Không thể phủ nhận Google là một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới ở thời điểm hiện tại. Nhưng trong 1 thời gian dài, Google cũng là 1 công ty...nhàm chán. Hãng mua lại rất nhiều công ty khác để phát triển các dịch vụ nhưng rồi không lâu sau đó khai tử những sản phẩm vừa mới chào đời. Gã khổng lồ từng ra mắt Google Buzz, Google Wave nhưng rồi chẳng ai quan tâm và sử dụng chúng.
Thế nhưng kể từ khi Larry Page lên nắm quyền lãnh đạo công ty từ hồi tháng 4, mọi chuyện đã thay đổi rất nhanh. Page loại bỏ những sản phẩm kém hiệu quả, ra mắt mạng mạng xã hội có thể coi đã đạt được những thành công ban đầu, bỏ ra hơn 12 tỷ USD để mua lại 1 công ty sản xuất điện thoại là Motorola.
Larry Page cho biết Google "không còn là một công ty tìm kiếm nữa", và mô hình của Google hiện nay là phát minh ra những điều mới mẻ có ích cho người dùng, và ngược lại người dùng sẽ tạo ra lợi ích cho công ty, và Google sẽ lại sử dụng mô hình kinh doanh để phát minh ra những thứ mới. Dưới đây là những chiến lược rất có thể Google sẽ thực hiện trong năm nay để tạo nên những thay đổi mang tính bước ngoặt ở công ty công nghệ hàng đầu này.
Ra mắt 1 máy tính bảng chất lượng cao
Tháng trước, Chủ tịch Google là Eric Schmidt hé lộ thông tin công ty sẽ
sản xuất máy tính bảng "cho chất lượng cao nhất" trong 6 tháng tới. Cho đến nay, hầu hết các máy tính bảng Android đều nhận lấy thất bại. RIM, HTC, Sony...phải hạ giá sản phẩm. Dell ngừng bán Streak 7. HP thì ngừng sản xuất TouchPad. Ngoại trừ Amazon tạo nên thành công với Kindle Fire nhờ hướng đi riêng, thế nhưng, trớ trêu là mặc dù Kindle Fire chạy Android nhưng Amazon đã tùy biến HĐH này nhiều đến nỗi hầu hết các dịch vụ của Google đã bị cắt giảm hết trên Kindle Fire.
Sự thất bại của máy tính bảng Android đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chính là do nền tảng của Google không đảm bảo được độ tin cậy và còn nhiều bất cập.
Thế nhưng điều đó sẽ phải thay đổi trong năm nay. Có thể Google sẽ sản xuất tablet giống như cách hãng dùng để tạo ra điện thoại Nexus hiện nay - hợp tác với 1 đối tác phần cứng như Samsung, HTC...để sản xuất máy tính bảng Google.
Ra mắt một dịch vụ TV trả tiền
Tin đồn về dịch vụ TV của Google đã xuất hiện từ thời điểm cuối năm ngoái và Google đang hoàn thiện các mảnh ghép cuối cùng trước khi ra mắt 1 sản phẩm hoàn thiện. Motorola sẽ cung cấp set-top box (thiết bị giải mã tín hiệu TV), Google TV sẽ là phần mềm, và mạng cáp quang ở thành phố Kansas sẽ cung cấp dây dẫn. Công ty thậm chí còn ra mắt 1 kênh video với nội dung có chất lượng cao.
Phát triển nội dung video
Năm ngoái, Google gần như đã đạt được thỏa thuận mua lại Hulu với giá 4 tỷ USD nhưng thương vụ cuối cùng đổ bể do Hulu không chấp nhận yêu cầu mở rộng các thỏa thuận nội dung của Google. Việc mua lại Hulu sẽ giúp Google xây dựng nên kho nội dung video cho TV của mình, thế nhưng đó chưa hẳn là phương cách duy nhất. Google có thể mua lại bản quyền nội dung từ các công ty giải trí như cách mà các hãng truyền hình cáp đang áp dụng hiện nay. Cái giá cho những nội dung này là sẽ không rẻ, nhưng Google có thể dùng nội dung đó để phát triển cho nhiều sản phẩm khác như tablet, quảng cáo...
