Xin được mở đầu bài viết này bằng những lời tâm huyết của nhà báo Blair Hanley Frank: “Tôi có một sự thật cần phải thú nhận, rằng tôi là một kẻ ghiền giao diện máy tính. Vì thế, tôi thích nói về việc làm thế nào để máy tính có thể dễ dàng tương tác, giúp người sử dụng làm mọi thứ họ muốn. Do đó, khi nghĩ về tương lai, tôi nghĩ ngay đến giao diện tương tác 3D”.
Để hiểu rõ hơn lời của Frank, có lẽ độc giả GenK.vn cần biết thêm chút thông tin rằng “3D” ở đây hoàn toàn không phải là việc thêm những hiệu ứng phân cực hay tạo ra độ sâu cho màn hình máy vi tính, càng không phải việc bắt người sử dụng đeo những bộ độ motion-capture phức tạp lên người để làm việc. “3D” được nhắc đến là người sử dụng có thể thoải mái tương tác vật lý với môi trường và không gian xung quanh để hoàn thành công việc của họ.
Cơ hội của tương tác điện toán 3D
Nếu đã xem hai phần của bộ phim bom tấn Iron Man, chắc hẳn bạn sẽ hiểu bài báo muốn nói gì. Hệ thống tương tác ở tầng hầm nhà Tony Stark hẳn là rất “cool”, nhưng điều đó chưa hẳn là cả hệ thống ấy đáng được phát triển một cách nghiêm túc. Nó có vẻ hơi quá xa vời với thực tại (điện ảnh, lúc nào cũng vậy).
Quay trở lại chủ đề chính. Một trong những ứng dụng quan trọng trong tương lai gần của tương tác 3D đó chính là giáo dục. Rất có khả năng trong vài năm tới, cô giáo dạy môn khoa học khi giảng về hệ mặt trời, liền đưa ngay ra hình ảnh của nó ngay trong không gian phòng học để học sinh có thể tương tác. Tương tự, một giáo viên dạy bộ môn văn khi nói về nhà viết kịch vĩ đại Shakespeare có thể mở ra hình ảnh của nhà hát nổi tiếng Globe Theatre, hay một giáo viên mỹ thuật dựng lên mô hình tượng trong không gian 3 chiều.
Khía cạnh thứ 2 mà tương tác 3D có thể nhắm đến là thiết kế công nghiệp. Tưởng tượng với hệ thống (chỉ cần bằng một nửa hay một phần ba) của Tony Stark, các nhà thiết kế có thể tùy ý dựng hình cũng như tương tác với sản phẩm chưa hề được sản xuất đại trà: Một chiếc xe hơi, một chiếc điện thoại di động, hay thậm chí là… cả một căn nhà. Nói cách khác, bạn có thể tạo ra mô hình không gian 3 chiều bằng những công cụ như AutoCAD hay Solidworks, giả lập sản phẩm hoàn thiện trong chính không gian làm việc của mình, làm những bước chỉnh sửa cần thiết trước khi đưa vào sản xuất.
Cuối cùng, bạn có thể viết ra ý tưởng của mình ngay cả khi bên cạnh không có giấy và bút. Hơn thế nữa, đôi khi việc viết trong không gian 2 chiều và diện tích chật hẹp của tờ giấy khiến một số người khá khó chịu. Ví dụ như khi bạn đang lập bản đồ tư duy (mind map), rồi bạn… hết giấy! Trong tương lai, bạn hoàn toàn có thể viết vào mọi nơi quanh bạn, để máy tính thu thập dữ liệu và chuyển thành dữ liệu dạng số hóa, thuận tiện hơn cho công việc. Không chỉ có vậy, không gian 3 chiều sẽ giúp những ý tưởng thêm thực tế, thay vì chỉ viết nó ra trên giấy.
Con đường còn lắm chông gai
Tất nhiên, con đường thay đổi cách tương tác của con người đối với máy tính không hẳn trải đầy nắng và hoa hồng. Chúng ta vẫn còn phải tìm kiếm ý tưởng cũng như thử nghiệm rất nhiều. Việc thiết kế ra một tấm hình tĩnh trong không gian 3 chiều để bạn có thể đứng được ở trong đó vẫn còn chiếm mất của các nhà nghiên cứu ít nhất 7 đến 10 năm nữa (mặc dù IBM quả quyết rằng việc này chỉ tốn khoảng 5 năm). Một vấn đề nữa sẽ xảy ra như nếu phải “khoa chân múa tay” trong vòng 8 tiếng đồng hồ liên tục, thì những nhân viên văn phòng có khác nào những vận động viên thể thao đẳng cấp thế giới?
Cuối cùng và quan trọng nhất, nếu như bạn muốn những vật thể 3D trong không gian có thể tương tác được, thì hệ thống máy tính phải tạo được ra vật thể với khả năng đáp ứng tương tác theo thời gian thực. Thật không may là cho đến giờ phút này, vẫn chưa có bất kỳ nền tảng phần cứng nào có đủ khả năng làm việc ấy.
Tựu chung lại, mặc dù còn khá lâu nữa để hệ thống được mô tả như ở trên bước vào khai thác, song một khi tương tác điện toán không gian 3 chiều bùng nổ, nó chắc chắn sẽ biến PC trở thành những cỗ máy hữu dụng hơn bao giờ hết.