Khoảng tối của Steve Jobs trong hồ sơ FBI

PV  | 10/02/2012 03:00 PM

Cục điều tra liên bang (FBI) ngày hôm qua (9/2) đã công bố một hồ sơ lâu năm về Steve Jobs trong đó trích dẫn các cuộc phỏng vấn với nhiều người xung quanh ông. Hồ sơ của FBI đã hé lộ những góc nhìn trái chiều, thậm chí là tiêu cực về cha đẻ Apple.

Hồ sơ 191 trang của FBI là một phần kiểm tra lý lịch của Jobs để cựu Tổng thống George H.W. Bush đưa Jobs vào Hội đồng Xuất khẩu của Tổng thống năm 1990. Hồ sơ bao gồm các kết quả phỏng vấn với Jobs và những người biết ông. Bản hồ sơ này củng cố hình ảnh về Jobs đã được những người dõi theo sự nghiệp của ông và Apple biết đến.

Cuốn sách bán chạy nhất về Jobs của nhà viết tiểu sử Walter Isaacson, phát hành năm ngoái, đã nhắc đến việc sử dụng các loại thuốc gây nghiện như cần sa, ma túy, và các chât gây ảo giác... của Steve Jobs, và cả tính cách đồng bóng của ông. Trong khi nhiều người được FBI phỏng vấn lại mô tả Jobs theo hướng tốt thì một số người nói rằng ông không phải lúc nào cũng trung thực.

Theo những tài liệu do FBI công bố: "Một cá nhân được hỏi về sự trung thực của ông Jobs nói rằng Jobs sẽ luôn xuyên tạc sự thật và bóp méo thực tế để đạt được mục tiêu của mình."

Ngoài ra, Jobs cũng là nạn nhân của một nỗ lực tống tiền. Cơ quan điều tra phát hiện một mối đe dọa đánh bom chống lại Jobs vào năm 1985, trong đó một người đàn ông không rõ danh tính đã thực hiện hàng loạt các cuộc gọi và nói rằng "thiết bị" đã được đặt trong các căn nhà của một số cá nhân nhất định và "phải trả một triệu đô la."

Người gọi đã để lại chỉ thị rằng một trong số những nạn nhân phải đi đến khách sạn Hilton San Francisco để nhận một bức thư ngắn được để đưới một cái bàn. Số điện thoại của kẻ có thể là kẻ tống tiền để lại được sử dụng để truy tìm đầu mối dẫn đến một trạm điện thoại công cộng tại một gara đậu xe tại sân bay quốc tế San Francisco.

Những khoảng tối trong cuộc đời thiên tài công nghệ có làm thay đổi cái nhìn của thế giới về ông?

Hồ sơ của FBI có thể được công bố sau cái chết của một người. Hồ sơ của Jobs được công bố bởi cơ quan thực thi pháp luật sau khi có yêu cầu từ Bloomberg News và những người khác theo Luật tự do thông tin. Jobs qua đời sau một trận chiến lâu dài với căn bệnh ung thư hiếm gặp. Apple, nhà sản xuất iPhone, iPod, iPad và Mac, hiện là công ty có giá trị nhất thế giới tính theo giá trị thị trường.

Đại diện của FBI tại Washington đã không đáp ứng yêu cầu bình luận ngay lập tức. Steve Dowling, người phát ngôn của Apple, đã từ chối bình luận.

Bị cân nhắc vào Hội đồng Xuất khẩu

Theo Robert Holzweiss, một nhà nghiên cứu tại Thư viện tổng thống George  Bush tại trường cao đẳng Station, Texas, Bush đã bổ nhiệm Jobs vào Hội đồng Xuất khẩu của Tổng thống vào ngày 24/5/1990 nơi ông còn tại vị cho đến hết nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 1/1993.

Jobs bị 'hất cẳng' khỏi Apple vào năm 1985 sau một vụ tranh chấp lãnh đạo với Giám đốc điều hành sau này là John Sculley. Trong một phần của việc kiểm tra lý lịch năm 1991 về lịch sử công tác, FBI yêu cầu Jobs lựa chọn một vài lý do tại sao công việc của ông tại Apple kết thúc. Ông đã lựa chọn nói rằng, "hoàn cảnh không thuận lợi."

FBI cho biết các cuộc phỏng vấn được tiến hành với các đồng nghiệp cũ, hàng xóm, những phụ tá và những người quen biết xã hội.


"Phẩm chất đạo đức" có vấn đề

Các cuộc phỏng vấn cho thấy những quan điểm trái chiều về Jobs. Theo FBI, một đồng nghiệp cũ của Jobs tại Apple đã khá gay gắt khi đặt nghi vấn về "phẩm chất đạo đức" của ông sau khi không được trao cổ phần tại Apple. Một người khác cho rằng Jobs sở hữu "phẩm chất đạo đức cao và liêm chính."

Hai người khác không rõ tên được FBI phỏng vấn nói rằng Jobs có "ý chí mạnh mẽ, ương ngạnh, chăm chỉ và có động lực, mà họ tin rằng là lý do ông thành công." Hai người nói rằng Jobs "sở hữu sự chính trực chừng nào ông được theo cách của mình."

Một phụ nữ nói cô ngần ngại phải bàn luận về Jobs với FBI bởi vì cô có "những nghi vấn liên quan tới đạo đức của ông". Cô nói cuộc sống cá nhân của Jobs là "thiếu thốn" bởi vì tính "tự cao tự đại." Mặc dù vậy, người phụ nữ này lại tiến cử Jobs cho việc bổ nhiệm và gọi ông là "một người nhìn xa trông rộng và lôi cuốn."

Thậm chí cả những người bất đồng với Jobs cũng tiến cử ông với FBI. Một người được phỏng vấn từng nói Jobs là "lừa đảo" đã kết thúc cuộc phỏng vấn bằng việc tiến cử ông tới công việc của chính phủ, nói rằng Jobs "sở hữu những phẩm chất để đảm nhận một vị trí chính trị cấp cao," hồ sơ của FBI cho biết.

Theo ý kiến của người này, "trung thực và liêm chính không phải là những phẩm chất cần thiết để nắm giữ một vị trí như vậy."

Bỏ rơi con riêng

Một số người được phỏng vấn nói về việc Jobs làm cha của một người con gái ngoài giá thú với một người bạn gái cũ tên là Chrisann Brennan. Theo những tài liệu trước đó về cuộc đời Jobs, ban đầu ông từ chối việc làm cha mặc dù sau này ông đã hòa giải với con gái, Lisa Brenna-Jobs. Việc Jobs sử dụng một số loại chất gây nghiện cũng được đề cập đến trong báo cáo.

Trong một cuộc phỏng vấn với FBI cho việc kiểm tra lý lịch năm 1991, Jobs nói ông không sử dụng bất kỳ loại thuốc bất hợp pháp nào trong năm năm trước. Theo báo cáo về cuộc phỏng vấn với Jobs, từ năm 1970 đến 1974, ông đã thử cần sa, hasit và LSD (một loại ma túy gây ảo giác). Báo cáo cho biết, "Việc này xảy ra trong giai đoạn trung học và đại học và ông hầu như sử dụng những chất này một mình."

Theo Vef
Xem thêm:

steve jobs