Đánh giá MSI HD 6670: Đế vương không nguồn phụ

Nội Tâm  | 02/08/2011 0:00 AM

Trong series tư vấn cho bạn đọc về nâng cấp desktop trước khi vào năm học mới, chúng tôi thực hiện bài test với 5 VGA tầm trung có giá từ 2,3 đến 2,6 triệu. Trong đó có MSI HD 6670, ông vua của dòng VGA không nguồn phụ.

Giới thiệu

Phân khúc phổ thông và tầm trung luôn tập trung một lượng lớn người tiêu dùng. Chẳng thế mà các gương mặt như GTS 250, GTS 450, HD 5770... có số lượng bán ra lớn hơn nhiều so với những GTX 570 hay HD 5870 cao cấp. Tuy nhiên chúng có 1 điểm chung và là nỗi kinh hoàng khiến nhiều người phải khóc ròng khi có nhu cầu nâng cấp: đều yêu cầu 1 nguồn phụ 6-pin. Nếu đã trót trang bị một bộ nguồn sít sao từ những ngày đầu mua máy, bạn sẽ buộc phải cắn răng chi thêm đến gần triệu bạc cho bộ nguồn mới mạnh mẽ hơn.
 
Đó chính là yếu tố giúp HD 5670 – card đồ họa không nguồn phụ mạnh nhất thế giới (nhưng vẫn... yếu) giành được chỗ đứng bên cạnh GTS 250 ngang giá mà mạnh hơn nhiều. Có điều chẳng ai lại không cảm thấy bứt rứt khi phải bỏ ra một số tiền không nhỏ mà lại chẳng thể nhận về hiệu năng cao nhất có thể. Hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn đọc HD 6670 – truyền nhân của HD 5670 – kẻ được mong đợi sẽ cho GTS 250 “về hưu” để người tiêu dùng đỡ... tiếc.

Tất cả sản phẩm trong bài viết đều được cung cấp bởi công ty Hà Nội Computer (43 Thái Hà, Hà Nội. www.hanoicomputer.vn) Xin cám ơn Hà Nội Computer đã hỗ trợ phần cứng để chúng tôi hoàn thành bài review này.
 
Và hiện tại Hà Nội Computer cũng đang có nhã ý tặng cho 5 độc giả của GenK ưu đãi giảm giá 10% (so với giá niêm yết) khi mua 1 trong 5 sản phẩm card đồ họa xuất hiện trong bài viết này ở cửa hàng địa chỉ 43 Thái Hà. Để nhận ưu đãi, bạn đọc hãy email về địa chỉ info@genk.vn, trong email nêu rõ họ tên đầy đủ, số điện thoại, CMND, mục đích mua (nâng cấp, dựng máy mới...). Phần quà này sẽ dành cho 5 độc giả may mắn nhất. Hạn chót nhận email là 18h ngày 2/8/2011. Kết quả sẽ được công bố vào lúc 18h ngày 3/8/2011.
 
MSI HD 6670 1GB GDDR5
 
Sản phẩm chủ đạo chúng tôi sử dụng trong bài review này là MSI HD 6670 1GB GDDR5.



Không giống các card đồ họa phổ thông khác với tản nhiệt “trần như nhộng”, MSI HD 6670 được trang bị tản nhiệt trông khá hầm hố, gợi liên tưởng đến dòng Twin Frozr lừng danh của hãng. Toàn bộ phần mặt nạ và 2 quạt tản nhiệt 11 cánh đều được sơn đen gần như từ đầu đến chân, thậm chí có cả đường vân trang trí nữa.



Tuy trông có vẻ ngầu, nhưng quan sát kĩ hơn một chút thì rõ ràng đây là một model bình dân: tản nhiệt nhôm khối, không có heatpipe (ống dẫn nhiệt), bo mạch ngắn và hình như hơi ít phase.



Tháo rời tản nhiệt ra, đúng như phỏng đoán: toàn nhiệt full nhôm và bo mạch chỉ có 2 phase điện. Cũng khá dễ hiểu bởi AMD tung ra HD 6670 dựa trên lợi thế mát mẻ, ít tốn điện và không dùng nguồn phụ. Chẳng việc gì phải đầu tư tản nhiệt xịn hơn cho chiếc card. Mặt khác với điện năng tiêu thụ hạn chế như vậy (theo AMD là khoảng 66W – khá gần ngưỡng 75W), chúng ta cũng không nên hi vọng nhiều ở khả năng ép xung của nó.


