Đánh giá laptop chơi game ASUS G53SW-A1: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

Trung Hà  | 13/06/2011 0:00 AM

Không có thiết kế quá bóng bẩy màu mè nhưng sức mạnh của ASUS G53SW là mơ ước cho bất cứ game thủ nào.

Được trang bị chip Core i7 bốn nhân, card đồ hoạ Nvidia GeForce GTX460M và một màn hình full HD, Asus G53SW-A1 là một đối thủ đáng gờm trong dòng laptop dành cho game thủ. Với mức giá phải chăng 1.449 USD, ASUS G53SW có đầy đủ các phẩm chất của một laptop chơi game tuyệt hảo.
 
Thiết kế
 
G53SW-A1 được thừa kế những đường nét góc cạnh từ người anh em F117-Nighthawk, cùng nắp máy chống để lại dấu tay. Sản phẩm của ASUS được thiết kế theo phương châm “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nên người dùng sẽ không tìm thấy được ở G53SW những ánh đèn với nhiều màu sắc như ở laptop Alienware hay MSI, mà chỉ có logo ASUS được thắp ánh sáng trắng đơn giản, cùng biểu tượng của Republic of Gaming được chạm khắc tinh tế trên nắp máy.
 

 
“Nội thất” của G53SW cũng mang một màu sắc cổ điển: đen mờ và mượt mà. Điểm khác biệt duy nhất so với mô típ quen thuộc là viền màn hình, được làm từ nhựa. Phần đặt tay được làm bằng cao su cho cảm giác mềm mại.
 
Trọng lượng xấp xỉ 3,6 kg là khá nặng so với 1 chiếc laptop; nặng hơn cả Alienware W14x (2,9 kg) , Digital Storm xm15 (2,6 kg), và MSI GT680R (3,4 kg). G53 cũng tỏ ra vượt trội hơn so với các đối thủ khác về kích thước. Số đo 3 vòng của ASUS G53SW-A1 là 15,4 x 1,1 x 0.8 inch, đủ lớn để gây khó khăn trong việc mang vác, nhất là khi đi kèm theo nó là cục pin mang hình dáng của 1 viên gạch nặng gần 815 gram. Nhưng ít nhất, G53 cũng vẫn còn nhẹ nhàng khi so sánh với G73 màn hình 17inch, nặng 4 kg, và có kích thước 16,6 x 12,8 x 2,3 inch.
 
Bàn phím và Touchpad
 
Việc sử dụng bàn phím của G53SW đem lại nhiều cảm xúc trái ngược. Bàn phím của ASUS G53SW-A1 có dạng island-style, phát sáng giúp người dùng dễ dàng sử dụng ngay cả trong bóng tối. Tuy nhiên, độ lún quá lớn của bàn phím là cả 1 vấn đề đáng ngại. Một điều đáng phàn nàn khác là phím Shift bên phải hơi nhỏ, gây bất tiện khi sử dụng. Nhưng những phím mũi tên và bộ phím số siêu nhỏ mới là cội nguồn của sự khó chịu, thậm chí gây phát cáu cho người dùng. Đây có thể coi là một nhược điểm lớn của G53SW – 1 laptop dành cho game thủ khi mà những phím như Shift, phím mũi tên, phím số là những nút thường được dùng đến nhất trong 1 trò chơi. ASUS nên sớm có biện pháp cải thiện lại kích cỡ các phím vì chỉ cần một lần gõ phím sai cũng có thể biến gamer từ người chiến thắng thành kẻ thất bại một cách nhanh chóng.
 

 
Phía góc trên bên phải của G53SW là một vài nút chức năng, bao gồm nút tuỳ chỉnh ánh sáng cho logo ASUS trên nắp máy, nút tuỳ chỉnh hiệu năng cho laptop, và nút tuỳ chỉnh độ sáng của màn hình.
 

 
Mặc dù G53SW là một trong những “người khổng lồ” của “làng” laptop chơi game 15 inch, touchpad của nó lại rơi vào hạng nhỏ nhất, khi chỉ có kích thước 2,75 x 1,7 inch. Bù lại, touchpad của G52SW lại rất nhạy so với kích cỡ của nó. Những thao tác đa điểm bao gồm zoom ảnh, trượt thanh cuộn được thực hiện rất nhanh và nhạy, thao tác chọn dòng cũng hết sức chuẩn xác. 2 nút chuột đem lại cảm giác thoải mái khi bấm, và độ nhạy tốt.
 
