Khám phá bí mật lịch sử logo Apple và các đại gia công nghệ (Phần 1)

Hồng Phượng  | 29/04/2011 0:00 AM

Trong bài viết hôm nay, độc giả sẽ được tìm hiểu về sự thay đổi trong logo của các tên tuổi nổi tiếng làng công nghệ thế giới.

Hẳn các bạn không còn lạ lẫm gì với những logo có thể bắt gặp ở bất kì nơi đâu như thế này. Tuy nhiên đã bao giờ bạn tự hỏi về nguồn gốc ra đời của chúng? Sẽ thật bất ngờ nếu biết rằng logo đầu tiên của hãng Apple là hình Isaac Newton dưới gốc một cây táo, hay logo ban đầu của Nokia là một chú… cá
 
Adobe Systems
 
Năm 1982, ở tuổi 40, John Warnock và Charles Geschke đã "rủ nhau" bỏ việc ở Xerox và thành lập một công ty riêng về lĩnh vực phần mềm. Họ đã quyết định đặt tên công ty là Adobe, theo tên một nhánh song chảy qua gần ngôi nhà của Warnock. Ban đầu họ tập trung vào phát triển PostScript, một ngôn ngữ lập trình được sử dụng trong mô tả hiển thị màn hình.
 
Khi Adobe mới ra đời, Warnock và Geschke đã cố gắng tiết kiệm chi phí bằng cách nhờ tới sự giúp đỡ từ gia đình. Cha của Geschke, mặc dù đã 80 tuổi nhưng vẫn "nhuộm màu" cho logo đầu tiên của Adobe (được thiết kế bởi chính tay người vợ của Warnock, Marva).
 
 
 
Apple Inc
 
Năm 1976, Steve Wozniak và Steve Jobs (hai "anh chàng" Steve) đã thiết kế và xây dựng nên mẫu máy tính "homemade" Apple I. Trong thời gian này, Wozniak đang làm việc cho HP nên họ quyết định bán Apple 1 cho hãng sản xuất máy tính rất lớn này nhưng đã bị từ chối. Hai người cùng tên Steve quyết định bán những thứ có giá trị (chiếc máy tính của Wozniak và xe Volkswagen của Jobs) để có tiền sản xuất bo mạch chủ cho chiếc Apple 1.
 
Cuối năm đó, Woziak đã tạo ra thế hệ máy tính mới, chiếc Apple 2 prototype. Họ giới thiệu nó với Commodore và một lần nữa nhận được cái lắc đầu từ hãng này. Nhưng lúc này khách hàng đã bắt đầu chú ý tới những chiếc máy tính Apple.
 
Logo đầu tiên của Apple là một bức hình rất cầu kì vẽ cảnh Isaac Newton ngồi dưới một gốc táo. Logo này mang ý nghĩa: Newton, trí tuệ sáng chói chìm trong biển suy tư. Người thiết kế logo này là Ronald Wayne, người mà sau này cùng với Woziak và Jobs lập nên hãng máy tính Apple. Vậy mà chỉ sau 2 tuần làm việc ở Apple, Wayne đã rút hết cổ phần của mình (10% vốn cổ đông sáng lập) để lấy số tiền là 800 đô-la Mỹ, đơn giản chỉ vì anh này nghĩ đầu tư vào Apple là quá mạo hiểm. (Nếu ngày ấy Wayne không đưa ra quyết định này thì giờ ông đã có hàng chục tỷ đô-la).
 
 
Jobs cho rằng logo phức tạp và rối mắt này chính là lý do doanh thu của Apple tăng trưởng ì ạch và ông quyết định thuê Rob Janoff (thiết kế viên của Regis McKenna, một công ty tư vấn marketing nổi tiếng cho các thiết bị công nghệ) thiết kế lại. Janoff đã có ý tưởng thiết kế nên quả táo cắn dở với bảy sắc cầu vồng. Thiết kế này được sử dụng từ năm 1976 cho tới năm 1999.
 
Người ta cho rằng vết cắn trên quả táo Logo của Apple là để tưởng nhớ đến Alan Turing, cha đẻ của công nghệ máy tính hiện đại, người đã tự sát bằng cách ăn một quả táo tẩm cy-a-nua. Tuy nhiên Janoff đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng ý tưởng quả táo cắn dở là do từ “cắn” trong tiếng anh là “bite” có phát âm giống với “byte”. Slogan của Apple lúc ấy là “Byte into an apple”. Theo như tác giả của Logo này, anh không muốn người ta tưởng Logo này mang hình một quả cà chua.
 
Vào năm 1998, theo ý muốn của Jobs, Apple một lần nữa thay đổi Logo. Mẫu Logo một màu rất mới mẻ và hiện đại này được chủ tịch Mike Scott nhận định là “mẫu thiết kế đắt giá nhất mọi thời đại”.
 
Canon
 
 
Năm 1930, Goro Yoshida và người anh rể Saburo Uchida đã thành lập phòng thí nghiệm phát triển thiết bị quang học (Precision Optical Instruments Laboratory) ở Nhật Bản. Bốn năm sau, họ đã chế tạo thành công chiếc máy chụp ảnh đầu tiên với tên gọi Kwanon, tên của một vị Bồ tát từ bi hỉ xả. Logo lúc bấy giờ của hãng mang hình của Đức Phật Kwanon nghìn tay với vầng hào quang bao quanh.
 
