[Đánh giá chi tiết] Alienware M18x, lựa chọn hoàn hảo cho game thủ

Tùng Phạm  | 03/09/2011 05:00 PM

Hiệu năng vượt trội cùng với thời lượng pin sử dụng cao là những điểm nổi bật của máy.

Theo quan điểm của đa số người dùng, máy tính xách tay luôn phải đặt tính di động lên hàng đầu. Chẳng thế mà ngay cả các game thủ cứng cựa cũng phải lắc đầu ngao ngán trước các laptop chơi game vừa to vừa nặng. để bàn "có thể di động" phục vụ nhu cầu game, công việc đòi hỏi phần cứng mạnh hoặc một rạp giải trí di động. Alienware M18x là một lựa chọn phù hợp để thay thế cho các hệ thống để bàn mà vẫn đảm bảo được hiệu suất sử dụng cao. Chiếc laptop có màn hình 18 inch này không chỉ sở hữu thiết kế ấn tượng mà còn được trang bị những thành phần phần cứng mạnh mẽ nhất.
 
Theo truyền thống của Alienware thì M18x đã được quảng cáo rầm rộ trên trang chủ của nhà sản xuất trước khi người dùng có thể đặt mua.
 
 
M18 sử dụng CPU Sandy Bridge 4 nhân mới nhất của Intel. Ở cấu hình cơ bản, máy sẽ chạy cùng với bộ xử lý Core i7-2630QM. Tuy vậy, người mua vẫn sẽ được cung cấp các tùy chọn để nâng cấp CPU lên 2720QM, 2820QM và 2920XM với các mức giá khác nhau. Về mảng đồ họa, người mua cũng có 3 sự lựa chọn, đầu tiên là chiếc card đồ họa GeForceGTX 460M có hiệu năng hơi “đuối” cho mục đích chơi game, hệ thống chạy 2 GPU sẽ phù hợp hơn với các game thủ. Hai lựa chọn tiếp theo là Radeon HD 6970M chạy chế độ CrossFire và GeForce GTX 460M chạy SLI, chúng đủ sức thỏa mãn ngay cả những game thủ khó tính nhất.
 
 
Hệ thống của Alienware được trang bị RAM DDR 3 với dung lượng từ 4GB cho đến 32 GB. Công bằng mà nói thì 8GB RAM cũng đã là quá đủ rồi. Người mua có thể gặp khó khăn trong việc lựa chọn thiết bị lưu trữ cho M18x giữa ổ SSD và ổ cứng lai (kết hợp của ổ cứng truyền thống có tốc độ quay 7200 vòng/phút và ổ flash). Ổ cứng sẽ chạy ở chế độ RAID nhằm tăng thêm hiệu suất. M18x sẽ được cài đặt sẵn hệ điều hành Windows 7 Home Premium, Professional hoặc Ultimate. Những người yêu thích phim ảnh nên chọn ổ đĩa Blu-ray có khả năng ghi được đĩa CD và DVD để phục vụ tốt cho nhu cầu của mình. Sản phẩm còn có các kết nối WLAN và Bluetooth.
 
Về cơ bản, laptop M18x chỉ dành riêng cho các game thủ hardcore có tài chính dư dả. Sản phẩm có giá khá “chát”, cấu hình cơ bản có mức giá 1999 Euro trong khi cấu hình mạnh nhất của M18x có giá bán lên tới 4449 Euro, một mức giá cực kì tốn kém.
 
Vỏ máy
 
Máy tính xách tay của Alienware luôn biết cách tạo được sự khác biệt với lớp vỏ có thiết kế sang trọng và bóng bẩy. M18x có hai màu để người dùng lựa chọn là đỏ và đen.
 
 
Vỏ máy được làm bằng nhôm ở các khu vực để người dùng đặt tay thì có phủ một lớp cao su mềm nhằm tạo sự thoải mái khi sử dụng. Xét về tổng thể thì vỏ máy đạt chất lượng rất tốt.
 
