Như đã thành thông lệ, mỗi khi một "bom tấn" ăn khách được ra mắt, lập tức các hãng sản xuất tranh nhau đưa ra các sản phẩm "ăn theo" sự thành công của "bom tấn" đó. Trong ngành công nghiệp điện ảnh, chuyện này gần như đã thành thói quen, khi mà mỗi khi có 1 tác phẩm điện ảnh ra mắt , gần như ngay sau đó các loại búp bê , hình nộm cũng được tung ra để tranh thủ "kiếm chác". Đối với ngành công nghiệp game, việc các hãng sản xuất đưa ra "đồ chơi" ăn theo sự thành công của một game lớn dường như ít gặp hơn, nhưng cũng không phải là hiếm. Thế nhưng chất lượng của các sản phẩm ăn theo, do tâm lý vội vã đưa ra thị trường để tận dụng ảnh hưởng, thường không cao. Mà nói thẳng ra chỉ là để "trưng bày" nhiều hơn là ứng dụng thực sự. Nhất là đối với những "fan ruột" của phim/game đó thì các sản phẩm ăn theo có giá trị sưu tập nhiều hơn là sử dụng trong "thực chiến".
GenK đã có cơ hội được "sờ tận tay, day tận trán" một sản phẩm như thế: Bộ tai nghe Razer Banshee nằm trong dòng sản phẩm StarCraft II đến từ hãng chuyên sản xuất đồ cho game Razer. Với danh tiếng của Razer và Blizzard, liệu rằng Banshee liệu có thoát được cái mác "ăn bám" thường thấy ở các sản phẩm cùng loại? Câu trả lời sẽ đến với bạn trong bài đánh giá dưới đây.
Trước hết, xin cảm ơn cửa hàng SVHouse (loa.com.vn) ở 165 Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội đã cung cấp thiết bị để GenK có thể thực hiện bài viết.
Thiết kế: Ăn chắc mặc bền
Lần đầu tiên nhìn thấy Banshee, thú thật người viết cảm thấy hơi... run. Vốn chỉ quen với những dòng tai nghe in-ear nhỏ gọn, ấn tượng về việc kẹp cái tai nghe to như 2...quả đấm vào tai khiến tôi không thực sự thoải mái. Thiết kế của Banshee thuộc kiểu headphone trùm đầu loại lớn, màu sắc chủ đạo của tai nghe là màu xám kim loại, với những đường rãnh xẻ dứt khoát trên 2 bên tai và cầu đã khiến Banshee trở nên hầm hố. Hình khối chủ đạo trong thiết kế của Banshee là các đường thẳng và các hình đa giác, bạn sẽ không tìm thấy những nét cong mềm mại ở sản phẩm này. Đi kèm với thiết kế vuông vắn, độ dày của các chi tiết cũng cho người sử dụng cảm giác chắc chắn, đáng tin cậy ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sản phẩm dường như lấy cảm hứng thiết kế từ một chiếc mũ bảo hiểm trong bộ giáp của các hero ở thế giới StarCraft. Hiện đại, cứng cáp và khỏe khoắn.
Thiết kế vuông vắn của Banshee.
Phần vỏ ngoài của Banshee được chế tác hoàn toàn bằng nhựa chất lượng cao, các khớp nối đều rất kín khít và không hề có đầu nhựa thừa, chứng tỏ sự quan tâm chăm chút ở khâu gia công thường thấy ở các sản phẩm của Razer.
Ở chính giữa mặt ngoài của cả 2 bên tai đều có logo của StarCraft II , kết hợp với các vạch ở 2 bên cạnh, và một dải ở phía dưới tai nghe đều làm bằng đèn led có khả năng phát sáng. Màu sắc của các đèn Led này có thể thay đổi được và sẽ biến đổi theo tốc độ ra lệnh của người sử dụng khi chơi StarCraft II. Cụ thể nếu số APM (Actions Per Minute) của người sử dụng nhỏ hơn 50, các đèn này sẽ sáng xanh, và màu đèn sẽ đổi dần sang đỏ khi tốc độ ra lệnh tăng lên và đạt màu sáng trắng khi APM của người chơi đạt 350.
Đèn báo màu xanh khi người chơi làm được ít hơn 50 thao tác trong 1 phút.
