Những thay đổi Google nên áp dụng trên Android 5.0

Tùng Phạm  | 04/03/2012 0:00 AM

Chưa thỏa mãn với những gì Android 4.0 làm được, Google đang nghiên cứu để ra mắt phiên bản Android mới 5.0 với tên gọi Jelly Bean ngay trong mùa hè.

Android đang ngày càng phát triển và được hoàn thiện hơn với rất nhiều tính năng và những thay đổi lớn qua mỗi phiên bản. Chúng ta đã từng thấy Android 4.0 "bánh kem" có nhiều thay đổi như thế nào thông qua những cải tiến ở màn hình khóa máy, màn hình home hay dễ nhận thấy nhất là giao diện, hầu hết các thay đổi trên Android 4 đều theo hướng thân thiện hơn với người dùng.
 
Nhưng Google vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn với những gì mà Android 4 đã làm được. Hãng tiếp tục nghiên cứu để ra một phiên bản cập nhật Android 5.0 với tên gọi Jelly Bean sớm hơn so với dự định (có thể vào ngay mùa hè này). Nhưng với thời gian cập nhật phiên bản Android sớm như vậy thì hẳn là người dùng đang tự hỏi rằng liệu rằng những thay đổi mà Google sẽ mang đến cho Jelly Bean có đi đúng với những nhu cầu của mình hay không. Hãy cùng xem những điều mà người dùng mong muốn ở Jelly Bean.

Màn hình khóa máy của ICS so với phiên bản Android trước.
 
Trình duyệt Chrome
 
Google đã đưa Chrome lên Android 4.0 và được người dùng rất hoan nghênh với khả năng đồng bộ hóa với bookmark của Chrome trên máy tính. Nhưng trong thời điểm mà màn hình smartphone ngày càng to ra thì một phiên bản di động với đầy đủ các tính năng của Chrome hẳn sẽ thích hợp và khiến người dùng thấy vui hơn. Bên cạnh đó đây cũng là một thay đổi mà Google nên áp dụng để thu hẹp khoảng cách giữa smartphone với máy tính bảng cũng như desktop truyền thống.
 
 
Màn hình Home có thể xoay ngang
 
Sẽ là một cải tiến thú vị nếu như Android cho các máy di động có thể xoay ngang màn hình để sử dụng giống như trên tablet, nhất là Android 4.0 được thiết kế với nhiệm vụ hợp nhất máy tính bảng với smartphone, tuy nhiên thì có lẽ Google đã quá bận tâm vào những thứ khác mà quên đi thay đổi nhỏ này.
 
Theo truyền thống, hệ điều hành Android chỉ cho phép sử dụng màn hình Home ở chế độ xoay ngang màn hình khi người dùng sử dụng một thiết bị có bàn phím QWERTY. Với những chiếc điện thoại không sử dụng bàn phím QWERTY, người dùng sẽ chỉ có thể sử dụng chế độ xoay ngang màn hình trên các các ứng dụng, trò chơi và lướt web. Hãy cùn hi vọng rằng Google sẽ thêm vào chế độ xoay ngang màn hình trong Kelly Bean.
 
Cung cấp công cụ quản lý tập tin tốt
 
Đơn giản là người dùng muốn có một trình quản lý tập tin đơn giản trên Android để họ có thể tìm và mở được những gì có trên thẻ nhớ của máy. Một số nhà sản xuất phần cứng cũng đã đưa vào Android 4.0 trình quản lý tập tin của riêng mình hay người dùng vẫn có thể tìm được các ứng dụng tương tự trên Android Market của các bên thứ ba tuy nhiên một trình quản lý của Google vẫn sẽ đem lại cho người dùng sự tin tưởng.
 
 
Cải tiến bàn phím ảo
 
Chắc chắn là Google sẽ không muốn người dùng của mình sử dụng bàn phím của các bên thứ ba như SwiftKey hay Swype nhưng để làm được điều đó thì họ cần phải cải thiện bàn phím QWERTY mặc định của Android, bởi bàn phím ảo của Android 4.0 vẫn chưa thể cung cấp cho người dùng cách mở những ký tự thay thế hay các phím số một cách dễ dàng như của iOS hay không đâu xa là SwiftKey và Swype.
 