Vỏ máy của M18x khó bị bẩn nhờ vào bề mặt ít bám bụi, duy chỉ có màn hình gương là dễ để lại dấu vân tay và bám bụi. Bộ khung của máy rất chắc chắn nhưng bản lề lại hơi khó mở một chút.
 
Các laptop của Alienware luôn sử dụng các hiệu ứng ánh sáng để gây ấn tượng với người dùng và M18x cũng không phải là một ngoại lệ. Bàn phím, touchpad và các khu vực khác của vỏ máy đều có thể phát sáng với nhiều màu khác nhau. Chính vì thế, sẽ không thành vấn đề nếu sử dụng M18x trong bóng tối. Việc di chuyển thường xuyên với M18x sẽ rất khó vì nó có kích thước khá lớn (43,6 x 32,2 x 5,4 cm).
 
Các cổng kết nối
 
M18x có đầy đủ các kết nối thay thế cho máy để bàn. Cạnh trái của máy gồm có bốn giắc cắm âm thanh, ba cổng dành cho màn hình (VGA, HDMI và Mini-DisplayPort), một khóa Kensington, một cổng RJ-45 GigabitLAN và hai cổng USB 3.0.
 
Bên trái: 4 giắc âm thanh, VGA, HDMI, Mini-DisplayPort, khóa Kensington, RJ-45 GigabitLAN, USB 3.0 x 2.
 
Bên phải máy gồm có hai cổng USB 2.0 cổng eSATA/USB 2.0 và một cổng HDMI. Alienware đã thiết kế khe cắm thẻ Express Card 54 mm và khe cắm thẻ đa định dạng ở bên trên ổ đĩa quang. Phía trước không có cổng kết nối nào và phía sau máy chỉ có ổ cắm sạc. Sẽ tốt hơn nếu như sản phẩm có thêm cổng FireWire nhưng nhìn chung thì các cổng kết nối trên M18x được thiết kế khá tốt.
 
Bên phải: USB 2.0 x 2, eSATA/USB 2.0, HDMI, khe cắm thẻ nhớ, ổ đĩa quang.
 
Bàn phím và touchpad
 
Đối với game thủ, bàn phím là yếu tố tối quan trọng khi chinh chiến. Vốn là "trùm" của dòng gaming laptop, không có lý do gì để M18x vướng phải bất kì sơ sót nào. Bàn phím của M18x có độ nảy rất tốt, bám tay với bề mặt khá êm. Ngoài ra với kích thước đến 19 inch, độ lớn và khoảng cách giữa các phím cũng chuẩn không kém gì các bàn phím rời thông thường.
 
 
Bàn phím của M18x được Alienware bổ sung thêm 5 phím macro ở phía bên trái. Người dùng sẽ mất thời gian để làm quen với cách bố trí phím bấm này. Có thể lúc đầu, việc gõ nhầm là không tránh khỏi tuy nhiên người sử dụng sẽ nhanh chóng quen thuộc với bàn phím này.
 
Touchpad của M18x cũng được thiết kế rất tốt với kích thước lớn và bề mặt mịn nhằm tạo sự thoải mái và dễ dàng khi sử dụng.
 
 
Touchpad này cũng cho độ chính xác cao. Mặc định thì cảm ứng đa điểm không được kích hoạt vì thế người dùng phải tự mình kích hoạt chức năng này của touchpad thông qua các tính năng điều khiển hệ thống. Hai nút bấm chuột nên được làm lại vì cảm giác bấm chuột là không thực sự rõ ràng.
 
Màn hình
 
Màn hình của M18x là loại màn hình gương WLED 18,4 inch có tỉ lệ 16:9. Độ phân giải của màn hình này lên tới 1920 x 1080 nhằm phục vụ cho các nhu cầu giải trí Full-HD. Màn hình lớn giúp M18x có khả năng thể hiện các bộ phim và game một cách chân thực hơn.
 
