Đánh giá MSI GTS 450 GDDR3: Thách thức ngôi vua VGA không nguồn phụ

Nội Tâm  | 21/08/2011 0:00 AM

MSI GTS 450 GDDR3 - một lựa chọn mới cực kì sáng giá trong phân khúc tầm trung. Sản phẩm đặc biệt phù hợp với nhu cầu lên đời PC cho những game thủ có ngân sách eo hẹp nhưng vẫn cần hiệu năng tốt.

Giới thiệu
 
Mảng đồ họa rời không nguồn phụ từ lâu đã là lãnh địa “cứng” của AMD khi Nvidia có vẻ không mấy quan tâm đến phân khúc này. Đầu tiên HD 4670, đến HD 5670 và hiện nay là HD 6670 lần lượt thay nhau chiếm giữ danh hiệu card đồ họa không nguồn phụ mạnh nhất, rất được các game thủ hầu bao hạn chế ưa thích. Không phủ nhận bên đoàn quân xanh cũng xuất hiện những chiếc card không nguồn phụ khá mạnh như 9800 GT Low Power, nhưng đó chỉ là phiên bản tùy biến của một số hãng sản xuất với số lượng hạn chế trên thị trường, đặc biệt là thị trường Việt Nam.

Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả MSI GTS 450 GDDR3 – phiên bản không nguồn phụ của MSI GTS 450 quen thuộc – được kì vọng sẽ hất HD 6670 khỏi ngôi vương không nguồn phụ.
 
Giá bán lẻ đề xuất của nhà phân phối MSI tại miền Bắc cho sản phẩm là 2.683.800 VNĐ – tức ngang với giá của MSI HD 6670 GenK đã giới thiệu trong bài viết trước. Giá bán lẻ tại các đại lý sẽ thấp hơn khoảng 200.000 -> 250.000 VNĐ.
 
GTS 450 GDDR3 – Đứa con rơi của Nvidia
 
Vào thời điểm ra mắt, GTS 450 dù hiệu năng không tồi nhưng vẫn không thỏa mãn được sự mong mỏi của người tiêu dùng bởi không thể vượt qua nổi cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm GTS 250 – card đồ họa trung cấp có hiệu năng/giá thành cực tốt lúc bấy giờ (và cho đến tận bây giờ). Tất cả những gì GF106 làm được đối với kiến trúc ra đời trước đó tận 2 năm chỉ là mạnh hơn khoảng 10%, tiết kiệm hơn 44 W điện (nhưng vẫn cần nguồn phụ!) và mát mẻ hơn.

Tuy thế, với điện năng tiêu thụ chỉ 106 W cộng với kích thước GPU khá bé, GF106 đã gợi cho rất nhiều hãng sản xuất ý tưởng về một chiếc GTS 450 không nguồn phụ trong bối cảnh Nvidia hoàn toàn bị AMD đè bẹp trên mặt trận này. Kết quả là GTS 450 GDDR3 ra đời. Thế nhưng do không có sự đỡ đầu của Nvidia, hết Sparkle, Gainward, Palit rồi đến Asus, Gigabyte... mỗi hãng đều tùy biến một kiểu (mà kiểu nào cũng... khó hiểu), kết quả chiếc card tiềm năng này hoàn toàn méo mó so với hứa hẹn ban đầu. Hãy cùng điểm qua một số model GTS 450 GDDR3 trên thị trường hiện nay. Cần lưu ý rằng bộ nhớ GDDR3 có băng thông chỉ bằng một nửa của GDDR5.

MSI hiện có 2 phiên bản GTS 450 GDDR3. Phiên bản 1GB được giới thiệu trong bài viết này với mức xung 700/900 MHz.


Phiên bản còn lại được trang bị bộ nhớ tới 2GB – theo ý kiến của đa số người có am hiểu là “vô dụng, chẳng để làm gì”. Không những không sử dụng hết, bộ nhớ lớn này còn khiến chiếc card phải dùng tới nguồn phụ. Phiên bản này hoạt động ở mức xung 783/500 MHz (!!). Nếu đọc hết bài viết, bạn sẽ thấy ngay cả với xung nhớ 1000 MHz GDDR3, GPU vẫn còn bị thiếu băng thông trầm trọng gây giảm hiệu năng. Không rõ 500 MHz thì hiệu năng có hơn nổi mấy card đồ họa phổ thông rẻ tiền không nữa.


