[Đánh giá chi tiết] Ultrabook Portege Z830: Tốt gỗ nhưng chưa tốt giá

Leopard  | 27/04/2012 0:00 AM

Chiếc Portege Z830 được "đem lên bàn cân" hôm nay có thể xem là một mẫu UB hoàn hảo mà Intel mong muốn có mặt trên thị trường.

Dòng máy Ultrabook (UB) đã được Intel PR từ rất lâu, nhưng liệu có mấy model thực sự khiến chúng ta cảm thấy vừa ý? Chiếc Portege Z830 được "đem lên bàn cân" hôm nay có thể xem là một mẫu UB hoàn hảo mà Intel mong muốn có mặt trên thị trường.
 

Bắt đầu từ thiết kế

Đâu là khác biệt thực sự giữa một chiếc laptop thông thường và một chiếc UB? Có nhiều tiêu chí, song trên quan điểm của tôi thì trước tiên và trên hết là kiểu dáng thiết kế (form factor). Đừng phản bác vội nhưng tôi không cho rằng cứ đem một chiếc laptop dày cộp nào ra, gắn cho nó cái mác UB thì nó sẽ là UB. Trước hết một chiếc UB phải có kiểu dáng cực mỏng (rồi dẫn đến hệ quả là nhẹ vì sử dụng ít vật liệu). Trên thực tế Intel đưa ra 3 tiêu chí:

- Siêu mỏng (ultra sleek): thiết kế máy phải mỏng và nhẹ, dễ dàng mang theo người.
- Siêu nhạy (ultra repondsive): có thể đáp ứng hầu như tức thì mọi yêu cầu của người dùng. Để đạt được điều này, nhà sản xuất (NSX) phải dùng đến các thiết bị lưu trữ có tốc độ cao ví như SSD và CPU mạnh tỷ như dòng chip Sandy Bridge (SnB).
- Pin dùng lâu (long lasting): có thể dùng tới hàng giờ và "trụ" được cả ngày ở chế độ nghỉ. Điều này đòi hỏi CPU phải rất tiết kiệm điện cũng như pin có dung lượng cao.


Yếu tố đầu tiên Toshiba đã hoàn toàn đạt được khi Portege Z830 có bề dày từ 8,3 - 15 mm, khối lượng 1,12 kg. So sánh với MacBook Air (MBA) 13-inch của Apple - được xem là đối thủ chính của UB, Portege Z830 thậm chí còn mỏng và nhẹ hơn. Một nỗ lực đáng khen cho Toshiba.

Yếu tố thứ hai là tốc độ. Thực ra Portege Z830 còn một "người anh em" khác là Z835 với nhiều model phụ (SKU). Khác biệt chính giữa chúng là model CPU và dung lượng RAM kèm theo. Phiên bản chúng tôi nhận được (PT224L-009009) dùng CPU Intel Core i5-2467M có xung mặc định 1,6 GHz, xung turbo 2,3 GHz, tổng dung lượng RAM 6 GB. "Độ nhạy" trong đọc / nạp dữ liệu (Windows, ứng dụng...) được trợ lực bởi chiếc SSD mSATA THNSNB128GMCJ do chính Toshiba sản xuất. Từ trải nghiệm của tôi, PT224L-009009 đáp ứng tốt yếu tố "siêu nhạy".


Yếu tố sau cùng được định đoạt bởi mức ngốn điện của CPU (thực chất còn nhiều con chip khác nhưng CPU chiếm % cao nhất) và dung lượng pin kèm theo máy. Core i5-2467M có mức TDP 17 W là một model CULV (Consumer Ultra-Low Voltage), phù hợp cho một chiếc UB. Cục pin Li-Ion 8 cell có dung lượng 47Wh phần nào tạm đáp ứng được yêu cầu của UB.


Nhưng để đạt được các thông số "siêu mẫu" trên, Portege Z830 buộc phải hy sinh đi nhiều thứ.

Bàn phím & Trackpad

Toàn bộ Portege Z830 được làm từ một khối magnesium khiến chiếc máy có cấu trúc khá vững chắc. Kết hợp với khối lượng cực thấp, bạn hoàn toàn có thể cầm chiếc UB chỉ bằng một tay mà không cảm thấy "mong manh dễ vỡ" (tất nhiên tôi không tính việc cầm búa tạ đập).


