Dùng phần mềm lậu: Chơi dao coi chừng đứt tay

PV  | 11/12/2011 05:10 PM

Liên tục trong hai tháng 10-11/2011, lực lượng liên ngành đã bất ngờ “tấn công” hàng loạt DN tại Hà Nội và TPHCM, kết quả cho thấy, hầu hết các đơn vị trong đó có các siêu thị điện máy, DN nước ngoài đều vi phạm về sử dụng bản quyền phần mềm.

Liên tục trong hai tháng 10-11/2011, lực lượng liên ngành đã bất ngờ “tấn công” hàng loạt DN tại Hà Nội và TPHCM, kết quả cho thấy, hầu hết các đơn vị trong đó có các siêu thị điện máy, DN nước ngoài đều vi phạm về sử dụng bản quyền phần mềm.

Điều đáng lo ngại ở đây là, chỉ vì mong muốn bớt chút chi phí bản quyền, mà các doanh nghiệp này có thể không những phải đối mặt với mức phạt tối đa tới 500 triệu đồng mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hơn thế, với một vài doanh nghiệp xuất khẩu, họ có thể bị cấm xuất hàng vào Mỹ.

Cứ thanh tra là phát hiện sai phạm

Như VnMedia đã đưa tin, mới đây nhất chuỗi cửa hàng của Ben Computer (Hà Nội), Siêu thị điện máy Chợ Lớn (TPHCM) đã bị lực lượng Quản lý thị trường 2 thành phố bắt quả tang sử dụng phần mềm không bản quyền. Trước đó, đã có 4 doanh nghiệp ở Hà Nội và TPHCM, trong đó có cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác cũng mắc “tật” xài hàng lậu này.

Hàng loạt phần mềm như Autodesk 3D MAX, AutoCAD; LacViet MTD 2002, Adobe Acrobat, Adobe Photoshop CS, Window XP và Window Office… đã bị xài “chùa”, với ước tính giá trị có thể tới hàng trăm ngàn USD.

Ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ VH-TT và DL cho hay, từ đầu năm 2011 đến nay, cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra trên 50 doanh nghiệp, chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM, với tổng số trên 2.000 máy tính và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cường trong tháng 12.

Đoàn thanh tra liên ngành cứ "sờ gáy" doanh nghiệp nào là doanh nghiệp đó vi phạm bản quyền phần mềm.

Đáng nói là hầu hết các doanh nghiệp này đều sử dụng phần mềm máy tính không hợp pháp, trị giá gần 500.000 USD. Theo Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA), tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính cá nhân tại Việt Nam đã giảm 2% so với năm trước nhưng vẫn ở mức cao (83%).

Chuyên gia tư vấn pháp lý của BSA, ông Selvasegaram nhận định: “Dựa trên kết quả điều tra thì 70% người bán máy tính đã bán máy có phần mềm bản quyền và chỉ còn 30% vẫn còn nằm trong con đường mòn vi phạm. Hy vọng con số này sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực khi các cơ quan chức năng ra tay mạnh mẽ và nhờ đó ý thức doanh nghiệp cũng tự giác nâng lên”.

Ông Thành khuyến cáo, việc sử dụng phần mềm lậu sẽ đẩy doanh nghiệp đến tình thế phải nộp mức phạt tối đa 500 triệu đồng và chịu biện pháp hình sự theo điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả dựa trên các căn cứ: quy mô và mục đích thương mại, gây thiệt hại về vật chất cho chủ thể quyền tác giả từ 50 triệu đồng trở lên; hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. “Con số 50 triệu đồng là phổ biến trong hầu hết các vụ sử dụng phần mềm lậu tại các doanh nghiệp. Vì thế trong tương lai có thể không ít doanh nghiệp phải đối mặt với mức truy cứu trách nhiệm hình sự” - ông Thành khẳng định.

Có thể “cấm cửa” hàng Việt vào Mỹ

Ông Trần Mạnh Hùng, hãng luật Baker & McKenzie chia sẻ, theo luật mới của Tiểu bang Washington và Louisiana, các nhà sản xuất có sản phẩm được bán tại đây phải đảm bảo tuân thủ về mặt pháp lý đối với việc sử dụng CNTT.

Luật mới này cho phép các nhà nhập khẩu hoặc Hiệp hội Luật sư Tiểu bang Washington tiến hành khởi kiện dân sự đối với nhà sản xuất cạnh tranh không công bằng nhờ sử dụng CNTT bị đánh cắp, nói cách khác là sử dụng phần mềm lậu.

Theo Baker & McKenzie, hệ lụy của việc không tuân thủ này là các nhà sản xuất nước ngoài, trong đó có Việt Nam, khi nhập hàng vào 2 tiểu bang này có thể rơi vào tình cảnh phải bồi thường thiệt hại, hàng hóa bị tịch thu và thậm chí là không còn quyền được tiếp cận thị trường Mỹ.

Còn theo ông Vũ Bá Phú - Phó Cục trưởng cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), luật này được ban hành là hàng rào kỹ thuật nhằm mục đích ngăn chặn việc sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền ở nước ngoài bằng cách gây sức ép với nhà phân phối tại Hoa Kỳ, yêu cầu đòi hỏi các nhà xuất khẩu ở nước thứ 3 chấm dứt việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình từ khâu kho bãi, vận chuyển, hệ thống kiểm toán, kế toán..

“Không thể chắc chắn được rằng Luật này chỉ áp dụng trong 2 bang Washington và Louisiana mà không lan khắp nước Mĩ, thậm chí các nước phát triển khác” - ông Phú lo ngại, đặc biệt là đã có 39 công tố viên liên bang ký xác nhận ủng hộ đạo luật này.

Theo ông Phú, trong trường hợp Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) áp dụng đạo luật này trong các vụ điều tra chống bán phá giá, DOC có thể cộng thêm các chi phí sản xuất thực tế (do DOC tính toán) do doanh nghiệp phải sử dụng các sản phẩm phần mềm có bản quyền (chi phí thiết kế, quản lý, tiếp thị…) từ đó làm cho chi phí sản xuất sản phẩm bị đẩy lên cao, dẫn đến nguy cơ bị áp thuế chống bản phá giá hoặc biên độ phá giá cao hơn.

Ông Phú dẫn ví dụ giá bán một đôi giày trên thị trường Việt Nam là 100 đồng, giá xuất khẩu sang Hoa Kỳ là 105 đồng, nếu tính toán trong trường hợp thông thường thì sẽ không bị kết luận là có phá giá.

Tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra cộng thêm các chi phí bản quyền phần mềm cho các khâu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là 10 đồng thì giá bán trên thị trường Việt Nam phải là 110 đồng, trong khi đó giá xuất khẩu vẫn là 105 đồng thì sẽ bị coi là có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể là có bán phá giá với biên độ là 5 đồng hay 4,76%.

Theo VnMedia
Xem thêm:

windows