Đánh giá chi tiết ASUS G74: Laptop chơi game đỉnh cao

Trung Hà  | 07/07/2011 05:00 PM

Liệu G74 có kế tiếp thành công của G73.

ASUS G74 bản mới đã được trình diện tại triển lãm Cebit năm nay tại Hanover. Nó cũng đã khẳng định chắc chắn những tin đồn ban đầu về việc ASUS G74SX sẽ sử dụng card đồ hoạ Nvidia GTX 560M mới. Và giờ, cỗ máy chơi game đầy sức mạnh này đang bắt đầu đến tay người dùng. Liệu sản phẩm mới của ASUS có thể kế nhiệm thành công G73 – một tượng đài laptop chơi game khá gần gũi với game thủ Việt.
 
Dù tin hay không, nhưng những notebook dành cho game thủ thực sự đã rất khó khăn để có một chỗ đứng trong “thiên đường laptop”. Điều này thật dễ hiểu: khi xem xét kỹ hơn phần cứng của chúng - bên cạnh cấu hình thật khủng có thể sánh ngang với máy tính để bàn nhằm đáp ứng nhu cầu chơi game thì đồng thời, chúng cũng có kích thước và trọng lượng khủng bên cạnh thời lượng pin ngắn cộng với tiếng ồn phát ra trong quá trình sử dụng.
 
Nhà sản xuất từ Đài Loan, ASUS, đã khá thành công trong việc giải quyết những nhược điểm này với dòng laptop G của nó. Đương nhiên, vì thế G74S cũng phải đối mặt với những sự mong đợi lớn từ người dùng.
 
Phần cứng của G74S bao gồm: Intel Core i7-2630QM, card đồ hoạ Nvidia GeForce GTX 560M, 12GB RAM và ổ cứng 1,5 TB. Màn hình với những thông số đáng ngạc nhiên: độ phân giải 1920 x 1080, full HD hỗ trợ chức năng xem 3D và chống chói.
 
Phần vỏ máy
 
Không có nhiều thay đổi về mặt thiết kế trong G74S so với những laptop dòng G của ASUS. Phong cách góc cạnh, màu sơn đục theo kiểu các máy bay tàng hình vẫn là những nét chính của vỏ máy.
 

 
Vỏ máy của các laptop chơi game thường yêu cầu độ bền cũng như độ chắc chắn cao, và vỏ của G74S thực sự đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đó. Vỏ máy có thể chống dấu vân tay và bụi bám khá tốt. Vỏ máy có tính ổn định tốt, khi thử gõ với một lực vừa phải, máy vẫn chạy tốt và không bị hỏng hóc.
 
Màn hình của ASUS G74S chỉ có góc nhìn 135 độ. Tuy nhiên, như vậy là khá đủ cho 1 laptop chơi game. Ngoài ra, máy không có chốt khi gập nắp máy.
 
Cổng kết nối
 
Cả mặt trước và mặt sau của máy đều không có bất kì một cổng kết nối nào; tất cả đều được dồn về 2 hông của thân máy. Các cổng audio (headphone, microphone) được tìm thấy bên hông trái. Cùng cánh hông đó là ổ quang, đầu Bluray, 2 cổng USB 2.0 và một khoá Kensington. Phần hông đối diện bao gồm 1 đầu đọc thẻ, 1 cổng USB 2.0, 1 cổng USB 3.0, 1 cổng VGA, 1 ngõ ra HDMI, cổng LAN và các giao tiếp internet khác nằm ở vùng sau máy. Tốc độ truyền tải của cổng USB 2.0 rơi vào khoảng 28,1 MB/s.
 

 
Cách bố trí các cổng kết nối như vậy là khá phù hợp. Đáng chú ý là các cổng USB có 1 khoảng cách khá rộng, thuận tiện khi cắm. Dù vậy, là 1 trong những laptop chơi game hàng đầu thì ASUS G74S vẫn chưa có đủ các cổng kết nối bổ trợ, ví dụ cổng eSATA, Firewire hoặc cổng display hay khe cắm ExpressCard.
 

 
Dẫu sao, các cổng kết nối mà 1 gamer cần phải có, G74S đều đã đáp ứng đủ; các cổng còn thiếu thực sự không là trở ngại đối với người dùng.
 