Song nguyên khối magnesium cũng không giúp cho bàn phím Portege Z830 được hoàn hảo tuyệt đối. Mặc dù thân kim loại là điểm tựa tốt cho các phím bám vào, nhưng thiết kế quá mỏng của chiếc máy khiến cho hành trình phím bị giảm đáng kể. Bạn có cảm giác khá cứng và nông ở đầu ngón tay khi nhập liệu, không được thoải mái cho lắm. Dù sao, nhiều thiết kế UB cũng gặp trình trạng tương tự nên ta có thể "thông cảm" với Toshiba.


Điểm cộng trên bàn phím Portege Z830 là hiệu ứng đèn nền (backlit) và tính năng chống tràn (chất lỏng). Làm đổ cafe hay trà khi dùng là một lỗi thường gặp với người dùng laptop. Hậu quả chắc bạn cũng tự hình dung được. Vác chiếc laptop trị giá 30 triệu VND đi sửa sẽ khá "cay" với chủ nhân của nó. Do vậy tôi đánh giá cao kiểu thiết kế này của Toshiba. Đèn nền dùng khi đêm khuya cũng rất hữu ích đối với các "ma đêm".


Trackpad chiếc UB này khá nhạy và chính xác, kể cả khi dùng đa điểm. Điểm duy nhất tôi chưa hài lòng là phần mắt chuột trái phải của nó. Trong khi toàn bộ bề mặt trong của Portege Z830 có vỏ nhám tương tự mặt bên ngoài, thì vị trí này lại làm bằng nhựa bóng rất dễ bám dấu vân tay, đặc biệt bất tiện nếu tay bạn ra nhiều mồ hôi.


Nút bật tắt trackpad nằm ở ngay phía trên khá tiện trong trường hợp bạn muốn nhập văn bản mà không bị ảnh hưởng do độ nhạy của trackpad. Cũng nằm trong khu vực mắt trái phải là cảm biến nhận diện vân tay cùng các đèn báo tình trạng của máy. Cá nhân tôi khá thích tính năng đăng nhập bằng vân tay trên Portege Z830: giúp tôi có thêm một lớp bảo mật cho máy. Cách sử dụng cũng khá đơn giản: nếu "quẹt" 1 lần mà chưa được thì "quẹt" hai, ba lần nữa, không phức tạp lắm!

Màn hình

Portege Z830 sở hữu màn hình LCD 13,3 inch (1366 x 768 pixel) với đèn nền LED cho phép tiết kiệm hơn các model LCD thông dụng. Tuy vậy hệ quả không hay cho lắm là màn của chiếc UB này lại quá sáng so với lượng màu nó phát ra. Tôi cảm nhận màu trên Portege Z830 có phần nào nhợt nhạt và kém tươi tắn hơn các chiếc LCD khác. Dù sao, để tiết kiệm điện hiệu quả thì đèn nền LED rõ là lựa chọn hợp lý cho dòng máy này.


Góc nhìn 2 bên của Portege Z830 tương đối khá, vào khoảng 60° cho từng bên. Nhưng góc nhìn trên dưới lại rất kém, bạn hầu như chẳng thấy được gì. Có điều chi tiết này không ảnh hưởng nhiều lắm vì tôi không cho sẽ có ai dùng màn hình laptop ở tư thế này. Cơ bản thì màn hình Portege Z830 chỉ hơi kém khoản màu sắc, các thứ khác đều không có gì phải phàn nàn.


Phía trên màn hình là một camera 1,3 MP kèm microphone cho phép bạn video chat hoặc hội họp từ xa qua mạng.

Âm thanh


Hệ thống loa Waves MaxxAudio 3 trên Portege Z830 cho chất âm có thể xem là ổn. Loa không bị rè khi mở hết cỡ. Tuy không thể gọi là trung tâm giải trí di động nhưng Portege Z830 vẫn đáp ứng tương đối tốt nhu cầu âm nhạc của nhiều người. Tôi khá thích kiểu thiết kế đặt loa nằm bên dưới mép vỏ máy. Chi tiết này cho phép tôi đóng màn hình chiếc UB lại mà âm thanh không bị thay đổi, vừa tiết kiệm pin lại vừa không gây chói mắt khi đang thả hồn theo tiếng nhạc.

Các kết nối

Toshiba có một thiết kế UB ấn tượng so với các hãng khác. Mặc dù Portege Z830 là một trong các mẫu UB mỏng nhất hiện nay, nó vẫn kèm theo khá nhiều cổng kết nối ngoại vi, một đặc điểm mà nhiều chiếc UB siêu mỏng khá không đạt được. Toshiba thực hiện điều này bằng cách "dồn" gần như toàn bộ mọi thứ sau phía sau máy.


