Dell Latitude E6420 XFR là một trong những dòng máy tính xách tay được thiết kế để có thể hoạt động ở những điều kiện khắc nghiệt và nguy hiểm như rơi từ độ cao 1,8 mét hay hoạt động tốt trong điều kiện mưa to gió mạnh v.v... Vậy trên thực tế cỗ máy "bất tử" này có thể làm được những gì?
Thiết kế
Về mặt cảm quan bên ngoài, nhiều người sẽ cho rằng nó có nhiều đặc điểm "giống" một chiếc xe tăng mini hơn là một chiếc laptop. Phần khung máy được làm bằng một loại siêu chất dẻo có tên khoa học là PR72 và hợp kim Magiê có khả năng khử rung và va đập tốt. Phần nắp máy được trang bị một tấm hợp kim đồng đặc biệt (loại vật liệu thường dùng để chế tạo các bộ phận chính của súng) được lăn nhám để tăng độ hầm hố cho máy. Bốn góc của máy được lót bốn tấm cao su dày giúp máy giảm bớt ảnh hưởng khi rơi từ trên cao xuống.
Các loại cổng kết nối trên máy là vị trí dẫn thẳng vào trong máy vẫn được coi là gót chân Asin của bất kì chiến binh bất tử nào trước đây cũng đã được bảo vệ kĩ càng bằng một tấm chắn màu đen giúp máy chống chịu được những tác động của nước vào bên trong máy.
Dell Latitude E6420 XFR nặng khoảng gần 3 kg và có kích thước các chiều lần lượt là 35,56 x 29,7 x 5,58 cm nhẹ hơn khá nhiều so với phiên bản E6400 trước đây (3,85 kg, kích thước: 35,3 x 29,21 x 5,58 cm).
Mặc dù máy vẫn khá nặng nhưng so với mục đích mà dòng sản phẩm này hướng tới là có thể sống sót trong những điều kiện làm việc khắc nghiệt thì khối lượng có lẽ không ảnh hưởng nhiều, chưa kể phần tay cầm được phủ thêm một lớp cao su để tăng độ bám của tay khiến việc vận chuyển cục kim loại này dễ dàng hơn nhiều so với những chiếc máy tính truyền thống nặng tương đương.
Độ bền
Có thiết kế như một chiếc xe tăng và độ bền của Dell Latitude E6420 cũng tương tự như một chiếc xe tăng. Sức mạnh của loại nhựa PR 72 sẽ cho phép máy vẫn có thể hoạt động bình thường khi rơi từ độ cao khoảng 1,8 mét, đồng thời những miếng cao su lót góc của máy cũng được thiết kế lại để bảo vệ tốt hơn khi máy bị rơi và va đập.
E6420 có thể hoạt động ở nhiệt độ cao nhờ công nghệ QuadCool giúp làm mát máy mà không cần các lỗ thông khí ra ngoài vỏ máy giúp tránh được một điểm yếu khác của máy trước ảnh hưởng của độ ẩm và nước.
Ngay cả khi nắp máy đang mở và Windows đang chạy bình thường thì máy vẫn có thể hoạt động tốt khi rơi từ độ cao 90 cm. Dell Latitude có thể hoạt động ở những điều kiện nhiệt độ -29 độ C cho tới 62,7 độ C. Chưa hết, E6420 còn có thể hoạt động ở cả những môi trường dễ cháy như những phòng hay đường hầm chứa đầy khí gas. Đây là điểm khiến cho E6420 trở thành cỗ máy có thể dùng được tại những khu hầm mỏ nguy hiểm.
Bàn phím và Touchpad
Bàn phím full-size của E6420 XFR cho cảm giác gõ phím thoải mái. Các phím mỏng, kích cỡ vừa phải nhưng mặt phím dễ bám bẩn và giữ vân tay. Tuy nhiên các phím này lại có độ nảy khá tốt với hành trình phím khá ngắn.
Touchpad có độ rộng vừa phải (7,87 x 4,3 cm) với bề mặt sần giúp giảm ma sát giữa đầu ngón tay và mặt pad giúp những thao tác cần ấn mạnh lên mặt pad không bị cản giống như các loại touchpad mặt trơn khác. Tuy nhiên các thao tác điều khiển đa chạm như pinch, cuộn chuột bằng 2 ngón tay v.v... rất khó xử lý do kích thước không lớn.
Nhiệt độ
Mặc dù sử dụng công nghệ làm mát QuadCool nhưng sau khi xem khoảng 15 phút video trên Hulu thì phần touchpad trên máy đã lên tới gần 34 độ C còn vị trí giữa 2 phím G và H có nhiệt độ hơn 33 độ C 1 chút. Các lỗ thông khí ở mặt dưới nhiệt độ lên tới gần 38 độ C ở chính giữa lên tới gần 40 độ.
Màn hình
Dell Latitude E6420 XFR sở hữu màn hình 14 inch với độ phân giải HD 1366 x 769 cho độ sáng cao và màu sắc trung thực. Độ sáng màn hình của E6420 cao hơn hầu hết các loại notebook thông thường hiện nay với 654 lux giúp máy có thể hiển thị tốt hình ảnh dưới ánh sáng mặt trời. Khi thử xem DVD phim Aeon Flux trên màn hình của E6420 chúng ta sẽ cảm nhận được độ sâu của màu vàng khi xem tuy nhiên có một số cảnh hình ảnh vẫn bị hạt và nhiễu tạo nên một điểm trừ nho nhỏ cho màn hình.