Bàn phím và touchpad
 
So sánh G74SX với G73, không khó để người dùng nhận ra cải thiện rõ nét ở vùng bàn phím. Máy sử dụng bàn phím Chiclet full size (có cả phần phím số), song 2 phần (phím số và phím chữ) đã được tách hẳn ra -các phím mũi tên được đặt vào giữa 2 phần bàn phím đó. Các phím thông thường có kích thước bằng với các phím mũi tên. Phần kim loại nền của bàn phím được làm từ nhôm, khá vững chắc trước những va chạm.
 
Cảm giác khi gõ phím trên G74SX cũng thật sự khác biệt. Mỗi phím có độ lún thấp, khi gõ phím người dùng không phải nhấn xuống quá nhiều mà vẫn cho những tín hiệu chính xác. Ngay cả khi gõ mạnh, bàn phím vẫn gần như không gây bất kì một tiếng động nào. Điều phàn nàn chủ yếu nằm ở việc thi thoảng lại có những tiếng cọt kẹt nơi bàn phím. Tuy nhiên, đó không phải là trở ngại lớn lắm. G74 không có những phím tắt. Toàn bộ chức năng đều được thực hiện bởi sự kết hợp của phím Fn và các phím điều khiển khác.
 

 
Ánh sáng bàn phím có thể điều chỉnh được ở 3 mức độ khác nhau, nhờ đó các phím có thể được nhận biết dễ dàng trong bóng tối.
 
G74SX sở hữu touchpad có kích thước 10,5 x 6,3 cm và về căn bản đáp ứng tốt các lệnh chủ yếu như trượt thanh cuộn hay zoom ảnh, tuy không thực sự mượt mà. Các phím chuột cũng khá nhạy và chuẩn xác.
 
Mặt khác, touchpad của G74SX được đặt ở chế độ Disable và ở trạng thái đó một thời gian ngắn khi 1 phím bất kì được nhấn xuống và giữ nguyên. Điều đó có thể là 1 bất lợi khi chơi game, và vì thế, game thủ nên chuẩn bị thêm 1 chuột rời và tắt hoàn toàn touchpad (bằng cách gõ tổ hợp phím Fn + F9) trước khi bắt đầu trò chơi. Mục đích của chức năng này là để tránh những cú nhấp chuột không theo ý muốn khi thực hiện những công việc văn phòng.
 
Khả năng hiển thị
 
Thật không may, nhược điểm mà phần lớn các notebook được đánh giá là tốt hay nằm ở khả năng hiển thị. Độ sáng quá yếu, độ tương phản thấp hay những phản chiếu khó chịu kể cả khi đang ở trong nhà là những hậu quả mà những màn hình glossy thời trang gây ra. G74SX là ngoại lệ, khi màn hình của nó gần đạt tới độ tuyệt hảo.
 

 
G74SX sở hữu màn hình 3D 120Hz , bề mặt được bao phủ bởi lớp chống chói. G74 có độ sáng tối thiểu 0,57cd/m2 và 393cd/m2 khi có độ sáng cực đại. Nhờ đó, máy hiển thị màu đen sâu và có độ tương phản hết sức ấn tượng: 689:1.
 
ASUS đã rút ra được bài học về độ phân giải ở các phiên bản trước. Màn hình của G74SX có độ phân giải mặc định full HD 1920 x 1080 pixel và nhờ đó đưa tới cho người dùng những trải nghiệm hình ảnh tốt nhất khi chơi game cũng như xem ảnh hay xem phim. Không có gì ngạc nhiên khi máy không hỗ trợ chế độ 3D trong game, vì hiệu năng của card GPU không đủ mạnh. Mặt khác, hẳn chẳng ai muốn phải ngồi trước laptop, đeo kính 3D vướng víu lên mắt khi chơi game cả.
 
Những game thủ hay chơi game ngoài trời sẽ thực sự thích thú với màn hình của G74SX. Màn hình chống chói và có độ sáng cao giúp việc sử dụng máy tính ngoài trời, ngay cả khi dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, cũng trở nên dễ dàng. Các bức ảnh vẫn được nhìn thấy rõ từ đường nét tới màu sắc.
 