Nếu bạn để ý, hai nơi "dày" nhất trên Portege Z830 là hai cổng RJ-45 Ethernet (LAN) và D-Sub (VGA). Chúng "dày" tới nỗi Toshiba tận dụng cả 2 để làm chân đế. Các cổng khác lặng lẽ "khép mình" ở phần giữa thân máy với bề dày chỉ nhỉnh hơn xung quanh 1 - 1,5 mm, bao gồm: 2 cổng USB 2.0, 1 cổng HDMI và cổng cắm sạc. "Xa xa" ở bên còn lại là các khe thoát nhiệt. Còn lại, bên trái thân máy gồm cổng cắm headphone / mic và khe đọc thẻ nhớ, bên phải chỉ có 1 cổng USB 3.0 kèm lỗ gắn khoá chống trộm. Toshiba gần như tinh gọn tuyệt đối các giao tiếp "thừa" giúp chiếc UB tuy vẫn mỏng nhưng vẫn đáp ứng gần như mọi nhu cầu kết nối.

Wi-Fi chuẩn 802.11a/g/n là điều không cần bàn với mọi chiếc UB: tất nhiên chúng phải có. Băng thông chuẩn N đủ lớn để Intel kèm thêm công nghệ hiển thị không dây (WiDi) cho thiết kế UB của mình. Bluetooth 3.0 kèm EDR là một tính năng tuỳ chọn mà tuỳ SKU sẽ có thể có hoặc không.

Nhiệt độ & Độ ồn

Ngoại trừ xử lý đồ hoạ 3D hoặc fullload liên tục trong thời gian dài, Portege Z830 khá mát. Con chip CULV không ngốn nhiều điện của Intel giúp chiếc máy hoạt động không quá nóng. Bạn chỉ cảm nhận được tiếng ồn từ quạt tản nhiệt khi fullload liên tục. Nhờ dùng ổ SSD không có chi tiết cơ khí nên bình thường bạn gần như không nghe thấy gì từ chiếc UB của Toshiba.


Điểm tinh tế là Toshiba không quên "nhắc" người dùng nên tránh để các vị trí thoát nhiệt tiếp xúc với da cơ thể, vốn chỉ chiếm một không gian khiêm tốn trên toàn bộ chiếc máy.

Pin & Thời lượng

Do thiết kế quá mỏng và nguyên khối, Toshiba buộc phải tích hợp hoàn toàn khối pin vào trong máy. Do vậy bạn không thể gỡ ra và "bỏ tủ lạnh" theo trường phái "thà mất dữ liệu chứ không chịu chai pin". Riêng tôi thì đặc điểm này không có gì để phàn nàn: pin sinh ra là để dùng, không phải để đặt trong phòng triển lãm. Nhờ vậy mà toàn bộ chiếc UB có được nét chắc chắn vì không có thành phần nào nằm "lẻ loi".


Tuy Toshiba quảng cáo rằng Portege Z830 có thể trụ được hơn 8 giờ ở chế độ nghỉ (thực ra phải bật Eco Mode), nhưng với tôi thì con số này không ý nghĩa nhiều lắm. Qua phép thử nghiệm fullload, dung lượng 47 Wh từ cục pin 8-cell của Portege Z830 dùng được khoảng 3 tiếng.

- 3DMark 06: mô phỏng môi trường chơi game 3D liên tục.
- Phim HD: thử nghiệm với phim Avatar 1080p, không bật loa ngoài mà dùng headphone.
- Văn bản & duyệt web: dùng trình duyệt Opera mở 10 trang khác nhau với nhiều nội dung flash, tự động reload lại cứ mỗi 30 giây.
- Sạc pin: máy ở trạng thái tắt, pin sạc đến khi đèn báo đầy.

 
Nhìn chung pin của Portege Z830 đủ dùng, không tệ nhưng cũng không quá tốt như quảng cáo.

Năng lực đồ hoạ

Chip Core i5-2467M có nhân đồ họa Intel HD 3000, phiên bản cao nhất của dòng SnB, song nó vẫn chưa thể giúp bạn có trải nghiệm game 3D đúng nghĩa. Bạn buộc lòng phải hạ thấp các thiết lập đồ hoạ mới có thể mong đợi một mức fps tàm tạm. Chi tiết này thể hiện rõ ở điểm số Entry và Performance trên 3DMark Vantage: ở GPU Test 1 & 2, chỉ mức Entry thì HD 3000 mới đạt ~ 24 fps, lên mức Performance thì điểm số chỉ còn ~ 4 fps.


Benchmark với Lost Planet 2 trên DirectX (DX) 9 với thiết lập mặc định, Portege Z830 đạt ~ 11 fps, thấp hơn mức 15 fps của game.


