Đánh giá chi tiết GTX 560 non Ti: Mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện binh đoàn GTX 500?

Nội Tâm  | 24/05/2011 12:00 PM

Sự ra mắt của GTX 560 càng góp phần khiến bữa tiệc VGA hiệu năng cao giá tốt diễn ra từ cuối năm 2010 đến giờ càng thêm nhộn nhịp.

Điểm qua về thị trường
  
Có thể nói, cuộc chiến giữa GTX 500 và HD 6000 có lẽ đã gần như ngã ngũ. Cả 2 bên đều đã tung ra hầu hết quân bài tủ trên mọi phân khúc. Một thực tế khá là nếu như trên thế giới, các sản phẩm AMD vẫn sử dụng thế mạnh truyền thống hiệu năng/giá thành để "chọi" lại Nvidia thì tại thị trường Việt Nam, điều này có vẻ không còn đúng. Chúng ta hãy cùng điểm lại một chút về giá thành của các đối thủ trực tiếp để có cái nhìn rõ hơn:
 
 
 Lưu ý: bảng giá chỉ có tính tham khảo, có thể thay đổi theo thời điểm, nơi bán và hãng sản xuất.
 
Nhìn chung tình hình trong nước, tại phân khúc thấp hơn AMD vẫn có lợi thế về giá, nhưng ở phía trên, các sản phẩm của họ lại bị đội giá lên khá nhiều so với Nvidia. Nếu như HD 5770 và HD 6850 vẫn duy trì cơn sốt ở tầm dưới, thì GTX 560 Ti và GTX 570 lại là 2 kẻ thống trị ở tầm trên.
 
Cũng từ bảng so sánh phía trên, chúng ta cũng thấy rõ rằng đội hình của Nvidia đang xuất hiện 1 lỗ hổng: đó chính là vị trí đối chọi với HD 6870. Rõ ràng không có lý do gì để gã khổng lồ xanh từ bỏ phân khúc 200-230 USD – phân khúc cực kì béo bở với số lượng đông người tiêu dùng. Việc GTX 560 không Ti ra mắt chắc chắn không nhằm mục đích nào khác ngoài lấp vào vị trí này. Hiện nay trên thế giới, chiếc card đã lên kệ với giá 200 USD.
 
Điều này rất có ý nghĩa đối với người tiêu dùng Việt Nam khi mà khoảng 4.000.000 -> 5.800.000 VND đang hoàn toàn bị bỏ ngỏ (HD 6870 hoàn toàn không đáng mua chút nào với giá 5.500.000 VND khi GTX 560 Ti quá "thơm ngon" ở phía trên). Dự đoán GTX 560 không Ti sẽ về đến Việt Nam với giá vào khoảng 5.000.000 VND.
 
GTX 560 không Ti – khác có Ti điểm nào?
 
Ngoài việc không có Ti, đây thực chất là bản cắt giảm của con chip GF114 sử dụng trên GTX 560 Ti.
 
 
Có một SM (Streaming Multiprocessor) đã bị vô hiệu, khiến số SM của GTX 560 không Ti giảm xuống còn 7 so với bản có Ti. Mỗi SM chứa 48 shader core, 8 texture unit. Ngoài ra thì 4 ống dẫn lệnh 64-bit ROP vẫn được giữ nguyên vẹn. Kết quả là, GPU sở hữu 336 shader core, 56 texture unit, 32 ROP và giao diện nhớ 256-bit.
 
Một vài người có thể sẽ để ý thấy các thông số này... trông quen quen. Đúng vậy: giống hệt GTX 460! Khác biệt duy nhất giữa chúng là xung nhịp: 675/900 MHz (GTX 460) so với 810/1002 MHz (GTX 560). Điều này khiến tôi liên tưởng tới trường hợp của GTX 550 Ti (GF116): thực chất là GTS 450 (GF106) với khả năng ép xung kinh khủng hơn.
 
 
Bảng so sánh trên cho thấy nhiều khả năng GTX 560 không Ti là phiên bản ép xung của GTX 460. Tuy nhiên, việc tối ưu lại kiến trúc giúp chiếc card có mức tiêu tốn điện năng chỉ ngang với đàn anh (dù xung cao hơn). Điều này cũng có nghĩa là: nếu chạy cùng mức xung, 2 chiếc card sẽ cho hiệu năng tương đương nhau. Như vậy, nếu như GTX 560 non Ti không có khả năng kéo xung lên cao hơn GTX 460, có rất ít lý do để chúng ta rước người đẹp này về nhà.
 
