Steve Jobs
chưa bao giờ được xem là người nói năng ngọt ngào. Những nhận xét của Steve Jobs về đồng nghiệp cũng như đối thủ từ cố CEO của Táo Khuyết thường rất thẳng thắn, không "nể nang". Trong cuốn hồi ký chuẩn bị xuất bản của Steve, người ta thấy ông nói với Larry Page như sau: "
Google đã cho ra quá nhiều sản phẩm và phần lớn trong số chúng chỉ tàm tạm chứ không thực sự xuất sắc, và những sản phẩm đó đang biến Google trở thành 1 Microsoft thứ 2. Và anh cần phải biết mình muốn Google trở thành 1 công ty như thế nào khi nó trưởng thành. Giờ Google đang quá lan man." Lời khuyên ấy được Steve nói với Larry Page trong năm 2011 khi ông này mới thay thế Eric Schmidt ở vị trí CEO của Google.
Có thể đó chính là lý do khiến cách đây mấy ngày trước đây Google tuyên bố hãng này sẽ
cắt giảm bớt những dịch vụ thất bại như Google Buzz, Google Labs để tập trung cho Google+. Điều này có thể dễ dàng khiến chúng ta liên tưởng tới việc Larry Page đang áp dụng những lời khuyên của Steve Jobs vào thực tế: "dọn dẹp bớt những thứ thừa thãi để tập trung cho những sản phẩm "
thực sự có khả năng thay đổi cuộc sống của người sử dụng".
Không phải vô duyên vô cớ mà Steve Jobs nhận xét rằng Google đang dần trở thành 1 Microsoft thứ 2. Có 1 "cái dớp" khá đúng với các đại gia công nghệ: Các công ty có khởi đầu rất khác nhau nhưng sau khi trưởng thành, nắm giữ vị trí thống trị thì dần dần đều trở nên "na ná" nhau. Microsoft đã từng có thời là 1 doanh nghiệp trẻ, với tầm nhìn và sự nhạy bén đáng nể. Nhưng sau khi thống trị thị trường HĐH cho PC vào những năm cuối thập niên 90, Microsoft bắt đầu đi vào vết xe đổ của 1 đại gia trước đó là IBM. Cũng ưa họp hành, không dám mạo hiểm, có CEO là "con buôn", thủ tục rườm rà...
Và bây giờ nhìn lại, dường như sau khi thống trị Internet suốt nửa thập kỷ, Google đã bắt đầu có những dấu hiệu "lão suy" và dần dần trở thành 1 Microsoft thứ 2. Dưới đây là những "triệu chứng" của 1 Google đã và đang dần xuống sức trong cuộc chạy đua cùng 1 Facebook trẻ, khỏe với những chiêu bài cạnh tranh rất "khó chịu".
Trong nửa đầu thập niên trước (2000-2010), ban lãnh đạo của Microsoft từng bị chỉ trích rất nặng nề về việc không ổn định được nhân sự và để tuột mất nhân tài vào tay các đối thủ. Căn bệnh chảy máu chất xám ở Microsoft kéo dài trong suốt hàng thập kỷ và cho tới tận bây giờ, thi thoảng chúng ta vẫn được nghe về việc các nhân sự chủ chốt rời bỏ Microsoft để chạy về "phe địch". Một vài ví dụ điển hình như Stephen Elop (sau này về với Nokia) và Vic Gundora (sau này là 1 phó chủ tịch của Google). Có người còn kể rằng khi Mark Lucovsky, 1 kỹ sư phần mềm của Microsoft rời hãng này để về với Google, Steve Ballmer tức đến nỗi quẳng cả 1 cái ghế ngang qua căn phòng rồi không ngớt miệng chửi bới Google.
Google đã từng phải chi trả lương cho 1 vài nhân viên với tổng thiệt hại tới 6 triệu USD để họ không bỏ sang Facebook.
Dường như căn bệnh trầm kha này của Microsoft giờ đây đang lây sang Google. Tháng 11 năm ngoái có nguồn tin cho rằng Google đã phải tăng tiền thưởng cho các lập trình viên của mình với tổng giá trị lên tới 6 triệu USD để giữ chân họ khỏi chạy sang Facebook. Thậm chí cả Mark Lucovsky, người sang Google từ Microsoft và chọc tức Steve Ballmer cuối cùng cũng chạy sang VMWare hồi năm 2009 bất chấp những nỗ lực níu kéo của gã khổng lồ tìm kiếm.
Rất nhiều nhân viên của Google đang chạy sang Facebook.
