Khi quyết định mua một sản phẩm công nghệ, có lẽ các khái niệm "khả năng tái chế", "tính thân thiện với môi trường" không phải là những tiêu chí phổ biến mà người tiêu dùng xét đến. Tuy nhiên, hãy xem xét vấn đề một cách dài hạn. Chỉ xét riêng các thiết bị di động, mỗi năm có hàng tỉ đơn vị sản phẩm được sản xuất, đem nhân con số này với 1-200 gram nguyên liệu thô, liệu chúng ta có đang phung phí nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá?
Mời độc giả GenK tham khảo một video ngắn giải thích quá trình tái chế các loại điện thoại cũ.
Như được thể hiện trong đoạn clip trên, việc tái chế các thiết bị di động mang lại rất nhiều lợi ích khi chúng ta có thể tiết kiệm được một nguồn nguyên liệu đáng kể. Vậy với New iPad, siêu phẩm đạt doanh số hơn 3 triệu đơn vị chỉ sau 4 ngày bán ra, liệu công việc tái chế có đơn giản như vậy?
Đội ngũ thiết kế kỹ thuật của Apple đã thành công khi tạo ra chiếc iPad mới mạnh mẽ có thể hoạt động liên tục 7-8 tiếng với chiều dày đáng nể, chỉ … 9,5 mm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, họ đã hy sinh khả năng tái chế và thân thiện với môi trường của sản phẩm này. Như đã khám phá trong bài
mổ xẻ linh kiện, giống như các phiên bản trước đó, “nội tạng” iPad 3 phức tạp và được bảo vệ chắc chắn hơn những chiếc dumb-phone rất nhiều.
Việc tháo rời từng linh kiện và sửa chữa New iPad đòi hỏi những dụng cụ đặc biệt.
Trước khi đưa vào tái chế, từng linh kiện cần được tháo rời và phân loại chính xác. Tuy nhiên, theo đánh giá của iFixit, New iPad chỉ được chấm 2.0 /10 về mức độ thuận tiện cho tháo lắp và sửa chữa (iPad 2 được chấm 4/10). Trả lời phỏng vấn, Ceo của iFixit, Kyle Wiens cho biết: “Lớp keo cực chắc ở mặt kính phía trước rất khó để tách ra mà không làm hỏng kính, khiến việc sửa chữa sản phẩm này rất khó khăn. Hơn nữa, các linh kiện bên trong iPad được sắp xếp khít nhau với nhiều mối nối và dây dẫn. Chính vì vậy, khâu tái chế không hề dễ dàng để thực hiện. Dĩ nhiên New iPad vẫn có thể tách được từng linh kiện, nhưng tốn rất nhiều thời gian và công sức.”
Cũng chính vì lẽ đó, dù Apple đã tuyên bố, iPad 3 chủ yếu làm từ nhôm và thủy tinh, những vật liệu có khả năng tái chế được, các công ty môi trường có lẽ vẫn sẽ gặp một bài toán khó: làm thế nào để tháo rời từng bộ phận đó? Chính thiết kế nhôm nguyên khối khiến việc tháo rời các bộ phận độc hại (như pin) và các bộ phận có nhiều vật liệu quý (con chip) gặp rất nhiều khó khăn và đây có thể coi là một điểm trừ của iPad. "Đứng trên quan điểm của một công ty tái chế đồ công nghệ, chúng tôi cho rằng các hãng sản xuất cần thiết kế sản phẩm làm sao để các bộ phận độc hại (như pin máy) có thể được tháo ra dễ dàng" - Steve Skurnac, Chủ tịch của công ty chuyên về tái chế đồ công nghệ SIMS Recycling Solutions cho biết.
Một thiết bị di động tưởng chừng là rất nhỏ song hàng triệu đơn vị được bán ra sẽ gây ra gánh nặng lớn về tài nguyên thiên nhiên. Mặt trái của doanh số khủng khiếp mà iPad 3 đang (và sẽ) sở hữu, chính là ảnh hưởng đối với môi trường của chúng ta.