Cách đây khoảng 4-5 năm, khi tôi mua chiếc laptop đầu tiên của riêng mình, câu chuyện cấu hình là câu chuyện được bàn đến nhiều nhất trong nhóm bạn bè của tôi (tất cả đều cần mua laptop để bắt đầu học đại học). Trở về trước nữa, khoảng 3 năm trước, khi mua laptop cho cậu tôi, cấu hình là câu chuyện cực kỳ quan trọng và gần như là ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn laptop.
Thế nhưng, ngày nay câu chuyện cấu hình đã trở thành điều nhiều người quên lãng. Tại sao lại vậy?
Cấu hình "ngày xưa" chuẩn mực chọn lựa laptop
Tôi không nhớ chính xác mốc thời gian (chắc khoảng chừng 4 hay 5 năm) nhưng chiếc laptop đầu tiên tôi sở hữu (HP 8510p) là thời mà người đang đang đau đầu cân nhắc giữa Core Duo, Core 2 Duo và Pentium 4. Tất nhiên, đó là những mẫu chip có giá thành rất khác nhau nhưng chủ yếu người ta cân nhắc vì hiệu năng của chúng rất khác biệt. Sự khác nhau trong tốc độ và khả năng xử lý của Core 2 Duo, Core Duo và Pentium 4 có thể cảm nhận được mà không cần bất cứ công cụ đo nào. Thậm chí, ngay cả trong những tác vụ cơ bản, sự khác biệt này cũng dễ nhận ra.
Thời đó, ngoài câu chuyện chip thì nóng nhất của lẽ là VGA. Tất nhiên, thời đó khái niệm GPU tích hợp trong chip là chưa có và khả năng của các VGA onboard thì thật là thảm họa. Câu quảng cáo ấn tượng và thu hút nhất của các cửa hàng bán laptop thời đó có lẽ là "VGA rời" in đỏ, bôi đậm và gạch chân.
Đó, tóm lại thì câu chuyện cấu hình thời đó dường như chiếm tới 80% lý do tôi chọn laptop. Chạy chip T7700, RAM 2 GB, VGA HD2600, máy của tôi trở thành "hot boy" vì là một trong số ít laptop (tất nhiên trong phạm vi lớp tôi) chạy mượt mà PES.
Và mất dần vai trò
Cách đây chừng 3 hay 4 năm gì đó, Intel "đánh bom" thị trường bằng dòng chip Core i (đời đầu và vừa ra mắt đời 3 năm nay). Ngoài khả năng xử lý mạnh mẽ, điểm thu hút nhất của các dòng chip i của Intel là việc nó tích hợp GPU đồ họa khá mạnh. Tôi không tham vọng giải thích chi tiết cho các bạn sức mạnh và sự tiện lợi của GPU tích hợp này (tôi cũng không quan tâm lắm) chỉ biết nó mang lại 2 cái lợi tôi quan tâm: quen đi VGA (nóng kinh hoàng) và tiết kiệm pin hơn.
Và sau khi Intel ra mắt con chip này, yếu tố cấu hình mất dần vai trò. Khi lựa chọn chiếc laptop cho em gái (thật ra là bạn là con gái và nhỏ tuổi hơn) cách đây khoảng 2 năm, cấu hình chỉ chiếm khoảng 40% yếu tố tôi quyết định lựa chọn. Đơn giản, vì sự chênh lệch giữa các mức cấu hình không còn rõ ràng nữa.
Tất nhiên, sự chênh lệch trong các mức cấu hình của tôi không có nghĩa là Core i7 hay Core i5 đắt tiền không mạnh hơn Core i3 rẻ tiền. Sự chênh lệch, là sức mạnh trong việc xử lý những tác vụ mà đa số người dùng sử dụng, quan tâm. Sự thật, sự khác biệt giữ Core i3 và Core i7 trong những tác vụ mà đa phần người dùng thông thường xử dụng là không thể nhận ra bằng cảm giác (của người thường, ai cảm thấy load web bằng Core i7 nhanh hơn core i3 thì là siêu nhân, tôi không đề cập). Thực ra, chip Core i3, không VGA rời bây giờ cũng "chiến" được hết những game cơ bản, từ PES trở xuống.
Việc này cũng giống như ta quyết định sử dụng xe máy hay siêu xe máy để đi trên một quãng đường. Với những quãng đường dài, siêu xe sẽ đến nhanh hơn do đi nhanh hơn. Tuy nhiên, cùng hai các xe đó mà đi khoảng cách ngắn hoặc cực ngắn, như kiểu 10 mét chẳng hạn, sự khác biệt hoàn toàn không có, hoặc rất rất khó để nhận ra.
