Tablet (máy tính bảng)
Trong 4 sản phẩm này, LG V900 Optimus Pad và Samsung Galaxy Tab 10.1v khá cân tài cân sức, cùng chạy hệ điều hành Android 3.0. Chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt ngay khi nhìn vào 2 chiếc tablet này bởi màn hình to nhỏ khác nhau: 10,1 inch (1280x800) và 8,9 inch (1280x768). Mặc dù có độ tương phản, sáng và góc nhìn tương đương nhưng rõ ràng màn to nhìn vẫn thích hơn. Để bù lại thua thiệt này, chiếc V900 Optimus Pad được LG trang bị 2 camera quay video dạng 3D khá là thú vị.
Fujitsu Stylistic Q550 Oak Trail là một chiếc tablet chạy trên nền tảng Window có màn hình 10,1 inches và không có gì nổi bật nên đã sớm bị loại khỏi cuộc đua tranh.
Còn lại là ThinkPad X220T – một chiếc laptop có thể biến hình qua lại giữa kiểu laptop truyền thống và dạng tablet. Với bộ vi xử lý Intel Core i7 mạnh mẽ đem lại hiệu năng vượt trội cùng màn hình 12,5 inch có góc nhìn cực rộng và thời lượng pin cao, sản phẩm của Lenovo dễ dàng đánh bại các đối thủ khác để trở thành vua của dòng tablet trong tháng 8.
Subnotebook (laptop cỡ nhỏ)
Ứng cử viên: Sony Vaio VPC-Z21Q9E/B, Apple MacBook Air 11 Mid 2011 (1,6 GHz, 128GB SSD),
Apple MacBook Air 13 Mid 2011 (1,7 GHz, 256GB SSD), Lenovo ThinkPad Edge E325-12972FG, Lenovo ThinkPad Edge E320 (i3-2310M), Lenovo ThinkPad X121e-204562U (intel ver), Lenovo IdeaPad S205 (Fusion), Lenovo ThinkPad Edge E125 (Fusion), Dell Vostro V131,
HP EliteBook 2560p LG666EA.
Đầu tiên là chiếc Sony Vaio VPC-Z21Q9E/B sở hữu cấu hình khá mạnh với chip Intel Core i7 Sandy Bridge, đồ hoạ rời của ATI, ổ cứng SSD. Sản phẩm này nặng khoảng 1,2kg, màn hình 13,1 inch sáng đẹp, màu sắc hiển thị rất tốt. Tất cả đều tuyệt vời, chỉ trừ cái giá lên đến tận 2400 euro.
Các sản phẩm thuộc dòng ThinkPad của Lenovo không có quá nhiều khác biệt, khách hàng có rất nhiều lựa chọn khi đến với hãng này, cụ thể như kích thước màn hình, chip AMD hoặc Intel, ổ cứng, ram, card màn hình… Màn hình, bàn phím cũng như touch pad vẫn rất tốt như thường thấy ở dòng máy này.
Dell Vostro V131 và HP EliteBook 2560p đều nặng nề và không mấy nổi bật.
Và chiếc laptop tốt nhất tháng 8 cho hạng mục subnotebook là MacBook Air 13 Mid 2011. Thiết kế tuyệt hảo của Apple luôn làm cho khách hàng thoả mãn, chỉ nặng có 1,33kg, vỏ nhôm lịch lãm, bàn phím và touch pad tuyệt vời cùng cấu hình có hiệu năng rất khá (chip Intel và ổ SSD), cuối cùng là thời lượng pin tốt lên tới 5 giờ.
Office (dành cho văn phòng)
Ứng cử viên: HP 635 LH416EA#ABD, Lenovo Thinkpad Edge E520, Dell Latitude E5520, ThinkPad L420 NYV4UGE, Sony Vaio VPC-EH1M1E/W.G4, Toshiba Tecra R840-11E, Acer TravelMate TimelineX 8573TG.
Các ứng dụng văn phòng thường không quá tốn tài nguyên máy, vì thế những laptop dành cho công việc này không quá ưu tiên về mặt cấu hình mà chủ yếu tập trung vào thời lượng pin, các cổng kết nối tiện dụng để dùng trong trình chiếu hội nghị, copy tài liệu…
Có lợi thế về mặt giá cả và thời lượng pin nhất là HP 635 sử dụng công nghệ AMD APU Fusion chỉ 299 euro và pin dài tới 5h, tuy nhiên nó lại khá chậm chạp bởi hiệu năng không cao. Chiếc E520 của dòng ThinkPad Edge có cấu hình cao hơn hẳn, đem lại cảm giác thoải mái khi chạy ứng dụng nhưng cổng kết nối khá nghèo nàn.