Asus có 2 phiên bản cùng dung lượng 1GB đều không sử dụng nguồn phụ, nhưng 1 card dùng tản nhiệt quạt và 1 card dùng tản nhiệt thụ động không quạt. Cả 2 đều chạy ở mức xung 594/800 MHz – quá thấp.


Gigabyte chỉ có duy nhất một bản GTS 450 GDDR3, sử dụng bo mạch dài như bản chuẩn. Hoạt động ở mức xung 783/900 MHz – có vẻ khá khẩm nhất nhưng lại... sử dụng nguồn phụ.
 


Sparkle cũng có một phiên bản GDDR3 dung lượng 2GB hoạt động với mức dung nhân 700 MHz. Tuy nhiên xung nhớ thì hãng này không công bố ra, lại còn phải sử dụng cả nguồn phụ nữa. Và có vẻ như chiếc card này cũng... chẳng ai mua nên tôi không thể tìm kiếm bất cứ thông tin nào về nó trên mạng.
 
MSI GTS 450 1GB GDDR3
 
Và đây là nhân vật chính của chúng ta ngày hôm nay: MSI GTS 450 GDDR3, được hãng thiết lập chạy ở mức mặc định là 700/900 MHz (so với bản chuẩn của Nvidia là 783/900 MHz).




Nếu so sánh với MSI HD 6670, nhan sắc của MSI GTS 450 GDDR3 phải nói là hơi... ẹ. Với bo mạch khá ngắn cùng tản nhiệt “lộ thiên”, vẻ ngoài của chiếc card thuộc dòng trung cấp này khó có thể “trung cấp” hơn được nữa.
 



Vì là bản cắt giảm nên khi đứng cạnh anh bạn eVGA GTS 450 GDDR5, MSI GTS 450 GDDR trông thấp bé nhẹ cân hơn hẳn.
 


Quạt tản nhiệt được sử dụng chính là loại quạt 11 cánh mỏng dùng trên tản nhiệt Twin Frozr II, hứa hẹn sẽ rất êm ái. Tản nhiệt full nhôm với các lá tản nhiệt xếp thành vòng tròn. Đây là thiết kế tản nhiệt đơn giản mà hiệu quả, thậm chí giải nhiệt còn tốt hơn nhiều loại có mặt nạ hầm hố nữa. Tuy nhiên hình như không có lõi đồng nên chắc chắn hiệu quả cũng giảm đi kha khá.
 


Tháo tản nhiệt ra, không hề có tí đồng nào! Ngoài ra GPU lại đặt lệch tâm của tản nhiệt. Bo mạch cũng không thể đơn giản hơn: chỉ có 2 phase điện và 1 phase nhớ, ít hơn 1 phase điện so với bản chuẩn của Nvidia.
 
MSI GTS 450 GDDR3 chỉ có 2+1 phase.
 

eVGA GTS 450 GDDR5 có 3+1 phase chuẩn


Chiếc card gắn GPU Nvidia nhưng lại sử dụng chip nhớ do đối thủ không đội trời chung AMD sản xuất. Phong cách này hình như chỉ có thể tìm thấy ở MSI. Một sự kết hợp thú vị!
 

 
GPU nhỏ nhắn nằm giữa 4 chip nhớ. Khoan đã! Nếu tôi nhớ không nhầm thì GPU của GTS 450 là GF106 cơ mà?! Còn GF116 là GPU của GTX 550 Ti. Có sự nhầm lẫn gì chăng? Nghi vấn này chúng ta sẽ cùng làm rõ hơn ở phần sau bài viết.


Phiên bản này của MSI được trang bị 1 cổng VGA, 1 cổng DVI và 1 cổng HDMI. Do vậy phụ kiện cũng khá đơn giản: chỉ có 1 đĩa driver và 2 quyến sách.

 
Thiếu băng thông bộ nhớ!
 
Vẫn còn nghi hoặc về chuyện GPU, tôi thử bật GPU-Z lên để kiểm tra: quả thật GPU chính là GF116, nhưng lại chỉ có 16 ROP (ống dẫn lệnh đồ họa) và giao tiếp nhớ 128-bit. Chúng ta đều biết GF116 là phiên bản hoàn chỉnh của GF106 với đầy đủ 24 ROP cùng giao tiếp nhớ 192-bit. Phải chăng phiên bản GTS 450 này sử dụng GPU lỗi của GF116?
 
