Tổng quan thiết kế
Về tổng thể, chiếc IBM 5150 có hình dạng không khác gì so với các máy Desktop PC thường dùng ngày nay. Nó có một case nằm ngang kiểu cũ, màn hình, bàn phím, chuột… nói chung là chẳng có ai nhìn vào mà bảo đó không phải là một cái máy vi tính cả.
Vẻ ngoài của chiếc PC cổ này không quá khác biệt so với ngày nay.
Trông chiếc máy khá cục mịch, được bao phủ trên thân bởi màu trắng xám và màu đen. IBM 5150 được tạo ra để dành cho công việc và được những người làm việc nghiêm túc sử dụng, vì vậy vẻ ngoài của nó nó không được bóng bẩy như những chiếc PC hiện nay.
Màn hình
Màn hình trông khá là cục mịch.
Màn hình được sử dụng ở đây là chiếc IBM 5153 CGA, đây là một chiếc CRT mặt lồi với 3 chiếc núm phía bên cạnh: một chiếc bật tắt, một chiếc chỉnh độ tương phản và chiếc cuối cùng để chỉnh độ sáng.
Bàn phím
Vẫn là bàn phím full qwerty nhưng có layout hơi khác so với thường thấy.
Chiếc bàn phím này được ra đời trước khi có chuẩn IBM 101-key Enchanced Keyboard (xuất hiện năm 1984), đo đó nó có đôi chút khác biệt so với các loại bàn phím thường dùng ngày nay, tuy nhiên cũng không khó để có thể sử dụng.
Chuột
Con chuột Microsoft được cắm thêm vào.
Thực tế thì chuột không phải là thiết bị đi kèm với “ông lão 30 tuổi”, nó khá thừa thãi khi được cắm trên chiếc máy chạy hệ điều hành dạng command line này. Tuy nhiên có một số thử nghiệm cần dùng đến nó, do đó một con Microsoft cắm cổng serial đã được tuyển thêm.
Cấu hình máy
Main: một chiếc IBM to màu xanh với 5 khe mở rộng ISA.
CPU: Zilog V20. Bộ vi xử lý gốc của IBM 5150 thực ra là chiếc Intel 8088, tuy nhiên chủ nhân cũ của chiếc máy này đã tiến hành nâng cấp. Zilog V20 là một sản phẩm của NEC, cùng chạy ở xung nhịp 4,77MHz (nhỏ hơn khoảng 500 lần so với xung nhịp 2,3GHz thường thấy hiện nay) nhưng nó có hiệu năng cao hơn 30% so với CPU zin.
CPU Zilog V20 thay thế cho Intel 8088.
RAM: tổng dung lượng hiện có sau khi nâng cấp tối đa là 640KB (vâng, 640 kilobytes – nhỏ hơn khoảng 800 lần so với một chiếc máy tính cùi ngày nay chạy win XP ram 512MB).
Card màn hình: một chiếc CGA video card cung cấp 16 màu nếu ở chế độ văn bản và 4 màu nếu ở chế độ đồ hoạ.
Ngoài ra, chúng ta còn có 2 ổ đĩa mềm 5,25 inch với dung lượng tối đa trên một đĩa là 360KB (xin đừng nhầm với loại đĩa mềm mới biến mất gần đây là 3,5 inch có dung lượng một chiếc đĩa lên tới gần 3MB).
Chắc rằng có bạn sẽ hỏi rằng ổ cứng đâu, vâng thời này chưa có HDD và càng không thể có SDD, tất cả mọi thứ đều được lưu trữ trên đĩa mềm.
Sau 30 năm phát triển, hình dạng bên ngoài của máy vi tính không có quá nhiều đổi khác, tuy nhiên cấu hình phần cứng đã phát triển vượt bậc. Một chiếc Desktop bình thường bạn có thể dễ dàng mua tại bất cứ đâu mạnh hơn chiếc IBM 5150 cực kỳ quý hiếm thời điểm ra mắt tới hàng ngàn lần.
Với cấu hình “siêu khủng” như trên, chúng ta hãy thử xem “máy tính huyền thoại” chạy hệ điều hành PC DOS 3.3 (một phiên bản của MS DOS) thể hiện ra sao trong các tác vụ thông thường như xem ảnh, lướt web, check email, chơi game, gõ văn bản, xử lý đồ hoạ…
Xem ảnh
Chúng ta sẽ sử dụng phần mềm CompuShow (thường gọi là CShow) để xem các file ảnh bởi phần mềm này hỗ trợ tốt tất cả các card đồ hoạ. Nó sẽ tự động chuyển đổi độ phân giải và màu sắc của bất kỳ tấm hình nào sao cho phù hợp để có thẻ hiển thị lên màn hình.
Xem ảnh màu.
Xem ảnh đen trắng.
Thực tế thì CShow thể hiện khá tốt trên IBM 5150, tuy nhiên do hạn chế của chiếc card đồ hoạ CGA nên độ phân giải tối đa xem được là 640x400 nếu đơn sắc hoặc 320x400 nếu ảnh màu. Ngoài ra, với chiếc đĩa mềm 360KB, cũng khó có thể xem được hình lớn.
