CVW 2011: Không có nhiều nét hấp dẫn

Minh Lết - Phi Phong  | 18/07/2011 0:00 AM

Một vài bình luận đằng sau sự kiện VCW 2011, liệu bao giờ thì Việt Nam mới có 1 hội chợ công nghệ đủ sức sánh vai với bạn bè năm châu?

Như vậy là hội chợ triển lãm hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất Việt Nam năm 2011: VCW 2011 đã bế mạc hôm nay. VCW thường tổ chức vào thời điểm đánh dấu sự bắt đầu của mùa mua sắm nửa cuối năm. VCW 2011 cũng không là ngoại lệ. 

Với vị trí là triển lãm thường niên lớn nhất về các sản phẩm tiêu dùng điện tử qui tụ rất nhiều thương hiệu lớn, VCW 2011 có thể nói là cuốn cẩm nang về các sản phẩm tiêu dùng trong phần còn lại của năm 2011.

Bước chân ra khỏi trung tâm triển lãm SECC, bỗng nhiên người ta tự hỏi, liệu VCW 2011 để lại những gì trong lòng người thăm quan? 

1. Hội chợ triển lãm hay hội chợ bán hàng?

Cách đây mấy năm, VCW là một trong những triển lãm lớn nhất Việt Nam về hàng điện tử và các thiết bị công nghệ. Đến với VCW người ta luôn mong chờ được thấy những sản phẩm lạ mắt và được tiếp xúc trực tiếp với những công nghệ, thiết bị trước đây chỉ có thể nhìn trên sách báo. Đây chính là 1 trong những điều làm nên thành công của các kỳ VCW trước, góp phần gây dựng hình ảnh VCW trở nên uy tín và rất danh giá trong mắt giới mộ đạo.

Qui tụ nhiều thương hiệu lớn, VCW từng là 1 cái tên đẹp trong lòng người đam mê công nghệ.

Nhưng ở các VCW gần đây, và đặc biệt là trong VCW 2011, người ta thấy hội chợ này dường như đang "biến chất" khá nhiều. Từ ý nghĩa ban đầu là 1 hội trợ triển lãm, giúp người sử dụng có thể tiếp cận được với những sản phẩm hoặc thương hiệu chất lượng cao, giờ đây rất nhiều hãng phân phối bán lẻ, thậm chí là các cửa hàng không là đại diện của 1 thương hiệu nào cũng tham gia VCW.

Nhiều hãng bán lẻ giờ đây coi VCW là 1 cơ hội để rao bán sản phẩm chứ không còn đơn thuần là triển lãm thiết bị nữa.
 
Một điều dễ nhận thấy là các gian hàng nhỏ, treo nhiều biển quảng cáo lại thu hút khách thăm quan đông hơn hẳn. Ở đây, hấp dẫn người dùng không phải là các sản phẩm mới mà bởi mức giảm giá, khuyến mãi khủng cửa hàng tung ra. 

VnPro tận dụng không gian để căng lên quảng quảng: "Giá sốc giờ vàng", đơn vị này cũng huy động nhân viên chạy đôn đáo khắp triển lãm để phát cho bằng hết tờ rơi. 

Xa hơn một chút, không khí ở gian hàng của inLife luôn nhộn nhịp bởi phần lớn phụ kiện ở đây được xếp đống trong các thùng lớn, khách hàng được thỏa sức lựa chọn với mức chiết khấu cao. 

Triển lãm hay "chợ trời" ?

Giống như 1 quầy bán dạo hơn là 1 gian hàng trưng bày sản phẩm.

Thậm chí có những gian hàng như Taiwan Excellent (vốn là gian hàng chung của nhiều thương hiệu Đài Loan như MSI, Acer...) còn có cách quảng cáo rất phản cảm, mỗi lúc có khách đi qua là PG... vỗ vai 1 cái để dán sticker lên người khách như... đóng dấu kiểm dịch.
 
Các thương hiệu lớn hơn cũng không tạo nên điều gì quá khác biệt, nổi bật ở vị trí trung tâm với gian hàng diện tích lớn nhưng HTC cũng không mang đến nhiều bất ngờ ngoại trừ chiếc HTC ChaCha (hàng xách tay đã được bán tại Việt Nam trước đó).

Samsung thì dường như chỉ tham gia VCW cho có lệ khi mang đến các sản phẩm máy tính và máy in đã có mặt trên thị trường, thiếu vắng hẳn bộ phận Samsung Mobile. Cũng chính trong những ngày diễn ra triển lãm, nhà sản xuất này đã công bố chiếc Samsung Galaxy S2 tại... một địa điểm khác ở Tp Hồ Chí Minh.
 
