PC thế hệ mới - Không còn là PC truyền thống (Phần 2)

MT  | 20/08/2012 0:00 AM

Điện toán đám mây, trải nghiệm thống nhất trên nhiều thiết bị sẽ là tương lai của PC. Và khi công nghệ phát triển, định nghĩa PC cũng đang dần thay đổi. PC tương lai sẽ còn có những gì?

Những ảnh hưởng từ Apple

Sự thành công rực rỡ của những chiếc iPhone, iPad và MacBook Air đã buộc các nhà sản xuất PC khám phá ra các thiết kế mới. Mặc dù Mac chưa thể làm lung lay thị phần Windows trên PC, doanh số của các dòng máy tính do Apple sản xuất đang có xu hướng tăng. iMac trở thành chuẩn cho các mẫu PC đa năng all-in-one. MacBook Air là hình mẫu của những chiếc laptop mỏng, nhẹ, di động. Sự thành công của MacBook Air kéo theo sự xuất hiện của ultrabook - những chiếc laptop cũng mỏng, nhẹ, hiệu năng cao...mà Intel đang thúc đẩy các nhà sản xuất PC phát triển. Không lâu nữa, một làn sóng ultrabook mới sẽ lại xuất hiện và có mặt phổ biến trên thị trường. 

Không chỉ MacBook Air, MacBook Pro màn hình Retina một lần nữa đang tạo ra thêm một chuẩn mới cho PC. Với độ phân giải màn hình lên tới 2880 x 1800 pixel cho mật độ điểm ảnh 220 ppi, MacBook Pro đưa trải nghiệm xem video, đọc báo...trên PC lên 1 tầm cao mới. Theo xu hướng đó, nhiều mẫu ultrabook mới cũng đang rậm rịch trang bị màn hình độ phân giải siêu cao. Độ phân giải full HD 1080p hứa hẹn sẽ sớm trở thành chuẩn của các mẫu ultrabook 13 inch (160 ppi).

pc-the-he-moi-khong-con-la-pc-truyen-thong-phan-2

Về mặt phần mềm, công nghệ stream nội dung không cần dây dẫn AirPlay của Apple dường như cũng đang tỏ ra vượt trội so với các dịch vụ tương tự của đối thủ về sự thân thiện với người dùng. WiDi của Intel (cho phép kết nối không dây giữa laptop với TV ngoài) hay SmartGlass mới đây của Microsoft rõ ràng vẫn rắc rối hơn so với AirPlay.

Laptop của tương lai

Laptop của tương lai sẽ là ultrabook và CPU mới (Ivy Bridge), đồng thời là những chiếc laptop với rất nhiều thiết kế khác nhau. Ivy Bridge bên cạnh mang lại hiệu năng cao hơn so với Sandy Bridge, vi xử lý kiến trúc mới cũng hứa hẹn giải quyết một vấn đề nan giải cho người dùng laptop: thời lượng pin. Các mẫu ultrabook dùng chip Ivy Bridge sẽ cho thời lượng pin tốt hơn nhiều so với laptop trước đây. 

Về thiết kế, laptop của tương lai sẽ không chỉ gói gọn trong dạng vỏ sò truyền thống. Tại Computex, hàng loạt nhà sản xuất PC đã trình diễn những thiết kế laptop mới mẻ. Asus có Taichi, chiếc laptop có thêm 1 màn hình cảm ứng ở bên ngoài giúp nó biến thành một chiếc tablet thực thụ khi người dùng đóng nắp máy. Toshiba  có chiếc laptop độc đáo với tỉ lệ màn hình 21:9, mang lại trải nghiệm xem video trên laptop tuyệt vời hơn.

pc-the-he-moi-khong-con-la-pc-truyen-thong-phan-2

Bên cạnh đó, các mẫu laptop tương lai sẽ tận dụng các chất liệu mới nhằm giúp máy nhẹ hơn. ThinkPad X1 Carbon của Lenovo hay X11 của Gigabyte là một số ví dụ. Cả 2 sản phẩm đều dùng sợi carbon làm chất liệu chính cho phần khung máy. 

