Hãng Fujitsu của Nhật hôm thứ 4 vừa công bố sản xuất thành công siêu máy tính cho tốc độ xử lý 10,51 triệu tỷ (10,51 petaflop) phép tính mỗi giây, vượt qua kỉ lục 8 petaflop của siêu máy tính K của chính hãng này.
Được biết đến với cái tên máy tính K (K Computer), đây là siêu máy tính đầu tiên có thể thực hiện hơn 10 triệu tỷ phép tính mỗi giây và chắc chắn sẽ được ghi vào kỉ lục là siêu máy tính nhất thế giới khi danh sách 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới được công bố vào tuần sau.
Siêu máy tính K Computer của Nhật.
Danh sách 500 siêu máy tính được công bố gần đây nhất là vào hồi tháng 6 và chính máy tính K của Nhật đã dành ngôi vương từ Tianhe-1A của Trung Quốc.
K Computer do bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao Khoa học và Công nghệ của Nhật hợp tác xây dựng.
Fujitsu đã xây dựng siêu máy tính của mình bằng bộ xử lý SPARC64 VIIIfx - chip được thiết kế đặc biệt dành cho các loại máy tính có hiệu năng cao.
Theo chuẩn benchmark Linpack, K Computer cho hiệu năng trung bình khoảng 93% so với tốc độ tối đa của nó. Vào tháng 6, tốc độ đỉnh nhất của K Computer là 8,162 petaflop.
Dù K Computer đã cho tốc độ rất “khủng” nhưng người ta dự đoán kỉ lục này sẽ nhanh chóng bị phá vỡ khi ông lớn trong việc sản xuất siêu máy tính là IBM và hãng Cray đang xây dựng cỗ máy 20 petaflop có thể ra mắt vào năm sau.
Các chuyên gia về siêu máy tính cho rằng ngành công nghiệp này sẽ chứng kiến nhiều cột mốc lớn trong thời gian tới. “Chúng ta sẽ được chứng kiến phần cứng máy tính có thể thực hiện các phép tính quy mô cực lớn vào năm 2017 hoặc 2018, nhưng liệu ứng dụng phần mềm có đủ sức duy trì hiệu năng của phần cứng ở mức đó hay không? Có lẽ chúng ta sẽ chưa làm được điều đó cho đến năm 2020” - Phó chủ tịch của HPC Systems cho biết.
Về lý thuyết, vào thời điểm này, các hãng công nghệ đã có thể phát triển siêu máy tính quy mô lớn, nhưng do những cỗ máy như vậy sẽ tiêu tốn quá nhiều điện năng. K Computer của Fujitsu hồi tháng 6 khi đạt mức 1 petaflop đã tiêu thụ hết 9,89 megawatts điện, tương đương với 9,89 triệu USD mỗi năm.