Sợ lắm rồi khuyến mại khủng, siêu giảm giá

Phi Phong  | 24/07/2011 11:30 AM

Thủ thuật “chim mồi” vẫn được nhiều nơi áp dụng và áp dụng rất thành công. Chỉ cần tung khuyến mại shock, dụ được khách đến với mình thì cơ hội bán hàng chắc chắn tăng rất cao.

Các siêu thị điện máy, tin học lớn luôn là nơi tung ra nhiều khuyến mại khủng trong ngành hàng điện tử công nghệ. Nhưng thay vì lấy thiện cảm của số đông khách hàng, qua mỗi sự kiện như thế các doanh nghiệp trong nước ít nhiều lại cho thấy tác phong tổ chức thiếu chuyên nghiệp, tư tưởng cạnh tranh không lành mạnh. Còn khách hàng khi được hỏi, không ít người đáp lại bằng những cái lắc đầu e dè. Phải chăng, "văn hóa khuyến mại" đang là điều còn thiếu ở đây?
 
Văn hóa khuyến mại” kiểu xô đẩy, chen lấn
 
Chen lấn, xô đẩy, không hàng lối, nạn móc túi hoành hành -những điều tưởng như chỉ có ở chốn chợ trời lại luôn xuất hiện khi một "đại gia" nào đấy tổ chức khuyến mại khủng. Mới đây nhất, khi Pico khai trương siêu thị PicoPlaza tại phố Tây Sơn, Hà Nội kịch bản ấy thêm một lần tái diễn.
 
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ sau chưa đầy 30 phút mở cửa, cảnh chen lấn hỗ loạn đã xảy ra tại buổi lễ khai trương. Giao thông trên cả con phố cũng tắc nghẽn nhiều giờ liền vì dòng người đổ đến mua sắm hàng khuyến mại quá đông. Có những người đau xót khi vừa chạm đến được món hàng cần mua cũng là lúc phát hiện ra chiếc ví của mình không cánh mà bay.
 
Tuy nhiên, theo nhiều người thì cảnh chen lấn thế này vẫn còn... nhẹ nhàng chán bởi cũng ở Hà Nội, người ta còn được chứng kiến những buổi khuyến mại kinh hoàng hơn thế. Trong ký ức của Duy Hưng – sinh viên đại học Xây Dựng, vẫn còn nhớ như in cái ngày siêu thị Trần Anh tổ chức bán hàng giờ vàng cách đây hơn một năm.
 
Ngay khi người của ban tổ chức đứng ra phát phiếu mua hàng thì cũng là lúc sóng người phía sau tràn lên. Hàng nghìn con người, không có tổ chức, vô trật tự lao vào cuộc giành giật những lá phíếu giảm giá ít ỏi. Hàng rào thép bị đạp đổ, sân khấu tan hoang, còn lực lượng bảo vệ thì tỏ ra bất lực. Lần này không chỉ chen lấn, xô đẩy mà còn xảy ra tình trạng cướp phiếu mua hàng. “Mình bỏ cuộc và muốn ra ngoài vì quá nản với cảnh mua sắm thế này, nhưng cũng phải mất gần 1 giờ mới thoát khỏi đám đông hỗn loạn ngày hôm đấy” - Duy Hưng nhớ lại.
 
 
Thực tế, đó đều không phải lần đầu tiên Pico hay Trần Anh tổ chức bán hàng giảm giá lớn. Nhưng hình như kinh nghiệm từ các lần tổ chức trước chẳng giúp gì được cho các doanh nghiệp này? Ai cũng biết văn hóa xếp hàng luôn là điều còn thiếu ở người tiêu dùng Việt Nam, nhưng cái cần nhìn nhận ở đây là các đơn vị tổ chức đã thực sự nghiêm túc với chương trình của mình chưa? đã đầu tư đúng mức cho khâu tổ chức?
 
Khuyến mại có thể xem là hình thức vừa để tri ân, thu hút khách hàng, vừa để quảng bá tên tuổi. Nhưng lạm dụng các sự kiện khuyến mại để PR thương hiệu thái quá, quên đi lợi ích của khách hàng thì quả thật đáng lên án. Chúng tôi biết nhiều doanh nghiệp đã chi hàng chục triệu đồng cho khâu quáng bá chương trình trên các phương tiện thông tin, thu hút hàng nghìn lượt người đổ về , nhưng lại chẳng thể đầu tư cho khâu tổ chức hiện trường một cách nghiêm chỉnh.
 
Những hình ảnh kinh hoàng về một buổi giám giá lớn.
 