 
Mặc dù màn hình gương có khả năng thể hiện màu sắc tốt nhưng nó lại gây lóa khiến cho người dùng mất tập trung khi sử dụng. Để giải quyết vấn đề này, người dùng nên sử dụng máy trong môi trường ít ánh sáng. Sẽ tốt hơn nếu Alienware sử dụng màn hình mờ cho M18x.
 
Tuy vậy thì màn hình này lại cho góc nhìn rộng và ổn định. Bạn có thể tham khảo về góc nhìn ở hình ảnh bên dưới.
 
 
Hiệu năng
 
Khi sản xuất máy tính xách tay, Alienware luôn luôn tìm cách để sản phẩm của mình đạt được hiệu năng cao nhất có thể. Chính vì thế mà hãng đã trang bị tất cả các thành phần phần cứng cao cấp nhất cho M18x. CPU hai nhân đã không còn được sử dụng mà thay vào đó là CPU Sandy Bridge 4 nhân của Intel. M18x được thiết kế với vi xử lý 4 nhân Core i7-2630QM và Core i7-2720QM cho hiệu suất cao trong hầu hết các ứng dụng.

Bộ xử lý Core i7-2630QM được sản xuất với công nghệ 32 nm. Vì có tới 8 MB bộ nhớ cache L3 nên Core i7-2630QM cho hiệu năng rất cao so với những CPU bình thường chỉ có từ 3 đến 6 MB cache L3. Ngoài ra thì nó cũng được trang bị công nghệ siêu phân luồng Hyperthreading cho khả năng xử lý tới 8 luồng dữ liệu cùng một lúc.
 
Core i7-2630QM chạy với xung nhịp 2,5 Ghz. Trong điều kiện phải tải nặng và nhiệt độ ở mức cho phép nó có thể chạy được ở  tốc độ 3,5 GHz. Mặt khác, Core i7-2630QM cũng có thể được ép xung ở tốc độ 4,1 GHz nhờ vào các tính năng có trong BIOS.
 
Alienware đã không hề bỏ rơi card đồ họa tích hợp HD Graphics 3000 khi cho phép người dùng chuyển sang chế độ chạy card đồ họa này thông qua việc sử dụng phím Fn để tiết kiệm điện năng tiêu thụ và tăng thời lượng pin. Tuy nhiên quá trình chuyển đổi này cần phải khởi động lại máy tính.
 
Hiệu năng CPU
 
Dưới đây là kết quả khi thử nghiệm CPU với CinBeach 10 và PC Mark.
 
 
Card đồ họa: AMD Radeon HD 6970M X 2
 
Như đã nói ở trên, M18x được trang bị những chiếc card đồ họa mạnh nhất của Nvidia và AMD chạy ở chế độ SLI và Crossfire để đem lại hiệu suất đồ họa cao nhât.
 
Radeon HD 6970M CF chạy rất nhanh, tốc độ của nó chỉ xếp sau GeForce GTX 485M. GPU AMD này có tên mã là "Blackcomb XT", nó được sản xuất trên công nghệ 40 nm với xung nhịp nhân là 680 MHz và 2GB GDDR5-VRAM có tốc độ 900 MHz.
 
 
Cấu hình sử dụng hai GPU có rất nhiều ưu điểm trong đó nổi bật nhất là hiệu suất cao. Tuy vậy, nó cũng có một vài điểm yếu như hiện tượng "micro stutters" gây ra bởi sự khác biệt giữa hai hình ảnh. Theo nhận định chủ quan thì lỗi này không dễ nhận thấy trên M18x vì Radeon HD 6970M CrosFire xử lý hình ảnh rất nhanh. Người dùng sẽ chỉ nhận thấy hiện tượng "micro stutters" một cách rõ nhất khi mà số khung hình trong một giây giảm xuống dưới 30.
 
