Đánh giá chi tiết card đồ họa MSI GTX 560 Ti Twin Frozr II/OC

Nội Tâm  | 30/06/2011 0:00 AM

Có thể nói đây là thời điểm cực hợp lý để nâng cấp card đồ họa cho cỗ máy chơi game của bạn, khi mà các sản phẩm GTX 500 và HD 6000 đều đã ra mắt hết, trong khi phải 1 thời gian dài nữa mới đến thế hệ tiếp theo. Nếu đang có ý định đó, MSI GTX 560 Ti Twin Frozr II/OC là 1 lựa chọn bạn không thể bỏ qua.

MSI GTX 560 Ti Twin Frozc II/OC – vì sao hot?
 
Mọi chi tiết về các số đo của siêu mẫu chúng tôi đều đã trình bày rất chi tiết trước đây. Độc giả có thể tìm đọc tại bài viết này.
 
 
Chia sẻ một chút với độc giả về quá trình săn lùng MSI GTX 560 Ti TF2 OC của tôi. Dùng từ “săn lùng” hoàn toàn không hề nói quá một chút nào. Cách đây khoảng gần một tháng, người viết đã phải lặn lội đến nhiều cửa hàng máy tính lớn tại Hà Nội (đợt nắng nóng đỉnh điểm), nhưng đều được trả lời “hết hàng”. Thậm chí tôi đã thử liên hệ với các cửa hàng và nhà phân phối trong Nam nhờ ship ra nhưng... cũng nhận được câu trả lời tương tự. Thay vào đó, tôi nhận được khá nhiều đề nghị giới thiệu sản phẩm đến từ Asus hay Gigabyte. Vậy điều gì đã khiến chiếc card của MSI cháy hàng? Hãy cùng điểm sơ qua những gì người dùng quan tâm nhất ở một card đồ họa chơi game.
 
Hiệu năng/giá thành: Quả thực đã rất lâu rồi mới thấy xuất hiện một card đồ họa tầm cao có giá tốt đến như vậy. Ban đầu theo phỏng đoán của những người có kinh nghiệm (dựa trên hiệu năng sản phẩm), GTX 560 Ti sẽ về nước trong khoảng khoảng 7 – 7,5 triệu VNĐ. Kết quả: các sản phẩm của Asus và MSI lên kệ với giá chỉ 5,5 – 6 triệu VNĐ tùy phiên bản. Giá trị đầu tư quá cao khiến nhiều game thủ không thể kềm lòng, lập tức xuất hầu bao để nâng cấp.
 
Ép xung: Khi mà 2 chữ OC được in nhan nhản trên bìa hộp, khả năng ép xung trở thành một yếu tố không thể thiếu để đánh giá một card đồ họa nào đó. Điểm này hoàn toàn là thế mạnh của GTX 560 Ti khi chúng ta có thể dễ dàng ép chiếc card phát huy thêm 20% hiệu năng nữa.
 
Linh kiện: Sử dụng hoàn toàn thiết kế bảng mạch và linh kiện chuẩn quân đội của GTX 460 Hawk Tallon Attack nổi tiếng, không có gì phải nghi ngờ về chất lượng, khả năng ép xung và tính ổn định của sản phẩm.
 
Tản nhiệt: Sử dụng tản nhiệt Twin Frozc II – tản nhiệt khí tốt bậc nhất hiện nay, chiếc card của MSI giải nhiệt cực hiệu quả với độ ồn thấp.
 
 
 
 
 
Đánh giá chi tiết:
 
Khả năng ép xung, nhiệt độ & độ ồn
 
Thời điểm tôi thực hiện test nhiệt độ và khả năng ép xung của chiếc card, trời vừa mưa nên nhiệt độ phòng khá mát mẻ chỉ 30 độ C. Bài test sử dụng một thùng máy đóng kín có 1 quạt trước, 1 quạt sau và 1 quạt nóc.
 
 
Sử dụng phần mềm ép xung chuyên dụng MSI AfterBurner, sau hơn 1 giờ ngồi test game, mức xung cao nhất chiếc card có thể chạy ổn định là 1030 MHz tại Core Voltage 1,15 V (mức lớn nhất chương trình cho phép kéo). Tuy nhiên lúc này nhiệt độ FurMark vượt quá 90 độ C. Nhận thấy mức xung này khó có thể hoạt động ổn định trong những ngày nắng nóng tiếp theo, tôi quyết định chọn mức 1000/1150 MHz để tiến hành đánh giá hiệu năng sau ép xung của MSI GTX 560 Ti Twin Frozc II trong các phép thử game thực tế.
 
 
Ở mức xung mặc định 880/1050 (trong thùng máy đóng kín), nhiệt độ Idle là 34 độ C. Chương trình FurMark chuyên vắt kiệt card đồ họa “ép” GPU đạt đến nhiệt độ 76 độ C. Nhưng trong suốt thời gian chạy game, nhiệt độ cao nhất tôi ghi nhận được chỉ là 65 độ C.
 
 
Lên mức xung khá cao 1000/1150 MHz (Core Voltage 1,075 V), nhiệt độ FurMark vọt lên tới 86 độ C. Tuy nhiên con số này hoàn toàn không vượt qua 72 độ C khi chơi game. Nhìn chung đây là một kết quả rất ấn tượng trong thời tiết nóng bức này. Có thể nói tản nhiệt Twin Frozc II làm việc hoàn toàn đạt yêu cầu.
 
