Google là Microsoft “kiểu mới”. Ắt hẳn, bạn đã nghe điều này ở đâu đó rồi. Tuy nhiên, kể từ khi câu hỏi này xuất hiện, đi kèm theo đó là một câu hỏi khác: “Liệu đây có thực sự là so sánh cân bằng?”
Microsoft thống trị thị trường máy tính để bàn khoảng 15 năm về trước nhờ chiến lược kinh doanh khôn ngoan. Còn giờ đây? Vị trí của này lại thuộc về Google khi gã khổng lồ này đóng vai trò ngày càng quan trọng trong rất nhiều lĩnh vực. Google thực sự nổi lên như một ngôi sao sáng giá.
Từ vấn đề bảo mật cho đến thống trị thị trường hay lực lượng fans hâm mộ, Google và Microsoft có nhiều điểm trùng hợp đến khó tin. Trong năm 2005, CEO Bill Gates đã có “lời ngỏ” tới Google:“Họ giống chúng tôi hơn bất cứ ai khác, những người mà Microsoft từng cạnh tranh”.
1. Sự thống trị
Điểm giống nhau lớn nhất giữa hai đại gia ngành công nghệ liên quan tới việc thống trị của từng hãng. Microsoft sở hữu hơn 90% thị phần hệ điều hành PC toàn thế giới kể từ ngày cho ra mắt Windows 95 và Windows XP. Mặc dù có vài dấu hiệu cho thấy Microsoft đang tụt giảm doanh số trong vài năm gần đây nhưng dù sao đi chăng nữa, Windows vẫn là ông vua trên máy tính để bàn.
Tuy không nắm đến 90% thị phần của việc tìm kiếm nhưng chẳng nghi ngờ gì với vai trò số 1 của công cụ Google. Google sở hữu khoảng 67% thị trường tính đến tháng 12 năm ngoái, theo số liệu được đưa ra bởi IHS Screen Digest. Người khổng lồ cũng có những thành công nhất định trên mặt trận quảng cáo số khi chiếm lĩnh 59% (phát triển từ 48,6% năm 2009), nghĩa là quá bán, ở lĩnh vực quảng cáo trên các thiết bị di động tại Mỹ 2010, theo báo cáo của IDC.
Tăng trưởng gần 11% trong vòng 12 tháng, đây quả là thành tích vô cùng đáng nể trong thế giới công nghệ cạnh tranh đầy khốc liệt hiện nay.
2. Sự độc quyền
Hiển nhiên là khi đang nắm giữ vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp, các đại gia sẽ trở thành mục tiêu đầu tiên cho các lực lượng chống phá (mà thường mang danh là chống nạn độc quyền). Microsoft đã có kinh nghiệm về chuyện này xuyên suốt từ thập kỷ 90 cho đến tận đầu năm 2000, với những lời buộc tội về chiến lược cạnh tranh không lành mạnh với các đối thủ như IBM, Real Networks, Gateway, Netscape và Apple.
Với Google, cơn đau đầu mới chỉ khởi động mà thôi khi thành viên các cơ quan lập pháp tại châu Âu đang “nghiên cứu” về công cụ tìm kiếm của hãng cũng như đối thủ cạnh tranh việc quảng cáo trực tuyến. Hơn thế nữa, họ cũng gặp rắc rối với kẻ thù mới đến từ ngành công nghiệp du lịch trực tuyến bởi Google từng tuyên bố muốn mua lại ITA Software, công ty phụ trách cơ sở dữ liệu cho các chuyến bay.
3. Giữ chân người tiêu dùng
Trước khi nghĩ đến chuyện lôi kéo người dùng mới, cả Microsoft và Google đều bày tỏ sự quan tâm tới việc giữ chân người dùng thân thiết. Vì thế, từ những năm 1990, Microsoft đã tạo ra hàng loạt các công cụ tương thích tuyệt vời với hệ điều hành Windows như Microsoft Office, Internet Explorer hay dịch vụ “tiền điện toán đám mây” Hotmail.
Google thì cố gắng duy trì sự thành công với việc xây dựng thêm nhiều công cụ nền web khác, khiến người dung “ở lại” với hãng, như: Gmail, Google Docs, Google Maps. Hơn thế nữa, đây là một bước đi lớn để tăng sự phổ biến của các ứng dụng nền web thông qua Chrome Web store hay sắp tới đây là hệ điều hành Google Chrome.