Khi vào tay các gosu Hàn Quốc với tốc độ thao tác như điện thì đèn sẽ chuyển dần sang màu đỏ rồi sáng trắng khi APM vượt mức 350. Đồng thời các đèn này còn có nhiệm vụ thông báo khi người chơi bị tấn công.
Thử tưởng tượng trong 1 phòng game mà tất cả các game thủ đều đeo Banshee, chắc chắn sự khác biệt về trình độ sẽ được "tố cáo" ngay trên... tai của người chơi. Banshee cũng bố trí ở 2 bên tai các nút điều khiển tăng chỉnh âm lượng của tai nghe và micro, đồng thời có nút câm micro và headphone khá tiện lợi.
Bên cạnh đó, Banshee cũng đi kèm với một chiếc micro có thể tháo rời được. Việc tháo lắp chiếc Micro này khá dễ dàng. Nhưng người viết cũng không hiểu lắm lý do vì sao Razer lại chọn thiết kế Microphone có thể tháo rời được, vì rõ ràng là một linh kiện có thể tháo rời như thế sẽ dễ bị thất lạc hoặc để quên. Thêm nữa lỗ cắm Micro cũng sẽ là một nơi mà bụi bẩn, hơi ẩm dễ lọt vào, ảnh hưởng đến chất lượng của tai nghe. Thực ra việc nhỏ gọn không phải là lý do bào chữa cho sự sơ suất này, vì người sử dụng hoàn toàn có thể gập chiếc Micro lên , vẫn đảm bảo gọn gàng mà lại tiện lợi. Micro đi kèm tai có phần thân bằng cao su, cho phép người sử dụng nắn lại để phù hợp hơn với cơ địa của từng người.
Banshee dùng kết nối USB thay vì jack 3.5mm truyền thống.
Micro đi theo tai có thể tháo rời được, cho chất lượng âm thu trong trẻo, thích hợp cho việc...hát karaoke.
Banshee sử dụng cổng giao tiếp USB để kết nối với máy tính và dây dài 2m có bọc vải bện. Dây của Banshee dày dặn, và có vẻ rất dai, hứa hẹn rằng sản phẩm có thể chịu được sự "ngược đãi" từ phía những tay game thủ nóng tính. Tuy nhiên một điểm trừ rất lớn đó là do muốn dây có độ bền cao, Razer đã chế tạo lớp vỏ bện trên dây quá dày, dẫn đến nối của Banshee bị cứng. Điều này lại kéo theo một hệ quả khó chịu nữa đó là dây của Banshee rất dễ xoắn và dễ bị rối, mà một khi đã bị xoắn hay rối thì việc gỡ ra không dễ dàng chút nào. Trong mấy ngày thử nghiệm sản phẩm, người viết đã phải chịu cảnh sống chung với một nùi dây tai nghe rối tinh.
Trên hai tai của Banshee là 2 miếng đệm bằng mút đen, chất lượng của 2 miếng đệm này rất tốt, mềm, dễ chịu. 2 miếng đệm này có thể tháo rời được, hứa hẹn khả năng thay thế trong tương lai nếu miếng mút hiện tại bị xẹp hay hư hỏng.
Miếng mút dày và để lỗ rất sâu, chụp hết vành tai.
Cảm giác sử dụng: Quá nhiều cái tốt.
Như đã nói ở trên, người viết vốn chỉ quen thuộc với các tai nghe in-ear sử dụng cho việc nghe nhạc là chính, và ấn tượng ban đầu về 2... quả đấm ép lên tai đã khiến người viết cảm thấy thực sự căng thẳng. Thế nhưng những lo âu ban đầu ấy lập tức được đánh tan khi ấp Banshee lên tai. Tuy có dáng vẻ cục mịch, cơ bắp, nhưng hóa ra Banshee lại khá dịu dàng trên tai người sử dụng. Có lẽ phần lớn là nhờ vào phần cầu nối giữa 2 tai có lõi là thép dẻo nên lực ép lên đầu người sử dụng không lớn lắm. Phần khớp nối giữa tai và cầu cũng có thể xoay một góc khoảng 5 độ, bảo đảm cho việc tai nghe luôn áp sát theo khuôn đầu.