Toàn nhôm là nhôm.
 
GPU HD 6670 bé tí teo, hoạt động ở mức xung 800 MHz (đúng bằng mặc định của AMD), xếp quanh là các chip nhớ Hynix hợp thành bộ nhớ 1GB GDDR5 hoạt động với mức xung 1000 MHz.

GPU bé hơn cả chip nhớ.
 
Chiếc card được trang bị 3 cổng kết nối thông dụng nhất hiện nay là VGA, DVI và HDMI. Do vậy phụ kiện đi kèm chỉ có 2 sách hướng dẫn và 1 đĩa driver chứ không có cổng chuyển hay cáp chuyển như nhiều card đồ họa khác.



Khả năng ép xung, nhiệt độ & độ ồn

Vào thời điểm tôi thực hiện test nhiệt độ và khả năng ép xung của MSI HD 6670, nhiệt độ phòng chỉ 32 độ C. Bài test sử dụng thùng máy đóng kín có 1 quạt trước, 1 quạt sau và 1 quạt nóc.


Do đây là card đồ họa phổ thông, không phải sản phẩm “chơi bời” nên MSI không cho phép tăng Core Voltage. Mặt khác phần mềm MSI AfterBurner chỉ cho phép kéo xung GPU lên 900 MHz, không cho hơn. Sửa đổi vài dòng lệnh trong file config thì chương trình cho phép tăng thêm vài chục MHz nữa, nhưng mức hoạt động ổn định cao nhất tôi thu được chỉ là 910 MHz – không cao hơn là mấy. Cuối cùng tôi quyết định chọn mức xung 910/1050 MHz (so với mặc định 800/1000) để đánh giá hiệu năng sau ép xung của MSI HD 6670 trong các phép thử game.

Dù sử dụng tản nhiệt nhôm nhưng nhiệt độ thu được của GPU rất khả quan. Ở mức xung mặc định 800/1000 MHz (trong thùng máy đóng kín), nhiệt độ Idle là 39 độ C. Test với FurMark – chương trình chuyên vắt card đồ họa thì nhiệt độ cao nhất đạt 71 độ C. Nhiệt độ thực tế chơi game rơi vào khoảng 66 độ C – thấp hơn không nhiều so với FurMark.


Ép xung lên, 900/1050, nhiệt độ FurMark tăng nhẹ lên 73 độ C, đồng thời nhiệt độ chơi game cũng tăng lên 68 độ C. Vẫn còn là "mát lạnh" đối với card đồ họa.


Về phần độ ồn, quạt quay khá êm và luôn cùng một tốc độ dù Idle hay Full-load. Và có vẻ như Bios của MSI HD 6670 không cho can thiệp điều chỉnh hay theo dõi tốc độ quạt. Do vậy tôi cũng không biết được tốc độ vòng/phút của nó. Tuy nhiên điều này chẳng quan trọng lắm. Tản nhiệt êm + GPU mát – đó là tất cả những gì chúng ta cần.
 
Cấu hình test và thiết lập phép thử

Ban đầu chúng tôi định test luôn cả combo main-chip-ram Sandy Bridge để "hợp thời". Tuy nhiên sau một hồi cân nhắc, tôi quyết định sử dụng PC đang dùng với nền tảng xử lý Q8200, do HD 6670 chủ yếu đánh vào nhu cầu nâng cấp hoặc dựng case phổ thông, sức mạnh cũng “phổ thông” nốt nên dùng nền tảng xử lý mạnh quá để test có vẻ không thực tế lắm. Dù sao số khung hình/giây cũng chẳng bị ảnh hưởng.

Bo mạch chủ: MSI P43-Neo
Bộ xử lý: Intel Core 2 Quad 8200 @2,8 GHz
Bộ nhớ trong: 2 x 2GB Kingmax 1066 MHz cas 6-6-6-18
Ổ cứng: WD Caviar Black 500 GB
Nguồn: CoolerMaster eXtreme Power Plus 550W

Card đồ họa:

MSI GT 240 1GB GDDR5
MSI GT 440 512MB GDDR5
MSI HD 5670 1GB GDDR5
MSI HD 6670 1GB GDDR5
MSI GTS 250 1GB GDDR3
 
 
Cả 4 card đồ họa GT 240, GT 440, HD 5670 và GTS 250 đều được đưa về chạy ở mức mặc định của AMD và Nvidia. Bản thân MSI HD 6670 cũng được hãng thiết lập chạy ở mức 800/1000 MHz của AMD.
 