Độ nóng
 
Có thể coi G53SW là một “cool boy” đích thực. Sau khi thử chạy 1 video dài 15 phút trên Hulu, touchpad của máy có nhiệt độ 30 độ C. Nhiệt độ của phần bàn phím và phía đáy laptop là 32,75 và 30 độ C, đều dưới mức trung bình (35 độ C).
 

 
Màn hình và âm thanh
 
Màn hình gương 15,6 inch của G52SW có độ phân giải tối đa 1920 x 1080. Khi thử chạy trailer phim Captain America: The First Avenger, những màu sắc như màu xanh đậm của bộ đồng phục hay màu đỏ trên khiên đều được thể hiện rõ nét. Màu sắc còn trở nên sống động hơn nữa khi chuyển video sang chế độ Vivid. Máy hỗ trợ góc nhìn lên tới 120 độ, thoải mái cho 3 người cùng xem phim.
 
Chỉ với những thiết lập thông thường cho phần đồ hoạ, các hình ảnh đã trở nên rất tuyệt vời. Chưa dừng ở đó, ASUS còn tích hợp vào G53SW công nghệ Splendid Video Enhancement. Với khá nhiều chế độ để lựa chọn (Normal, Gamma, Vivid, Theater, và Soft), người dùng có thể điều chỉnh độ sáng cũng như màu sắc của màn hình theo các chế độ có sẵn để có được kết quả thoả mãn nhất. Ngoài ra còn có thêm chế độ chỉnh manual, cho người dùng chỉnh sửa các thiết lập theo ý thích.
 

 
Đôi loa được thiết kế ngay phía trên bàn phím, đem tới cho người dùng những âm thanh rõ và chắc. Tiếng kèn trumpet, keyboard và tiếng bass trong bài “Thank you” của Jay-Z qua bộ loa của G53SW như trở nên cứng cáp hơn, rõ tiếng của từng loại nhạc cụ hơn mà lại không làm lấn át giọng của ca sĩ. Công nghệ surround audio (công nghệ giả lập âm thành vòm) EAX và THX giúp cho các game thủ có những trải nghiệm thú vị khi chơi game. Trong game Assasin’s Creed, người dùng có thể nghe rõ ràng ai đang nói gì trong cuộc hội thoại của các nhân vật trong game, những tiếng nổ vang lên một cách sống động và ấn tượng, và trong các cuộc đấu kiếm, âm thanh “keng keng” khi những thanh kiếm chạm vào nhau cũng hết sức chân thực.
 
Các cổng kết nối và Webcam
 
Hông phải của G53SW bao gồm 1 cổng USB 2.0, 1 cổng USB 3.0, cổng Ethernet, ngõ ra HDMI, cổng VGA, giắc cắm headphone và mic, cuối cùng là giắc cắm nguồn. Bên phía hông đối diện là 2 cổng USB 2.0 và 1 đầu ghi DVD. Phía trước mặt máy tích hợp 1 đầu đọc thẻ 5-trong-1.
 
 

 
Mặc dù được trang bị webcam 2.0 pixel song G53 chỉ cho ra chất lượng video với độ phân giải 640 x 480 (ở chế độ chụp hình, chất lượng hình ảnh có độ phân giải lên tới 1600 x 1200). Khi sử dụng phần mềm ASUS LifeFrame, video trông có vẻ không được mượt mà lắm, nhưng khi thử thực hiện video call trên Skype, người dùng lại nhận được những hình ảnh rõ nét với âm thanh tốt và ít nhiễu.
 
Hiệu năng
 
Sử dụng chip 4 lõi 2,6 GHz Intel Core i7-2630QM, 8 GB RAM, card đồ hoạ GeForce GTX460M bộ nhớ 1,5 GB và ổ cứng 750GB có tốc độ quay 7200 rpm, sức mạnh của G53SW là không phải bàn cãi. Trong bài kiểm tra PCMark Vantage, G53SW đạt số điểm ấn tượng: 8.470, vượt xa ngưỡng trung bình (6.861 điểm). Với số điểm đó, G53SW cũng chiến thắng tuyệt đối trước Digital Storm xm15 được trang bị chip Core i7-2630QM (7.661 điểm). Tuy nhiên, G53SW vẫn chỉ có một vị trí khiêm tốn khi đứng cạnh Alienware M14x (sở hữu chip Intel Core i7-2820QM, đạt 9.293 điểm) và MSI GT680R (với chip Intel Core i7-2630QM, đạt 9.184 điểm).
 