GDDR3 (trái) và GDDR5 (phải).

Đồng thời, một thông số thể hiện trên GPU-Z khiến tôi giật mình. Đó chính là băng thông bộ nhớ (bandwidth) quá thấp! Lý do bởi bộ nhớ GDDR3 chỉ có băng thông bằng phân nửa bộ nhớ GDDR5 ở cùng xung nhịp hoạt động. Kết hợp với giao tiếp nhớ chỉ 128-bit, băng thông “hẻo” đến mức hiếm gặp trong thế giới VGA ngày nay: chỉ 28,8 GB/s, hứa hẹn sẽ nghẽn. Nhớ lại trường hợp của GT 240 “cùi bắp” như vậy nhưng 2 phiên bản GDDR3 và GDDR5 cũng đã chênh nhau tới 15% sức mạnh.

Để kiểm chứng điều này, tôi làm 1 phép thử nhỏ là thử ép xung lên 2 mức 700/1000 (tăng xung nhớ, không tăng xung nhân) và 800/900 (tăng xung nhân, không tăng xung nhớ) rồi test thử với Crysis Warhead. Kết quả: khung hình tăng 5,2% ở mức 700/1000 và 4,5% ở mức 800/900.

Đối với các card đồ  họa thông thường nếu đã đủ băng thông thì chỉ ép xung nhớ sẽ không tăng hiệu năng hoặc tăng rất rất rất ít. Đối với MSI GTS 450 GDDR3 thì việc tăng 100 MHz xung nhớ thậm chí còn hiệu quả hơn 100 MHz xung nhân.

Kết luận rút ra là: việc sử dụng bộ nhớ GDDR3 gây nghẽn băng thông trầm trọng cho GPU GF116. Quả thực hơi đáng tiếc bởi trước đó tôi đã mong chờ card đồ họa không nguồn phụ này sẽ bắt kịp với GTS 250. Chỉ mong việc nghẽn này không làm chiếc card yếu hơn đối thủ trực tiếp HD 6670.
 
Nhiệt độ, độ ồn và khả năng ép xung

Vào thời điểm tôi thực hiện test nhiệt độ và khả năng ép xung của MSI GTS 450 GDDR3, hiện đang là giữa trưa và nhiệt độ phòng rất cao: tới 36 độ C. Bài test sử dụng thùng máy đóng kín có 1 quạt trước, 1 quạt sau và 1 quạt nóc.


Ở thiết lập mặc định của MSI, chiếc card chạy ở mức xung 700/900 và Core Voltage là 1,050.

Khả năng ép xung của chiếc card làm tôi bất ngờ đến suýt té ghế (lần thứ 2 trong ngày)! 750, 800, 850 rồi 900 MHz mà vẫn ổn định trong khi chưa cần chích thêm tí điện nào! Cuối cùng, mức cao nhất tôi thu được tại Core Voltage 1,050 là 980/1000 MHz - con số quá khủng khiếp mà GF106 khó đạt được. Đây đúng là GF116 thật rồi.

Tăng Core Voltage lên 1,062, mức xung tăng được khá ít: chỉ lên được 990/1000 MHz.

Với nỗ lực tăng lên Core Clock lên 1000 MHz cho... đẹp, tôi tăng Vol lên 1,075; 1,087... rồi đến tận 1,125 mà vẫn chưa thể stable. Đặc biệt nhiệt độ FurMark lúc này đã lên tới 90 độ C mà có vẻ còn tăng nữa. Có lẽ 990 MHz đã là ngưỡng của chiếc card này rồi...


Cuối cùng, tôi quyết định chọn mức 970/1000 MHz để đánh giá hiệu năng sau ép xung của chiếc card. Sở dĩ dù biết nghẽn nhưng tôi ko ép xung nhớ lên cao hơn bởi bộ nhớ GDDR3 ép xung khá kém. Tại mức xung này, nhiệt độ FurMark – phần mềm chuyên vắt kiệt card đồ họa - ổn định ở 82 độ C, trong khi nhiệt độ chơi game cao nhất tôi ghi nhận được là 73 độ C.