Latitude E5520 từ Dell tỏ ra khá chuẩn với cổng giao tiếp đa dạng, pin lên tới 5 giờ, rất tiếc khi màn hình của model này không được tốt lắm, card đồ hoạ tích hợp yếu và thiếu kết nối 3G, USB 3.0 đang hot hiện nay.
Sony Vaio VPC-EH1M1E/W.G4 và Toshiba Tecra R840-11Eđều rất tốt, nhẹ nhàng, pin khá, cấu hình ổn tuy nhiên cái giá thì hơi cao so với những gì nó mang lại. Chiếc TravelMate TimelineX 8573TG vẫn giữ truyền thống của Acer với cấu hình rất khá nhưng màn hình thì lại tệ và toả nhiều nhiệt, gây khó chịu khi sử dụng.
Chiếc laptop được trao ngôi vương của dòng máy dành cho dân văn phòng trong tháng 8 thuộc về ThinkPad L420 NYV4UGE. Nó không đứng đầu trong tất cả mọi mặt nhưng lại là chiếc cân bằng nhất với hiệu năng ổn, đa dạng cổng kết nối, tiếng ồn thấp, mát mẻ. Tất nhiên nếu có thời lượng pin tốt hơn và nhẹ hơn thì sản phẩm của Lenovo sẽ “hot” hơn rất nhiều.
Multimedia (giải trí đa phương tiện)
Ứng cử viên: LG P420-N.AE21G, Toshiba Satellite P770-10P, LG A520-T.AE31G (3D/2820QM), Toshiba Satellite L775-125, Medion Erazer X6815, MSI GE620-i748W7P, Sony Vaio VPC-CB2S1E/B, Nexoc E643, Sony Vaio VPC-F22S1E/B (FHD).
Cấu hình của những chiếc máy xách tay kể trên khá tương đương với CPU và GPU khá khủng, chạy tốt phim HD và hầu hết các game trên thị trường, do vậy để phân thắng bại chúng ta sẽ dựa vào các yếu tố khác tối ưu cho việc giải trí như thiết kế, màn hình, tính năng phụ và tất nhiên là cả giá cả nữa.
Trong các sản phẩm trên, nổi lên 2 cái tên ấn tượng nhất là LG A520-T.AE31G (3D/2820QM) với màn hình full HD kèm hiệu ứng 3D tuy nhiên model này hơi yếu khi chơi game nặng đồng thời sạc pin quá tệ và Sony Vaio VPC-F22S1E/B (FHD) với thiết kế đẹp, bàn phím tốt, màn hình full HD nhưng không có hiệu ứng 3D.
Và cuối cùng thì Sony Vaio VPC-F22S1E/B (FHD) đã chiếm được vương miện tại mảng giải trí đa phương tiện bởi sự vượt trội trong thiết kế của mình.
Game, đồ hoạ (chơi game khủng hoặc thiết kế đồ hoạ)
Ứng cử viên: Schenker XIRIOS W710, Alienware M17x R3 GTX 580M i7-2820QM, Fujitsu Celsius H710.
Cả 3 chiếc laptop này đều sở hữu cấu hình cực khủng với chip Intel Xeon X5670 (XIRIOS W710), i7 2820QM (2 chiếc còn lại), ổ cứng SSD, GPU đỉnh NVIDIA Quadro 5010M, Geforce GTX 580M, NVIDIA Quadro 1000M cùng với đó là cái giá ngất ngây (>2000 euro, đặc biệt chiếc XIRIOS W710 là 7000 euro).
Alienware M17x R3 GTX 580M i7-2820QM được bầu chọn là laptop cho gaming và đồ hoạ tốt nhất tháng 8 bởi nó gần như là rẻ nhất, hai chiếc còn lại là mẫu máy trạm di động có cái giá quá khủng và ít người sử dụng. Hơn nữa những chiếc card Quadro chỉ thực sự phát huy sức mạnh trong render hình ảnh, còn khi chạy game và ứng dụng thì khá đuối so với người anh em Geforce GTX 580M.