 
Trong cuộc thực nghiệm khi thử vừa chat Skype, vừa bật 12 tab trong Google Chrome, 8 tab trên Firefox, và đồng thời chơi game Assasin’s Creed, G53SW thể hiện rõ sức mạnh của mình khi vượt qua cuộc thử thách một cách dễ dàng và trơn tru.
 
Để khởi động Windows 7 Home Premium, G53SW cần tới 68 giây, chậm hơn 2 giây so với mức trung bình của dòng laptop thay thế máy để bàn. Với sự hỗ trợ đắc lực của ổ cứng 750GB có tốc độ quay mạnh mẽ 7.200 rpm, ASUS G53SW-A1 đã hoàn thành tốt bài kiểm tra tốc độ truyền tải file: nhân đôi 1 folder có dung lượng 4.97 GB gồm nhiều dạng file media chỉ trong 2 phút 10 giây, tương đương với tốc độ 39,1 MBps, nhanh hơn so với mức thông thường (34,1 MBps). Tuy vậy, G53SW vẫn chưa đánh bại được ổ cứng SATA có tốc độ 7.200 rpm của GT680R, khi GT680R cũng thực hiện cùng bài kiểm tra đó chỉ mất 1 phút 22 giây (tương đương với tốc độ 62,1 MBps).
 
Đồ hoạ và khả năng chơi game
 
Card đồ hoạ Nvidia GeForce GTX460M có bộ nhớ đồ hoạ lên tới 1,5 GB đã giúp G53SW giành được số điểm mà nhiều laptop mơ ước: 14.040 khi làm bài kiểm tra 3Dmark06. Và lại 1 lần nữa, G53SW giành chiến thắng thuyết phục trước xm15 (8.211 điểm) và có 1 khoảng cách khá xa so với mức trung bình của dòng laptop-thay thế-desktop (8.855 điểm). Một đối thủ khác cũng phải chịu cúi đầu trước sức mạnh đồ hoạ của G53SW là M14x (được trang bị card đồ hoạ Nvidia GeForce GT555M, ghi được 12.553 điểm). Đứng ngang hàng với G53SW có GT680R (13.987 điểm) với cùng card đồ hoạ. Ở bài kiểm tra của 3DMark11, G53SW đạt 1.825 điểm, trong khi đó GT680R chỉ được 1.796 điểm, M14x là 1.324 và xm15 ở vị trí thấp nhất: 1.1001 điểm.
 

 
Khi chơi game World of Warcraft, G53SW đạt 136 khung hình/giây với chế độ High độ phân giải 1920 x 1080. Trong khi đó, GT680R  đạt 157 fps, của M14x là 145 fps, và của xm15 là 82 fps. Khi kéo hết các thiết lập lên mức cao nhất, G53SW vẫn giữ được phong độ của mình khi cho tốc độ 59 khung hình/giây.
 
Thử tiếp với Far Cry 2, mặc dù đã đặt thiết lập lên mức Very High, song G53 vẫn đạt được tốc độ hình ảnh 55 fps. Với kết quả đó, G53 vượt xa ngưỡng trung bình (33 fps), sánh ngang với GT680R và gần như nhanh gấp đôi so với xm15 (28 fps). M14x đạt được 50 fps.
 
Người dùng dễ bị choáng ngợp bởi những hình ảnh hoành tráng của thành phố Venice trong game Assasin’s Creed 2 được G53SW hiển thị một cách đầy đủ và chân thực. Bằng sức mạnh đồ hoạ của mình, G53SW đạt tới 59 khung hình/giây ở độ phân giải 1080p, khi thử vừa chạy ngầm scan virus, vừa chơi game.
 
Thời lượng pin và Wi-Fi
 
Thông thường, những laptop dành cho game thủ có thời lượng pin ngắn, và G53SW không phải là ngoại lệ. Trong bài kiểm tra thời lượng pin (lướt web bằng Wi-Fi), kết quả của G53 là 3 giờ đồng hồ, hơn mức trung bình 11 phút. Những ai muốn có thời lượng pin lâu hơn có thể cân nhắc tới Alienware M14x (4 giờ 11 phút) hoặc GT680R (4 giờ 02 phút).
 

