Có lẽ câu hỏi trên là một trong những nan đề mà hầu hết người sử dụng máy vi tính đều từng phân vân ít nhất 1 lần. Đáp án của nó nhìn chung là đơn giản. Cứ nói ngắn gọn thế này: Nếu ngay từ đầu bạn không biết phải trả lời câu hỏi ấy như thế nào, thì lời đáp dành cho bạn là "Rất cần!".
Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ, sử dụng Anti-virus (AV) không có nghĩa là bạn được an toàn tuyệt đối, và ngược lại "cự tuyệt" các phần mềm diệt virus cũng không đồng nghĩa với việc chiếc PC của bạn chắc chắn... đi tong. Việc có sử dụng AV hay không, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, mà trong đó ý thức, thói quen và sự hiểu biết của người sử dụng mới là những nhân tố quyết định. Nói cho cùng, các phần mềm diệt Virus chỉ là 1 miếng ghép rất nhỏ trong hành trình tìm giải pháp bảo đảm "sức khỏe" cho chiếc PC thân yêu.
Và sau đây là 4 lý do bạn không cần phải sử dụng AV:
1. Internet nói riêng và công nghệ thông tin nói chung là một môi trường đầy rẫy hiểm nguy...
Đó chính là điều mà các công ty bán phần mềm bảo mật muốn bạn tin vào. Có thể bạn không để ý, nhưng tất cả các hội nghị về an ninh mạng, an ninh thông tin dường như chỉ toàn đem lại tin xấu. Biến thể mới của họ virus xxx đang hoành hành, xuất hiện phương pháp tấn công mới trên lỗ hổng trình duyệt, hệ điều hành xxx đã bị hacker hạ gục lần đầu tiên v...v...
Tất cả những thông tin kể trên được các công ty bán phần mềm bảo mật công bố, rồi được báo mạng lan truyền. Sau mỗi lần như thế, thế giới dường như đen tối đi 1 chút, và bạn càng ngày càng cảm thấy lo ngay ngáy về việc 1 ngày nào đó ở đâu đó, có 1 tên hacker xấu bụng sẽ lợi dụng được các lỗ hổng kể trên để đột nhập và thao túng máy tính của bạn.
Nhìn chung cộng đồng mạng thường hay thích thú với những viễn cảnh đen tối hoặc thảm họa khủng khiếp. Vì vậy mỗi khi có thông tin về 1 lỗ hổng được các công ty bảo mật "khám phá", những tin tức ấy sẽ lan truyền trong cộng đồng với tốc độ ánh sáng. Một đồn mười, mười đồn trăm và chỉ sau mấy ngày cả thế giới sẽ náo loạn cả lên vì lo sợ cả thế giới công nghệ thông tin sẽ sụp đổ trong chớp mắt chỉ vì một lỗ hổng nho nhỏ.
Một ví dụ tiêu biểu cho vấn đề này đó là sự kiện Y2K. Nếu bạn đọc nào đủ lớn để nhớ về Y2K thì sẽ hiểu sự kiện này có sự ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội ngày đó như thế nào. Cả những người không sử dụng máy tính cũng nghe tới nó. Ngày diễn ra Y2K, mẹ tôi không cho tôi bật máy tính lên vì sợ... hỏng. Rút cục Y2K qua đi mà chẳng để lại 1 thiệt hại nào đáng kể, nhưng người dùng máy tính cũng chẳng bớt ngây thơ chút nào.
Y2K đã trở thành 1 ví dụ điển hình về "báo động giả" trong CNTT.
Nhớ cách đây vài năm khi kĩ thuật tấn công clickjacking ra đời, khi ấy tôi còn đang công tác trong ngành an ninh thông tin. Đã có những dự đoán hết sức đen tối về chuyện ClickJacking có thể trở thành cơn "ác mộng" đối với người sử dụng Internet. Sự thực là tới tận bây giờ, hơn 4 năm sau ngày ClickJacking được "khai quật", các hacker cũng chưa ứng dụng kỹ thuật tấn công này vào việc gì ngoài vài trò chọc phá nho nhỏ.
ClickJacking không gây ra nhiều thiệt hại như người ta từng lo ngại.