Tại mức xung mặc định 700/900, nhiệt độ FurMark đạt 72 độ C, còn nhiệt độ chơi game chỉ loanh quanh tầm 66 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ Idle là 42 độ C. Có thể nói tản nhiệt nhôm khối “cùi bắp” này cũng làm việc đạt yêu cầu với GF116 – một GPU khá mát.
 


Theo Bios của MSI, Fan được thiết lập quay cố định ở tốc độ 26% khi nhiệt độ dưới 70 độ C. Từ 70 độ C trở lên, tốc độ Fan bắt đầu tăng dần. Với thiết lập này, tản nhiệt quay cực kì êm ái trong suốt quá trình làm việc. Chỉ khi tăng tốc lên 100% tôi mới hơi hơi nghe thấy tiếng rít phát ra từ trong case. Giống như HD 6670, MSI cũng không cho phép theo dõi số vòng quay/phút của quạt.

Như vậy, sau màn ép xung này, tạm thời có thể rút ra các nhận xét như sau:

1/ Trái với lo ngại ban đầu, dù không dùng thêm nguồn phụ nhưng GPU không hề thiếu điện mà khả năng kéo xung ngược lại còn khá khủng. Không rõ tại sao MSI lại chỉ thiết lập mặc định 700 MHz.

2/ Việc sử dụng bộ nhớ GDDR3 suy cho cùng cũng vì mục đích giảm giá thành. Tại sao MSI cũng như các hãng khác đều cắm đầu vào bộ nhớ 1 GB GDDR3 (trong khi không dùng hết). Thay vào đó sử dụng bộ nhớ 512 MB GDDR5 thì đã không lãng phí một khoản hiệu năng đáng kể. Lại một món xào nấu kì quái nữa của GTS 450 không nguồn phụ.

Tạm gác chuyện đó qua một bên, điều chúng ta quan tâm hôm nay là liệu MSI GTS 450 GDDR3 có giành được ngôi vương không nguồn phụ từ tay HD 6670 hay không.
 
Cấu hình test & thiết lập phép thử

Cấu hình test sử dụng nền tảng Core 2 Quad Q8200 nhằm gần gũi hơn với mục đích của GTS 450 GDDR3 là nhắm đến nhu cầu nâng cấp hoặc các hệ thống chơi game trung cấp. Q8200 vẫn đảm bảo tận dụng tối đa hiệu năng của GTS 450 GDDR3.

Ngoài ra, khác với review MSI HD 6670, lần này tôi chỉ tiến hành test ở độ phân giải 1600 x 900 do giữa 1280 x 1024 và 1600 x 900 không có chênh lệch nhiều về khung hình. Riêng Unigine Heaven và 3DMark Vantage được test ở độ phân giải 1280 x 1024, 3DMark 11 test ở độ phân giải 720p (1280 x 720).

Bo mạch chủ: MSI P43-Neo
Bộ xử lý: Intel Core 2 Quad Q8200 @2,8 GHz
Bộ nhớ trong: 2 x 2GB Kingmax 1066 MHz cas 6-6-6-18
Ổ cứng: WD Caviar Black 500 GB
Nguồn: XFX Pro Series 550W

Card đồ họa:

MSI HD 5670 1GB GDDR5
MSI HD 6670 1GB GDDR5
MSI GTS 450 1GB GDDR3
eVGA GTS 450 1GB GDDR5

Cả 3 card đồ họa MSI HD 5670, MSI HD 6670 và eVGA GTS 450 đều được đưa về mức xung mặc định của AMD và Nvidia.

 
Trái tim của hệ thống thử nghiệm là XFX Pro Series 550W – bộ nguồn tin cậy đạt chứng chỉ 80Plus Bronze, hoạt động cực êm, mát và ít nhiễu.

 
3DMark & Unigine Heaven

2 phép thử lý thuyết này tuy không mang tính thực tế nhưng cũng giúp phần nào đánh giá tỉ lệ hiệu năng giữa các card đồ họa.

 


Nhìn chung hiệu năng mặc định của MSI GTS 450 GDDR3 thua sút một chút so với HD 6670, nhưng khi cùng ép xung hết mức thì ngược lại.
 



Riêng tại 3DMark 11, phiên bản GDDR3 sau ép xung thậm chí còn vượt xa phiên bản GDDR5.  Do 3DMark 11 là chương trình không “chém” băng thông chăng?
 