Một hạn chế khác của hệ thống SLI và CrosFire đó là chúng bị phụ thuộc khá nhiều vào các driver. Khi chạy các game mới ra, hiệu năng không những không được tăng mà đôi lúc còn giảm xuống do thiếu các driver thích hợp. Vì vậy người dùng sẽ phải cập nhật các driver một cách thường xuyên để có thể chơi game ổn định. Một vấn đề nữa đó là 2 chiếc card đồ họa sẽ tỏa nhiều nhiệt và gây ồn hơn.
 
Hiệu năng GPU
 
M18x thực sự vượt trội so với các máy tính xách tay khác, hệ thống Radeon HD 6970M CrossFire cho hiệu năng rất đáng kinh ngạc và chỉ chịu thua GeForce GTX 485M SLI. Trong thử nghiệm 3DMark Vantage ở độ phân giải 1280 x 1024, hệ thống CrossFire ghi được 20162 điểm trong khi giải pháp đồ họa SLI của nVidia ghi được tới 23082 điểm.
 
Sở hữu cấu hình "khủng" với vi xử lý 4 nhân và hai chiếc card đồ họa cao cấp nên hiệu năng của M18x ở mức “top”. Dù chưa hề sử dụng hết toàn bộ sức mạnh nhưng nó vẫn có thể xử lý các tác vụ nặng một cách trơn tru. Chưa dừng lại ở đó việc sử dụng ổ SSD cũng khiến cho hệ thống chạy nhanh hơn. Điểm số 18908 trên trình benchmark PCMark Vantage đã phản ánh đúng giá trị của chiếc laptop này. Có thể nói rằng M18x là một sự thay thế hoàn hảo cho hệ thống để bàn.
 
Trải nghiệm chơi game
 
Các thử nghiệm về game đối với M18x sẽ được diễn ra trên 4 game mới và phổ biến nhất đó là Crysis 2, Call of Duty: Black Ops, Starcraft 2 và Battlefield: Bad Company 2. Tất cả các game này sẽ được chạy trên M18x ở độ phân giải Full HD 1920 x 1080.
 
Với game Crysis 2 chạy ở độ phân giải 1920 x 1080 và thiết lập Extreme, hai chiếc card Radeon HD 6970M CrosFire cho kết quả rất tốt với 43 khung hình/giây trong khi một chiếc card đồ họa Radeon HD 6970M có thể xử lý game ở mức 30 khung hình/giây.
 
Thử nghiệm với game Call of Duty: Black Ops ở mức thiết lập extra, khử răng cưa 4x và lọc bất đẳng hướng 8x, số khung hình đo được là 98 khung hình/giây với Radeon HD 6970M CF và 119 khung hình/giây với GeForce GTX 485M SLI.
 
Với game Starcraft 2 thiết lập ultra, số khung hình đo được trên Radeon HD 6970M CF và GeForce GTX 485M SLI lần lượt là 82,3 và 65,9.
 
 
Ở game cuối cùng là Battlefield: Bad Company 2 với mức thiết lập high, khử răng cưa 4x và lọc bất đẳng hướng 8x. Radeon HD 6970M CF cho kết quả 93,4 khung hình/giây trong khi GeForce GTX 485M SLI xử lý nhanh hơn một chút với 96,8 khung hình/giây.
 
Các game thủ có thể sẽ thấy thích thú với hiệu năng đạt được trên M18x. Tuy GeForce GTX 485M SLI chạy nhanh hơn Radeon HD 6970M CF nhưng Radeon HD 6970M CF lại cho hiệu suất về giá/hiệu năng cao hơn. Dù có sử dụng giải pháp nào đi chăng nữa thì chúng đều có thể xử lý tốt các game sát thủ phần cứng ở độ phân giải tối đa cùng với các thiết lập cao cấp. Các game thủ cũng sẽ không phải lo lắng nhiều trong tương lai gần khi sử dụng hai hệ thống đồ họa này vì sẽ còn khá lâu nữa chúng mới trở nên lỗi thời.
 
