Giao tiếp NFC, sự ra đời của ổ SSD, hệ điều hành Android Ice Cream Sandwich, điện toán đám mây... là những tiến bộ trong công nghệ hứa hẹn sẽ tạo ra sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh thời gian tới. Liệu bạn có biết tác dụng của chúng? Liệu những công nghệ này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp?
Siri
Công nghệ nhập liệu bằng con chuột, bàn phím và màn hình cảm ứng có lẽ sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng khi Siri, tính năng ra lệnh bằng giọng nói xuất hiện trên điện thoại của Apple. Đâu sẽ là cơ hội kinh doanh ở đây? Các nhà phát triển ứng dụng hãng thứ 3 sẽ phát triển các ứng dụng điều khiển bằng giọng nói ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo sự đa dạng cho kiểu nhập liệu này. Những ứng dụng như Siri có thể sẽ dẫn tới sự phá sản của mô hình tìm kiếm trên Google Search đang giúp Google “ăn nên làm ra”.
Giao tiếp trường gần (NFC)
Công nghệ không dây ở phạm vi hẹp này sẽ giúp việc thanh toán trở nên tiện lợi hơn rất nhiều. Các smartphone tích hợp NFC cũng sẽ trở nên phổ biến ngay trong năm sau. Điều đó đồng nghĩa các nhà bán lẻ sẽ phải nâng cấp thiết bị đầu cuối điểm bán hàng để hỗ trợ NFC, giúp người dùng bỏ dần thói quen dùng thẻ tín dụng. Tuy nhiên, tiềm năng của NFC không chỉ giới hạn ở khả năng thanh toán ở cửa hàng. Bạn có thể dùng điện thoại để trả phí đỗ xe, tiền vé xe buýt và taxi, thực hiện các giao dịch tài chính. Đây sẽ là những cơ hội kinh doanh khổng lồ cho những doanh nhân thông minh. Cuộc cách mạng NFC chỉ mới bắt đầu và cơ hội là vô cùng lớn.
Máy tính bảng
Ai cũng biết những chiếc tablet đã và đang ngày càng trở nên quen thuộc với người dùng, nhưng máy tính bảng cũng đang dần trở thành lựa chọn ưa thích của doanh nghiệp. Apple đang thu hút khách hàng doanh nghiệp bằng iPad, mời chào họ với các thế mạnh của iPad trong môi trường sản xuất và bán lẻ, hỗ trợ Microsoft Exchange. Khi các máy tính bảng chạy Windows 8 sắp xuất hiện thì thiết bị này sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Sự tiện lợi của máy tính bảng cùng nền tảng Windows quen thuộc sẽ là lựa chọn ưa thích của doanh nghiệp.
HTML5
Với việc Adobe từ bỏ việc hỗ trợ Flash trên thiết bị di động, rõ ràng HTML5 sẽ có cơ hội lớn để phát triển. HTML5 cho phép các nhà phát triển xây dựng các ứng dụng web động chạy trên các trình duyệt web từ thiết bị di động như tablet, điện thoại cho đến máy tính, laptop. Việc chuyển đổi từ Flash sang HTML5 sẽ không thể diễn ra ngay ngày 1 ngày 2 nhưng việc sử dụng các thiết bị di động ở nơi làm việc có thể giúp đẩy nhanh quá trình. HTML5 dự đoán sẽ là tương lai của phát triển web.
