Intel tròn 44 tuổi - 10 thông tin thú vị về gã khổng lồ sản xuất chip

PV  | 20/07/2012 0:00 AM

Vào ngày này năm 1968, Intel Corporation được thành lập tại Santa Clara, bang California (Mỹ). Ngày nay, Intel là công ty sản xuất chip bán dẫn lớn nhất trên thế giới với hơn 80.000 nhân viên trên toàn thế giới và doanh thu đạt 54 tỷ USD vào năm ngoái. Ảnh hưởng của Intel tới ngành công nghiệp máy tính là không phải bàn cãi, nhưng có những thông tin thú vị về công ty này mà ít người được biết. 

Nguồn gốc tên gọi


Intel được thành lập năm 1968 bởi 2 cựu nhân viên làm việc cho công ty về chất bán dẫn Fairchild là Gordon E. Moore và Robert N. Noyce. Công ty lần đầu tiên có tên gọi "N M Electronics". Chữ N, M có lẽ đại diện cho tên viết tắt của 2 nhà sáng lập. Tuy nhiên, khi đọc trong tiếng Anh thì 2 chữ này có vẻ không được "hay" cho lắm (more noise - nhiều tiếng ồn). 

"Integrated Electronics" là một cái tên được cân nhắc sau đó, tuy nhiên tên gọi này đã thuộc về một hãng khác. Và âm tiết đầu của 2 từ này được ghép vào để đặt tên cho công ty. "Một tên gọi rất...gợi cảm" - nhà sáng lập Noyce nhận xét. 2 nhà sáng lập sau đó còn mua lại thương hiệu Intel từ chuỗi khách sạn Intelco với giá 15.000 USD.

Intel từng sản xuất...đồng hồ


Năm 1972, Intel tham gia thị trường sản xuất đồ trang sức sau khi mua lại công ty sản xuất đồng hồ điện tử Microma. Tại thời điểm đó, đồ hồ điện tử được xem là đồ công nghệ cao cấp và có giá hàng trăm USD. Tuy nhiên, khi giá của đồng hồ điện tử giảm xuống chỉ còn lại khoảng 10 USD/chiếc, Intel quyết định bán Microma vào năm 1978. Một báo cáo cho biết nhà sáng lập Gordon Moore vẫn còn đang đeo một chiếc đồng hồ Microma. "Nó nhắc nhở tôi rằng nếu muốn tham gia thị trường sản phẩm người dùng, tôi phải ghi nhớ những khó khăn mà mình đã trải qua" - ông cho biết.

Bộ trang phục BunnyPeople của Intel 


Năm 1997, Intel đưa ra một quảng cáo lạ mắt tại lễ hội Super Bowl: các kĩ thuật viên của Intel trong bộ trang phục đặc biệt nhiều màu sắc đang nhảy múa. Những bộ trang phục này sau đó được đăng kí thương hiệu BunnyPeople. Hình tượng nhân vật trong bộ trang phục BunnyPeople sau này xuất hiện thường xuyên trong các chiến dịch quảng cáo cho vi xử lý Pentium.

Tuy nhiên, kiểu trang phục này thực ra đã được sử dụng từ những năm 1973. Đây là bộ quần áo tiêu chuẩn sử dụng trong các phòng thí nghiệm sạch của Intel. Một nhân viên của Intel nhớ lại rằng BunnyPeople hấp dẫn đến nỗi nhiều người tìm lý do để được vào các phòng thí nghiệm chỉ để mặc nó. Hiện nay, BunnyPeople là một phần trong văn hóa của công ty. Nó còn được Intel dùng để "lừa" nhân viên trong ngày 1/4 khi họ được thông báo là sẽ được tặng một bộ trang phục này với các thiết kế mới.

Văn hóa ăn mừng champagne của Intel


Intel thường tạo ra các chai champagne độc đáo để ăn mừng các sự kiện đặc biệt hay một thành tích nào đó. Đây là một hoạt động được xem như là truyền thống của hãng.

Nét truyền thống này bắt nguồn từ những ngày đầu công ty được thành lập. Khi một mạch cuối cùng cũng hoạt động hay 1 sản phẩm lần đầu được bán ra, tin tức sẽ được báo qua hệ thống tin nhắn của công ty. Sau đó, một người sẽ champagne. Một nhân viên Intel cho biết, có thời điểm do phải hứng chịu quá nhiều nút chai champagne mà nhà ăn đã phải thay trần nhà.

Năm 1973, khi Intel lần đầu tiên đạt cột mốc doanh thu 3 triệu USD trong 1 tháng, giám đốc marketing đã giới thiệu loại rượu vang có tên "Domaine d'Intel." Bảo tàng máy tính (The Museum of Computing) của Intel cũng lưu giữ lại các vỏ chai champagne trong ngày ăn mừng lần đầu tiên doanh thu đạt 250 triệu USD/quý.

Vi xử lý 8080 


Vi xử lý 8-bit 8080 lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1974 và nhanh chóng trở thành một chuẩn vi xử lý trong ngành công nghiệp. Sản phẩm nổi tiếng đến nỗi ào năm 1987, đài thiên văn CERGA tại Pháp đã đặt tên cho hành tinh nhỏ Caussols là "8080 Intel" để ghi nhớ phát minh này của Intel. Cũng không hẳn là trùng hợp ngẫu nhiên khi mà số điện thoại tại trụ sở chính của Intel ở Santa Clara là (408) 765-8080.

