Chúng ta đã bàn không ít về việc vì sao Apple phải sản xuất các iDevice như iPhone, iPad...tại Trung Quốc. Đó là do giá nhân công tại nước này rất rẻ so với các thị trường khác. Điều đó đúng, nhưng chưa phải là tất cả.
Một báo cáo mới đây cho thấy, nguyên nhân iPad phải được sản xuất tại nước này là do hầu hết nguồn cung đất hiếm dùng để sản xuất iPad có rất nhiều tại đất nước đông dân nhất thế giới này.
Theo một báo cáo mới đây của tờ New York Times, Trung Quốc kiểm soát tới 95 đến 97% nguồn đất hiếm trên thế giới. Đây là nguyên liệu mà Apple phải sử dụng để sản xuất iPad. Thêm vào đó, quyết định cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu (một biện pháp hạn chế xuất khẩu nguyên liệu) của Trung Quốc đã khiến giá loại đất này tăng lên nhanh chóng. Theo chính sách của Chính phủ Trung Quốc, các công ty chỉ được miễn hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm nếu họ đặt nhà máy sản xuất ngay tại nước này. Với các công ty sản xuất kinh doanh thì lợi nhuận là yếu tố hàng đầu và đó là lý do Apple không sản xuất iPad ở nơi nào khác.
Các nguyên liệu hiếm dùng để sản xuất màn hình và pin chỉ có tại Trung Quốc là nguyên nhân iPad phải được sản xuất tại đây.
Mặc dù với "bản tính" thích giữ bí mật của Apple, chúng ta không thể biết chính xác loại đất hiếm đó là gì, chuyên gia Dr. Tim Coombs của đại học Cambridge tin rằng đó rất có thể là Lantan (lanthanum) được sử dụng để sản xuất pin; các loại đất hiếm để sản xuất màn hình; hợp kim Neodymi (Neodymium) được dùng để sản xuất nam châm trong iPad và vỏ bảo vệ Smart Cover. Bên cạnh đó, theo trang iFixit, một website chuyên "mổ xẻ" thành phần linh kiện của iPhone, iPad, phần gương ở màn hình iPad có thể được đánh bóng bằng Xeri Oxit (cerium oxide).
Apple không phải là công ty duy nhất đưa toàn bộ tiến trình lắp đặt, gia công sản phẩm tại Trung Quốc. Mới đây, công ty điện thoại Phần Lan Nokia cũng tuyên bố sẽ chuyển nhà máy sản xuất của hãng từ châu Âu sang châu Á. Một phần nguyên nhân được cho cũng là do việc nguyên liệu đất hiếm này khiến giá thành sản xuất đắt hơn nếu họ đặt nhà máy ở châu Âu.