 
Card Wi-Fi 802,11n của G53SW cho tốc dộ truyền tải lên tới 42,2 Mbps ở khoảng cách 4,6 mét, hơn tới 8,6 Mbps so với mức thông thường (33,6). Ở khoảng cách xa hơn (15,24 mét), tốc độ truyền tải qua Wi-Fi của G53 giảm xuống dưới mức trung bình (19,9 Mbps) khi chỉ đạt tới 17,3 Mbps.
 
Hệ điều hành Express Gate Cloud
 
Điểm đáng chú ý ở laptop này là hệ điều hành độc quyền của ASUS: Express Gate Cloud, cho phép người dùng sử dụng laptop mà không cần dùng tới Windows. Chỉ với xấp xỉ 15 giây, người dùng đã có thể khởi động xong Express Gate và dễ dàng sử dụng 8 chức năng chính có trong đó: Lịch, trình duyệt Chrome, game, nghe nhạc, xem video online, xem ảnh, kết nối Internet). Nhờ đó, game thủ có thể check email, tin nhắn hay lướt web một cách nhanh chóng.
 
Phần Mềm/Bảo Hành
 
ASUS tích hợp vào G53SW một gói phần mềm cũng như những tiện ích phong phú và rất hữu ích. Phần mềm ASUS Power4Gear Hybrid cho phép người dùng tự thiết lập cho nguồn và hiệu năng qua 4 chế độ (Tiết kiệm pin, Giải trí, Hiệu năng cao, và Im lặng). Phần mềm ASUS FastBoot giúp người dùng chọn lựa tắt bớt những ứng dụng khởi động cùng Windiows, nhằm rút ngắn thời gian khởi động.
 
ASUS còn cài sẵn vào G53 Game Park, một cổng trực tuyến nơi người dùng có thể mua và download game. G53SW còn được tích hợp thêm ASUS Vibe, một bộ sưu tập những bookmark hữu ích về các trang nhạc, game và những phần mềm giáo dục.
 
Các phần mềm từ bên thứ ba bao gồm Microsoft Office Starter, Internet Explorer, Google Chrome, một tháng thử nghiệm miễn phí phần mềm bảo mật Trend Micro Titanium Internet Security, và Roxio Cineplayer.
 
Đi kèm với máy là gói bảo hành 2 năm.
 
Các lựa chọn cấu hình
 
Có khá nhiều sự lựa chọn cho người dùng khi chọn mua G53SW. Ở mức giá 1.449 USD, G53SW-A1 được trang bị chip Intel Core i7-2630QM xung nhịp 2,6 GHz, 8 GB RAM, ổ cứng 750 GB 7.200 rpm, và card đồ hoạ Nvidia GeForce GTX460M bộ nhớ 1,5 GB. Đi kèm đó là gói bảo hành 2 năm.
 

 
Ở mức giá thấp hơn, người dùng có thể mua được G53SW-XN1 với 1.199 USD với cấu hình giống G53SW-A1, nhưng ít RAM hơn (6GB) và ổ cứng nhỏ hơn (500 GB tốc độ quay 7.200 rpm). Sự lựa chọn cuối cùng cho người dùng là G53SW-XR1 (1.299 USD) bao gồm 6 GB RAM, ổ cứng 640GB tốc độ quay 7.200 rpm, và gói bảo hành 2 năm.
 
Tổng quan
 
Đúng là “tiền nào của ấy”, ở mức giá cao nhất 1.449 USD, ASUS G53SW-A1 đem tới cho người dùng sự kết hợp hoàn hảo giữa sức mạnh đồ hoạ thuộc hàng “khủng”, một màn hình quyến rũ, và chất lượng âm thanh tuyệt vời. Nhược điểm duy nhất của nó nằm ở bàn phím, nơi có những phím số nhỏ và có độ lún khi sử dụng phím hơi quá lớn. Người dùng cũng có thể sẽ e ngại cân nặng của G53: 3,6kg là khá nặng so với một laptop 15,6 inch, nhất là khi phiên bản 17 inch của laptop này chỉ nặng hơn khoảng 227 gram.
 
Nếu người dùng muồn một laptop khác nhẹ hơn và cùng khoảng giá này nên cân nhắc tới Alienware M14x (1.399 USD). Và nếu bạn đang tìm một laptop trông hào nhoáng hơn thì MSI GT680R008US là một sự lựa chọn tuyệt vời. GT680R cũng có kiểu dáng gần giống với G52SW, nhưng trông đẹp hơn khi được tích hợp thêm đèn (có thể tuỳ chỉnh được) với mức giá 1.449 USD.  
 
Tham khảo LaptopMag
Xem thêm:

review

Asus