Asus không phải là thương hiệu gắn liền với các sản phẩm cho doanh nhân, tuy nhiên, với mẫu B23E-XH71, công ty này đang muốn mở rộng sang đối tượng khách hàng này. Đây là model laptop siêu di động hướng tới người dùng muốn tìm mua 1 chiếc laptop có độ bền và khả năng bảo mật tốt. Với giá 925 USD (khoảng 19 triệu đồng, giá thị trường Mỹ), chiếc MTXT 12,5 inch này hứa hẹn cho tốc độ cao nhờ chip Core i7 2,7 GHz. Hãy cùng tìm hiểu kỹ model laptop cao cấp đến từ Asus qua bài viết dưới đây.
Thiết kế và độ bền
Dù có "thân hình" khá lý tưởng, nhiều phần trên Asus B23E (nặng chưa đầy 1,7 kg) vẫn được trang bị những vật liệu cho độ bền tốt. Phần vỏ và thân sử dụng hợp kim magiê cũng như phần bản lề kim loại cứng cho cảm giác cứng cáp, mạnh mẽ. Và chúng mạnh mẽ thật. Các chất liệu này đã được thử nghiệm về độ bền kỹ càng trước khi được sử dụng trong sản phẩm. Mặc dù phần đáy máy được làm bằng nhựa nhưng nó được gia cố bằng lớp nhôm nên độ bền của máy càng được đảm bảo.
Thiết kế với độ bền tốt còn được thể hiện qua bàn phím chống tràn. Máy có một hệ thống thoát nước chuyên dụng ở dưới đáy nên bạn sẽ không phải lo lắng khi vô tình làm đổ ly cafe hay cốc nước lên chiếc laptop của mình. B23E còn được trang bị ổ cứng chống sốc mà Asus cho biết có thể chịu đựng được các cú rơi có độ cao gấp đôi so với các laptop bình thường khác.
Về tổng thể, phần khung máy nhìn lịch sự và đẹp mắt. Chỉ có phần dưới bàn phím bị bóng, ngoài ra, các bộ phận khác có màu đen nhám với các đốm nhỏ sơn kim loại có màu vàng khi nhìn gần. Logo Asus có màu bạc được thiết kế ở mặt sau.
Có độ dày 2,79 cm, B23E chắc chắn không phải là ultrabook nhưng đủ nhỏ gọn để nhét vào túi nhỏ không quá khó khăn. Ngoài ra, điểm mạnh của nó so với ultrabook, như model Zenbook của chính Asus, là bạn được trang bị nhiều cổng kết nối hơn.
Bàn phím và trackpad
B23E được trang bị một trong những bàn phím tốt nhất trong các mẫu notebook của Asus. Các phím bấm rất tiện dụng cho việc gõ phím. Bàn phím không có hiện tượng bị lún. Tuy nhiên, thiết kế bàn phím chiclet cho khoảng cách phím khá rộng, phím Shift bên phải bị thiết kế khá nhỏ nên việc sử dụng phím bấm này không được thuận lợi cho lắm. Bênh cạnh đó, với mức giá gần 1000 USD thì đáng ra Asus nên trang bị cho máy một bàn phím có đèn nền.
Bề mặt Trackpad Elan của máy khá nhỏ: 8,1 x 4,8 cm, tuy nhiên, công bằng mà nói thì chiếc Dell Latitude E6220 hay ThinkPad E220s cũng có kích thước Touchpad tương tự. Mặc dù khá nhỏ nhưng các chức năng mutitouch trên trackpad vẫn sử dụng được một cách thoải mái và mượt mà.
Bên dưới trackpad là 2 mắt chuột rời khá nhỏ nhưng khá mềm và khá dễ sử dụng.
Cổng và webcam
Asus nhồi nhét rất nhiều cổng kết nối lên chiếc máy này, bao gồm khe cắm SmartCard và ExpressCard bên mặt phải. Ở mặt này bạn cũng sẽ thấy có 1 cổng HDMI, cổng nguồn, khe khóa máy, Ethernet và cổng modem, VGA, USB 3.0 . Mặt trái máy có 2 cổng USB 2.0 trong đó 1 cổng kiêm luôn chức năng cổng eSATA, một khe cắm thẻ 5-trong-1. Bộ tắt/bật Wireless được bố trí ở phía trước, còn các jack cắm headnphone và mic ở bên trái.
B23E có webcam 2 MP với công tắc điều khiển dạng trượt để bật/tắt. Khi sử dụng phần mềm LifeFrame để quay video, ảnh hơi có hạt.
Dock cắm ngoài
Asus bán kèm một dock cắm ngoài cho máy với giá 150 USD. Với phụ kiện này, máy có thêm các kết nối gồm 4 cổng USB 2.0, DVI, VGA, HDMI, Serial, PS/2.
Độ nóng
Về tổng thể, B23E chạy khá mát và êm trong quá trình thử nghiệm. Sau khi xem 1 video toàn màn hình trong 15 phút, trackpad và phần giữa phím G và H có độ nóng lần lượt là 29 và 30 độ C. Nhiệt độ đo được ở phần bên dưới máy là 34 độ C.
Màn hình và âm thanh
Máy được trang bị màn hình nhám kích thước 12,5 inch giúp làm giảm độ lóa khi sử dụng. Độ phân giải 1366 x 768 pixel cũng như độ sáng 174 lux của máy là khá phổ biến ở các laptop thuộc dòng này. Chiếc Asus N43L có độ sáng 162 lux trong khi Dell Latitude E6220 thậm chí còn thấp hơn, chỉ 159 lux.
