Mới đây, Google vừa công bố thêm một vài tính năng mới với mục đích “giúp bộ máy tìm kiếm hoạt động thông minh hơn”, nổi bật là tính năng đưa nội dung Gmail vào kết quả tìm kiếm, nâng cấp Knowledge Graph (đồ thị tri thức) hỗ trợ nhiều quốc gia hơn...
Đưa nội dung Gmail vào kết quả tìm kiếm
Hiện tại, Google đang tiến hành thử nghiệm trên một phạm vi nhỏ người dùng tính năng đưa nội dung trong hộp thư Gmail của người dùng vào các kết quả tìm kiếm trên Google. Tất nhiên, các nội dung trong hộp thư Gmail chỉ hiện thỉ với những người sở hữu hộp thư đó. Nội dung trong Gmail sẽ hiển thị ở cột phải trang tìm kiếm.“Đôi khi câu trả lời tốt nhất cho vấn đề mà bạn đang tìm kiếm không nằm trên web mà nằm ngay trong hộp thư của chính mình”, Amit Singhal, phó chủ tịch cấp cao của Google Search, cho biết.
Để tham gia thử nghiệm tính năng này, bạn truy cập vào trang https://www.google.com/experimental/gmailfieldtrial, nhấn Join the field trial để đăng ký và chờ cho Google gửi thư xác nhận tham gia chương trình thử nghiệm.
Nâng cấp Knowledge Graph
Tính năng Knowledge Graph được Google giới thiệu vào tháng Năm, bổ sung thêm phần hiển thị thông tin dạng như Wikipedia vào cột phải kết quả tìm kiếm. Chẳng hạn, khi tìm kiếm từ khóa “Olympic”, phía phải giao diện tìm kiếm sẽ hiển thị thông tin về sự kiện thể thao Olympic London 2012, kèm theo các thông tin về bảng tổng xếp huy chương của các nước, lịch thi đấu từng môn,…
Để hiển thị kết quả chính xác hơn, Google đã nâng cấp tính năng Knowledge Graph hỗ trợ thêm nhiều quốc gia khác dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính. Ví dụ, khi người Mỹ tìm kiếm từ khóa “chiefts”, khung bên phải sẽ hiển thị thông tin về đội bóng Kansas City Chiefts. Đối với kết quả trên Google Úc, khung bên phải lại hiển thị thông tin về đội bóng bầu dục Chiefts ở Úc.
Hiển thị kết quả ở dạng bộ sưu tập
Một tính năng mới khác mà Google vừa giới thiệu là khả năng tổng hợp kết quả tìm kiếm theo dạng bộ sưu tập. Chẳng hạn, khi bạn tìm kiếm từ khóa “museums in NYC” để tìm danh sách các bảo tàng ở New York, Google sẽ trả về kết quả gồm thanh chứa các bộ sưu tập tổng hợp kết quả liên quan đến bảo tàng, mỗi bộ sưu tập là hình đại diện. Theo Google, tính năng này đặc biệt hữu dụng bởi người dùng không thường xuyên tìm kiếm một chủ đề, mà họ muốn tìm theo danh sách nhiều chủ đề có liên quan nhau xếp thành từng nhóm.
Amit Singhal, phó chủ tịch cấp cao của Google Search đã viết trên blog: “Cho đến nay, chúng tôi có thể cung cấp hàng trăm đến hàng ngàn bộ sưu tập liên quan đến hàng triệu món đồ mà người dùng đang quan tâm”.
Trả lời bằng giọng nói trên iOS và Android
Ứng dụng tìm kiếm trên iPad và iPhone được Google
bổ sung thêm khả năng trả lời câu hỏi người dùng bằng giọng nói, cách hoạt động tương tự như trợ lý ảo Siri trên iOS. Bạn chỉ việc mở ứng dụng Google Search App, đọc to câu hỏi cần tìm kiếm, ứng dụng sẽ đáp trả lại câu trả lời cũng bằng giọng đọc được tích hợp sẵn. Google cho biết họ sẽ sớm bổ sung thêm tính năng thú vị này vào ứng dụng Google Search trên Android trong vài tuần nữa, còn phiên bản dành cho iOS sẽ sớm “lên kệ” ngay tại thời điểm này.
Tham khảo: PCMag