Là một người Việt Nam, tôi rất buồn mỗi khi sản phẩm đất nước mình sản xuất hay "nhẹ nhàng hơn" là mang thương hiệu Việt ra mắt rồi thất bại thảm hại. Nguyên nhân đầu tiên của vấn đề là chất lượng sản phẩm chưa thực sự tốt nhưng đáng buồn hơn, chúng lại đến chủ yếu từ việc không được khách hàng trong nước ưa thích. Vậy điều gì đã tạo nên nghịch lý này? Do người tiêu dùng, các NSX hay do yếu tố gì khác? Hãy tìm hiểu thông qua bài viết sau.
Lưu ý: bài viết dưới hạn với chủ đề sản phẩm công nghệ nên các khái niệm sẽ giới hạn trong chủ đề này.
Hàng công nghệ trong nước không được ưa chuộng
Một sự thực đáng buồn là mác "thuần Việt", "được sản xuất tại Việt Nam", "đảm bảo chất lượng bởi A (một công ty trong nước)"... không hề giúp cho hàng hóa đó bán chạy hơn nếu không muốn nói còn khiến cho hình ảnh sản phẩm còn xấu đi ít nhiều trong mắt nhiều khách hàng Việt.
Điều tưởng chừng như vô lý này bạn có thể thấy rõ ràng thông qua comment, bình luận... tại các diễn đàn mỗi khi sản phẩm thuần Việt hay khi thương hiệu Việt ra mắt. Hầu hết đều đặt ra nghi ngờ về chất lượng, tính năng... của chúng. Đương nhiên, bất kỳ sản phẩm nào khi ra mắt đều đứng trước những câu hỏi như thế, nhưng với các sản phẩm Việt, nó thường nghiêng nhiều về hướng không tích cực.
Có một câu hỏi đặt ra cho bạn: nếu phải lựa chọn giữa hai sản phẩm có cấu hình, chất lượng tương đương và giá bằng nhau. Bạn sẽ chọn sản phẩm của các thương hiệu nước ngoài hay lựa chọn sản phẩm thương hiệu Việt?
Chắc rằng đa phần câu trả lời là hàng hóa ngoại nhập. Người tiêu dùng thường sính ngoại. Đây là lý do mà nhiều NSX trong nước đang "kêu ca" vì sao sản phẩm thương hiệu Việt không được ưa chuộng. Nguyên nhân của thất bại trong trường hợp này chính là thương hiệu - yếu tố chúng tôi phân tích trong bài viết.
Thương hiệu Việt - Vì sao "mất giá"?
Những cái "lườm nguýt" của người dùng với các sản phẩm thương hiệu Việt không phải là vô cớ và cũng chẳng phải do tâm lý sính ngoại như nhiều NSX tự dùng để "an ủi mình". Hãy cũng điểm qua những yếu điểm của sản phẩm thương hiệu Việt.
Chất lượng và tính năng
Phải nói một cách công bằng rằng các sản phẩm thương hiệu Việt hay sản xuất tại Việt Nam đều chưa có được chất lượng cao và tính năng hấp dẫn. Các sản phẩm thương hiệu Việt có chất lượng, độ bền và tính ổn định chưa cao (nếu không muốn nói là thấp). Điều này đã ảnh hưởng cực lớn đến cái nhìn của khách hàng.
Một sản phẩm khá tốt nhưng vẫn chịu nhiều nghi ngờ vì cái mác "thương hiệu Việt"?
Dịch vụ bảo hành
Nếu đã một lần đi bảo hành ở các công ty Việt Nam và trung tâm bảo hành của các hãng lớn trên thế giới bạn sẽ hiểu tại sao mà thương hiệu Việt lại xấu trong lòng chính người dùng trong nước đến vậy.
Cách đây không lâu, tôi có chút trục trặc với với modem và đương nhiên, tôi mang đến nơi bán (là một thương hiệu khá lớn trong làng bán lẻ điện máy) để bảo hành. Sau khi đến, tôi nhận một con số rồi... ngồi chờ (lúc đó có 10 người đang chờ và 5 bàn giải quyết). Khoảng nửa giờ sau, đến lượt tôi, nhân viên bảo hành gọi vào "trình bày" rồi yêu cầu tôi ra... ngồi đợi. Anh này tháo, lắp 1 lát rồi lại... gọi tôi vào, cắm thử điện rồi phán... đã sửa xong (đèn sáng - không test vào mạng) và yêu cầu tôi ký vào giấy nghiệm thu (không hỏi thêm gì cả).