Về phần độ ồn, tôi chỉ có thể bắt đầu để ý thấy tiếng gió khi quạt quay ở tốc độ 75% (4200 vòng/phút) – tương ứng nhiệt độ khoảng 77 độ C nếu để quạt quay chế độ Auto. Với kết quả test nhiệt độ ghi nhận phía trên, điều này có nghĩa người dùng chẳng thể cảm nhận được tiếng ồn phát ra khi chơi game, đặc biệt nếu đang bật loa hoặc đeo headphone.
 
Cấu hình test & thiết lập phép thử
 
Tất cả các phép thử game đều được thiết lập chất lượng cấu hình cao nhất, khử răng cưa 4xAA và lọc bất đẳng hướng 16xAF trên cả 2 độ phân giải phổ thông nhất hiện nay là 1600 x 900 và 1920 x 1080. Riêng siêu sát thủ phần cứng Metro 2033, tôi chỉ thiết lập khử răng cưa AAA do game quá nặng.
 
Bo mạch chủ: MSI PH67A-C43 (B3)
 
Bộ xử lý: Intel Core i5-2500 (3,3 GHz)
 
Bộ nhớ trong: 2 x 2GB Gskill RIPJAWS 1600 MHz cas 8-8-8-24
 
Ổ cứng: WD Caviar Black 500 GB
 
Nguồn: Seasonic M12II 620W
 
Card đồ họa:
 
Asus HD 6870 DirectCu
 
Asus HD 6950 DirectCu II 1GB
 
MSI GTX 560 Ti Twin Frozc II/OC
 
Asus GTX 570 DirectCu II
 
Cả 3 card đồ họa HD 6870, HD 6950 và GTX 570 đều được đưa về chạy ở mức xung mặc định của AMD và Nvidia.
 
Unigine Heaven & 3DMark 11
 
 
Ở độ phân giải 1600 x 900, GTX 560 Ti vượt qua được cả 2 đại diện AMD là HD 6870 và HD 6950 trong phép thử nặng về tessellation này, thậm chí còn ngang ngửa với đàn anh GTX 570 khi ép lên mức xung 1 GHz. Tuy nhiên tăng lên độ phân giải 1920 x 1080 thì nhân vật chính tỏ ra đuối sức hoàn toàn. Nguyên nhân có thể đến từ việc được trang bị quá ít tessellation unit (8) và shader unit (384) (con số này trên GTX 570 là 15 và 480).
 
 
Ở 3DMark 11, hiệu năng sau ép xung tăng đến hơn 20% so với bản chuẩn của Nvidia, vượt qua HD 6950 và thua kém GTX 570 chút ít.
 
Qua kết quả 2 phép thử tổng hợp, rất có hi vọng chúng ta sẽ đạt được mức hiệu năng mơ ước của GTX 570 (tương đương GTX 480 thế hệ trước) chỉ với số tiền nhỏ hơn 6 triệu đồng.
 
Alien vs Predator – BattleField: Bad Company 2 – Crysis Warhead
 
 
Ngay cả với các game nặng bậc nhất hiện nay, các chiến binh vẫn lướt băng băng, đặc biệt là MSI GTX 560 Ti. Kể cả với sát thủ Crysis tại độ phân giải 1920 x 1080 với thiết lập cao nhất, GTX 560 Ti vẫn cho số khung hình ổn.
 
 
 
Hiệu năng sau ép xung có thể thấy hoàn toàn thách thức được GTX 570 và bỏ xa đối thủ HD 6950. Đặc biệt ở game BBC 2, mức xung 1 GHz cho khung hình trung bình cao hơn 14% so với mặc định 880 MHz của MSI, và hơn tới 21% so với bản chuẩn của Nvidia. Tuy nhiên nhìn nhận khách quan thì chạy mặc định rõ ràng GTX 560 Ti có phần thua sút HD 6950.
 
F1 2010 – Just Cause 2 – Lost Planet 2

 
F1 2010 và Just Cause 2 vốn là sân nhà của AMD khi tỏ ra ưu ái các card đồ họa của hãng “Đỏ” trong hầu hết các review. Do vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi ngay cả đã ép xung cực cao, GTX 560 Ti cũng chỉ hơn được HD 6950 chút ít ở F1 2010. Tuy nhiên Just Cause 2 lại khiến tôi hơi bất ngờ: chiếc card Nvidia tỏ ra ngang cơ với đối thủ. Còn trên sân nhà Lost Planet 2 của Nvidia, việc 2 đại điện “Đỏ” rớt lại hoàn toàn phía sau là hiển nhiên.
 
 
Ngoài ra chúng ta cũng chứng kiến mức chênh lệch hiệu năng kha khá giữa GTX 570 và GTX 560 Ti (1 GHz). Đó là sự khác biệt hoàn toàn về đẳng cấp, bởi nên nhớ rằng GTX 570 cũng có thể ép xung rất mạnh.
 
Metro 2033 – S.T.A.L.K.E.R: Call of Pripyat
 
 
Nếu nhìn vào số khung hình trung bình, rất dễ lầm tưởng Metro 2033 chạy rất mượt. Tôi không rõ cơ chế đồ họa trong game ra sao nhưng trong quá trình test, khung hình rất hay trồi sụt, đặc biệt trong những cảnh nhiều ánh sáng mặc dù chúng... chẳng có gì đặc biệt. Không biết nếu kích hoạt PhysX thì game sẽ còn lê lết ở mức nào nữa.
 
 
 
Tổng kết hiệu năng
 
 

Quả thực, MSI GTX 560 Ti Twin Frozc II/OC là sản phẩm không thể tốt hơn trong tầm giá khoảng 5,5 - 6 triệu VNĐ. Rõ ràng nếu đang sở hữu màn hình độ phân giải 1920 x 1080 trở xuống, GTX 560 Ti cực kì phù hợp với bạn.

Xem thêm:

Nvidia

review