Với góc nhìn rộng, các hình ảnh được hiển thị trên G74SX được giữ nguyên khi thay đổi góc nhìn theo chiều ngang, nhưng sẽ bị biến dạng khi nhìn ở các góc độ khác nhau theo chiều dọc. Màn hình cũng có độ ổn định tốt hơn khi dùng trong thời gian dài khi so sánh với các laptop bình thường.
 
Hiệu năng
 
Trong bài kiểm tra PCMark Vantage, G74S đạt được con số ấn tượng lên tới 7227 điểm. Tuy nhiên, đối với các đối thủ như GT780R của MSI hay P501 PRO của Schenker, đó vẫn là chưa đủ. GT780R có một khoảng cách khá rõ rệt với G74SX khi đạt 8599 điểm. Nhờ có ổ cứng SSD, số điểm này của P501 gần như gấp đôi GT780R (16856 điểm).
 

 
Ở PCMark 7, ASUS G74SX chỉ đạt được 2486 điểm. Lần này, G74 đã gần bắt kịp GT780 của MSI (đạt 2516 điểm), nhưng vẫn hoàn toàn bị khuất phục trước P501 của Schenker khi P501 đạt tới 4208 điểm.
 
Khả năng xử lý đồ họa
 
Sử dụng GTX 560M nên không quá bất ngờ khi G74 đạt kết quả cao ở phép thử đồ họa: 15216 điểm trong bài test 3DMark 2006, 9227 điểm trong bài test 3DMark Vantage, 1759 điểm trong bài test 3DMark 11.
 
Hiệu năng bộ nhớ trong
 
Sử dụng ổ SSD nên G74 có kết quả rất khả quan trong bài test tốc độ HDD: tốc độ truyền dữ liệu từ: 51,1 ~ 116.1 MB/s
 
Hiệu năng chơi game
 

 
Nhiệt độ
 
Nhiệt độ các thành phần của máy trong quá trình sử dụng.
 
Loa
 
Dù có kích thước khá lớn nhưng loa tích hợp của G74 không được tốt cho lắm. Tuy nhiên, khi sử dụng tai nghe, chất lượng sẽ được cải thiện khá nhiều.
 
Thời lượng pin
 
Giống như nhiều laptop chơi game khác, G74 có thời lượng sử dụng pin thấp. Ngay cả với chế độ tiết kiệm nhất có thể, máy chỉ có thể ‘trụ” được 3h30 phút, nếu sử dụng Wifi thời gian này chỉ còn 2h05p, còn nếu tận dụng hết sức mạnh của máy, bạn chỉ có 1 giờ sử dụng.
 
Tổng quan
 
Về mặt thiết kế, mặc dù vẫn còn giữ những nét quen thuộc ở các phiên bản trước, nhưng ASUS đã đưa đến G74SX những cải thiện đáng kể, trong đó có ánh sáng bàn phím và màn hình hỗ trợ 3D.
 
G74SX cung cấp tới người dùng một hiệu năng ổn định cả trong khi sử dụng phần mềm hay chơi game, và có thể hiển thị hình ảnh một cách mượt mà ở chế độ đồ hoạ cao phần lớn thời gian sử dụng. Nhiệt độ máy hầu như giữ ở mức thấp. Điểm trừ mà người dùng có thể dễ dàng nhận thấy là tiếng ồn của hệ thống khá dễ nhận ra khi bạn sử dụng trong điều kiện yên tĩnh.
 
Còn về touchpad, có lẽ phần lớn game thủ sẽ có thể bỏ qua cho sự cứng nhắc của nó khi thực hiện các lệnh đa điểm, vì họ chủ yếu dùng chuột khi chơi game.
 
ASUS G74 có thể coi là laptop nằm giữa 2 dòng: chơi game và thông dụng. Các sự lựa chọn khác như GT780 MSI hay P501 Schenker có thể đem tới những hiệu năng cao hơn hoặc ít tiếng ồn hơn. Nhưng nhìn tổng quan, G74SX vẫn có một vài ưu điểm đáng chú ý, ví dụ như khả năng hiển thị tuyệt vời.
 
Tham khảo Notebookcheck
Xem thêm:

review

laptop