Lướt web và check email
Đây thực sự là một vấn đề nan giải. Mặc dù IBM 5150 hoàn toàn có thể kết nối trực tiếp với Internet thông qua các cổng chuyển nhưng chúng ta lại không thể tìm được trình duyệt web nào dành cho DOS chỉ nhỏ cỡ 360KB để “nhét” vào chiếc đĩa mềm.
Không thể duyệt web trực tiếp bằng phần mềm theo phương pháp hiện đại ngày nay, chúng ta đành phải sử dụng cách vào mạng của những năm 1990 vậy. Cụ thể hơn, 5150 sẽ được sử dụng như một thiết bị đầu cuối để điều khiển một máy chủ khác kết nối ra ngoài.
Kết quả là bạn hoàn toàn có thể lướt net và check mail trên IBM 5150, mặc dù sẽ không xem được ảnh và gặp một vài rắc rối trong việc hiển thị nội dung của webside.
Gõ văn bản
Thông thường khi nghĩ đến gõ văn bản, phần mềm quen thuộc nhất hiện ra chính là Microsoft Word trong bộ Office. Có vẻ như mọi việc rất suôn sẻ khi tôi tìm được một phiên bản cũ kỹ mang tên Word for DOS version 3.3, nhưng cuối cùng thì ổ đĩa mềm 5,5 inch lại trở thành rào cản không thể vượt qua.
Tiếp đến lại là một sản phẩm của gã khổng lồ đã tạo ra Window: bộ gõ văn bản trong gói văn phòng của Microsoft Works. Nhưng phần mềm này lại nặng tới 372KB và vẫn không thể nào vừa với chiếc đĩa mềm chỉ chứa tối đa 360KB.
Gõ văn bản khá tốt, tất nhiên là không gõ được tiếng Việt.
Tưởng chừng như mọi hi vọng đã bị dập tắt bởi chiếc đĩa mềm thì một sản phẩm của LifeTree Software mang tên Volkswriter 3 xuất hiện. Volkswriter là một trong những phần mềm xử lý văn bản xuất xắc, từng được sử dụng rất phổ biến vào những năm 1980 trước khi bị Microsoft Word đè bẹp.
Chơi game
Có khá nhiều game chạy ngon lành trên IBM 5150 để bạn chọn lựa như ZZT, Jumpman, Alley Cat, Digger… Tất nhiên bạn không thể yêu cầu quá cao ở các trò chơi cổ lỗ sĩ này được, chúng được thiết kế khá đơn giản và chủ yếu dành cho dân văn phòng giết thời gian.
ZZT, một game phiêu lưu dạng text khá thú vị.
Đồ hoạ và âm thanh trong game phải nói là cực kỳ nghèo nàn bởi card đồ hoạ CGA chỉ có 4 màu và độ phân giải là 320x200. Các máy tính IBM đời xưa chỉ được trang bị một kênh âm đơn giản, nó chỉ kêu được một tiếng bip duy nhất mà thôi.
Đồ hoạ
Đây chính là chức năng duy nhất cần đến con chuột. Bạn có thể dùng nó để vẽ hình 2D thông qua một số phần mềm đồ hoạ cổ lỗ sỹ chạy trên nền DOS như Microsoft Painbrush, FingerPaint hoặc TPaint.
Hình thuyền buồm được vẽ bằng TPaint, khá đẹp mắt mặc dù chỉ có 4 màu.
Ở đây chúng ta sẽ sử dụng TPaint bởi nó hộ trợ tốt card CGA và cả con chuột Microsoft được gắn thêm vào. Kết quả thu được cũng không đến nỗi quá tệ mặc dù màn hình chỉ có 4 màu.
Tất nhiên bạn sẽ không thể chỉnh sửa những bức ảnh như trong Photoshop hoặc render 3D bằng AutoCAD được.
Kết luận
Như vậy, thông qua một số thử nghiệm nho nhỏ, chúng ta có thể thấy rằng chiếc IBM 5150 huyền thoại có độ bền thật đáng nể, đã 30 năm nhưng nó vẫn vận hành trơn tru và sử dụng tốt trong những nhu cầu đơn giản như tính toán, xử lý văn bản, chơi game…
Điểm yếu lớn nhất của “ông cụ 30 tuổi” này là chiếc ổ đĩa mềm 5,5 inch, mỗi chiếc đĩa từ dạng này lưu được quá ít dụng lượng gây khó khăn cho việc sử dụng phần mềm cũng như lưu trữ dữ liệu.
Chúng ta có thể nâng cấp phần cứng của IBM 5150 với một chiếc card VGA đời cũ, lắp thêm HDD, thay lại CPU Intel 8088 để cài Windows 3.0. Mặc dù mọi ứng dụng chạy có vẻ lê lết, tuy nhiên vẫn có thể làm tất cả mọi việc kể trên một cách ngon lành với hệ điều hành của Microsoft.
Với tốc độ phát triển như vũ bão của ngành tin học như hiện nay, không thể biết được rằng sức mạnh của những chiếc máy tính sẽ còn tiến xa tới đâu nữa. Liệu rằng khi kỷ niệm 100 năm ngày IBM 5150 ra đời, nó còn có thể làm được những gì gọi là “đơn giản” ở thời đại đó?