn trẻ và cảm thấy rằng điều đó đã làm bản thân bị cô lập. Hầu hết những lựa chọn mà anh đưa ra trong khoảng thời gian tôi biết anh đều nhằm phá tan những bức tường cô lập bao vây xung quanh mình. Là một cậu bé tầng lớp trung lưu tới từ Los Alto, anh yêu một cô gái trung lưu tới từ New Jersey. Điều quan trọng là cả hai đều nuôi dạy Lisa, Reed, Erin và Eve như những đứa trẻ bình thường.
Dù là một triệu phú trẻ nhưng Steve luôn đón tôi ở sân bay. Anh mặc chiếc quần jean và đứng đó.
Khi một thành viên trong gia đình gọi tới nơi làm việc của Steve, thư kí Linetta sẽ trả lời: “Bố bạn đang họp. Bạn có muốn ngắt quãng ông ấy không?”
Steve rất khiêm tốn. Anh đã kể rằng mình thích tới cửa hàng xe đạp ở Palo Alto nhiều như thế nào và anh hân hoan nhận ra rằng mình đủ khả năng để mua chiếc xe đạp tốt nhất ở đó. Và anh đã mua.
Một lần Steve nói với tôi rằng nếu mình lớn lên theo cách khác thì có thể đã trở thành một nhà toán học. Anh luôn nói về các trường đại học một cách tôn kính và thích đi bộ quanh khuôn viên ĐH Stanford.
Steve trau dồi những kiến thức rất khác thường. Có CEO nào biết về lịch sử của tiếng Anh, hồng trà Trung Quốc và yêu thích loài hoa hồng David Austin không?
Anh có những bất ngờ cất giấu trong ngăn kéo. Tôi dám cá rằng Laurene sẽ phát hiện ra những bài hát mà Steve yêu thích, một bài thơ được cắt ra và đặt trong ngăn kéo – thậm chí sau 20 năm kết hôn. Tôi nói chuyện với Steve hằng ngày nhưng khi tôi mở tờ New York Times ra và thấy một bài viết về bằng sáng chế của Apple, tôi vẫn thấy ngạc nhiên và vui mừng khi thấy một bản phác thảo cho một chiếc cầu thang hoàn hảo.
Với 4 đứa con cùng vợ và tất cả chúng ta, Steve đã có rất nhiều niềm vui. Steve trân trọng hạnh phúc.
Sau đó, Steve bị bệnh và chúng tôi chứng kiến cuộc sống của anh bị thu hẹp vào một vòng tròn nhỏ hơn. Anh thích đi bộ dọc Paris và tìm ra một cửa hàng tự làm mì lạnh soba nhỏ ở Kyoto.
Cuối cùng, ngay cả những thú vui bình thường cũng không thể níu giữ được anh nữa.
Tuy vậy, những điều làm tôi ngạc nhiên và những điều tôi học được từ quãng thời gian bệnh tật của Steve là vẫn còn rất nhiều thứ ở lại sau khi rất nhiều thứ đã ra đi.
Steve không bao giờ mỉa mai, không bao giờ hoài nghi, không bao giờ bi quan.
Tôi nhớ anh trai tôi lại một lần nữa học cách đi bộ cùng một chiếc ghế. Sau khi cấy ghép gan, vào một ngày, anh đã đứng dậy được bằng đôi chân của mình – đôi chân quá gầy guộc để chống đỡ cả thân hình, cánh tay bám vào phía sau chiếc ghế. Anh đã đẩy chiếc ghế dọc hành lang bệnh viện Memphis để tới khu điều dưỡng, sau đó ngồi xuống ghế, nghỉ ngơi, quay lại và đi bộ trở lại một lần nữa. Steve đếm số bước mình đi được và mỗi ngày ép mình đi xa hơn ngày hôm trước.
Laurene đã nhìn vào mắt chồng và nói: “Anh có thể làm được điều này, Steve”. Đôi mắt Steve mở to, môi mím chặt vào nhau.
Anh đã cố gắng, luôn luôn cố gắng trong đó tình yêu thương là điều cốt lõi của những nỗ lực đó.
Tôi nhận ra rằng trong suốt khoảng thời gian đáng sợ đó, Steve đã không chịu đựng nỗi đau cho chính mình. Anh đã đặt ra những đích đến: đó là lễ tốt nghiệp phổ thông của cậu con trai Reed, chuyến đi Tokyo của cô con gái Erin, lễ hạ thủy chiếc du thuyền dự định để đưa cả gia đình đi vòng quanh thế giới, nơi mà anh hi vọng mình và Laurene sẽ nghỉ hưu vào một ngày nào đó.
Không ai trong số chúng ta biết chắc chắn về việc sẽ tồn tại trên thế gian này bao lâu. Tôi cho rằng nếu gọi cái chết của một người mắc bệnh ung thư trong nhiều năm là bất ngờ thì không hoàn toàn chính xác, tuy nhiên sự ra đi của Steve là điều không ngờ tới với chúng tôi.
Điều tôi học được từ sự ra đi của anh trai tôi là sự quan trọng của nghị lực.
Sáng ngày thứ Ba, anh gọi cho tôi và đề nghị tôi nhanh chóng tới Palo Alto. Giọng xúc động, anh xin lỗi vì đã rời bỏ chúng tôi.
Anh bắt đầu nói lời tạm biệt. Tôi đã ngăn lại và nói: “Đợi đã! Em đang đến. Em đang trên taxi tới sân bay. Em sẽ tới đó”.
“Anh sẽ nói chuyện với em bây giờ vì anh e rằng em sẽ không tới kịp”.
Khi tôi tới, Steve và Laurene đang trò chuyện. Anh nhìn vào mắt những đứa con. Tới khoảng 2 giờ chiều, hơi thở của Steve thay đổi. Tôi cảm thấy, anh lại đang đếm những bước đi của mình, buộc phải đi xa hơn lần trước đó.
Đây là điều tôi đã học được từ anh: ngay lúc đó anh vẫn đang làm việc. Cái chết không đến với Steve mà anh tìm đến nó.
Khi nói lời tạm biệt, anh đã nói rất tiếc vì chúng tôi không thể sống trong tuổi già cùng nhau như dự kiến, rằng anh sẽ tới một nơi tốt hơn.
Những lời cuối cùng của Steve được lặp đi lặp lại 3 lần.
Trước khi ra đi, Steve đã nhìn cô em gái Patty, sau đó tới những đứa con, rồi cuối cùng là Laurene.
Những lời cuối cùng của Steve là: Oh Wow. Oh Wow. Oh Wow.