Trong vòng một hai năm trở lại đây, xu hướng mua bán sáp nhập (hay được gọi là M&A - Merger and Acquisition) ngày càng phổ biến. Năm ngoái, Microsoft mua lại Skype - dịch vụ chat, điện thoại... với giá 8,5 tỷ USD hay gần đây hơn là vụ thâu tóm Instagram trị giá 1 tỷ USD thực hiện bởi Mark Zuckerberg, gần hơn nữa là 1,2 tỷ USD Microsoft dành cho BLĐ Yammer để mua lại "đứa con" của họ. Gần đây, thương vụ thâu tóm Motorola Mobility của Google trị giá 12 tỷ USD khiến cả 5 nước thành viên thường trực hội đồng bảo an phải cân nhắc kỹ trước khi chấp thuận.
Không khó để nhận thấy M&A đang trở thành lựa chọn hàng đầu của các công ty lớn khi họ buộc phải xâm nhập thị trường mới hoặc mở rộng, nâng cấp các sản phẩm của mình. Một thực tế nữa đễ để nhận ra, hầu hết các vụ mua bán sáp nhập đều được thực hiện ở mức giá cao hơn giá trị thật (được đánh giá bởi các nhà kinh tế hàng đầu) rất nhiều. Ví dụ như, Skype, ở thời điểm Microsoft mua lại, Skype được định giá ở mức chỉ 2,5 tỷ USD (giá mua lại gấp hơn 3 lần định giá) hay Instagram, một dự án 2 năm với 13 nhân viên được được mua với giá tới 1 tỷ USD (gấp đôi mức 500 triệu USD - mức mà các nhà đầu tư đánh giá về Instagram).
Tại sao lại vậy? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng tập trung chủ yếu vào 4 thương vụ mua bán đình đám vừa xảy ra trong khoảng 2 năm trở lại đây: Microsoft mua lại Skype, Facebook mua lại Instagram, Google mua Motorora Mobility,
Mua công việc làm ăn?
Một câu hỏi đặt ra, các ông lớn bỏ cả núi tiền ra để mua cái gì? Tất nhiên, Microsoft hay Facebook không bỏ tiền ra để mua lại công việc kinh doanh của Skype hay Instagram bởi nó thật sự quá nhỏ so với núi tiền của người mua. Skype có doanh thu 860 triệu trong năm 2011 nhưng trong tình trạng lỗ (6,9 triệu USD) và dự báo doanh thu của Skype cũng không lấy gì làm khả quan lắm. Hay Instagram thậm chí còn chưa tạo ra doanh thu cũng đã được mua lại với giá 1 tỷ USD.
Hay một con số rõ ràng hơn bạn có thể so sánh: giá trị dự kiến của các công ty được xây dựng dựa trên những yếu tố về doanh thu, dự báo doanh thu, dự báo công việc làm ăn (thường là khá đáng tin cậy) của các chuyên gia. Cả 4 vụ M&A đáng chú ý kể trên, giá trị thương vụ đều lớn hơn (nhiều) so với giá trị công ty.
Vậy tại sao họ mua?
Có 4 thứ hấp dẫn ở các công ty nhỏ mà các đại gia "ham muốn" và sẵn sàng chi cả núi tiền để có được.
Thứ nhất, sản phẩm
Nhiều người nghĩ, Microsoft thừa sức phát triển một Skype thứ 2, thậm chí còn mạnh hơn, tốt hơn. Đúng, Microsoft có thể. Nhưng câu chuyện sản phẩm thành công không chỉ nằm ở vấn đề kỹ thuật, ở vấn đề bạn có thể hay không có kỹ thuật tốt hơn đối thủ. Một sản phẩm tốt, là sự kết tinh của nhiều yếu tố mà kỹ thuật chỉ là một phần trong đó.
Trong những phần ngoài kỹ thuật, yếu tố quan trọng nhất của một sản phẩm thành công lại không nằm trong sản phẩm đó. Điều quan trọng mà tôi muốn nhắc đến nằm trong chính suy nghĩ của các bạn, hình ảnh của sản phẩm trong đầu khách hàng. Rất khó để miêu tả, chỉ ra chính xác đó là điều gì và tại sao, nhưng nó luôn có tác động rất lớn đến quyết định lựa chọn của người dùng.