Alien vs Predator (DX 11) – BattleField: Bad Company 2 (DX 11) – Crysis Warhead (DX10)


Vốn có truyền thống “ưa” AMD hơn Nvidia, AvP đem lại chiến thắng tuyệt đối cho HD 6670 trước đối thủ, thậm chí còn gần bắt kịp GTS 450 GDDR5 sau khi ép xung nữa. Dù chỉ thiết lập trung bình và không khử răng cưa, số khung hình các card đồ họa đều dưới xa ngưỡng chấp nhận được. Game đầu tiên cho thấy không nên trông chờ vào DX11 trên các model tầm thấp và trung.


Cũng là game DX11 nhưng BBC2 lại cho kết quả khả quan hơn nhiều. Game rất đẹp ở thiết lập cao nhất với nhiều hiệu ứng cháy nổ, gió bụi sương tuyết ấn tượng mà vẫn chẳng hề nặng nề. Kết quả vẫn là GTS 450 GDDR3 thua HD 6670 ở xung mặc định, nhưng lại vượt lên khi cùng ép xung, không những thế còn gần bắt kịp bản GDDR5 nữa.
 

Điều tương tự cũng xảy ra với Crysis Warhead. Nhưng với sát thủ phần cứng này, GTS 450 GDDR3 sau ép xung chỉ tạm cân được thiết lập khá (Gamer).
 
Crysis 2 (DX9) – Dirt 3 (DX11) – Just Cause 2 (DX10)


Cũng giống như Crysis Warhead, các ứng viên chỉ đủ chiến Crysis 2 với thiết lập khá (Crysis 2 chỉ có 3 thiết lập là High, Very High và Extreme – cách đặt tên khá vui tính của Crytek). Còn Dirt 3 và Just Cause 2 dù rất đẹp nhưng GTS 450 GDDR3 vẫn đủ Max Setting.


Just Cause 2 là một game hiếm hoi mà GTS 450 GDDR3 không lép vế trước đối thủ ở mức xung mặc định, đồng thời sau khi cùng ép xung thì còn vượt xa tới 18% nữa.


Tuy rất phấn khởi khi thấy GTS 450 GDDR3 ép xung gần bắt kịp bản GDDR5, nhưng vẫn phải nhìn nhận khách quan rằng hiện tượng nghẽn băng thông ảnh hưởng quá lớn đến hiệu năng GPU. Cùng nhân đồ họa, xung nhịp lại cao hơn đến 270 MHz nhưng vẫn phải chịu thua kém!
 
Lost Planet 2 (DX9 & DX11) – Mafia II (DX9) – Metro 2033 (DX9 & DX11)

Không hiểu vì lý do gì mà số khung hình của 2 card đồ họa Nvidia cho khung hình rất thấp so với các card AMD trong Lost Planet 2 DX9. Ngược lại kích hoạt DX11 mức Low thì HD 5670 cùng 6670 tụt khung hình kinh khủng, còn 2 chiếc GTS 450 thì gần như giữ nguyên?!


Đối với một game có tiết tấu chậm rãi như Mafia II, tuy khung hình tối thiểu khá thấp chỉ ở mức 15 nhưng có thể nói là đủ chơi. Hơn nữa khung hình chỉ tụt xuống mức đó khi cực nhiều hiệu ứng cháy nổ xảy ra, còn nhìn chung trong suốt quá trình chơi thì game rất mượt mà.


Sát thủ Metro 2033 thì không có gì để nói. Dù chỉ thiết lập trung bình, tắt khử răng cưa và lọc bất đẳng hướng 4xAF, cứ đến lúc chiến đấu là khung hình lại trồi sụt khó chịu. Đây là game mà cả các card đồ họa cao cấp còn không muốn dây vào. Đồng thời đây cũng là phép thử hiếm hoi mà MSI GTS 450 GDDR3 thua sau khi ép xung.

 
PhysX

Qua một loạt các phép thử, tuy chưa tổng kết hiệu năng nhưng chúng ta đã có thể tạm nhận định như sau:

Về mặt hiệu năng/xung nhịp thì 2 đối thủ hoàn toàn ngang ngửa nhau. Do vậy so với HD 6670, GTS 450 GDDR3 thua một chút ở mức xung mặc định, nhưng lại hơn một chút sau khi ép xung. Các fan của 2 đội xanh (Nvidia) và đỏ (AMD) chẳng phải phân vân nhiều khi quyết định lựa chọn 1 trong 2. Còn đối với người tiêu dùng trung lập thì sao? Hãy xem tính năng vật lý PhysX có thể đem lại chút lợi thế nào cho chiếc card Nvidia hay không.