Khung hình của một số game khi chơi trên M18x.
 
Độ ồn
 
Đây là một trong những hạn chế của M18x, khi chạy ở chế độ idle thì M18x tỏ ra khá yên tĩnh nhưng khi chơi các game nặng hay chạy các ứng dụng 3D thì máy cực ồn. Độ ồn đo được khi chạy ở chế độ này là 54 dB ở khoảng cách 15 cm. Đối với những người không thích tiếng ồn thì đây là một điểm trừ của máy.
 
 
Nhiệt độ
 
Nhìn chung, M18x hoạt động khá mát. Khi chạy hết công suất nhiệt độ của máy nhất là ở các chỗ đặt tay chỉ vào khoảng 32 độ do đó sẽ không làm ảnh hưởng nhiều tới việc chơi game trong thời gian dài.
 
 
Loa
 
Alienware đã thiết kế hệ thống loa 2.1 cho M18x gồm có hai loa nằm ở phía trước và một loa siêu trầm ở phía dưới. So với các laptop khác thì chất lượng âm thanh của M18x là khá tốt, các âm nghe lớn và rõ, âm bass cũng được thể hiện tốt. Việc có âm lượng lớn sẽ giúp bạn tận hưởng đầy đủ hơn về âm thanh trên M18x. Nếu muốn nâng cao chất lượng âm thanh hơn nữa, người dùng có thể kết nối laptop với các hệ thống loa ngoài.
 
Thời lượng pin
 
Các laptop chơi game thường có thời lượng pin thấp nhưng M18x lại có thể hoạt động trong một khoảng thời gian dài nhờ vào pin 12 cell và công nghệ chuyển đổi đồ họa, ở chế độ ánh sáng thấp nhất và bật các chức năng tiết kiệm pin thì chiếc laptop này có thể trụ được tới 6 giờ 16 phút. Trong điều kiện lướt web thông qua WLAN ở độ sáng màn hình cao nhất thì thời gian này chỉ còn 3,75 giờ. Khi CrossFire được bật và màn hình ở độ sáng cao nhất, M18x chỉ chịu được 57 phút. Vì thế người dùng không có nhu cầu lớn về game nên chuyển sang chế độ card đồ họa tích hợp để tăng thêm thời gian sử dụng cho máy.
 
 
Tổng quan
 
Có thể M18x không hoàn toàn phù hợp với hầu hết người dùng và xu hướng máy tính hiện tại nhưng nó thực sự là một chiếc laptop rất có tiềm năng.
 
Chính vì có kích thước và khối lượng lớn (5 kg) nên M18x không thể đáp ứng được với nhu cầu chơi game di động. Nhờ được trang bị vi xử lý Sandy bridge của Intel và hệ thống đồ họa CrossFire Radeon HD 6970M nên máy tính xách tay của Alienware có hiệu năng vượt trội, M18x có thể xử lý trơn tru nhiều tác vụ nặng và các game thủ có thể hoàn toàn yên tâm khi chơi game trên M18x với độ chi tiết cao nhất.
 
 
Không chỉ có hiệu năng cao mà màn hình và loa của M18x cũng có chất lượng tốt. Vỏ máy cũng khá chắc chắn và đem lại sự thoải mái cho người dùng. Thêm nữa là thời lượng pin của máy cũng khá ấn tượng nhờ vào việc chuyển đổi linh hoạt giữa hai chế độ đồ họa.
 
Tuy M18x có những mặt hạn chế của mình như kích cỡ to, trọng lượng nặng và độ ồn cao nhưng với những thế mạnh nổi bật của mình thì M18x xứng đáng là sự thay thế hoàn hảo cho các hệ thống để bàn.

 Tham khảo: Notebookcheck

Xem thêm:

laptop