275.20 – Driver mới tới ưu hơn
 
Song song với việc ra mắt VGA mới, Nvidia cũng tranh thủ dịp này quảng cáo “ké” cho driver card đồ họa mới nhất của họ với hứa hẹn tăng thêm hiệu năng cho 1 số game mới như Crysis 2, Portal 2, Bulletstorm... Phiên bản 275.20 còn có khả năng tự động cập nhật khử răng cưa và SLI cho các game mới ra sau này. Ngoài ra, trình điều khiển mới còn hỗ trợ 3D Vision tới hơn 500 game.
 
 
Giao diện sử dụng cũng được “tút” lại hữu dụng hơn trước. Hơn nữa, những ai từng đau đầu với việc bị kéo giãn hình khi chơi các game không hỗ trợ màn hình wide (như WarCraft III chẳng hạn) sẽ được giải tỏa khi Nvidia đã hỗ trợ 1:1 pixel mapping (tạo viền đen 2 bên màn hình wide để trả tỉ lệ về chuẩn). 
 
Asus GTX 560 DirectCU II TOP
 
Do Nvidia không cung cấp card đồ họa mẫu nên tomshardware thực hiện review sử dụng các phiên bản đến từ Asus và Zotac – 2 đối tác tin cậy của hãng. DirectCU II TOP là thương hiệu đã quá nổi tiếng của Asus cả về hiệu năng, chất lượng lẫn khả năng tản nhiệt. Điều này tình cờ rất có lợi cho chúng ta bởi sản phẩm Asus hiện đang có giá cực tốt tại Việt Nam. Ngoài ra, do các sản phẩm của Zotac không xuất hiện tại Việt Nam qua các kênh phân phối chính thống nên chúng tôi xin phép lược bỏ.
 
Chiếc card có kích thước 9 x 4,5” (khoảng 23 x 11,5cm), được Asus ép xung sẵn lên mức 925/1050 – khá cao so với mặc định.
 
 
2 đầu cấp nguồn phụ 6-pin được thiết kế nằm phía ngoài giúp việc lắp đặt dễ dàng hơn, không bị vướng vào ổ cứng.
 
 
Tản nhiệt DirectCU II trang bị 3 ống dẫn nhiệt 6mm và 2 quạt làm mát. Asus khẳng định thiết kế này của họ hiệu quả hơn tản nhiệt chuẩn của Nvidia tới 20%.
 
3 cổng kết nối: 2 DVI và 1 mini-HDMI.
 
 
Phụ kiện đi kèm bao gồm 2 chuyển nguồn molex-6pin, 1 cổng chuyển DVI-VGA, 1 cổng chuyển mini-HDMI sang HDMI, 1 đĩa driver và 1 quyển sách hướng dẫn.
 
 
Phần mềm SmartDoctor chuyên hỗ trợ ép xung card đồ họa của Asus, cho phép tăng cả điện áp GPU.
 
Cấu hình thử nghiệm & thiết lập
 
Nhằm duy trì tính khách quan và chính xác của các phép thử, GTX 560 Asus DirectCU II TOP được hạ xung về mức chuẩn 810/1002. Các đối thủ cùng tham gia phép thử này bao gồm HD 6790, 6850, 6870 và GTX 460 768 MB, GTX 460 1 GB, GTX 560 Ti.
 
 
 
3DMark 11 & Unigine Heaven
 
 
3DMark 11 vốn là một phép thử ưu ái AMD nên việc GTX 560 thua kém không nhiều lắm so với HD 6870 là một tín hiệu khả quan.
 
 
Ngay cả khi đã tắt bỏ thế mạnh của Nvidia là tessellation, Unigine Heaven vẫn thường cho các card đồ họa Nvidia lợi thế rất lớn trước đối thủ.
 
2 phép thử không khách quan này chỉ mang tính tham khảo. Chúng ta hãy tiến đến các phép thử game thực tế. 
 
Crysis 2
 
 
 
 
Là một trong những game dán nhãn TWIMTBP (nhãn của Nvidia), Crysis đem lại lợi thế cho GTX 560 ở hiệp game đầu tiên và tỏ ra sung sức khi chiến đấu với hậu nhân của sát thủ phần cứng. Dù vậy, HD 6870 cũng chỉ rớt lại chút ít.
 
Bulletstorm
 

 
Sân nhà truyền thống của AMD vốn chuyên trị để “dìm hàng” Nvidia trong các review (giống như HAWX 2 "chuyên trị" AMD vậy). Tuy thế kết quả lại bất ngờ đến khó hiểu khi GTX 560 ngang ngửa HD 6870 tại các độ phân giải thấp hơn và chỉ chịu thua chút ít khi lên đến Full HD. Ngoài ra GTX 560 Ti lại cho khung hình thấp hơn cả không Ti!?
 
Metro 2033
 

 
Vốn mang thế mạnh xử lý của cả 2 dòng card Nvidia (tessellation) và AMD (shader), Metro 2033 là một trong những phép thử có vẻ công bằng nhất (thực ra thì vẫn hơi hơi thiên vị AMD). Kết quả hòa tuyệt đối là khá dễ hiểu.
 