Nói dài dòng như vậy để bạn đọc hiểu rằng, mặc dù Internet cũng như CNTT là một môi trường đầy rẫy hiểm họa, nhưng không có nghĩa là tất cả các mối đe dọa ấy đều "chực chờ" bạn sa chân. Ở các thị trường như Việt Nam, nơi mà thanh toán trực tuyến chưa thực sự phát triển, thì lợi ích của 1 hacker khi tấn công vào 1 cá nhân hay 1 hệ thống hầu như mới chỉ dừng ở mức phá hoại chứ chưa phải tìm kiếm lợi nhuận.
Và những trò chọc phá kiểu ấy thường có tới 99% không ảnh hưởng tới người dùng cuối. Lần sau nếu có nghe "ở bên Tây" người ta phát hiện ra 1 lỗ hổng rất nguy hiểm, hãy yên lòng vì có khả năng bạn sẽ không chịu ảnh hưởng từ những sự cố như vậy.
Tóm lại, các công ty bán phần mềm AV sẽ tìm đủ mọi cách để "dọa dẫm" bạn, hãy là 1 người tiêu dùng "có bản lĩnh" trước những "câu chuyện cảnh giác" nhan nhản trên mạng. Biết phân biệt đâu là nguy cơ và đâu là hiểm họa, bạn đã có thể tự bảo vệ mình trước các... phần mềm diệt Virus một cách rất hiệu quả. Tốt cho bạn, và tốt cho cả... hầu bao của bạn nữa.
2. Virus và Trojan sẽ "thịt" những ai ngây thơ trước
Duyệt "web đen" và click vào banner quảng cáo, tải crack trên các site phát hành phần mềm lậu, cắm ổ nhớ USB "vô tội vạ"... là một trong số những nguyên nhân lây nhiễm Virus thường gặp nhất ở Việt Nam. Nhìn chung đối với những kiểu lây nhiễm như thế này AV là một trong những lá chắn hữu hiệu. Các phần mềm AV như Kaspersky, Norton Antivirus đều có tính năng "live scan" giúp bạn phòng tránh những hiểm họa trên rất hiệu quả. Tuy nhiên còn 1 cách nữa hiệu quả hơn nhiều, đó là thận trọng khi sử dụng "đồ chùa" cũng như các ổ nhớ USB.
Internet không dành cho người ngây thơ.
Có 1 nguyên tắc bất di bất dịch để được an toàn khi sử dụng Internet đó là "không được tò mò". Tất cả banner quảng cáo trên các website đều được thiết kế với 1 mục đích duy nhất: Lôi kéo sự tò mò của người xem. Bấm vào banner quảng cáo trên 1 website lạ tức là bạn đã "cắn câu" của bên cung cấp dịch vụ quảng cáo. Nhẹ nhàng thì bạn sẽ bị dẫn ra 1 website có nội dung... chả liên quan gì tới quảng cáo. Nặng nề hơn là hàng đống virus, malware sẽ được "mở cửa" để tràn vào máy tính của bạn. Vì vậy 1 nguyên tắc luôn đúng khi bạn đang duyệt 1 website lạ đó là "Đừng bao giờ click vào quảng cáo nếu bạn không biết chắc rằng nó an toàn".
Ổ nhớ USB là 1 trong những vật trung gian lây truyền Virus ở Việt Nam.
Về vấn đề ổ nhớ USB, bạn hoàn toàn có thể phòng tránh được sự lây lan của Virus thông qua các thiết bị lưu trữ bằng những động tác rất đơn giản như tắt tính năng autorun, mở bằng Explorer thay vì click đúp hoặc thậm chí chỉ đơn giản là sử dụng những phần mềm nhỏ, nhẹ như Autorun Eater để chống các virus lây lan qua ổ nhớ cắm ngoài.
3. AV đôi khi lợi bất cập hại
Trong những cuộc thử test phần mềm diệt Virus trên Wild list (1 "bộ sưu tập" các mẫu virus phổ biến được cập nhật thường xuyên), nhiều hãng sản xuất AV "khoe khoang" rằng phần mềm của mình đạt thành tích phát hiện 100% các virus trong wild list. Tuy nhiên sự thực là từ môi trường thử nghiệm ra "thực địa" là một quãng đường rất xa, và không một phần mềm nào dám khẳng định mình có khả năng bảo vệ khách hàng tuyệt đối khỏi mọi loại nguy cơ. Đặc biệt là việc các AV "ngoại" bỏ sót virus "nội địa" là chuyện không hề hiếm gặp. Chính vì thế bạn có thể sẽ thấy rất ngạc nhiên khi BKAV báo máy bạn nhiễm Virus trong khi Kaspersky lại khăng khăng rằng chiếc PC của bạn hoàn toàn sạch sẽ.