Các game được test ở 2 độ phân giải 1280 x 1024 và 1600 x 900. Thực ra tôi dự định test độ phân giải 1680 x 1050 nhưng do các màn hình wide tỉ lệ 16:10 hiện không còn phổ biến nữa nên cuối cùng tôi quyết định chọn 1600 x 900 dù chênh lệch điểm ảnh giữa nó và 1280 x 1024 không nhiều.
 
Vì một số lý do, GTS 250 không có vỏ hộp nên được xuất hiện “trần trụi”.
 
Ngoài ra, do GT 240 và GTS 250 không hỗ trợ DirectX 11 nên các phép thử sẽ được chia làm 2 phần:

1/ Các game DirectX 9 & 10.
2/ Các game DirectX 11.
 
DirectX 9 & 10

Unigine Heaven (DX 9) & 3DMark Vantage (DX 10)

2 phép thử này tôi chỉ test ở độ phân giải 1280 x 1024 để kiểm tra xem các phần mềm lý thuyết đánh giá tỉ lệ hiệu năng giữa các card đồ họa ra sao.


Ở Unigine Heaven, GTS 250 dẫn đầu, bỏ xa HD 6670 dù đã ép xung tới 10%. Hiệu năng ép xung của HD 6670 ở phép thử này cũng tỏ ra khá nghèo nàn: chỉ 5%.



3DMark Vantage vốn luôn ưu ái các card đồ họa AMD. Dù vậy với việc HD 6670 có số điểm vượt xa GTS 250, chúng ta hoàn toàn có thể mong chờ một cuộc lật đổ.

 
BattleField: Bad Company 2 (DX 10) – Crysis Warhead (DX 10 ) – Crysis 2 (DX 9)


Sự thật có vẻ hơi đáng thất vọng khi HD 6670 vẫn bị GTS 250 bỏ lại phía sau từ khung hình tối thiểu cho đến khung hình trung bình. Hiệu năng sau ép xung cũng không ấn tượng. Trong khi đó ở chiều ngược lại, 2 đại diện không nguồn phụ của Nvidia lại hít khói dài.


Dù sao vẫn có một chút an ủi là dù khởi đầu với 3 game bắn súng hạng nặng này, HD 6670 vẫn cân được các thiết lập mức cao – hứa hẹn khá sáng sủa cho game thủ hầu bao eo hẹp.

 

Dirt 3 (DX 9) – Just Cause 2 (DX 10) – Lost Planet 2 (DX 9)

Với Dirt 3, HD 6670 bị GTS 250 cho rớt lại tới hơn 20%! Hiệu năng ép xung cũng tăng lẹt đẹt tầm 7%.


Thế nhưng với Just Cause 2 và Lost Planet 2, tôi cảm thấy khá bất ngờ khi ngựa ô HD 6670 chỉ thua lão làng GTS 250 tầm 10% và gần như san bằng cách biệt khi ép xung. Còn quái lạ hơn nữa khi Lost Planet 2 vốn là game cực ưa Nvidia thì HD 6670 thậm chí còn vượt lên ở độ phân giải 1600 x 900. Ưu điểm của kiến trúc mới hơn chăng?



Trong khi đó, 2 anh bạn không nguồn phụ của Nvidia vẫn... cầm đèn đỏ. GT 440 tuy sinh sau nhưng lại chẳng vượt qua nổi GT 240. Thật đáng buồn cho chiếc card Fermi này.


 
Mafia II (DX 9) – Metro 2033 (DX 9)

Nhóm phép thử vần “M” này thể hiện 2 kết quả trái ngược nhau: HD 6670 thua tan nát trong Mafia II, nhưng lại chiến thắng tuyệt đối trong Metro 2033 một cách đầy bất ngờ. Ngay cả HD 5670 cũng tỏ ra ngang cơ được với GTS 250.



DirectX 11
 
Trong phần test DX 11 này, tôi vẫn giữ nguyên thiết lập game như phần DX 9 & 10, chỉ kích hoạt thêm các hiệu ứng của DX 11. Rõ ràng chẳng có lý do gì để giảm setting xuống Medium khi bật DX 11 dù khung hình có tồi tệ đến đâu. Nếu vậy thà chơi DX 9 setting High còn đẹp hơn.
 