Cuộc tiến hóa của máy bàn

PC để bàn vẫn sẽ còn phát triển mặc cho xu hướng hiện nay là các thiết bị có tính di động. Tuy nhiên, bản thân máy bàn cũng đang tự nó thay đổi nhanh chóng. Các mẫu PC đa năng đang có dấu hiệu được ưa dùng, nhất là khi chúng đang được các nhà sản xuất cải tiến. Chiếc Lenovo IdeaCentre A720 là một ví dụ. Sản phẩm được trang bị màn hình cảm ứng và có thể đặt nằm ngang gần như hoàn toàn. 

pc-the-he-moi-khong-con-la-pc-truyen-thong-phan-2

Bên cạnh đó, xu hướng PC nhỏ gọn cũng đang bắt đầu hình thành. Khởi đầu từ chiếc Raspberry Pi (chiếc PC siêu nhỏ dùng vi xử lý tốc độ 700 MHz, RAM 256 MB, GPU có khả năng chơi video độ phân giải HD), Intel cũng đang phát triển máy tính NUC (Next Unit of Computing) với kích thước tương tự nhưng dùng chip Ivy Bridge lõi kép. 

Game thủ hard-core trong tương lai cũng có sự lựa chọn mới cho mình. Không còn là những cỗ máy bàn cồng kềnh nữa mà đó sẽ là chiếc máy tính chơi game gọn gàng hơn như Alienware X51.

Định nghĩa PC

Những ví dụ thực tế mà chúng ta nêu ra trong bài viết buộc chúng ta phải xem xét lại định nghĩa PC (máy tính cá nhân) là gì, và PC sẽ trở nên như thế nào trong tương lai.

Rõ ràng, những chiếc máy bàn, với thùng máy đi kèm với màn hình là PC. Các mẫu thiết bị đa năng all-in-one và laptop chạy Windows, cũng đầy đủ các tiêu chí để gọi là PC. Nhưng một chiếc tablet chạy Windows RT - phiên bản Windows 8 dành cho các tablet dùng vi xử lý ARM - thì sao? Không ai gọi iPad là PC. Cũng không ai gọi Surface hay các tablet dùng chip ARM là PC, mặc dù chúng cũng được cung cấp một phiên bản Office - một ứng dụng gắn chặt với PC. 

pc-the-he-moi-khong-con-la-pc-truyen-thong-phan-2

Một chiếc ultrabook chạy Windows chắc chắn là một chiếc PC. Vậy những chiếc Chromebook chạy Chrome OS thì sao? HĐH của Google gắn chặt với các ứng dụng nền web, kết nối mạng, lưu trữ đám mây...Và mặc dù không chạy Windows, Chromebook vẫn có thể chạy được các ứng dụng mà hầu hết người dùng PC doanh nghiệp có thể nhận ra. Và Surface Pro mặc dù cực kì mỏng và nhẹ ngang ngửa iPad, nó vẫn sẽ là PC bởi nó được trang bị CPU của Intel và chạy được hầu hết các ứng dụng Windows.

Khi PC phát triển, chúng ta sẽ thấy sự nổi lên của những dòng sản phẩm mới. Những sản phẩm đó sẽ làm thay đổi định nghĩa về PC. Trong một số trường hợp, các thiết bị không được coi là PC khi chúng không tương thích với các ứng dụng truyền thống gắn liền với máy tính cá nhân, như các tablet Windows RT (mặc dù nó có thể chạy Office).

Kết

Ultrabook hay sự thay đổi của máy bàn, PC đa năng như đã nói ở trên chỉ là sự phát triển của PC theo thời gian. Windows 8 và máy tính bảng Surface của Microsoft mới là các yếu tố phân định số phận của PC: nếu không chạy được các ứng dụng Windows truyền thống (như Surface RT), các thiết bị sẽ không thể được gọi là PC. Rõ ràng, Apple là công ty đưa ra khái niệm tablet, nhưng Microsoft mới là hãng định nghĩa linh hồn tương lai của máy tính cá nhân. 

Theo: PCWorld