Giả sử một ngày Windows bị khai tử, Microsoft có lẽ cũng sắp đến ngày tận diệt. Thực tế đấy đang dần dần hiện rõ hơn khi ngày nay nhiều người dùng quan tâm đến iPad hơn là những chiếc PC đắt tiền.
Đầu tuần vừa qua, Gartner lần thứ 3 trong năm nay hạ thấp chỉ tiêu PC tiêu thụ. Những hãng như HP, Acer đang bắt đầu đối mặt với việc dần dần bị loại bỏ ra khỏi thị trường. Doanh thu của Microsoft từ Windows trong 2 quý gần đây đã sụt giảm, và iPad chiếm được 11% thị phần PC.
Tại hội nghị BUILD tuần tới, Microsoft sẽ công bố chi tiết hơn về Windows 8, hệ điều hành lãnh sứ mạng đẩy lùi iPad nhưng vẫn phải giữ những nét đặc trưng đã làm nên thương hiệu Windows. Nhiều người nghi ngờ khả năng thành công của Microsoft. Có thể lắm, nhưng nên nhớ rằng Windows là một chiến binh từng trải, và với những nước đi thông minh nó đã chiến thắng rất nhiều trận chiến sinh tử.
Hãy điểm lại những đối thủ đã từng đe dọa sự tồn vong của Windows.
Hiểm họa: Macintosh cung cấp giao diện người dùng đầy đủ hơn so với Windows tại thời điểm nó ra đời. Máy Mac ra đời vào năm 1984, và 6 năm sau đó Apple liên tục thành công trong việc chiếm giữ lòng tin của người dùng, cho đến khi Microsoft đưa ra câu trả lời là Windows 3.0.
Giải pháp: Máy tính của IBM rẻ hơn, kết hợp với các thiết bị ngoại vi đa dạng hơn, chạy được nhiều ứng dụng, những ưu điểm này giúp cho Microsoft bắt kịp đối thủ.
Microsoft đã có rất nhiều nước đi thông minh để đẩy Mac ra khỏi thị trường. Họ phân phối MS-DOS rộng rãi và đảm bảo rằng hệ điều hành này có thể hoạt động trên nhiều phần cứng khác nhau, nhằm tạo ra sự cạnh tranh phần cứng và khiến giá của chúng được giảm xuống. Họ còn có lôi kéo được các lập trình viên xây dựng ứng dụng cho DOS và Windows.
Trong khi đó, phía Apple mất đi người thuyền trưởng tài ba là Steve Jobs, công ty liên tục bị thất thế trước đối thủ và phải đến hơn 1 thập kỷ sau, khi Steve Jobs quay trở lại thì Apple mới có thể vực dậy
Hiểm họa: Hệ điều hành OS/2 của IBM có một số điểm mạnh hơn so với Windows.
Microsoft và IBM cùng nhau tạo ra hệ điều hành DOS OS/2 và phân phối qua mạng lưới của IBM vào năm 1987. Nhưng cùng lúc đó Microsoft vẫn tiếp tục phát triển Windows, và rồi 2 công ty này đường ai nấy đi.
Năm 1992, IBM tân trang lại cho OS/2 đẹp đẽ và nhanh hơn so với Windows 3.0, nó có thể chạy 2 ứng dụng cùng một lúc và có giao diện 32-bit.
Giải pháp: IBM chẳng bao giờ có thể đuổi kịp Microsoft bởi xuất phát điểm của Windows là quá cao.
Microsoft cùng với hệ điều hành Windows 3.0 đã tạo được lòng tin nơi các nhà phát triển phần mềm, người dùng và đối tác, IBM đã không thể phá vỡ được mối liên kết này của họ. Hiệu năng hoạt động khi chạy ứng dụng DOS giả lập cũng là một điểm yếu của OS/2. Và cho đến khi Windows 95 ra đời thì nó bỏ xa các đối thủ và trở thành một hệ điều hành chuẩn mực.
Hiểm họa: General Magic tạo ra máy tính di động có tên Magic Cap.
Khởi điểm là một dự án của Apple, và rồi tách riêng với sự giúp đỡ của Motorola, Sony và AT&T. Thiết kế mang tính đột phá, sử dụng hệ điều hành nhẹ mang tên Magic Cap và hoạt động chủ yếu dựa trên kết nối mạng.
Rất nhiều các thiết bị của MagicCap được xuất xưởng vào năm 1994 khiến cho Bill Gates cảm thấy lo lắng và nhắc tới công ty này trong bài viết nổi tiếng có tên Internet Tidal Wave một năm sau đó.
Giải pháp: Chiếc Newton của Apple đã đánh bại General Magic và cũng tự chết dần, Microsoft sau đó mua lại những bản quyền sở hữu trí tuệ của hãng.
Apple cho ra mắt chiếc Newton trong cùng một khoảng thời gian đó (họ còn kiện General Magic vì đánh cắp ý tưởng), Newton cũng gây được nhiều tiếng vang với khả năng nhận dạng chữ viết tay. Trong khi Magic Cap không thể làm được điều này và lập tức trở nên lỗi thời. Hơn nữa thời điểm đó những nhà mạng vẫn chưa đủ khả năng về công nghệ để hỗ trợ họ, thế nên chỉ có một vài ứng dụng nhỏ lẻ được tung ra.
Công ty này dần dần sụp đổ, Microsoft tiếp nhận và mua lại những bản quyền sở hữu trí tuệ của hãng vào năm 1998.
Hiểm họa: Java cho phép nhà phát triển phần mềm tạo ra ứng dụng độc lập.
Sun đã biến Java thành một nền tảng rất nhẹ dành cho những thiết bị di động, nhưng đầu những năm 1990 dường như nó đã trở thành một cách để phát triển những ứng dụng chạy trên mọi loại máy tính. Điều này có thể ảnh hưởng tới Windows.
Giải pháp: Microsoft sử dụng chiến thuật vây bắt để vô hiệu hóa Java, và công việc kinh doanh phần cứng thất bát của Sun đã khiến hãng này tự sụp đổ.
Microsoft tạo ra một phiên bản giống với Java dành cho Windows. Và rồi cả 2 công ty này lao vào một cuộc chiến pháp lý, kết thúc với việc Microsoft trả cho Sun 1,6 tỉ USD và đăng ký được những bản quyền của hãng này.
Ngày nay Java vẫn tồn tại, nhưng Sun thì không. Sau khi công việc kinh doanh phần cứng của hãng sụp đổ, Oracle mua lại hãng này chỉ với một khoảng tiền rất nhỏ. Java hiện tại lại là một phần của Android (thế nên mới có chuyện Oracle kiện Google vì vi phạm bản quyền.)
(Còn tiếp)