Nếu bỏ thêm khoảng 500 USD (khoảng 10 triệu 500 nghìn đồng) thì máy sẽ có thêm màn hình cảm ứng điện trở. Sở dĩ máy vẫn trang bị loại màn hình này có lẽ lý do chính là vì người dùng có thể sử dụng bằng găng tay nhưng màn hình điện trở sẽ chỉ nhận được cùng lúc từ 1 tới 2 điểm cảm ứng thay vì nhiều điểm như màn cảm ứng điện dung trên các loại smartphone hiện nay.
Âm thanh
Loa ngoài của Dell Latitude E6420 XFR được đặt ở mặt trước của nửa máy dưới. Mặc dù để âm lượng ở mức tối đa nhưng những tiếng đối thoại trong phim vẫn rất khó nghe. Tuy nhiên trải nghiệm âm nhạc lại khá tốt. Tiếng hát thể hiện khá du dương và tiếng các nhạc cụ rõ ràng.
Một điểm độc đáo của E6420 XFR chính là chế độ Steath (chế độ ẩn nấp). Khi bật chế độ này toàn bộ âm thanh và đèn nền của bàn phím sẽ tắt hoàn toàn màn hình thì giảm độ sáng tối đa. Rất cần thiết khi phải truyền thông tin từ trong căn cứ của quân địch.
Các cổng kết nối và Webcam
Như đã đề cập ở trên, tất cả các cổng kết nối của Dell Latitude 6420 đều được bảo vệ bởi các tấm chắn nước và bụi bẩn. Phía bên phải là 2 cổng USB 2.0, một khe Express Card và một nút Wifi Radio và khay lắp ổ ghi DVD, tất cả các cổng này được bảo vệ bằng một tấm chắn lớn. Cạnh đó là một tấm chắn nhỏ khác bảo vệ cổng HDMI và một cổng eSATA/USB. Phía bên trái là cổng VGA và cổng Serial.
Một miếng bảo vệ lớn khác nằm ở phía sau của E6420 để chắn cho phần pin của máy và 2 miếng nhỏ khác bảo vệ jack nguồn và jack Ethernet.
Ở mặt trước có một cửa trượt ngay cạnh phần tay cầm để che khe cắm thẻ SD. Ngoài ra máy cũng có một khe cắm dạng Hot-Swap cho phép cắm nóng các thiết bị như ổ cứng hay ổ DVD ngay khi máy đang hoạt động.
Máy trang bị Webcam 2MPx nhưng vẫn có thể ghi hình ở độ phân giải 1920 x 1080 bằng phần mềm Dell Webcam Central. Khi chụp ảnh dưới ánh đèn tuýp thông thường thì ảnh trông khá sắc nét và mịn, ảnh chụp từ Webcam này cho màu đỏ hơi nhợt nhạt hơn một chút. Khi chat Video bằng Skype thì hình ảnh bị nhiễu nhẹ.
Hiệu năng
Không chỉ có vẻ ngoài đầy sức mạnh, bên trong của Dell Latitude E6420 XFR cũng được trang bị bộ vi xử lý Core i7-2620M, 6GB RAM, ổ SSD 128GB và chip xử lý đồ họa Intel HD 3000 tích hợp trong bộ vi xử lý Core i7. Với cấu hình nặng đô như vậy, E6420 dư sức xử lý các công việc nặng nhọc cần đến tính toán.
Thử nghiệm máy với một bài kiểm tra tổng thể bằng phần mềm PCMark07. E6420 XFR đạt 4147 điểm gần gấp đôi so với số điểm trung bình của các dòng máy khác (2238 điểm).
Với phép thử OpenOffice, E6420 XFR có thể ghép 20000 cái tên với địa chỉ tương ứng trong thời gian 4 phút 43 giây, nhanh hơn nhiều so với mức phổ thông là 6 phút 56 giây.
Nguyên nhân chính tạo nên tốc độ vượt trội cho Latitude E6420 XFR không phải do chip hay do RAM mà hầu hết là do chiếc ổ cứng thể rắn 128GB. Với tốc độ đọc ghi đáng nể nên máy có thể khởi động hệ điều hành Windows 7 Profesional trong thời gian 35 giây. Với bài thử nghiệm File Transfer, máy copy một gói dữ liệu âm thanh hình ảnh dung lượng 4,97 GB trong thời gian chưa tới 1 phút với tốc độ 86,2 MB/s.
Hiệu năng về đồ họa
Vốn không phải cỗ máy được thiết kế cho mục đích đồ họa nên E6420 chỉ sử dụng chip đồ họa tích hợp Intel HD 3000, nhưng với bộ xử lý đồ họa này, cỗ xe tăng mini vẫn có thể chạy thoải mái các bộ phim HD và những loại game phổ biến ở mức chấp nhận được.
Với bài test trên phần mềm 3DMark06 chiếc máy này dễ dàng đạt mức điểm số 5926 cao hơn một chút so với mức trung bình là 4748 điểm.
Thời lượng pin
Với bài test lướt web liên tục bằng Wifi, Dell Latitude E6420 XFR có thể sống sót tới 8 tiếng đồng hồ.
Kết luận
- Ưu điểm: Độ bền cao, Màn hình sáng, tích hợp cảm ứng Hiệu năng cao.
-Nhược điểm: Mặt dưới khá nóng, Touchpad thao tác không thoải mái.
Dell Latitude E6420 XFR có thể xem là sự tổng hợp của các yếu tố quan trọng như độ bền không tưởng, hiệu suất cao và thời lượng pin dài. Điều duy nhất khiến người ta không hài lòng ở cỗ xe tăng này chính là ở nhiệt độ không mát mẻ lắm của nó mặc dù máy phải làm việc trong điều kiện gần như kín hoàn toàn và đó cũng chính là thứ khiến Dell Latitude E6420 XFR không giành được giải Editor's Choice của năm.