Như thế, từ vị trí 1 hội chợ triển lãm, không biết từ khi nào VCW đã mang hơi hướm của 1 hội chợ bán hàng, nơi mà khách thăm quan chỉ được thử nghiệm những sản phẩm cũ kĩ, đi kèm với nó là việc chào mời hàng hóa. Tất nhiên đây cũng chẳng phải điều gì xấu, nhưng một khi VCW không còn giữ được vị thế là 1 triển lãm tầm cỡ thì nó cũng chẳng khác gì 1 siêu thị điện máy mà chúng ta có thể tìm thấy ở bất kì tỉnh thành nào.

2. Vắng bóng thương hiệu lớn, thiếu nhiều dòng sản phẩm chính

Dường như "đánh hơi" được xu hướng biến chất của VCW, nhiều thương hiệu lớn như LG, Intel, Canon, Nikon... không đem sản phẩm của mình đến với hội chợ lần này. Và hệ quả là VCW 2011 bị thống trị bởi các thương hiệu ít tên tuổi hơn như D-Link, Draytek, Genius, Transcend, ZyXEL... Và các thương hiệu này cũng không đem đến nhiều đột phá cho VCW 2011. Nếu bạn đi dự hội chợ lần này với mong muốn được ngắm nhìn những sản phẩm công nghệ mới nhất như ở Computex, có lẽ bạn sẽ cảm thấy thất vọng rất nhiều.

Sản phẩm ít, trưng bày hỗn tạp và thiếu chuyên nghiệp là đặc điểm chung của nhiều gian hàng từ các cửa hàng bán lẻ.

Chính sự vắng mặt của các thương hiệu lớn đã khiến dòng sản phẩm trưng bày tại VCW 2011 có những lỗ hổng không thể bù đắp. Đơn cử như việc vắng mặt các sản phẩm điện thoại mà chúng tôi đã từng đề cập trong dòng bài viết liên quan tới sự kiện này. Đồng thời với smartphone là các tablet cũng vắng mặt. Ngoài HTC và Pi là 2 hãng có trưng bày sản phẩm tablet của mình.

Tablet của Pi là 1 trong số những nhãn hàng máy tính bảng hiếm hoi tại VCW 2011.
 
Đồng thời việc thiếu vắng cả 2 hãng sản xuất máy ảnh DSLR lớn nhất ở Việt Nam là Nikon và Canon khiến cho hội chợ gần như hoàn toàn vắng bóng các máy ảnh DSLR. Pentax, Sony cũng đem 1 vài mẫu DSLR của mình tới hội chợ nhưng 2 thương hiệu này khó lòng có thể khỏa lấp được khoảng trống do 2 đại gia nói trên để lại.
 
Có lẽ, trong mắt các đại gia thì VCW đã từ lâu không còn là sân chơi thú vị. Canon tìm được ngày hội của riêng mình với triển lãm Canon Festival thường niên, Intel năm nào cũng có các sự kiện lớn tổ chức riêng cùng các đối tác ở Việt Nam...

3. Hoạt động bên lề rất sôi động nhưng không có chiều sâu

Bước vào trung tâm triển lãm SECC ở quận 7 thành phố Hồ Chí Minh những ngày diễn ra VCW 2011, những người yếu thần kinh có thể nhanh chóng cảm thấy hoa mắt chóng mặt với không khí nhiệt náo của hội chợ. Các gian hàng thi nhau mở loa hết công suất để mời gọi khách thăm quan đến với mình. Từ cách hút khách bằng các PG, kiểu câu kéo người xem bằng trò chơi, chương trình khuyến mãi hoặc các "loa phóng thanh" liên tục nã vào tai người xem hàng tràng những bài quảng cáo dài lê thê rất phổ biến ở VCW 2011.

Mắt to, tóc dài, da trắng, dáng chuẩn nhưng lúc hỏi về sản phẩm thì các PG, thậm chí là cả người phụ trách gian hàng đều tỏ ra ú ớ.

Tuy nhiên khó có thể tìm thấy ở VCW 2011 những thông tin thực sự có chiều sâu về phương hướng hoạt động của công ty hay những lời giới thiệu chi tiết về sản phẩm người xem đang thăm quan. Tất cả những gì mà người xem có thể tìm thấy ở 1 sản phẩm trưng bày ở VCW 2011 là 1 tờ rơi giới thiệu cấu hình và giá (kèm khuyến mãi, nếu có) và... chấm hết. Các PG, thậm chí là cả những người phụ trách gian hàng đều không có nhiều hiểu biết về sản phẩm, thương hiệu mà mình đang quảng bá, điều này khiến cho việc tìm hiểu sâu hơn về sản phẩm lại càng trở nên khó khăn.

Đôi khi đi xem 1 hội chợ triển lãm, người ta không chỉ xem về tính năng, cấu hình của sản phẩm, mà muốn biết nhiều hơn, sâu hơn về những ý tưởng, những tham vọng, thông điệp mà nhà sản xuất gửi gắm vào sản phẩm đó. Hoặc thậm chí là tìm hiểu về thương hiệu, có được những cái nhìn và sự tiếp xúc sâu sắc hơn với ý tưởng, phương hướng phát triển của thương hiệu ấy. 