Ngoài ra, nó còn phụ thuộc và khả năng của người dùng, với một người tốc độ thao tác bình thường, sự khác biệt giữa tốc độ của các mức cấu hình phổ biến hiện nay là không nhiều. Cũng giống như đưa cho tôi hay bạn một chiếc xe đua tốc độ tối đa 400km/h cũng chả khác gì đi xe wave 100km/h vì đơn giản đó là tốc độ cao nhất tôi đi được. Phải đưa cho những tay đua, sự khác biệt mới có thể nhận ra.
Tóm lại, nguyên nhân khiến cấu hình không còn là câu chuyện được quan tâm nữa bởi thực tế nó đã quá mạnh, tất nhiên, là với các nhu cầu phổ thông.
Nhường chỗ cho các yếu tố khác
Sự mạnh lên và kém quan trọng đi của cấu hình khiến cho sự lựa chọn của người dùng chuyển sang những yếu tố khác mà đối với nhiều người là quan trọng hơn. Có thể liệt kê ra một số yếu tố phổ biến: bàn phím, màn hình, thời lượng pin... Thật ra, đây mới là yếu tố nhiều người chọn mua laptop bây giờ.
Thật ra, tôi nghĩ 3 yếu tố tôi kể mới là những điều đáng quan tâm hơn là sự nhanh chậm không thể nhận ra giữa Core i3 và Core i7. Bàn phím, là thứ bạn gõ hàng ngày, màn hình là thứ bạn nhìn suốt quá trình sử dụng, thời lượng pin quyết định việc bạn có phải kè kè cái sạc 24/7 không, có thoải mái khi sử dụng không. Riêng với tôi, cấu hình hiện giờ chiếm ít hơn 10% lý do vì sao tôi chọn hay không chọn một chiếc laptop. Tất nhiên, với nhu cầu laptop rẻ, tỷ trọng này sẽ lớn hơn.
Và thật là thiển cận khi cứ lấy cấu hình ra làm thước đo
Cứ chăm chăm lấy cấu hình ra làm thước đo để đánh giá một chiếc laptop đúng là chỉ để chúng ta vui cười hoặc giả bạn là người của 5 10 năm trước vừa lọt qua lỗ hổng thời gian (tôi không chắc là có hay không) để đến với ngày hôm nay. Tôi đã quá chán nản với những câu chuyện kiểu: "với từng này tiền tao có thể mua một chiếc laptop mạnh gấp đôi cho mày" (xin lỗi các bạn vì đại từ nhân xưng hơi... xuồng xã, nhưng thế mới đúng với cuộc sống). Nếu cứ lấy tiêu chuẩn: cấu hình/ mức giá càng cao = càng đáng mua, càng thành công thì có lẽ bây giờ Acer sẽ là công ty công nghệ hàng đầu thế giới còn Apple đang chuẩn bị phá sản đến nơi.
Việc lấy cấu hình ra làm thước đo cũng giống như việc bạn vào một cuộc thi ảnh đẹp khoe tôi thông minh, tôi có thể giải toán nhanh hơn tất cả hoa hậu. Đúng, đó là điều đáng quý nhưng không phù hợp với một môi trường mà độ giỏi toán dừng lại ở việc nhân chia cộng trừ là vừa đủ, hơn cũng chả để làm gì. Điều mà người ta cần, là cái khác.
Đó, rút cục là thế giới đang dịch chuyển, hàng ngày, hàng giờ. Và nếu như bạn hãy còn quan trọng chuyện cấu hình (tất nhiên, với nhu cầu thông thường) thì có lẽ bạn nên xem lại và cân nhắc kỹ hơn. Chúc các bạn lựa chọn được đúng laptop theo nhu cầu của mình.
P/s: Trong bài viết kế tiếp, tôi sẽ cùng các bạn bàn tiếp về một câu chuyện mà nhiều bạn có lẽ sẽ dùng để phản đối bài viết này: tại sao người ta lại phải trả quá nhiều tiền cho phần lợi ích ngày càng nhỏ (về chất lượng của laptop) hay chính là câu chuyện về một nguyên lý cơ bản của kinh tế áp dụng và đúng trong gần như toàn bộ cuộc sống: quy luật sản phẩm cận biên giảm dần hay cách gọi (gốc) trong tiếng anh là "diminishing marginal products".