Phần cầu nối cũng có thể được kéo dài ra để dễ phù hợp hơn với nhiều cỡ đầu khác nhau. Phần mút trên tai nghe của Banshee cũng để là một hình vành khăn, với lỗ để khá lớn, trùm hết vành tai nên khi ép lên đầu, vành tai của người sử dụng không hề chịu chèn ép. Lý do chính khiến tai bị "cấn" khi đeo tai nghe lâu là do phần sụn của tai bị chèn ép. Ở Banshee, vấn đề này đã được giải quyết triệt để. Điều này đã chứng tỏ kinh nghiệm của Razer trong việc sản xuất ra những sản phẩm phục vụ cho các gamer có thời gian đeo tai nhiều tiếng liên tục.
Sản phẩm tuy có trọng lượng và kích thước không hề nhỏ, nhưng khi đeo lên đầu cảm giác rất nhẹ và gọn. Tai nghe bám khá chặt, vì vậy người sử dụng có thể thoải mái xoay trở mà không sợ tuột. Nhìn chung điểm cộng lớn nhất của Banshee chính là ở cảm giác khi sử dụng. Mặc dù người viết có đeo kính, nhưng đeo Banshee nhiều tiếng liên tục mà không hề cảm thấy có hiện tượng đau tai hay mỏi, những hiện tượng thường thấy ở các loại headphone trùm đầu khác. Mặc dù vậy, việc đeo chiếc tai nghe này lâu có thể dẫn đến hiện tượng nóng, bức, đặc biệt là trong thời tiết như hiện nay.
Rất may là lớp mút có thể được tháo rời để vệ sinh trong trường hợp bị bẩn vi mồ hôi.
Các tính năng bổ trợ
Nhìn chung tính năng bổ trợ nổi bật nhất của Banshee là khả năng thay đổi màu các đèn báo theo tốc độ ra lệnh khi chơi game. Bên cạnh đó, người viết cũng cảm thấy khá thích thú khi "nghịch" với Banshee, trong mấy ngày đầu. Màu đèn của Banshee có thể thay đổi được bằng cách sử dụng phần mềm quản lý đi kèm. Tuy nhiên về sau này, dần dần việc đèn của Banshee quá sáng đã trở thành một nỗi phiền toái: Đèn quá sáng nên khi xem film trong phòng tối, màn hình luôn bị ngả xanh vì đèn của Banshee phản chiếu lên, thêm vào đó vì người viết có đeo kính, nên lúc nào cũng nhìn thấy 2 vạch sáng xanh hiện lên ở 2 bên mắt kính, nhất là trong phòng tối thì việc kính bị lóa làm cho tầm nhìn bị cản trở.
Đèn quá sáng cũng là một vấn đề.
Đèn của Banshee có thể được đổi nhiều màu khác nhau. Cuối cùng người viết cũng tìm được cách tắt những cái đèn của Banshee đi bằng phần mềm đi kèm theo sản phẩm. Và sau đó người viết cũng không thấy có nhu cầu cần bật chúng trở lại. Nhìn chung tính năng phát sáng của Banshee nhìn thì có vẻ hay, nhưng ứng dụng thực tế lại chẳng được là bao.
Chất lượng âm thanh: Bass bass và bass.
Và tất nhiên, phần quan trọng nhất của một chiếc tai nghe vẫn phải là chất lượng âm thanh. Với cái giá hơn 3 triệu đồng mà người sử dụng sẽ phải trả, tất nhiên chúng ta cũng sẽ mong chờ chất lượng âm thanh tương ứng. Và quả thực, Banshee cũng làm tròn nghĩa vụ của mình, nhất là nếu xét đến tầm giá.
Nhìn chung có một kết luận đúng với tất cả mọi loại tai nghe: Hay hoặc dở đều tùy vào tai người nghe. Banshee cũng vậy. Theo như tài liệu mô tả đi kèm Banshee thì bản thân tai nghe này cũng có một chip xử lý âm thanh, chúng làm nhiệm vụ "nhặt" ra các âm thanh môi trường trong game và khuyếch đại lên, cho người chơi cảm giác như đang được đứng giữa game. Thử tưởng tượng chỉ cần nhắm mắt lại, bạn sẽ thấy mình như đang đứng giữa 1 chiến trường nảy lửa hay một khu rừng mưa âm u rả rích. Và hệ thống này đã hoạt động tương đối tốt trong game, thử nghiệm với StarCraft II người viết tuy không phải là gamer, nhưng cũng phần nào cảm giác được những âm thanh môi trường được khuếch đại khiến game cảm giác thật hơn.
