Samsung đã chính thức trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến chống
Android do Apple phát động. Hồi 0h đêm nay giờ Việt Nam, 1 tòa án ở quận Düsseldorf, Đức đã ban bố lệnh cấm sơ bộ, theo đó, sản phẩm Galaxy Tab 10.1 của Samsung bị cấm bán trên toàn liên minh Châu Âu ngoại trừ Hà Lan. Cấm lệnh sơ bộ này đi kèm với án phạt 350 ngàn USD nếu Samsung còn cố ý vi phạm phán quyết này hoặc tiếp tục vi phạm quyền sáng chế của Apple trong thời gian vụ kiện tụng về vấn đề quyền sáng chế giữa 2 hãng đang diễn ra.
Cấm lệnh sơ bộ (preliminary injunction) không có nghĩa rằng tòa án đồng tình với những cáo buộc của Apple, mà nó có ý nghĩa ngăn chặn sản phẩm của Samsung có thể được bán ra thị trường và làm lợi bất chính cho Samsung trước khi phán quyết cuối cùng trong vụ kiện được đưa ra. 1 cấm lệnh sơ bộ như thế này thường chỉ được ban hành khi Apple thuyết phục được quan tòa rằng họ có nhiều khả năng sẽ thắng trong vụ kiện với Samsung. Khi 1 quan tòa cảm thấy Samsung có thể đang vi phạm những cáo buộc từ phía Apple, ông ta sẽ ban bố 1 cấm lệnh sơ bộ, mà ở đây là cấm bán sản phẩm của Samsung để tránh trường hợp sau khi vụ kiện kết thúc (có thể kéo dài hàng năm) thì những thiệt hại cho phía Apple là "chuyện đã rồi".
Galaxy Tab 10.1 là sản phẩm tablet mới nhất của Samsung cập bến châu Âu, những đợt hàng đầu tiên mới chỉ bán ra chính thức vào tuần trước và nó đã lập kỉ lục là chiếc tablet bán chạy nhất ở châu lục này, nếu không kể tới iPad 2.
Có vẻ như cuộc chiến pháp lý giữa Android với Apple đang dần có những chuyển biến theo chiều hướng xấu cho Android khi mà các hãng ủng hộ nền tảng này liên tục nhận được những phán quyết bất lợi tại tòa. Cách đây 2 tuần,
HTC, hãng sản xuất smartphone Android lớn thứ 2 thế giới cũng vừa nhận được phán quyết của 1 toàn án tại Mỹ tuyên bố rằng họ vi phạm quyền sáng chế của Apple.
Sau chiến thắng tại tòa án Đức, đại diện Apple, Kristin Huguet xác nhận rằng Apple đã nhận được thông tin từ phán quyết này và rằng "việc các sản phẩm của Samsung trông giống sản phẩm của Apple từ hình dáng đến cách đóng gói không phải là chuyện trùng hợp ngẫu nhiên, và kiểu sao chép trắng trợn như vậy là vô cùng sai lầm. Và chúng tôi phải bảo vệ các sở hữu trí tuệ của Apple khi công ty khác ăn cắp những ý tưởng đó".
Trong khi đó, người phát ngôn của Samsung, Kim Titus, lại bày tỏ sự thất vọng vì phán quyết này của tòa và cho biết thêm rằng đơn yêu cầu cấm bán sản phẩm của hãng này do Apple gửi tới tòa án Đức đã không hề có bất kỳ hình thức thông báo nào gửi tới Samsung. Phán quyết này của tòa án, theo Samsung, đã được ban hành mà "không có sự hiện diện cũng như bất kì bằng chứng gì từ phía Samsung". Bên cạnh đó, Samsung cũng tuyên bố hãng này vẫn sẽ giữ nguyên các nỗ lực pháp lý ở Đức cũng như toàn cầu để lật ngược lại cấm lệnh này, đồng thời vô hiệu hóa các cáo buộc mà Apple đưa ra. Hiện cuộc chiến pháp lý xoay quanh vấn đề sản phẩm Samsung "nhái" theo thiết kế của Apple đã lan ra 7 quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có Hoa Kỳ.
Phán quyết của tòa án Quận Düsseldorf được cho là khá chóng vánh, tòa án này từng khá nổi tiếng với các cấm lệnh nhanh về vấn đề quyền sáng chế kiểu như thế này. Tòa án này từng có "tiền sử" thường hay nghiêng về phía nguyên đơn trong các vụ kiện cáo liên quan đến xâm phạm quyền sáng chế. Vì vậy cấm lệnh mới nhất này dù được coi là khá bất ngờ, nhưng lại không có gì là khó hiểu. Thêm vào đó, luật quyền sáng chế của Đức cũng khiến việc ban bố các cấm lệnh tạm thời khá đơn giản trong những vụ kiện liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Và bộ luật này của Đức cũng giúp cho các hãng đi kiện dễ lấy được lệnh cấm tạm thời sản phẩm của đối thủ trước khi phán quyết cuối cùng được đưa ra hơn so với ở Hoa Kỳ.
Một cấm lệnh sơ bộ như thế này không có hiệu lực vĩnh viễn, và có thể được gỡ bỏ nếu trong phiên xét xử tuần tới, Samsung có thể thuyết phục quan tòa này thay đổi ý kiến. Tuy nhiên những phán quyết như thế này cũng có thể sẽ có hiệu lực cho tới cuối của vụ kiện tụng, có thể kéo dài tới hàng năm. Và đối với vòng đời sản phẩm chỉ từ 6 tháng đến 1 năm, một phán quyết như thế này cũng chẳng khác gì việc cấm vĩnh viễn sản phẩm Galaxy Tab 10.1 khỏi thị trường châu Âu.
Hà Lan nằm ngoài cấm lệnh được ban bố trên toàn liên minh châu Âu vì quy trình pháp lý của nước này có những điểm khác biệt so với các nước còn lại trong khối. Nhưng Apple cũng đã tiến hành những thủ tục pháp lý riêng biệt để tìm cách cấm bán tạm thời Galaxy Tab 10.1 trên cả thị trường Hà Lan.
Bên cạnh châu Âu, Apple đã đệ trình yêu cầu cấm bán Galaxy Tab 10.1 ở Úc và Hoa Kỳ. Ở Úc, vì ảnh hưởng của đơn kiện từ Apple mà ngày ra mắt Galaxy Tab 10.1 đã phải hoãn lại, còn ở Hoa Kỳ, đơn khiếu nại của Apple hiện còn chưa nhận được hồi đáp.
Rõ ràng mọi chuyện đang tiến triển theo chiều hướng rất xấu cho cả Samsung lẫn Android. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các bài viết tới đây về sự kiện này.