Chảy máu chất xám là 1 căn bệnh nguy hiểm, nó chứng tỏ rằng môi trường làm việc của 1 công ty không còn hấp dẫn được nhân viên hoặc nhân viên cảm thấy tương lai của công ty đó thiếu chắc chắn. Chảy máu chất xám không chỉ đơn thuần là đánh mất người tài mà còn là việc trao "vũ khí" cho địch thủ. Còn gì nguy hiểm hơn khi những kỹ sư từng làm việc và nắm giữ bí mật của Google giờ đây chuyển qua phụng sự Facebook? Nếu Larry Page không tìm được cách chấm dứt căn bệnh này, đây rất có thể sẽ là thứ giết chết Google, ngay cả khi công ty này không thiếu những sản phẩm tiềm năng.
Những năm 90, Microsoft là 1 trong những mục tiêu ưa thích của chính phủ các nước trong việc điều tra chống độc quyền. Bên cạnh đó là hàng loạt các hoạt động pháp lý giữa Microsoft và các đối thủ khiến công ty này mất đi nhiều tỉ USD cả tiền bồi thường lẫn tiêu phí vào các hoạt động mua bán bằng sáng chế, phát minh. Với các cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Google do Liên Minh Châu Âu và Mỹ phát động trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là việc chính phủ Mỹ để ngỏ khả năng về 1 cuộc điều tra chống độc quyền chi tiết hơn về Google hồi tháng 6 vừa rồi, rõ ràng Google đang đi vào vết xe đổ của Microsoft.
Các vụ kiện cáo liên miên dễ dàng "bào mòn thể lực" của bất kỳ đại gia nào. Kể cả Google và Microsoft.
Chưa kể tới những rắc rối pháp lý giữa Android và Apple khiến Google đã phải chi ra những khoản tiền khổng lồ cho việc mua lại bằng sáng chế. 12,5 tỉ USD mua lại Motorla dường như cũng chỉ đơn giản là 1 dấu hiệu chứng minh: Google đang càng ngày càng giống Microsoft.
3. 1 dịch vụ làm ra lợi nhuận và hàng trăm kẻ "ăn bám"
Trong nhiều năm, Microsoft luôn bị chỉ trích là nhà ảo thuật chỉ biết mỗi... 2 trò. Windows và Office là nguồn lợi nhuận chính của Microsoft hồi những năm 90 và bây giờ vẫn thế. Zune, dịch vụ tìm kiếm, quảng cáo... là 1 vài ví dụ về những thất bại của Microsoft trong việc tìm kiếm nguồn lợi nhuận mới. Và Microsoft vẫn phải duy trì những dịch vụ thất bại và đành để chúng "ăn bám" Windows và Office.
"Nguồn sữa" chính của Microsoft là Windows.
Hiện giờ nhìn lại Google, ngoài nguồn lợi nhuận tới từ quảng cáo trên Google Search, Google hầu như chưa có được 1 nguồn thu nào đáng kể. Trong khi đó các dịch vụ "ăn bám" của Google thì nhiều vô thiên lủng. Có thể trong thời gian tới Android và dịch vụ môi giới quảng cáo của Google sẽ giúp gã khổng lồ này có thêm nguồn thu. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, mô hình hoạt động của Google nhìn chung là cũng "na ná" Microsoft khi xét tới nguồn thu.
4. Bớt bạn, thêm thù
Hiện giờ Microsoft có vẻ khá yếu ớt trong cuộc chạy đua với bộ Tứ, tuy nhiên đã có thời gã khổng lồ phần mềm từng là 1 thế lực định hình cả ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Những năm cuối thập niên 90, Microsoft từng là mục tiêu của rất nhiều sự căm ghét, thù địch. Các đối thủ căm ghét, đối tác e dè, truyền thông và xã hội thì ngờ vực sự "trong sáng" của Microsoft. Không phải là đến giờ Microsoft không còn các đối thủ đó, nhưng với vị thế bị thu hẹp, Microsoft đã không còn là 1 mối đe dọa với các đối thủ như trước.
Từ lâu Microsoft đã không còn tên trong bảng xếp hạng.
Google bây giờ rất giống với Microsoft 10 năm về trước. Vị thế thống trị Internet của Google bị các đối thủ vừa sợ hãi, vừa thèm muốn. Và trong quá trình lớn mạnh, Google đã làm mếch lòng không ít địch thủ. Facebook, Apple, Microsoft và giờ đây có thể là cả các hãng sản xuất và các doanh nghiệp nhỏ như Yelp cũng thù ghét Google. Và nếu Google vẫn còn tham lam nhúng mũi vào việc làm ăn của tất cả mọi người, thì càng ngày Google sẽ chỉ càng thu hút thêm nhiều đối thủ mà thôi.