Đối với các tai nghe chuyên game, có lẽ một trong những yếu tố quan trọng đó là giả lập âm thanh vòm. Người viết cũng có cơ hội thử sử dụng những phần mềm giả lập âm thanh vòm trên Banshee và nhận thấy kết quả khá ấn tượng, âm thanh được tái tạo khá chính xác về phương hướng, nhất là các bài thử giả lập âm thanh phía sau lưng. Đã có lần người viết phải "giật mình" vì tiếng lên đạn giòn tan vang lên sau lưng. Tuy nhiên một số bài thử giả lập âm thanh ở trên đỉnh đầu lại cho cảm giác tiếng động phát ra đâu đó giữa 2 tai, âm thanh bị ghì lại chứ không thoáng. Tất nhiên là chât lượng của một tai nghe Strereo như Banshee sẽ không thể so sánh với dàn loa 5.1 của bạn, nhưng nếu xét đến giá cả thì không nên đòi hỏi gì thêm ở Banshee vì nó đã làm khá tròn nhiệm vụ của mình.
Những ai có ý định sử dụng Banshee để làm tai nghe nhạc có lẽ sẽ bị thất vọng. Đầu tiên là tai sử dụng cổng giao tiếp USB, vì thế các máy nghe nhạc có lỗ cắm 3.5 mm sẽ trở nên vô dụng. Thực ra việc Banshee sử dụng cổng USB thay vì 3.5mm cũng là hợp lý. Việc cấp nguồn cho hệ thống đèn báo, xử lý âm thanh và 2 loa neodymium 50mm chắc chắn là quá sức với lỗ cắm 3.5mm. Tuy nhiên kết quả thử nghiệm âm thanh trên máy tính cũng cho kết quả chỉ ở mức "tạm chấp nhận được".
Chất âm của Banshee tương đối yếu, ngay cả ở mức volume tối đa. Âm vực của Banshee ngả về bass tương đối nhiều. Tiếng treble và mid thường xuyên bị tiếng bass lấn át, ở những bài hát có tiếng treb cao "vắt vẻo" như Stay With Me của ca sĩ nhí Liam Connery, Banshee tỏ ra đuối sức khi không tái tạo được âm vực "cao đến nhức đầu" của Liam. Âm mid nghe cảm giác bị ghì , không thoáng và có xu hướng bị bass "đè". Ngay cả âm bass cũng Banshee cũng chỉ ở mức tương đối tốt do âm bass chưa đủ sâu. Những tiếng guitar bass trong Rancid chưa cho người nghe thấy muốn "vỡ tung đầu", tiếng trống bass của Drum n' Bass cũng chưa gây được cảm giác như đang "nện vào tim".
Ngược lại xem phim bằng Banshee lại khá lý tưởng vì khả năng giả lập âm thanh vòm của tai nghe khá tốt. Dù vậy bạn sẽ chỉ có thể xem được phim trên máy tính hoặc các thiết bị có cổng USB, một phiền toái khá khó chịu.
Vì sử dụng kết nối USB, Banshee chỉ có thể dùng được với desktop hoặc laptop.
Thêm một điểm trừ nữa cho Banshee khi chất lượng cách âm của tai không tốt. Đeo Banshee vào và những tiếng động xung quanh vẫn liên tục dội vào tai người sử dụng. Đáng ra Razer nên tận dụng lợi thế về kích thước không bị hạn chế của Banshee để tạo ra một chiếc tai nghe cách âm tốt hơn. Ít nhất khi ấy Banshee sẽ có thêm được 1 công dụng: Chụp tai tránh ồn.
Kết luận
Nhìn chung, với mức giá 3tr5 và những gì mà Banshee thể hiện, chắc chắn nhiều người sẽ ngập ngừng khi chọn Banshee. Các tính năng phụ trợ của Banshee khá thú vị, nhưng lại không hữu dụng. Chất âm chưa đủ sức thuyết phục và quan trọng nhất là việc ứng dụng của Banshee bị giới hạn trên máy tính vì sử dụng kết nối USB. Tuy nhiên, với những fan ruột của SC, hoặc những ai cần 1 chiếc tai nghe hình thức đẹp, thiết kế độc đáo, cảm giác sử dụng thoải mái, có lẽ nên cân nhắc về Banshee. Nói cho cùng, Banshee cũng không phải là một tai nghe quá tệ, mặc dù nó không phải là tai nghe tốt nhất mà bạn có thể tìm được trong tầm giá đó.