Thử nghiệm với Unigine Heaven, nhân HD 3000 đạt 8,3 fps. Bạn lưu ý rằng HD 3000 không có năng lực Tessellation.


Tôi thử năng lực render bằng OpenGL, nhân đồ hoạ tích hợp SnB của Intel đạt mức 10 fps.


Năng lực CPU

Là một model CULV, nên dù có 2 nhân và 4 luồng, thực tế điểm số Core i5-2467M thấp hơn so với các anh em có mức TDP cao hơn. Phép thử Cinebench thể hiện rõ điều này: 4 luồng của i5-2467M chỉ đạt 1,92 điểm còn 8 luồng của i7-860 đạt 5,06 điểm. Nhưng bạn cũng chú ý thêm là xung i5-2467M thấp hơn đại diện i7 khá nhiều (1,6 vs. 2,8 GHz). Theo ghi nhận của Everest, xung turbo của con chip CULV thường đạt 2 GHz.


Khi chạy hết 4 luồng, hiệu năng tăng ~ 2,3 lần so với chỉ 1 luồng. Phép benchmark Fritz Chess có chung quan điểm với Cinebench.


Tốc độ giao dịch dữ liệu

Việc dùng SSD là một điểm sáng giá cho Portege Z830. Thời gian khởi động máy (từ lúc bấm Power On cho đến khi tới màn hình đăng nhập Windows) chỉ 17 giây, hoàn toàn đáp ứng được tiêu chí siêu nhạy mà Intel đề ra. Song đừng quá lạc quan. Thực tế tốc độ đọc dữ liệu mà chiếc SSD THNSNB128GMCJ do Toshiba sản xuất chỉ đạt 180 ~ 190 MBps, thấp hơn khá nhiều các model mSATA khác.


Tốc độ ghi của THNSNB128GMCJ khá kém nếu không bảo là tệ: chỉ đạt 40 MBps trong phép thử lý thuyết. Trong phép thử thực tế, khi copy 1 file MKV từ phân vùng SSD này sang phân vùng SSD khác, tốc độ đạt 42 MBps. Còn copy 1 folder có ~ 9.500 file, tốc độ còn 26 MBps.

 
Trong trường hợp THNSNB128GMCJ, hiệu năng của chiếc SSD mSATA này tương đương với một HDD tốc độ cao hơn là SSD "truyền thống".

Kết luận

Có những chi tiết rất "được" ở Portege Z830 nhưng cũng có một số chưa thật sự "như ý". Dù sao, trước khi "phán xét", bạn nên chú ý đây là sản phẩm gì. Công tâm mà nói, với thiết kế mỏng nhẹ như Portege Z830, rất khó đòi hỏi hiệu năng ở mức đỉnh cao như các dòng máy gaming hay workstation. Với một chiếc UB, với tôi như thế là quá ổn. Máy chạy mượt, đáp ứng gần như tức thời các yêu cầu của người dùng, loa ngoài ổn, màn hình sáng. Khó có thể mong đợi gì nhiều hơn từ một chiếc UB.  

Điểm dở duy nhất sẽ khiến cho Portege Z830 "kém" cạnh tranh là giá thành tại Việt Nam. Các thông số kỹ thuật của chiếc máy gần như ngang bằng với MBA 13,3 inch (UB để đối đầu với MBA). Thực tế giá đề nghị phiên bản Z830-S8301 tại Mỹ là 1.200 USD, Z830-S8302 là 1.430 USD. Trong khi đó giá đề nghị của MBA 13,3-inch phiên bản 128 GB tại Mỹ là 1.300 USD và 256 GB là 1.600 USD. Chưa tính các model Z835 (đời sau của Z830) có giá chỉ 900 hoặc 1.000 hoặc 1.050 USD tuỳ phiên bản. Rõ ràng Portege Z830 / Z835 rất cạnh tranh tại Mỹ. Nhưng điều này không đúng tại Việt Nam.


Phiên bản mà chúng tôi có trong tay được niêm yết với giá 30 triệu VND. Còn MBA 13,3-inch hàng chính hãng có giá 29 - 30 triệu VND. Nhìn theo khía cạnh thương hiệu, nhiều người sẽ nghiêng về phía "táo" hơn là "sushi". Nhìn từ góc độ nào ấy, tôi cho rằng nếu Toshiba có thể để giá Portege Z830 / Z835 thấp hơn nữa, nó sẽ là một lựa chọn UB sáng giá. Ít nhất ngoài chuyện cạnh tranh với các model UB khác, đối đầu với MBA của Apple là điều không thể tránh, đặc biệt trong cái buổi iFan nơi nơi như lúc này...