Lost Planet 2
 

 
Giống như Metro 2033, trong game này 2 đấu thủ GTX 560 và HD 6870 bám đuổi nhau rất sát.
 
Aliens vs Predator
 

 
Một lần nữa GTX 560 lại gây bất ngờ khi không để HD 6870 cho hít khói trên tựa game sân nhà của AMD – điều mà các đàn anh đi trước đều vấp phải. Rất có thể là nhờ các cải tiến trong gói driver 275.20 beta.
 
F1 2010
 
Tựa game đua xe hiếm hoi duy nhất trong loạt benchmark:
 

 
Cũng lại một game chuyên dìm hàng Nvidia. HD 6870 thậm chí còn cho GTX 560 có Ti hít khói. Đương nhiên không Ti hoàn toàn bất lực.
 
Just Cause 2
 

 
Lại thêm một phép thử cân tài cân sức khác. GTX 560 chỉ hơn được chút ít về khung hình.
 
H.A.W.X. 2
 

 
Kết quả tất yếu: Cả HD 6790, 6850 và 6870 thậm chí còn thua cả GTX 460 768 MB chứ đừng nói đến GTX 560. Một game ưu ái Nvidia bậc nhất!
 
Khử răng cưa
 
Aliens vs Predator được đem ra làm phép thử so sánh khả năng khử răng cưa của các chiếc card:
 

 
Không giống với thường lệ (nhưng không còn bất ngờ nữa), GTX 560 dai dẳng bám đuổi HD 6870 trên tựa game sân nhà của AMD ngay cả khi kích hoạt khử răng cưa. Từ đầu loạt benchmark cho đến giờ, chiếc card liên tiếp san phẳng các lợi thế truyền thống của AMD so với Nvidia.
 
Khả năng ép xung – Hiệu năng SLI
 
Tiếp nối truyền thống của Fermi 2, GTX 560 sở hữu khả năng kéo xung khá khủng. Chiếc card Asus chạy ở mức mặc định 925/1050 với điện áp 1,012 V và cho phép chích tối đa 1,112 V sử dụng phần mềm SmartDoctor. Và với điện áp cao nhất này, GPU có thể ép xung chạm mức ấn tượng 1 GHz (giống như GTX 560 Ti và GTX 550 Ti).
 

 
Hiệu năng của GTX 560 sau ép xung vượt qua cả đàn anh có Ti, giống như điều tương tự GTX 560 Ti đã làm với GTX 570 và GTX 570 làm với GTX 580. Không giống với những ngày đầu còn sơ khai, ép xung đã ngày càng trở nên hiệu quả đối với trải nghiệm game. Nếu sở hữu Fermi 2 mà không ép xung thì quả là đáng tiếc.
 
Điện năng tiêu thụ - Nhiệt độ - Độ ồn
 
Việc so sánh về điện năng tiêu thụ, nhiệt độ và độ ồn lần này tỏ ra không được khách quan và chính xác cho lắm bởi các card đồ họa Nvidia mà tomshardware sử dụng đều là phiên bản làm lại tản nhiệt và ép xung từ các đối tác của Nvidia, trong khi đó các card đồ họa AMD lại là phiên bản chuẩn do hãng giới thiệu. Dù sao, mọi thứ đều chỉ mang tính tham khảo.
 

Nhiệt độ (các chỉ số trong biểu đồ dưới đây là nhiệt độ hoạt động trừ đi nhiệt độ môi trường):

Độ ồn:

 
Tổng kết
 
Trước tiên hãy cùng theo dõi bảng tổng kết hiệu năng tại độ phân giải 1920 x 1080 mà GTX 560 nhắm đến, lấy HD 6790 làm mốc 100%:
 

Đúng như dự đoán ban đầu, GTX 560 sinh ra để đấu với HD 6870 – kẻ đã một mình một ngựa trong suốt thời gian dài (trên thế giới, còn ở trong nước thì HD 6870 có hiệu năng/giá thành không tốt lắm). Với giá thế giới vào khoảng 200 USD, rất có khả năng GTX 560 không Ti sẽ lên kệ tại Việt Nam với giá khoảng 4.800.000 VND cho bản thường và 5.100.000 cho bản ép xung sẵn. Nếu đúng như vậy, người tiêu dùng trong phân khúc này sẽ không còn phải hoang mang lựa chọn card đồ họa nữa.
 
Fermi 2 quả thực đã làm được điều mà các fan hâm mộ mong mỏi đã lâu: Giá tốt hiệu & năng cao. Có vẻ như 2011 là năm của Nvidia và người tiêu dùng.
 
Tham khảo: Tom's hardware