Văn hóa công sở tại Intel


Intel là một công ty tiên phong trong việc phát triển văn hóa "ngăn ô" trong công sở Mỹ. Mỗi nhân viên đều có một không gian làm việc riêng trong các khu riêng được ngăn cách bằng ván gỗ cao ngang vai. Không có cánh cửa nào được đóng lại trong văn phòng Intel. Không gian làm việc với các ô ngăn giúp cho nhân viên vừa có không gian riêng tư nhưng vẫn đảm bảo việc trao đổi công việc của nhân viên diễn ra dễ dàng. 

Tuy nhiên, khi mà các công ty Facebook, Twitter và Google tạo ra những thay đổi trong văn hóa công sở, các văn phòng của Intel bị chỉ trích là hơi lạc hậu. Diễn viên Conan O'Brien sau chuyến tham quan năm 2007 đã nhận xét về phong cách công sở ô ngăn của Intel: "nơi này làm cho mọi nhân viên cảm thấy ai cũng như nhau cả, không có cá tính, không có hi vọng, không mang lại cảm giác rằng cuộc sống luôn có những cơ hội cho họ". Intel sau đó đầu tư 10 triệu USD để cải tổ lại không gian làm việc giúp nhân viên "thoải mái và kích thích năng lượng hơn".

Chiến dịch marketing "Chữ X màu đỏ"


Hẳn rất nhiều người biết đến dòng chữ "Intel Inside" mỗi khi sử dụng máy tính. Chiến dịch marketing này giúp ngày càng nhiều người biết đến...có gì bên trong máy tính của họ.

Tuy nhiên, trước khi slogan "Intel Inside" trở nên nổi tiếng, Intel từng thực hiện một chiến dịch marketing khác có tên "Red X" (dấu X màu đỏ). Chiến dịch này do guru marketing của hãng là Dennis Carter tạo ra. "Red X" gây ra khá nhiều tranh cãi do nó không nhấn mạnh ưu điểm của sản phẩm hay hướng đến người dùng cuối mà lại "dìm hàng" các sản phẩm ra mắt trước đó của chính Intel.

Hình ảnh phía trên là khi Intel muốn quảng cáo cho vi xử lý 386 SX. Công ty đã thực hiện chiến dịch quảng cáo với hình ảnh con số 286 bị gạch dấu X đỏ, ngụ ý rằng người dùng nên sử dụng vi xử lý 386 SX thay cho người tiền nhiệm 286.

Các đối thủ nhanh chóng học hỏi cách thức marketing này và Intel cho rằng kiểu marketing như đặt tên vi xử lý là "486" cho một sản phẩm tiền nhiệm tên là "386" là một thương hiệu đã được bảo hộ. Công ty đâm đơn kiện đối thủ nhưng năm 1991, tòa án đã bác đơn kiện của Intel. Dennis Carter sau đó nảy ra ý tưởng về slogan "Intel Inside" nổi tiếng hiện nay. Nhờ tài năng marketing của Carter mà ngày nay, thương hiệu Intel trở nên rất nổi tiếng. Cùng với Coke, Disney và McDonald, Intel là 1 trong 10 thương hiệu được biết đến nhiều nhất trên thế giới.

Lịch sử Logo của Intel


Logo là một trong những đặc điểm thương hiệu mà Intel ít thay đổi nhất. Logo ban đầu của hãng, với chữ "e" nằm thấp hơn một chút, được sử dụng trong thời gian tới 37 năm.

Năm 2005 khi Apple công bố máy Mac sẽ chuyển sang sử dụng vi xử lý Intel, Steve Jobs đã chơi chữ khi e trong câu "It's true" (Điều đó đã thành sự thật) được để thấp hơn nhằm gợi ý về logo của Intel.

Sau khi chiến dịch "Intel Inside" được triển khai, hãng này đã sử dụng logo với dòng chữ "Intel Inside" trong khoảng thời gian 15 năm cho đến khi công ty chuyển sang logo đang dùng hiện nay. Logo hiện tại được sử dụng từ năm 2005 với ngụ ý "bao hàm  tinh thần của Intel trong quá khứ, hiện tại và tương lai".

Công nghệ của Intel trong vũ trụ


Năm 1995, Intel công bố một số kit của họ lần đầu tiên được sử dụng cho các hội thảo thời gian thực (real-time) dành cho các phi hành gia.

Những phi hành gia của tàu con thoi Endevour đã sử dụng phần mềm ProShare Personal Conferencing của Intel để trao đổi thông tin với đồng nghiệp NASA tại Houston, Texas. Họ đã chia sẻ những hình ảnh từ PC và bàn bạc với những hình vẽ - một công nghệ ấn tượng vào thời điểm những năm 1995.

Đoạn nhạc nổi tiếng của Intel


Đoạn nhạc được phát trong quảng cáo của Intel đã trở thành một dấu hiệu nhận diện thương hiệu nổi tiếng của hãng.

Đoạn nhạc này do nhà soạn nhạc Walter Werzowa của Úc sang tác vào năm 2004. Tuy chỉ có 5 nốt nhạc nhưng nó đã trở nên rất nổi tiếng và được phát trong hầu hết các quảng cáo của Intel. Nó đạt mốc 1 tỷ lần nghe, và ước tính trên toàn thế giới, cứ 5 phút, đoạn nhạc này lại được phát một lần.

Tham khảo: Mashable
Xem thêm:

Intel