Google cũng chân ướt chân ráo bước vào làng game khi hỗ trợ các nhà sản xuất thứ ba thiết kế trò chơi cho hệ điều hành cho di động Android của hãng và đặt được một số thành công nhất định.
4. Kẻ thù chung – Apple
Microsoft là IBM phiên bản mới, Google thì lại biến thành Microsoft, còn Apple thì hóa thân… một “Quả táo” khác?
Sau sự ra mắt của Windows 95, Microsoft đã nuốt chửng việc kinh doanh của Apple khi lôi kéo những nhà phát triển cho máy Macintosh sang một thị trường mới, béo bở hơn. Chiến lược của Microsoft khi phân phối Windows đến nhiều platform nhất có thể đã thành công rất lớn, đối lập với việc Apple chỉ cung cấp hệ điều hành Mac OS cho người dùng của họ mà thôi.
2011, Google đang sử dụng cùng một chiến lược để cố gắng đánh bại Apple iPhone và iPad: Hệ điều hành Android tương thích với hầu hết mọi nền tảng thiết bị từ HTC, Motorola, Samsung và Sony. Việc tăng trưởng gần 900% trong năm qua đã chứng minh sự đúng đắn của hướng đi mà Google chọn cho mình.
5. Từ vô danh cho tới những gã khổng lồ
Microsoft khơi mào việc phổ biến các hệ thống máy tính với giao diện người dùng thông qua hệ thống phân phối lớn và giá cả thấp, nhằm cạnh tranh với Apple Macintosh. Tương tự, yếu tố giúp Google hùng mạnh như ngày nay hẳn sẽ là kết quả tìm kiếm tuyệt vời cùng trang chủ đơn giản mà đầy đủ gồm một hộp nhập liệu, chấm hết. Chính kết quả tìm kiếm chất lượng cao cùng sự sắp xếp theo thứ tự hợp lý đã làm Google nổi bật lên trên những Ask, MSN và Yahoo khi những cái tên kể trên khiến người sử dụng bực mình với trang chủ quá rắc rối, kết quả tìm kiếm không như mong muốn hay thất bại trong việc đưa ra sự phân biệt giữa quảng cáo trả tiền và kết quả tìm kiếm thông thường.
Tuy nhiên, mỗi một công ty lại có vị thế lớn trong mỗi ngành công nghiệp khác nhau nên họ đều phải có những bước chuyển tiếp để hướng tới những thành công mới.
Microsoft từng có dự định tung ra bản cập nhật cho Windows Phone 7 vào đầu 2011 nhưng vào thời điểm của bài viết này, lần cập nhật đầu tiên đã diễn ra trước đây kể từ khi hệ điều hành này xuất hiện vào tháng 10. Google thì lại cố gắng thoát khỏi số phận của Microsoft bằng việc tái cơ cấu công ty. Rất nhiều người tin rằng đây chính là một phần lí do trong việc sa thải CEO Eric Schmidt; hiện tại, chủ nhân của chiếc ghế này là Larry Page, người đồng sáng lập ra Google.
6. Hãy tin tưởng chúng tôi
Tin hay không tùy bạn, nhưng có thời gian Microsoft đã từng bị coi là công ty công nghệ lớn đáng sợ cố ăn cắp dữ liệu của bạn. Năm 1999, Microsoft đã nằm trong diện tình nghi khi cơ quan Bảo mật quốc gia Mỹ phát hiện có một chương trình backdoor trong hệ điều hành Windows mà nó cho phép NSA theo dõi thông tin đã được mã hóa của người sử dụng. Sau đó, năm 2001, Microsoft công bố kế hoạch lớn liên quan đến tính năng đăng nhập bằng hộ chiếu mà từ đó lưu trữ lại thông tin về tên, mật khẩu, địa chỉ, email, thông tin thẻ tín dụng trên web. Kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ nhiều phía vì chẳng ai tin tưởng Microsoft cả.