Tất nhiên Google cũng chưa đạt đến "đẳng cấp" bị căm ghét như Microsoft khi xưa. Nhưng những tuyên bố hằn học của Steve Jobs về Android lúc sinh thời, cộng với việc Facebook sẵn sàng "chơi bẩn" để bôi xấu Google cho thấy một tương lai bị "ghét cay ghét đắng" của Google không còn quá xa. Hơn thế nữa, quyền lực của Google trong việc nắm giữ thứ tự xếp hạng của 1 trang web trên Google Search cũng khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn phải dè chừng.
5. Cổ phiếu đứng giá
Cổ phiếu của Microsoft và Google ít biến động trong khi Apple tăng phi mã.
Đây không phải là "bệnh" riêng của Google và Microsoft mà hầu như là 1 xu hướng chung cho các "doanh nghiệp già" với 1 ngoại lệ: Apple. Giá cổ phiếu của Microsoft suốt 10 năm nay gần như không "nhúc nhích" mấy tí trong khi giá cổ phiếu của Apple tăng hàng chục lần. Google dường như cũng đang bước vào con đường tương tự khi giá cổ phiếu trong khoảng 4,5 năm trở lại đây nhìn chung ít biến động.
6. Nội bộ lục đục kìm hãm sự phát triển
Một vài dịp hiếm hoi người ta hé lộ lý do thất bại của Microsoft trong những dự án như dịch vụ tìm kiếm trả phí, máy tính bảng, smartphone mặc dù công ty này có những khởi đầu ấn tượng hơn hẳn các đối thủ của mình. Hầu hết trong số đó đều có lý do liên quan đến việc quản lý chồng chéo, dẫm chân lẫn nhau trong nội bộ của Microsost. Những cá nhân, bộ phận có năng lực trong công ty không được nhận đủ tài nguyên để hiện thực hóa những ý tưởng có thể sẽ khiến Microsoft củng cố vị thế dẫn đầu của mình trong những dự án kể trên. Và kết quả như chúng ta đã thấy. Windows Mobile chết "tức tưởi" trong khi thị trường tablet mất về tay Apple, dịch vụ tìm kiếm, quảng cáo của Microsoft làm mãi vẫn không có lãi... Sự lục đục nội bộ khiến Microsft bỏ lỡ rất nhiều cơ hội đáng giá.
Google dường như cũng đang đi vào vết xe đổ ấy khi liên tục bỏ lỡ cơn sóng mạng xã hội và dịch vụ cung cấp âm nhạc trong khi Apple và Facebook thành công rực rỡ. Rất may rằng Google cũng "gỡ gạc" được đôi chút với sự thành công của Android.
Rõ ràng nếu có 1 thứ gì mà cả Microsoft và Google đều đang thiếu, thì thứ đó nhất định không phải là... tiền. Hồi thập niên 90, Microsoft thực hiện các cuộc mua lại doanh nghiệp cũng như mua lại bằng sáng chế một cách điên cuồng. Và hầu hết trong số những giao dịch đó không đóng góp nhiều cho lợi nhuận cũng như sản phẩm của Microsoft. Mặc dù những vụ mua lại của Microsoft ngày đó cũng khiến công ty này trở thành 1 trong những "đại gia" với kho bằng sáng chế thuộc loại nhất nhì nước Mỹ. Và tới bây giờ kho bằng sáng chế của Microsoft đã phát huy hiệu quả khi hãng liên tục đòi "tiền thuế" từ các nhà sản xuất thiết bị Android như Samsung, HTC với con số lợi nhuận lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm. Thời gian gần đây Microsoft đã làm chậm lại các hoạt động mua bán này của mình.
Google dường như đang tiếp bước Microsoft khi mà chỉ riêng trong năm 2010 hãng đã thực hiện tới 25 vụ mua lại các doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau. 1 vài trong số những dịch vụ "đinh" hiện tại của Google như Admob, Android, Youtube đều là những sản phẩm do hãng mua lại từ tay các doanh nghiệp khác.
Kết
Google đang ngày càng trở nên "hao hao" Microsoft nhưng điều đó không có nghĩa là Google sẽ thực sự trở thành 1 Microsoft thứ 2 và bị gạch tên trong bảng xếp hạng của các doanh nghiệp sáng tạo nhất hành tinh. Với Android, Google+, Google vẫn tỏ ra rằng mình sẽ là một thế lực đáng gờm trong rất nhiều năm nữa. Những thay đổi của Google như việc Larry Page thay thế Eric Schmidt ở vị trí CEO, cắt giảm các dịch vụ thừa mứa và sự thành công của Android khiến chúng ta vẫn có thể kỳ vọng vào 1 tương lai sáng sủa hơn cho gã khổng lồ tìm kiếm.