Unigine Heaven & 3DMark 11



GT 440 là card đồ họa không nguồn phụ hỗ trợ DX 11 mạnh nhất của Nvidia hiện nay. Tuy nhiên nó chỉ mạnh ngang GT 240, còn thua xa cả HD 5670 chứ đừng nói đến HD 6670. Có lẽ DX 11 trên chiếc card này chỉ để làm cảnh chứ không có ý nghĩa thực dụng mấy.
 
Alien vs Predator (DX 11) – BattleField: Bad Company 2 (DX 11) – Dirt 3 (DX 11)


Alien vs Predator là một game thuần DX 11, được thiết lập ở mức Medium, tắt khử răng cưa nhưng kích hoạt đầy đủ các hiệu ứng DX 11. Khung hình thu được có vẻ tàm tạm nhưng theo tôi là không đủ “sướng”.



Sang đến BBC2, điều thú vị xảy ra: khung hình chỉ sụt giảm chút ít khi kích hoạt DX 11. Chất lượng game ở mức tốt dù các thiết lập vẫn giữ mức High. HD 5670 cũng làm rất tốt với khung hình tàm tạm, còn GT 440 thì giật liên tục rất khó chịu.



Khi bật DX 11 ở Dirt 3, có một vài thiết lập cho phép tăng từ High lên Ultra và dĩ nhiên là tôi đẩy các thiết lập này lên để có thể hưởng các hiệu ứng của DX 11. Riêng Ambient Occlusion chỉ được đặt ở High do lên Ultra thì giật kinh khủng. Với thiết lập gần như là max setting như vậy ở DX 11, khung hình trung bình giảm tới 40% so với DX 9 nhưng vẫn đủ chơi ở mức bình thường không hề thấy giật. Hiệu ứng Motion Blur của Dirt 3 quả thực được làm rất tốt. GT 440 vẫn tỏ ra khá “vô dụng” đối với DX 11.

 
Lost Planet 2 (DX 11) – Metro 2033 (DX 11)


Vẫn giữ nguyên các thiết lập High giống như DX 9, tôi chỉ tăng DX 11 Features lên Low (tức hiệu ứng cùi bắp nhất), khung hình tụt khủng khiếp đến mức không chơi nổi. Có lẽ đối với Lost Planet 2, chúng ta không nên “đú” DX 11 với HD 6670.


Đối với Metro 2033, khung hình cũng có vẻ tạm tạm, tuy nhiên với điều kiện là... đừng thò đầu lên mặt đất. Mỗi khi tiếp xúc với ánh sáng trên mặt đất, khung hình lại tụt nghiêm trọng, thường duy trì mức 22 nên giật giật rất khó chịu.
 
Tổng kết hiệu năng & kết luận


Qua một loạt phép thử DX 11, có thể khẳng định rằng khả năng khai khác DX 11 của MSI HD 6670 tuy còn hạn chế nhưng cũng vẫn dùng được với 1 số game như Dirt 3 và BBC2. Bởi vậy, nhìn chung người dùng không nên quá coi trọng yếu tố này khi lựa chọn card đồ họa. Phần DX 9 & 10, chiếc card chỉ thua sút khoảng 15% so với “tiền bối” GTS 250 – quả thực không được như mong đợi ban đầu của tôi. Tuy nhiên đối với những ai không sở hữu một bộ nguồn đủ mạnh, đây vẫn là lựa chọn nâng cấp rất sáng giá.

Vậy nên, tuy chưa thể thực hiện được cuộc lật đổ đối với các card đồ họa đã hot từ cách đây rất lâu như GTS 250 hay HD 4850, HD 6670 chắc chắn vẫn chiếm được chỗ đứng trên thị trường card đồ họa. Cần card đồ họa đủ mạnh nhưng còn lăn tăn về nguồn ư? HD 6670 là câu trả lời cho bạn.

Giá các sản phẩm card đồ họa trong bài viết (theo bảng giá của Hà Nội Computer):

MSI GT 240 1GB GDDR5: 2.277.000 VNĐ
MSI GT 440 512MB GDDR5: 2.340.000 VNĐ
MSI HD 5670 1GB GDDR5: 2.463.000 VNĐ
MSI HD 6670 1GB GDDR5: 2.609.000 VNĐ 
MSI GTS 250 1GB GDDR3: 2.499.000 VNĐ