 
Một lộ trình nâng cấp rõ ràng và đồng bộ
 
Tuy rằng Google đã rất cố gắng để đem tới cho người dùng những bản cập nhật Android một cách đồng bộ hơn nhưng đó vẫn là chưa đủ bởi người dùng vẫn sẽ muốn rằng mỗi khi có một phiên bản Android mới ra thì hầu hết các máy điện thoại sẽ được nâng cấp chứ không chỉ là máy điện thoại này sẽ được nâng cấp còn máy kia thì không do những hạn chế về phần cứng mà Android đòi hỏi những khi người dùng thực hiện nâng cấp.
 
Một phiên bản rút gọn của Jelly Bean
 
Việc đòi hỏi phần cứng cao cho mỗi phiên bản nâng cấp của Android cũng là điều dễ hiểu khi mà những phiên bản về sau càng có nhiều tính năng hơn. Sẽ chẳng phải là chuyện đáng nói nếu ai cũng có thể sở hữu những chiếc điện thoại hay máy tính bảng với cấu hình khủng nhưng sẽ là rất thiệt thòi với những người dùng sử dụng những thiết bị có cấu hình hạn chế.
 
 
Một phiên bản rút gọn tính năng có thể sử dụng cho các thiết bị có cấu hình yếu của Jelly Bean sẽ được lòng cả đôi bên hơn. Hãy thử tưởng tượng bạn đang sử dụng một chiếc điện thoại có cấu hình tầm tầm nhưng vẫn có thể háo hức mong đợi và sử dụng những tính năng mới có trên phiên bản Android trở về sau. Đáng lẽ là Google cần phải làm việc này từ lâu rồi mới phải.
 
Thay đổi tùy chỉnh giao diện người dùng
 
Hầu hết các nhà sản xuất phần cứng như HTC, Samsung hay Sony đều thực hiện những thay đổi về giao diện người dùng trên những thiết bị mà mình sản xuất. Một phần nào đó thì điều này cũng là khá tốt khi đem lại cho người dùng nhiều lựa chọn hơn trong việc mua máy điện thoại. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, xét một cách công bằng thì giao diện mặc định của Android cũng không phải là quá tệ.
 
Hiện tại thì cũng có một nhóm các nhà sản xuất nhỏ đã khóa và giữ nguyên giao diện mặc định của Android trên những thiết bị của họ bởi chúng hoạt động cũng khá tốt. Android vốn được mệnh danh là tùy biến cao và có lẽ là Google cũng nên thêm vào một tính năng cho phép sử dụng giao diện mặc định của Android hay giao diện của nhà sản xuất phần cứng. Người dùng cũng sẽ muốn sử dụng giao diện mặc định của Android trong khi vẫn có thể thưởng thức những giao diện tuyệt đẹp mà các nhà sản xuất phần cứng ưu ái dành riêng cho các sản phẩm của mình như giao diện Sense của HTC.
 
Tập trung nâng cao khả năng quản lý điện năng
 
Công nghệ pin vẫn chưa thể theo kịp công nghệ phát triển của phần cứng, các thiết bị có cấu hình nặng sẽ làm điện thoại của bạn nhanh hết pin hơn bao giờ hết. Rất khó có thể tìm được một chiếc smartphone nào có thời lượng pin sử dụng lên đến  3 ngày cho các tác vụ cơ bản. Giải quyết vấn đề này cũng không đến nỗi quá phức tạp, Google chỉ cần đưa vào Jelly Bean một vài chế độ hoạt động điện năng cho các mức sử dụng của người dùng.
 
 
Một số nhà sản xuất cũng đã áp dụng điều này như HTC đã thực hiện trên giao diện Sense của mình đem lại cho người dùng khả năng sử dụng máy với thời lượng pin cao hơn. Chính vì thế mà không có lý do gì mà Google không áp dụng những thay đổi này cho Jelly Bean.
 
Tùy chọn giao diện nhẹ hơn
 
Một giao diện nhẹ sẽ phù hợp hơn với những thiết bị có cấu hình thấp.
 
 
Widget cho màn hình khóa máy
 
Google đã làm rất tốt với widget trên màn hình Lockscreen cho phép người dùng có thể xem thông tin và truy cập ứng dụng ngay từ màn hình Lockscreen tuy nhiên nó vẫn có thể tốt hơn nữa. Chính vì sự dễ dàng trong việc truy cập vào ứng dụng và xem thông tin từ màn hình khóa nên người dùng Android sẽ phải đối mặ với vấn đề bảo mật thông tin. Google nên có những giải pháp có thể bảo vệ được người dùng Android khi họ sử dụng Widgets trên màn hình Lockscreen của Jelly Bean.
 
 
Tham khảo: Techradar
Xem thêm:

android

google