2 phép thử PhysX được thử nghiệm là Batman Arkham Asylum và Mafia II – 2 game hiếm hoi thể hiện hiệu ứng PhysX tốt và rõ rệt nhất hiện nay. Trong Batman AA, PhysX được thể hiện ở các màn sương, áo choàng Người Dơi bay phấp phới, cánh cửa phát nổ với nhiều mảnh vỡ văng tung tóe. Còn đối với Mafia II, các hiệu ứng cháy nổ cũng được thể hiện sống động hơn hẳn (theo chiều hướng “tung tóe”). Khi bạn bắn vào một chiếc xe hay mảng tường, từng bộ phận của chúng sẽ bị tan nát, phá rời ra theo tác động của viên đạn.

Cả 2 đều được thiết lập ở mức cao nhất. Batman AA kích hoạt khử răng cưa 2x, còn Mafia II thì tôi tắt hẳn khử răng cưa đi nhằm cải thiện khung hinh. Giống như kiểm nghiệm DX11, khi kích hoạt PhysX tôi không giảm thiết lập xuống bởi điều đó làm giảm chất lượng hình ảnh – trái với tác dụng của chúng là làm “mãn nhãn” game thủ.


Trong Mafia II, không phải toàn bộ xử lý PhysX đều do GPU đảm trách. Có một phần nhỏ là các hiệu ứng trên quần áo, game bắt CPU phải tính toán. Do vậy, những cảnh nào có nhiều đối tượng di chuyển, quần áo bay phấp phới là cả GPU-load lẫn khung hình đều tụt do CPU Q8200 không đáp ứng được nhu cầu tính toán. Dù sao tôi cũng đưa kết quả lên để bạn đọc tham khảo. Ngoài ra chúng ta có thể thấy tắt khử răng cưa đi, khung hình vọt lên khá cao, đạt mức chơi được.

Kết luận đưa ra là tính năng PhysX trên MSI GTS 450 GDDR3 cũng giống như hiệu năng của nó: tạm tạm đủ dùng.
 
Tổng kết hiệu năng & kết luận



Nhìn chung, có thể nói GTS 450 GDDR3 khiến tôi khá thất vọng. Với một GPU tốt như thế, tôi đã mong chờ vào cuộc lật đổ của chiếc card không chỉ với HD 6670 mà còn cả GTS 250 nữa. Tuy nhiên mọi thứ đã diễn ra ngược lại: chiếc card thua sút so với đối thủ, dù là không nhiều. Nguyên nhân bởi ảnh hưởng nghiêm trọng của băng thông nhớ thấp. Dù sao, MSI GTS 450 GDDR3 vẫn lật ngược trước đối thủ khi cả 2 cùng ép xung. Bởi vậy, đây có thể coi là một cuộc đấu hòa khi mà cả 2 có cùng giá bán trên thị trường. Việc chọn lựa chỉ tùy vào sở thích về thương hiệu và hình thức của bạn.

Giá bán lẻ đề xuất của nhà phân phối MSI tại miền Bắc cho sản phẩm là 2.683.800 VNĐ  – tức ngang với giá của MSI HD 6670 GenK đã giới thiệu trong bài viết trước. Giá bán lẻ tại các đại lý sẽ thấp hơn khoảng 200.000 -> 250.000 VNĐ.

Một vài nhận xét:

- Card chạy mát và rất êm.
- Hiệu năng và giá thành ngang ngửa HD 6670.
- Tuy không sử dụng nguồn phụ nhưng khả năng ép xung khá cao. Hiệu năng sau ép xung tăng đến 20%.
- Bộ nhớ 1GB GDDR3 gây nghẽn băng thông trầm trọng. Lẽ ra MSI nên sử dụng bộ nhớ 512MB GDDR5 thì sẽ tốt hơn.
- Tạm đủ để chiến các game mới ở thiết lập khá và cao tại độ phân giải 1600 x 900 trở xuống, ngoại trừ các siêu sát thủ phần cứng như Metro 2033.
- Sản phẩm phù hợp với nhu cầu nâng cấp hoặc các hệ thống chơi game nửa dưới phân khúc trung cấp với bộ nguồn yếu.