Phần mềm mạnh nhất cũng chỉ quét được 98% số Virus trong Wildlist, các phần mềm nổi tiếng như BitDefender, Kaspersky đều để sót trên 4%. Hãy nhân con số này lên 2,3 lần để mường tượng được hiệu năng sử dụng thực tế của các AV.
Vì vậy nếu bạn có ý định bỏ tiền ra để mua về 1 AV "vệ sĩ" giúp bạn hoàn toàn yên tâm, ăn no ngủ kỹ chơi vui thì bạn nên suy nghĩ lại vì rất có thể bạn sẽ cảm thấy thất vọng khi khoản đầu tư của mình không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Chưa hết, việc cài đặt 1 phần mềm AV đồng nghĩa với chuyện bạn sẽ tốn thêm nhiều tài nguyên cho tính năng Live Scan của AV đó. Live Scan đòi hỏi phần mềm AV phải luôn chạy thường trực, giám sát các chương trình đang hoạt động hoặc các dữ liệu vào/ra. Chính việc phải quét và so sánh, đối chiếu liên tục khiến các AV trở thành 1 trong những thành phần ngốn tài nguyên rất lớn. Nếu máy bạn quá già nua chậm chạp, bạn sẽ phải suy nghĩ rất kỹ trước khi sử dụng AV.
Những AV "nhẹ nhàng" nhất cũng chiếm dụng đến 10% tài nguyên của máy.
Thậm chí việc sử dụng AV còn có thể đem lại những hậu quả không như mong muốn. Nhất là khi máy bạn bị nhiễm các virus chuyên tấn công vào file hệ thống. Nhiều phần mềm AV không có khả năng "làm sạch" file bị nhiễm mà diệt virus bằng cách xóa hoặc đưa file bị nhiễm vào vùng "cách ly". Chính động thái này, đôi khi lại trở thành việc "phá hoại" ngầm máy tính của bạn. Nhiều máy sau khi cài AV đã "chữa lợn lành thành lợn què", từ việc chỉ nhiễm 1 vài con virus quèn trở thành không thể boot được vào HĐH.
Thêm vào đó, nhiều AV tỏ ra rất "ngoan cố", không chịu rời máy tính của người sử dụng ngay cả khi đã bị gỡ bỏ. Và việc gỡ bỏ các AV đôi khi còn làm máy bị lỗi, gây ra nhiều phiền toái.
4. Luôn luôn có 1 vũ khí tối hậu
Sử dụng phần mềm diệt Virus đồng nghĩa với việc bạn "ngăn chặn" virus chứ không phải là "tìm diệt" virus. Một khi đã để máy tính bị lây nhiễm, việc "chữa trị" có thể sẽ trở nên rất khó khăn, thậm chí là không thể. Rất may, chúng ta luôn có 1 câu "thần chú" cực kỳ hữu hiệu để đối mặt với nguy cơ về Virus: Cài lại hệ điều hành.
Hầu hết những "vọc sĩ" trẻ tuổi ở Việt Nam đều có kĩ năng cài lại HĐH... siêu việt. Chỉ cần 1 ổ cứng để back up dữ liệu và khoảng 1 tiếng hì hục là mọi chuyện lại "đâu vào đấy", thậm chí còn nhanh hơn nhiều so với 1 lần "full scan" của các phần mềm diệt Virus. Tất nhiên tôi không khuyến khích bạn liên tục cài lại HĐH của mình vì chắc chắn việc cài lại HĐH sẽ gây gián đoạn công việc cũng như không ít phiền toái, nhất là khi bạn có nhiều dữ liệu quan trọng để rải rác trong máy. Quan điểm của tôi ở đây là: Bạn luôn có 1 lựa chọn để "làm lại từ đầu", và sau khi "làm lại cuộc đời", tốt nhất hãy... cài 1 AV, quét sạch sẽ và thận trọng hơn trong lần sau.
Trên đây là 4 lý do khiến bạn không cần đến một phần mềm diệt Virus. Để tìm hiểu vì sao bạn... cần sử dụng AV, hãy đón đọc phần sau của bài viết.
(Còn tiếp)