Máy in 3D
Máy in 3D, thường được gọi là máy tạo mẫu thử nghiệm nhanh, hoạt động theo cơ chế tạo hình vật thể từ một tập hợp các điểm vật chất nhỏ, tương tự như máy in truyền thống tạo ảnh từ các chấm mực. Chúng dựng nên mô hình theo một khối gồm nhiều lớp mỏng, mỗi lớp được tạo bởi chất lỏng hoặc chất dẻo nghiền thành bột mà sau đó có thể kết rắn lại nhờ hơi nóng, ánh sáng hoặc hóa chất. Loại máy in này có thể không bao giờ có thể phổ biến như máy in laser hay máy in phun mực, nhưng giá trị của nó với giới doanh nghiệp sẽ tăng đáng kể trong những năm sắp tới. Là một công nghệ đang phát triển, in 3D cho phép các kĩ sư, nhà khoa học, nhạc sĩ, thậm chí là tù nhân có thể nhanh chóng xây dựng các nguyên mẫu 3 chiều. Nhựa thường là vật liệu được lựa chọn cho việc tạo ra các nguyên mẫu này, nhưng máy in 3D có thể sử dụng nhiều chất khác như thép không gỉ, xốp và thậm chí là mô người. Một số nhà nghiên cứu còn tin rằng in 3D có thể tạo ra các bộ phận thay thế cho cơ thể người.
Ổ SSD
SSD là từ viết tắt của Solid State Drive: ổ đĩa trạng thái rắn. Đây là loại ổ đĩa Apple sử dụng cho MacBook Air vào năm 2008. Kể từ đó, ổ SSD trở thành một thuộc tính của những laptop có kích thước siêu mỏng ngày nay như MacBook Air hay các Ultrabook. Với thời gian khởi động siêu nhanh, thiết kế tiết kiệm năng lượng, khả năng chạy ứng dụng nhanh, SSD đang nhanh chóng trở thành một tính năng chuẩn của laptop dành cho doanh nghiệp. Sự thiếu hụt ổ HDD do thiên tai ở Thái Lan hiện tại cũng có thể giúp SSD được lựa chọn nhiều hơn.
Lưu trữ đám mây
Ai đó có thể nói điện toán đám mây không còn mới mẻ. Các máy chủ kết nối internet trở thành nơi lưu trữ dữ liệu thường xuyên của doanh nghiệp từ cả thập kỉ nay. Những dịch vụ lưu trữ trực tuyến như Web Services của Amazon hay Windows Azure của Microsoft sẽ vẫn là lựa chọn của họ với sự thuận tiện cũng như hiệu quả chi phí mà chúng mang lại. Thêm vào đó, những dịch vụ đám mây mới nổi lên như iCloud của Apple, Dropbox, Google Docs...cũng sẽ giúp loại hình lưu trữ này ngày càng trở nên phổ biến.
Android 4.0
Phiên bản mới nhất của hệ điều hành Android được biết đến với tên mã Ice Cream Sandwich và người ta thường xem nó mang lại lợi ích chủ yếu cho người dùng. Tuy nhiên, Google cũng phát triển những tính năng cải tiến hướng đến cả người dùng doanh nghiệp bao gồm khả năng mã hóa dữ liệu trên thiết bị, tính năng lịch được cải nâng cao, cho phép vô hiệu hóa ứng dụng, dễ dàng chụp ảnh màn hình thiết bị (thuận lợi cho nhân viên IT giải quyết các vấn đề liên quan đến kĩ thuật).
Tương tác thực tế (Augmented Reality)
Công nghệ tương tác thực tế bắt đầu xuất hiện trong các thiết bị di động mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Dù với hầu hết người dùng, chúng ta vẫn chỉ biết đến nó theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" nhưng Augmented Reality không còn là câu chuyện của khoa học viễn tưởng mà đã trở thành một công cụ kinh doanh trong thế giới thực. Các ứng dụng tương tác thực tế hiện nay cho phép người dùng biết nhiều thông tin hơn về 1 sản phẩm hay 1 nhà hàng, địa điểm nào đó họ quan tâm bằng cách hướng thiết bị đến các sản phẩm, địa điểm đó. Ứng dụng Google Goggle dưới đây sẽ cho bạn 1 cái nhìn thoáng qua về cách thức hoạt động của công nghệ này. Với doanh nghiệp, Augmented Reality hứa hẹn sẽ thay đổi cách họ giao tiếp với khách hàng, ví dụ như một khách du lịch sẽ chĩa camera vào 1 khách sạn nào đó, xem thêm các thông tin chi tiết về phòng của khách sạn đó trước khi quyết định đặt phòng hay không.