Một lần khác, tôi đến trung tâm bảo hành HP tại Hà Nội. Lúc đó đang có khoảng 15 người và duy nhất một bàn bảo hành. Đương nhiên tôi vẫn phải chờ (cũng khoảng 30 phút). Sau đó, họ hẹn khắc phục trong thời gian 1 tuần (5 ngày sau tôi nhận được thông báo hoàn thành) và cho phép tôi kiểm tra trước khi ký vào giấy. Đáng nói hơn tại trung tâm bảo hành của HP cũng chỉ toàn nhân viên người Việt.
Tất nhiên, đó không phải là vấn đề của riêng tôi (rất nhiều người đã phàn nàn về trung tâm bảo hành của công ty Việt nam trên các diễn đàn). Đó càng không phải là những vấn đề lớn đến mức không thể khắc phục được hoặc cần nhiều thời gian để thay đổi mà là những điểm vô cùng nhỏ mà các hãng (nếu muốn) có thể khắc phục dễ dàng. Tuy việc bảo hành hiếm khi xảy ra, nhưng ảnh hưởng của nó đến tình cảm cả người tiêu dùng thì không hề nhỏ chút nào. Riêng với tôi, sau lần bảo hành kể trên, tôi chưa mua thêm bất cứ sản phẩm nào của trung tâm đó.
Thái độ nhận lỗi
Một điều kỳ lạ đang xảy ra ở các hãng sản xuất Việt Nam là họ rất ngại nhận lỗi. Thật ra, bất cứ hãng nào, sản phẩm nào khi sản xuất đều có những tỷ lệ lỗi nhất định. Bằng chứng là ngay cả Intel vừa qua cũng gặp một lỗi rất nghiêm trọng trên chipset Sandy Bridge của mình.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất là cách giải quyết. Intel đưa ra thông tin rõ ràng về những sản phẩm bị lỗi, nguyên nhân lỗi, biểu hiện của lỗi và quan trọng nhất là chấp nhận thu hồi những sản phẩm này. Nếu muốn che giấu lỗi này với Intel không phải là không thể (bởi lỗi này chỉ biểu hiện sau vài 3 năm).
Ngược lại, các NSX Việt Nam thường có xu hướng chối bay chối biến những lỗi của sản phẩm. Những nguyên nhân được đưa ra luôn là: do khách hàng dùng không đúng cách, do các yếu tố khách quan... hay khi đã không thể chối thì: đây là sự hiểu nhầm, lỗi chỉ xảy ra với vài sản phẩm. Có lẽ, tâm lý chung là "hạn chế cho khách hàng biết thông tin về lỗi nhất" và "tránh mọi thiệt hại về kinh tế". Tuy nhiên, hiệu quả thì ai cũng đã thấy, chính những người Việt lại quay lưng và mất lòng tin với các sản phẩm như vậy.
Nhận lỗi, khắc phục tuy có thể khiến bạn mất đi phần nào lợi nhuận, nhưng bù lại, nó đem lại niềm tin của khách hàng với sản phẩm - thứ không thể mua được bằng tiền.
Khi hàng Việt tự mình giết mình?
Rõ ràng, trừ yếu tố công nghệ, tính năng, tất cả những yếu tố còn lại đều là cách các doanh nghiệp "tự mình giết mình". Chính họ là người đã "bóp nát" thương hiệu Việt trong lòng khách hàng để nhận lấy hậu quả như ngày hôm nay. Trong khuôn khổ một bài viết, tôi không kỳ vọng sẽ nên ra được tất cả những "căn bệnh" khó chữa của các sản phẩm công nghệ Việt. Tuy nhiên, nếu "chữa" được những điểm trên, chắc chắn, các doanh nghiệp trong nước sẽ thay đổi được tình thế ...
Trong bài viết sau của series này, chúng ta sẽ cùng khám phá những câu nói mà các NSX cần quên ngay nếu muốn thành công.