Những lời khuyên khi chọn mua, nâng cấp máy tính (Phần cuối)

Nội Tâm  | 10/07/2011 0:00 AM

Phần 2 và là phần cuối của loạt bài. Hi vọng bài viết sẽ có ích với độc giả trong mùa nâng cấp này.

C. Các yếu tố luôn cần quan tâm
 
1. Dung lượng RAM
 
“Càng nhiều RAM càng tốt” – điều này luôn đúng, nhưng tốt hơn bao nhiêu so với số tiền phải bỏ ra? Đối với sự phát triển vũ bão của ứng dụng (theo cả 2 hướng tiện lợi và ngốn phần cứng), chắc chắn bạn sẽ phải lựa chọn bộ nhớ RAM tối thiểu 2 GB cho hệ thống của mình.
 
Nhưng đó chỉ là tối thiểu. Có một thực tế rõ ràng: máy tính bật càng lâu thì càng ngốn RAM do các ứng dụng càng hoạt động thì càng đòi hỏi bộ nhớ cho các tập lệnh mới sinh. Chẳng đâu xa, Mozilla FireFox chính là một trong các sát thủ đói RAM bậc nhất trong số các ứng dụng quen thuộc. Do vậy, người viết khuyến cáo nên trang bị 4 GB cho hệ thống sử dụng hàng ngày. Đây cũng là con số hoàn hảo và bạn cũng chẳng cần hơn nếu không có các nhu cầu cao siêu như render, làm máy chủ, server... (Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết này).
 
FireFox ngốn đến hơn 1 GB RAM.
 
2. Tốc độ quay của ổ cứng
 
Nếu bạn có đủ khả năng sở hữu ổ cứng thể rắn (SSD) cho việc lưu trữ và vận hành, điều đó là quá lý tưởng. Trong trường hợp ngược lại, đặc biệt là với người dùng laptop, đây là vấn đề rất đáng lưu tâm.
 
Đối với các ổ cứng cơ học (HDD), tốc độ đọc-ghi thường được đánh giá gián tiếp qua số vòng quay/phút. Sở dĩ tôi dùng từ “gián tiếp” bởi thực tế các ổ cứng cùng tốc độ quay của các hãng khác nhau có tốc độ đọc-ghi không giống nhau, tuy nhiên chênh lệch không nhiều lắm. Hiện nay có 3 loại ổ cứng cơ phổ biến nhất là 5400, 7200 và 10000 vòng/phút. Trong đó ổ cứng 10000 vòng/phút (giá rất đắt) chủ yếu sử dụng trong các máy trạm, máy chủ, server yêu cầu hoạt động bền bỉ 24/24, còn 2 loại 5400 và 7200 vòng/phút phục vụ người dùng bình thường.
 
 
Người dùng máy tính nói chung thường có ác cảm đối với các ổ cứng 5400 vòng/phút bởi sự chậm chạp của chúng. Nhưng đối với laptop, bạn sẽ cần cân nhắc điều này bởi tuy tốc độ quay nhanh hơn sẽ truy xuất dữ liệu nhanh hơn, nhưng đồng thời cũng tốn điện hơn và rút ngắn thời lượng pin. Tốc độ ổ cứng ảnh hưởng chủ yếu tới thời gian khởi động ứng dụng và sao chép dữ liệu, nên nếu ít có 2 nhu cầu này, hi sinh một chút tốc độ cũng là lựa chọn đáng cân nhắc.
 
3. Trọng lượng
 
Nếu chưa từng sở hữu một chiếc máy tính xách tay, rất có thể bạn sẽ cho rằng 3 kg vẫn còn là quá nhẹ so với khả năng mang vác của bản thân và có xu hướng ưng những chiếc laptop này vì chúng rẻ hơn so với các sản phẩm nhẹ cân hơn. Bản thân tôi cũng từng nghĩ như vậy và phải thay đổi quan điểm chỉ sau vài lần xếp hàng chờ xe buýt, di chuyển trong sân trường và làm thủ tục lên máy bay... “Nặng đến gãy vai” là mô tả cực chính xác khi đeo trên vai chiếc cặp nặng 4 kg cả giờ đồng hồ (cả chuột, pin, sạc và vài cuốn sách tài liệu nữa).
 
Theo kinh nghiệm sử dụng laptop của bản thân, người viết cho rằng 2,5 kg là mức cao nhất có thể chấp nhận đối với thiết bị “di động” này.
 
Nặng đến 3,5 kg thì...
 
4. Bộ nguồn máy tính
 
Đây là thành phần được đánh giá quan trọng như trái tim của toàn hệ thống. Tuy nhiên người dùng ít am hiểu lại thường không ý thức được điều này và phó mặc chúng theo tư vấn của người bán hàng. Hoặc nếu có để ý, điều duy nhất họ quan tâm đến là bộ nguồn này bao nhiêu “Oát”, giá cả ra sao. Sự thực thì linh kiện này còn phức tạp hơn thế nhiều. Việc trang bị “nhầm” bộ nguồn không đủ công suất hoặc hoạt động không ổn định (nhiễu cao) sẽ rút ngắn tuổi thọ linh kiện đáng kể. Bạn đọc có thể tham khảo thêm về vấn đề này tại đây.
 
Cháy nguồn!
 
5. Thời lượng pin
 
Đừng quên đến thông số quan trọng này khi lựa chọn máy tính xách tay. Và cũng đừng để cấu hình mạnh của sản phẩm làm bạn lóa mắt, bởi cấu hình luôn tỉ lệ nghịch với thời lượng pin. Do vậy hãy hướng đến các model có cấu hình phù hợp với nhu cầu sử dụng. Nếu bạn không sắm sửa laptop với mục đích chơi game khủng hoặc render, 3 giờ hoạt động có bật Wifi là con số tối thiểu có thể chấp nhận được.
 
6. Chế độ chăm sóc sau bán hàng
 
Được nêu sau cùng trong bài viết nhưng đây lại là yếu tố tiên quyết trước khi mua linh kiện. Rất nhiều người tiêu dùng hay thắc mắc: “Sao giá thiết bị ở đây đắt thế, hơn chỗ này chỗ nọ đến abc xyz...?”. Các cửa hàng lớn phải tốn nhiều chi phí hơn cho mặt bằng, nhân viên nên việc giá cả đắt đỏ hơn một chút là điều tất yếu, nhưng ngược lại họ rất chú ý giữ gìn danh tiếng, đồng thời chế độ chăm sóc và bảo hành nhanh chóng, tận tình. Bản thân người viết cũng từng rất bực bội khi dính “phốt” bảo hành card đồ họa đến 2 tuần lễ sau gần chục lần di chuyển ở một cửa hàng nhỏ... do ham rẻ.
 
Do vậy, hãy lựa chọn cho mình nơi “chọn mặt gửi vàng” uy tín dù phải chịu giá cao hơn một chút.
 
Các công ty lớn thường đáng tin.
 
Hi vọng bài viết có ích cho độc giả trong mùa hè này – mùa của giải trí, mua sắm và nâng cấp.