Hiện nay, Google cũng phải đối mặt với đủ mối quan tâm về bảo mật khi dịch vụ Google Street View “có vẻ như là” đang gián tiếp theo dõi tư dinh của nhiều người. Ngoài ra còn có Google Buzz bổ sung vào danh sách đen của người sử dụng bởi tính tọc mạch không đáng có.
7. Các ứng dụng hấp dẫn
Muốn thuyết phục mọi người sử dụng dịch vụ của bạn? Hãy cung cấp cho họ một vài công cụ cơ bản hữu dụng và miễn phí trên nền platform của bạn. Microsoft với kế hoạch đầu tiên cùng Internet Explorer hay công cụ chat MSN, WordPad, tương tác với Hotmail…
Google thì lại chiến lược phần mềm miễn phí của Microsoft làm ý tưởng cho những Google Docs, Gmail, Google Translate, Google Voice hay Google Map.
8. Cỗ máy nghiền nát đối thủ
Một sai sót nhỏ trong thuật toán của Google có thể khiến những nhà kinh doanh online hứng chịu cú sốc lớn từ việc giảm tốc độ đường truyền Web. Đây là một phần lí do khiến Ủy Ban Châu Âu phải điều tra bộ máy tìm kiếm Google vì những lời phàn nàn thể hiện sự không tin cậy từ những trang như Dịch vụ so sánh giá cả Foundem, eJustice (công cụ tìm kiếm liên quan đến luật lệ nước Pháp).
Sách lược của Microsoft trong thời kì hoàng kim trước đây thì táo bạo hơn nhiều. Người khổng lồ Microsoft từng bị cáo buộc bởi Real Network về việc gây áp lực lên các nhà sản xuất máy tính không cài đặt sẵn phần mềm của Real Network vào các hệ điều hành. Và IBM cũng phản ánh việc Microsoft tạo sức ép với các nhà bảo hành để họ không hỗ trợ dịch vụ máy tính chạy hệ điều hành OS/2 của IBM.
9. Các sản phẩm “giống” đối thủ
Bất kể lĩnh vực thống trị của mình, cả Microsoft và Google đều từng cố chen chân vào những lãnh vực kinh doanh mà họ không hề có lợi thế. Sau khi TiVo được giới thiệu, Microsoft đã nỗ lực thâm nhập thị trường DVR bằng sản phẩm riêng của họ, có tên Ultimate TV. Bản đồ Microsoft Virtual Earth theo bước Google Earth, và Zune Mp3 của họ tiếp ý từ iPod của Apple.
Trong khi đó, Google nỗ lực thâm nhập vào thị trường kết nối mang tính mạng xã hội, với những sản phẩm như Orkut và Google Buzz. Cả 2 đều hướng đến bộ phận khách hàng thích hợp. Nhưng cho dù có cạnh tranh được với Apple TV hay bộ ứng dụng “đỉnh” của Roku hay không, Google TV vẫn thu hút được người xem.
10. Thu hút chất xám
Từ xa xưa, mọi kĩ sư tin học đều muốn một công việc tại Microsoft. Đó chính là chỗ lí tưởng để làm việc vì khoản trợ cấp béo bở và những dự án kinh doanh thú vị. Google dần dần vượt mặt Microsoft chiếm lĩnh vị trí “chỗ làm việc trong mơ” bởi sở hữu những phòng giặt là miễn phí, đồ lót dạ dồi dào, phòng giải trí, những quả bóng nảy thay vì ghế ngồi truyền thống (ám chỉ cấu trúc văn phòng thông minh), và giảm 20% giờ làm khi tiến hành dự án thử nghiệm.
Thời thế đã thay đổi, Google đang dần mất vị thế đó cho đối thủ mới, Facebook. Người sáng tạo ra Google Wave: Lars Rasumussen và “nữ tướng” Sheryl Sandberg, cựu giám đốc điều hành Google đã đầu quân cho Facebook. Đây là 2 ví dụ tiêu biểu cho những nhân vật quan trọng của Google chuyển sang làm việc cùng mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Tình trạng đã đạt đến mức báo động khiến Google đang phải cố giữ nhân viên của họ bằng việc tăng lương và các khoản tiền thưởng.
Lợi thế đang dần nghiêng về Facebook. Và điều đó điểm ra một câu hỏi: Nếu Google là một Microsoft thứ hai, phải chăng Facebook là một Google "kế tiếp"?