Một vài gian hàng của các hãng lớn như Sony, HTC, Samsung được bài trí chuyên nghiệp và chú trọng đến trải nghiệm của người xem.

Một triển lãm như Computex không chỉ là nơi giới thiệu sản phẩm mà còn là chỗ để các nhà sản xuất phô diễn phương hướng phát triển trong tương lai của mình, và cho người xem 1 cái nhìn về những công nghệ mà họ sẽ được tiếp cận trong thời gian sau đó. VCW 2011 không làm được điều này.

4. Vẫn còn những hạt sạn trong khâu tổ chức

Mặc dù đã rời địa điểm tổ chức ra ngoại thành, khá xa khu trung tâm, VCW 2011 vẫn tồn tại nhiều hạt sạn khó tin trong khâu tổ chức. Đơn cử từ 1 việc nhỏ nhặt như chuyện trông xe. Mặc dù bãi để xe của VCW 2011 rộng thênh thang ở cả trước và sau khu nhà triển lãm, vẫn xảy ra hiện tượng quá tải trong 2 ngày đầu diễn ra hội chợ. Rất nhiều người không thể tìm được chỗ gửi xe, kể cả ở các bãi giữ xe "dù" bên ngoài.

Nhiều người không gửi được xe vì hết chỗ.

Tin tưởng rằng với diện tích của SECC, nếu muốn tổ chức việc giữ xe cho số khách tham gia đông hơn thế gấp vài lần cũng không phải điều gì quá khó khăn. Tuy nhiên không rõ ban tổ chức VCW 2011 không tính được khâu này hay cố tình "sống chết mặc bay".

Hoặc như chuyện khuyến mãi nước uống, nhãn hàng CocaCola tài trợ nước uống cho người xem nhưng lại bắt người xem tự thò tay vào thùng nước lạnh toát, đục ngầu (vì không biết đã có bao nhiêu bàn tay từng thò vào trước đó) để lấy nước. Điều này khiến không ít người tham gia hội chợ chùn tay, thà chịu khát hoặc bỏ tiền mua nước chứ không xài đồ khuyến mãi.

5. Vẫn có những điểm sáng

Bên cạnh những yếu điểm không thể chối cãi, sẽ là rất thiếu công bằng nếu nói VCW 2011 chỉ toàn điều tiêu cực. Chúng ta vẫn sẽ thấy ở VCW 2011 rất nhiều điều đáng để khích lệ. Trước tiên là một số sản phẩm khá mới ở thị trường Việt Nam cũng đã xuất hiện tại VCW 2011, giúp người xem tiếp cận được những sản phẩm trong mơ sớm hơn bình thường.

Trong số đó, có thể kể tới 1 vài cái tên tiêu biểu như HTC ChaCha, Sony Vaio Z, Samsung Series 9, máy ảnh mới của Sony... 

HTC ChaCha là 1 trong những sản phẩm lần đầu ra mắt ở Việt Nam.

Chiếc Sony Vaio Z cũng là 1 sản phẩm mới được Sony giới thiệu lần đầu tiên tại VCW 2011.

Hơn thế nữa, sự xuất hiện của 1 vài gian hàng độc đáo, với những nhân viên có sự hiểu biết sâu sắc về sản phẩm trưng bày như gian hàng trưng bày robot của VietCad hay 1 gian hàng khác cũng "demo" robot của sinh viên đại học bách khoa TPHCM để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người xem.


Sự xuất hiện của những thương hiệu việt như công ty Pi Việt Nam chuyên sản xuất máy tính bảng cũng gây được nhiều sự chú ý của khách thăm quan.

Thay cho lời kết

Chê bai, chỉ trích một thứ gì đó luôn luôn là việc làm rất đơn giản, nhất là khi mà bản thân nó cũng tồn tại nhiều khuyết điểm. Đó có lẽ là lý do 1 người bạn viết báo về mảng phim ảnh của tôi phải thốt lên: "Bây giờ ai từng xem hết 1 vài bộ phim cũng có thể làm được nhà phê bình điện ảnh".

Những khuyết điểm mà tôi liệt kê ở trên đây của VCW 2011 không phải là để dè bỉu 1 sự kiện của người Việt, do người Việt và cho người Việt. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận những điểm chưa được của mình để rút kinh nghiệm cho lần tới được "xuôi chèo mát mái" hơn.

Chắc chắn sẽ còn VCW 2012 và đến khi đó, thực sự hi vọng chúng tôi có thể tiếp tục được theo sát sự kiện này để thông tin tới bạn đọc những chuyển biến tích cực mà chúng ta đều mong chờ ở kì hội chợ lần tới. Để VCW của Việt Nam một ngày nào đó có thể thực sự sánh vai với các "bạn đồng nghiệp" lớn hơn và lâu đời hơn.
Xem thêm:

VCW 2011