Có một thử nghiệm khá nổi tiếng thế này. Người ta lấy cùng 1 loại nước hoa cho vào hai chai, một chai không dán nhãn, một chai đề thương hiệu của một hãng nước hoa nổi tiếng thế giới, 100% phụ nữ trong cuộc thử nghiệm khẳng định nước hoa trong chai có nhãn tốt hơn. Đó là câu chuyện về thương hiệu, bạn cũng vậy. Hãy thử tượng tượng 1 trình duyệt giống hệt Chrome nhưng lại dán nhãn trình duyệt bạn ghét là IE, bạn sẽ cảm thấy thế nào. Tôi đã tiến hành một thử nghiệm nho nhỏ (thật ra là trêu đùa một cậu bạn) bằng cách thay đổi giao diện Chrome về giống IE. Kết quả cậu bạn khẳng định trình duyệt này chậm hơn Chrome.
Trở lại câu chuyện của chúng ta. Yếu tố đầu tiên khi các ông lớn quyết định chia tiền là sản phẩm - thứ họ rất khó xây dựng được.
Thứ hai, người dùng
Trong 3/4 trường hợp tôi nêu, người dùng là một yếu tố quan trọng. Instagram có sẵn 40 triệu người dùng trong khi Skype tại máy tôi khẳng định có 40 triệu tài khoản Skype online, một lượng người dùng khổng lồ. Trường hợp còn lại, Yamer, họ không có một lượng người dùng lớn như Skype hay Instagram nhưng đó lại là một đối tượng cực tiềm năng cho các sản phẩm chiến lược của Microsoft.
Thứ ba, thời gian
Cả hai yếu tố trên, thực tế, các ông lớn hoàn toàn có thể xây dựng được. Nhưng có một thứ không cho phép họ chờ đợi, đó là thời gian. Trong một thị trường cạnh tranh như thế này, ra mắt sản phẩm sớm hay muộn 1 tháng đôi khi cũng là cả một vấn đề lớn. Đằng này, để xây dựng được một sản phẩm như Skype hay Instagram, khoảng thời gian vài tháng là quá ít. Chưa kể lượng người dùng khổng lồ, trung thành và đầy tiềm năng không phải dễ dàng mà có được.
Mua các công ty đã thành công trong thứ mình thiếu là cách nhanh nhất, ít rủi ro nhất là các đại gia có thể lựa chọn để trở nên mạnh mẽ và hoàn tiện hơn.
Cuối cùng, quan trọng nhất, nhân tài
Có một sự thật thế này, các công ty lớn, đặc biệt là các công ty rất lớn và có tình hình tài chính tuyệt vời như 3 đối tượng của chúng ta, điều họ thiếu để dẫn đến thành công không phải tiền mà là nhân tài, nhất là trong những thị trường mới.
Nếu bạn nghĩ có tiền là có tất cả thì thật ra bạn chưa hoàn toàn đúng. Đúng là việc Microsoft hay Google tuyển được nhân tài không phải là điều khó nhưng để có được những thiên tài, những nhân vật có thể đứng trong hàng ngũ lãnh đạo hàng đầu là điều cực khó. Để tìm được những người làm sản phẩm tốt, có tài cũng khó không hề kém.
Đó là những điều mà những công ty được mua lại có. Một đội ngũ nhân viên tài năng, tâm huyết và gắn bó với sản phẩm. Không có họ, không thể có Instagram. Những nhân viên tài năng, tâm huyết và được việc thực sự là tài sản không thể quý hơn. Thực tế, trong đa số các vụ mua lại, đội ngũ cũ của công ty được mua đều được giữ lại, nếu họ không quyết ra đi.
Trong phần sau, chúng ta hãy cùng đến với góc nhìn của người bán, tại sao họ lại quyết định bán những dự án hết sức tiềm năng trong tương lai.