Khi xem trailer phân giải HD của phim "The Avengers", bạn sẽ dễ dàng nhận ra các đường gân nổi trên cơ thể nhân vật Thor. Các cảnh tối dường như cũng không bị nhiễu. Góc nhìn ngang của máy khá rộng cho 2 người, tuy nhiên, bạn sẽ phải nghiêng màn hình ra sau 1 chút để quan sát hình ảnh rõ nét hơn.
Mặc dù không kỳ vọng quá nhiều nhưng chất lượng loa (được bố trí ở bên phải máy) của B23E có thể nói là rất đáng thất vọng. Loa máy cho âm thanh rất bé.
Bảo mật
Ngoài độ bền tốt, bộ tính năng bảo mật của B23E là những yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa sản phẩm này với các laptop khác của Asus. Tính năng rõ ràng nhất là đầu đọc dấu vân tay bên phải trackpad. Sử dụng phần mềm Embassy Security Center, bạn có thể nhanh chóng thiết lập mật khẩu đăng nhập vào máy bằng tính năng này. Tuy nhiên, điểm yếu là đầu đọc này không hoạt động khi bật máy từ chế độ chờ (sleep). Bạn sẽ phải sử dụng mật khẩu truyền thống để đăng nhập từ trạng thái này.
Các tính năng bảo mật khác gồm module TPM tích hợp, công nghệ chống trộm (Anti-Theft) của Intel giúp khóa truy cập vào hệ điều hành, hỗ trợ tính năng LoJack for Laptops giúp bảo vệ tài liệu tốt hơn trong trường hợp bị mất trộm. Máy còn được một chương trình hủy tài liệu có tên Secure Delete với giao diện trực quan dễ sử dụng.
Hiệu năng
B23E là một trong những notebook siêu di động mạnh mẽ hiện nay nhờ chip Core i7-2620M 2,7 GHz, RAM 4 GB, ổ cứng 500 GB (tốc độ 7.200 rpm). Thử nghiệm với PCMark 07 (đo hiệu năng tổng thể), máy đạt 2.435 điểm, cao hơn so với mức trung bình của các model cùng loại (2.361 điểm), cao hơn 1 chút so với HP EliteBook 2560p (2.400 điểm). Dell Latitude E6220 cho điểm số cao hơn khá nhiều (4.138 điểm), tuy nhiên, sản phẩm này được hưởng lợi từ ổ SSD tốc độ cao thay vì ổ cứng thông thường.
Máy khởi động Windows 7 Professional mất 52 giây, kém hơn Dell Latitude E6220 hay ultrabook của Toshiba, nhưng so với các model cùng loại thì tốc độ này cũng có thể coi là bình thường, không nhanh không chậm.
Thử nghiệm copy một file dung lượng 4,97 GB, B23E đạt tốc độ trung bình 33,5 Mb/giây, tốt hơn so với các model siêu di động dành cho doanh nhân của các đối thủ như ThinkPad X220s (32,2 MB/giây) hay HP EliteBook 2560p (28,9 MB/giây).
Thử nghiệm với Cyberlink Mediashow Espresso, máy convert một video HD dài 5 phút sang định dạng dành cho iPod touch mất chỉ 35 giây, ngang ngửa Toshiba Portege Z835 (36 giây), Lenovo IdeaPad U300s (37 giây)
Đồ họa
Với đồ họa Intel HD graphics, B23E đạt số điểm 3.816 trong bài thử nghiệm 3DMark06, cao hơn Lenovo ThinkPad X220 (3.494 điểm) nhưng thua HP EliteBook 2560p (4.792).
Thử nghiệm "World of Warcraft", máy cho tỷ lệ khung hình 30 fps với chế độ auto, nhưng khi chuyển sang full setting, tốc độ khung hình rớt xuống còn 14 fps.
Thời lượng pin
Một điểm tốt là với tính năng Xpress Charge, pin của B23E được sạc đầy 90% trong 1 tiếng rưỡi. Tuy nhiên, tin xấu là bạn sẽ phải sạc máy thường xuyên. Thỏi pin 3-cell của máy chỉ "sống" được 4 tiếng 19 phút trong bài thử nghiệm lướt web liên tục qua WiFi với độ sáng màn hình 40%. Các laptop siêu di động cùng loại cho thời lượng trung bình trong bài test này lên tới hơn 6 tiếng rưỡi. Để nhận xét được công bằng thì cũng phải kể đến một số model laptop trong số này được trang bị vi xử lý tiết kiệm điện. Dù thời lượng pin kém nhưng Asus không bán kèm thêm thỏi pin ngoài như các hãng khác.
Phần mềm
Máy được trang bị phần mềm Asus Scene Switch cho phép chuyển đổi ảnh nền màn hình bằng 1 nút bấm bên trái bàn phím. Bạn cũng có thể lựa chọn để tắt tiếng volume. Tính năng này hoạt động đúng như Asus quảng cáo, nhưng khi sử dụng nó thì độ phân giải màn hình bị rớt xuống 800 x 600.
Môt công cụ tiện ích khác là PowerRecover giúp người dùng back-up và hồi phục lại hệ thống. Máy còn có tính năng Fast Boot giúp khởi động nhanh hơn, LifeFrame giúp quay video, FaceLogon giúp nhận dạng khuôn mặt
Lựa chọn cấu hình
Model Asus B23E-XH71 có giá bán 925 USD được trang bị chip Core i7-2620M tốc độ 2,7 GHz , RAM 4 GB, ổ cứng 500 GB tốc độ 7.200 rpm. Model có giá 979 USD có xung nhịp chip cao hơn, lên tới 2,8 GHz.
Kết luận
Asus B23E-XH71 có nhiều tính năng mà người dùng doanh nhân yêu thích, bao gồm thiết kế chắc chắn và bảo mật tốt. Máy cũng cho hiệu năng cao, bàn phím dễ sử dụng. Tuy nhiên, máy có thời lượng pin quá kém.
Tham khảo: Laptopmag