Anh Hoàng - nhân viên marketing tại một trong các siêu thị điện máy lớn của Hà Nội (xin không nêu tên) khẳng định: “Để tránh cảnh hỗn loạn chẳng thiếu giải pháp đâu. Như phát phiếu trên website, đăng ký online, hay tăng cường an ninh..v...v.. nhiều lắm. Nhưng đôi lúc, nhiều nơi lại cứ muốn cảnh ồn ào, tấp nập thế đấy”. Một vài khách hàng thì tỏ thông cảm khi cho rằng năng lực tổ chức của doanh nghiệp chỉ đến thế. Nhưng với số vốn hoạt động hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, bộ phận marketing tuyển chọn, tổ chức chuyên nghiệp, chúng tôi lại không cho rằng vấn đề nằm ở "năng lực".
 
Khuyến mãi để chơi xỏ đối thủ, đánh lừa khách hàng?
 
Ở một góc nhìn khác, khuyến mại cũng là một cuộc cạnh tranh ngầm giữa các đơn vị bán hàng. Nhẹ nhàng nhất thì thấy đổi thủ tổ chức khuyến mãi mặt hàng nào, mức chiết khấu bao nhiêu %, doanh nghiệp cũng căng lên biển quảng cáo ý hệt để kéo lại khách hàng. Còn không, nhiều thủ thuật kinh doanh không mấy lành mạnh được mang ra áp dụng, vừa phá hỏng chương trình, vừa ít nhiều hạ uy tín đối thủ. Thực tế này cũng diễn ra thường xuyên, y hệt như chuyện cứ khuyến mại khủng là tiếp diễn cảnh chen lấn, xô đẩy, tranh cướp...
 
 
Cũng trong dịp Pico khuyến mại giám giả lớn vừa qua tại PicoPlaza, 2000 chiếc TV Sharp 32inch mà đơn vị này bán giá shock cho khách hàng lại được Trần Anh gọi bằng cái tên “hàng tồn” trong một chương trình khuyến mãi được dựng lên ngay cùng lúc. Hai siêu thị nằm gần đối diện nhau trên cùng một con phố, một doanh nghiệp treo biển bán TV nhập khẩu, giá cực tốt mừng khai trương, một doanh nghiệp treo biển hàng tồn cần thanh lý giá tốt. Rõ ràng, ai cũng hiểu điều gì đang diễn ra.
 
Chuyện sử dụng khuyến mãi để chơi xỏ, đánh lừa người dùng thì mới thật sự đáng nói. Bởi câu chuyện này có kể cả ngày cũng chưa hết mánh của đơn vị tổ chức. Mất niềm tin vào các thông báo khuyến mãi khủng của nhiều siêu thị điện máy, cửa hàng tin học, Quang Hùng chia sẻ với chủng tôi về câu chuyện đi mua ổ cứng giám giá của mình. “Không kể thì chẳng ai tin, nhưng mình đã từng có lần đứng chờ trước khi siêu thị Đ.K mở cửa để mua cho được ổ cứng  500GB giá chỉ 750K, nhưng vừa vào cửa nhân viên đã khẳng định ổ bán hết rồi, trong khi mình là một trong những khách hàng đến sớm nhất”.
 
Ở đây, dù phải cung cấp thông tin cụ thể về mặt hàng, số lượng, mức giảm giá cho các cơ quan chức năng quản lý, nhưng chính người dùng lại không hề được tiếp cận các thông tin cần thiết ấy. "Số lượng hạn chế" hay "khuyến mại số lượng lớn" vì thế cũng chẳng khác nhau nhiều bởi có ai đưa ra con số định lượng, ở vị trí dễ thấy cho khách hàng?
 
 
Phương, một khách hàng nữ từng có lần bị mua hố khi mua chiếc laptop Acer do cũng quá tin vào giảm giá. Lần đó, mục đích của cô là đến mua 1 model của Dell được giảm giá tốt. Cô đã nghiên cứu rất kỹ ở nhà, thậm chí có gọi điện hỏi trước khi mua. Nhưng khi đến nơi Phương lại được báo model vừa hết hàng, nhân viên bán hàng thì rất nhiệt tình giới thiệu máy khác cũng có mức giảm giá tốt, tầm tiền tương tự của Acer. Phần vì tiếc công đi lại, phần vì cần máy thực sự, và thấy cũng có khuyến mại Phương đã chọn sản phẩm Acer. Nhưng khi về đến nhà, cô mới vỡ lẽ giá khuyến mãi ở siêu thị này lại vẫn cao hơn giá ở nhiều nơi khác.
 
Thực tế, thủ thuật “chim mồi” này vẫn được nhiều nơi áp dụng và áp dụng rất thành công. Chỉ cần tung khuyến mại shock, dụ được khách đến với mình thì cơ hội bán hàng chắc chắn tăng lên rất cao.
 
Điều 180, Luật Thương Mại năm 2005 quy định rất rõ: "Khuyến mại là hành vi thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định". Nhưng có lẽ, lợi ích cả về vật chất lẫn tinh thần của khách hàng đều đã bị doanh nghiệp xem nhẹ, thậm chí lợi dụng. Phải chăng đã đến lúc người ta cần xem lại vấn đề "văn hóa khuyến mại"?