Sau đó, công ty này đã đăng kí một cái tên khác có phát âm tương tự là “Canon”. Từ “Kwanon” có ý nghĩa mang lại sự chân thực, tính chất gắn liền với sản phẩm của công ty.
 
Google
 
 
Năm 1996, Larry Page và Sergey Brin, hai sinh viên tốt nghiệp khoa Công nghệ máy tính thuộc trường Đại học Stanford, bang California, Hoa Kỳ đã xây dựng nên một hệ thống tìm kiếm sau này được biết đến với cái tên Google. Hệ thống tìm kiếm thông tin này ban đầu mang tên BackRub, với ý nghĩa mang lại khả năng phân tích những địa chỉ chứa đựng thông tin liên quan từ những website nhất định. Sau đó, họ đã quyết định đổi tên nó thành Google, nói lái theo từ gốc Googol (số một với 100 số không đằng sau)
 
Google.com vào năm 1998.
 
Hai năm sau đó, Larry và Sergey đã đem Google tới các cổng giao dịch điện tử Internet nhưng chẳng ai có hứng thú với công nghệ này. Năm 1998, hai người quyết định thành lập hãng Google trong gara của một người bạn và sau đó làm nên lịch sử vĩ đại như bây giờ.
 
Logo ban đầu của Google được thiết kế bởi chính Sergey sau khi anh tự mày mò sử dụng phần mềm thiết kế GIMP. Sau đó anh thêm vào một dấu chấm than từ ý tưởng Logo của Yahoo!. Năm 1999, tư vấn viên thiết kế của Stanford, anh Ruth Kedar đã thiết kế nên Logo mà Google đang sử dụng hiện nay.
  
Một trong những Logo đầu tiên của Google: Lễ hội Burning Man năm 1998.
 
Để đánh dấu ngày sinh và mốc những sự kiện nối bật, Google đã sử dụng Logo giống như những bức vẽ (Google Doodles). Kiểu Logo này được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1999 với hình ảnh lễ hội Burning Man. Larry và Sergey đã đặt một hình người nhỏ vài giữa trang chủ nhằm thông báo rằng các nhân viên đều đã tham gia lễ hội và không có mặt ở văn phòng để giải quyết các vấn đề kĩ thuật. Hiện tại người thiết kế chính cho Google Doodles là Dennis Hwang.
 
IBM
 
Năm 1911, Công ty International Time Recording (ITR, thành lập năm 1888) và công ty Computing Scale (CSC, thành lập năm 1891) đã hợp nhất lại và đổi tên thành Computing-Tabulating-Recording Company (CTR). Năm 1924, công ty đổi tên thành International Business Machine Corporation với một logo hiện đại. Công ty chuyên cung cấp hệ thống chấm công, hệ thống cân, cắt thịt và máy đục lỗ bảng biểu.
 
Cuối những năm 1940, IBM đã có một bước chuyển đầy khó khăn khi bước vào ngành sản xuất máy tính với sự lãnh đạo của giám đốc điều hành Thomas J.Watson. Để đánh dấu bước chuyển mình này, IBM đã quyết định thay đổi Logo lần đầu tiên trong vòng 2 thập kỷ với một logo hình chữ đơn giản.
 
 
Năm 1956, dưới sự lãnh đạo của con trai ngài Watson, Paul Rand đã thay đổi logo của IBM với một hình ảnh vững chãi và cân xứng hơn. Nó cũng mang hàm ý vô cùng tinh tế nhằm ám chỉ sự chuyển giao quyền lực giữa hai thế hệ cha-con .
 
Lần gần đây nhất IBM thay đổi Logo chính là vào năm 1972. Paul Rand đã thay đổi Logo thành dòng chữ IBM với các sọc ngang để nhằm chỉ “tốc độ” và “tính bùng nổ” của chất lượng sản phẩm.
 
LG
 
Ban đầu, LG là hai công ty tách biệt: công ty sản xuất hàng hóa mỹ phẩm Lucky Chemical Industrial (hay còn gọi là Lak Hui, thành lập năm 1947) và nhà máy sản xuất đài phát thanh Goldstar (thành lập năm 1958). Lucky Chemical vốn nổi tiếng ở Hàn Quốc với sản phẩm Lucky Cream, có người mẫu độc quyền là diễn viên Hollywood nổi tiếng Deanna Durbin, còn Goldstar được biết đến là một nhà máy sản xuất đài thu thanh và các sản phẩm điện gia dụng.
 
 
Năm 1995, Lucky Goldstar đổi tên thành LG Electronics. Thực tế, LG là một chaebol (tên gọi của các tập đoàn được nhà nước bảo hộ ở Hàn Quốc), bởi vậy toàn bộ hệ thống của tập đoàn này cũng lục đục đổi tên, như: LG Chemicals, LT Telecom, và kể cả đội bóng chày cũng đổi tên thành LG Twins. Toàn bộ các công ty đều thống nhất với tiêu chí “Cuộc sống tốt đẹp” (Life is Good) và đưa nó lên logo.
 
Hiện nay LG luôn phủ nhận cái tên trước đây của họ là Lucky Goldstar hay bất kì cái tên nào khác. Chỉ đơn giản là LG!
 
Còn tiếp - Tham khảo: Indiancinemafans