Chuyển chiến lược kinh doanh của Android
Quay lại thời điểm Google ấp ủ ý tưởng kinh doanh với Android, Google có ý định cho không điện thoại chạy nền tảng này và kiếm tiền từ quảng cáo trên điện thoại để bù lỗ, sau đó kiếm lời với HĐH của mình. Tuy nhiên, các nhà mạng và hãng sản xuất phần cứng có kế hoạch kinh doanh khác và Google phải dung hòa lợi ích của mình với đối tác để phát triển Android.
Hiện tại, Android đã có chỗ đứng vững chắc. Người dùng đã biết đến thương hiệu này và đã có hàng trăm ngàn ứng dụng cho Android có mặt trên chợ ứng dụng Android Market. Một khi Google hoàn tất thương vụ mua lại Motorola, Google có thể chuyển đổi mô hình kinh doanh sang cách khác: tự sản xuất phần cứng, ưu tiên những tính năng ưu việt của Android và các dịch vụ tốt cho các thiết bị này.
Các đối tác phần cứng có thể sẽ chẳng dễ chịu cho điều này nhưng nhà mạng thì không quan tâm. Họ chỉ mong có những sản phẩm tốt để hút càng nhiều người dùng càng tốt.
Ra thêm cửa hàng bán lẻ
Năm ngoái, Google đã ra mắt cửa hàng bán lẻ đầu tiên có tên gọi Chrome Zone ở Anh. Tuy chỉ có diện tích khiêm tốn 30m2 nhưng đó là dấu hiệu cho thấy Google sẽ bước vào mô hình kinh doanh từng giúp Apple và Microsoft thu được thành công: chuỗi cửa hàng bán lẻ ở khắp thế giới.
Các cửa hàng này sẽ bán điện thoại, tablet chạy Android, Google TV, máy tính Chromebook.
Phát triển Google+
Google đang bị chỉ trích vì chính sách tích hợp và
ưu tiên kết quả từ Google+ trong các kết quả tìm kiếm, và mặc dù
Ủy ban thương mại Mỹ đang đưa chính sách mới này vào diện bị nghi vấn tạo nên sự độc quyền, điều này cũng sẽ không ngăn được việc Google sẽ thúc đẩy và phát triển Google+ khắp mọi nơi.
Một trong những khả năng đó là Google+ sẽ được tích hợp vào Google TV, Gmail. Thậm chí sẽ có 1 phiên bản Google+ đặc biệt dành cho doanh nghiệp cho phép nhân viên trao đổi công việc với nhau giống như cách họ tương tác với bạn bè của mình vậy.
Phát hành xe hơi tự lái
Hiện Google có một đội ngũ nhân viên khoảng 50 người đang làm việc với dự án xe hơi tự lái và Google cũng bắt đầu thực hiện hợp tác với các công ty sản xuất xe hơi lớn để phát triển loại xe này. Năm 2012, có lẽ chúng ta sẽ được thấy hình thù rõ hơn của những chiếc xe này, hoặc ít nhất nghe Google giải thích thời điểm và làm thế nào chúng ta có thể lái loại xe này. Tuy nhiên, chúng ta có sẵn sàng bỏ tiền mua hay thuê chúng, hay dùng xe tự lái như 1 dịch vụ taxi hay không, sẽ còn nhiều thời gian để có câu trả lời.
Thêm nhiều chiến dịch quảng cáo
Trước đây Google chưa từng quảng cáo cho các sản phẩm của mình. Thế nhưng điều này đã thay đổi từ năm ngoái. Google thuê đặt biển quảng cáo cho trình duyệt Chrome. Dịp cuối năm vừa qua, Google thậm chí còn quảng cáo Google+ trên cả truyền hình. Trong 2012, khi đã hoàn thành thương vụ mua lại Motorola Mobility, Google có thể sẽ thực hiện thêm nhiều chiến dịch quảng cáo để quảng bá cho phần cứng mang thương hiệu Google.