Có trong tay 25-30 triệu, mua laptop chơi game nào là "chuẩn"?

Nội Tâm  | 23/02/2011 0:00 AM

Bài viết giới thiệu đến độc giả 3 sản phẩm laptop chơi game “sáng giá” nhất tại thị trường Việt Nam tại thời điểm này. Đó là Asus G51JX-X5, Dell Alienware M11xR2 và Asus G73JH.

Trong khoảng gần 2 năm kể từ khi xuất hiện, khái niệm “laptop chơi game” đã dần trở nên quen thuộc và phổ biến trong cộng đồng game thủ Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều có giá “trên trời” nên chưa thể tiếp cận người dùng phổ thông. Do có khá ít tiềm năng và bản thân cách quá xa các thị trường chính nên số lượng các mẫu laptop chơi game tại Việt Nam cũng không phong phú (về cấu hình và đương nhiên là giá thành), gây khó khăn cho các khách hàng ở các phân khúc khác nhau khi có ý định tiếp cận.
 
Trong bài viết này, GenK.vn xin giới thiệu đến độc giả 3 gaming laptop “giá rẻ” trong tầm giá 25-30 triệu - mức có thể nói là “phổ thông nhất” đối với laptop chơi game (được các công ty dựng sẵn cấu hình và nhập về), với 2 đại diện đến từ Asus và 1 đại diện đến từ Dell Alienware.
 
Tất nhiên, với mức giá này, bạn không thể đòi hỏi một chiếc laptop “đỉnh” nhất với đầy đủ các tính năng thời thượng. Bởi vậy, trước khi đi vào chi tiết từng sản phẩm, chúng ta hãy cùng xác định:
 
Bạn cần gì ở một chiếc laptop chơi game?
 
Laptop chơi game tất nhiên sinh ra để chơi game, nên chúng sẽ có thiết kế và phần cứng khác với các dòng laptop khác. Nếu như laptop phổ thông chỉ chủ yếu chú trọng cấu hình; laptop doanh nhân hướng đến thiết kế sang trọng và các tính năng bảo mật, trong khi vẫn đòi hỏi làm việc tốt; thì ở laptop chơi game, đó là vẻ ngoài hầm hố, hệ thống âm thanh sống động, bàn phím lớn hơn, màn hình hỗ trợ độ phân giải cao và đương nhiên – cấu hình tương thích chơi game.
 
Tuy nhiên không phải chiếc laptop nào cũng đáp ứng được tất cả các tiêu chí này, đặc biệt ở phân khúc phổ thông thì càng không, nên việc bạn cần làm là xác định thứ tự ưu tiên của mình trước khi tham khảo sản phẩm.
 
Độc giả lưu ý: vào thời điểm thực hiện bài viết, các nhà phân phối niêm yết giá sản phẩm khác nhau do tỷ giá USD đang điều chỉnh mạnh và chính sách bán hàng của từng công ty. Thêm vào đó, giá trong bài chưa bao gồm VAT. Hãy liên hệ các nơi bán sản phẩm để có giá chính xác nhất.
 
Asus G51JX - X5
Giá khoảng 28 triệu đồng
 
Đại diện đầu tiên đến từ Asus. Giới thiệu sơ qua một chút: hiện nay trên thế giới có 3 nhà sản xuất laptop chơi game lớn là Dell, Asus và MSI. Trong đó Asus và MSI được giới game thủ “thắt lưng buộc bụng” ưa chuộng hơn nhờ giá thành khá mềm so với cấu hình, nếu đem so sánh với Dell Alienware. Thật tiếc khi không có một sản phẩm nào của MSI tại Việt Nam xứng đáng góp mặt trong phân khúc này.
 
 
Với thiết kế vỏ máy bóng bẩy và bắt mắt nhưng không quá phức tạp, cảm nhận đầu tiên G51JX đem lại thực sự khó tả, mà người viết chỉ có thể dùng từ rất... “game thủ”.
 
Bàn phím dạng nút (chicklet) được thiết kế chuyên dành cho game thủ, với độ lớn phím tiêu chuẩn và đầy đủ bàn phím số. Hệ thống đèn backlit phía dưới khá hữu dụng khi chơi game ban đêm. Tuy nhiên, phần phím số lại có chiều rộng nhỏ hơn một chút, gây khả năng bấm nhầm khá khó chịu khi mới sử dụng.
 
 
Sở hữu chip xử lý Intel Core i7-720QM 1.6GHz (công nghệ Turbo tăng xung lên 2.8GHz khi chơi game) cùng bộ nhớ RAM 4GB, Asus G51JX-X5 có thể lướt băng qua bất kì ứng dụng ngốn RAM và tài nguyên hệ thống nào. Đi cùng bộ đôi mạnh mẽ đó là card đồ họa Nvidia GTS 360M 1GB có sức mạnh ngang ngửa với GTX 260M trong các model thế hệ trước.
 
Tuy chỉ được xếp vào hàng thứ 2 trong danh sách card đồ họa dành cho laptop nhưng cũng đủ sức giúp bạn chinh phục hầu hết các game với thiết lập high-settings. Kho lưu trữ là ổ cứng dung lượng 500GB đủ đáp ứng nhu cầu lưu trữ game và giải trí của người dùng.
 
Điểm đặc biệt quan trọng làm nên khác biệt với 2 cỗ máy còn lại (mà GenK.vn sắp giới thiệu) là công nghệ 3D Vision. Đây là công nghệ của Nvidia tích hợp trên card đồ họa, cho phép người dùng có được trải nghiệm tuyệt vời trong thế giới 3 chiều (sử dụng kính chuyên dụng). Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, nếu muốn tận hưởng game 3D, có lẽ card đồ họa GTS 360M chưa đủ đẳng cấp. Bạn chỉ có thể thưởng thức một số game nhẹ. Dù sao, được sở hữu rạp phim 3D di động cũng là điều đáng ghen tị.
 
 
Để cung cấp công nghệ 3D, ngoài điều kiện cần là card đồ họa, Asus còn cung cấp thêm điều kiện đủ là màn hình 15.6” có tần số làm tươi lên đến 120Hz. Tuy nhiên, có một điều khiến người viết cảm thấy khá khó hiểu trong thiết kế của Asus: màn hình LED 15.6” hỗ trợ đến độ phân giải Full HD 1920x1080. Với độ lớn màn hình cỡ này, việc quan sát ở độ phân giải Full HD là cực kì khó khăn, người dùng chỉ có thể thực sự sử dụng ở độ phân giải 1600x900.
 
 
Tuy cấu hình chưa thuộc hàng quái vật, nhưng với việc trang bị pin 6-cell, thời lượng sử dụng của G51JX khá nghèo nàn: chỉ 2,5 giờ chạy các ứng dụng cơ bản, và khoảng 1,5 giờ chơi game.
 
Thêm một điểm trừ nữa: dù cấu hình chưa cao, máy lại có trọng lượng thuộc hàng “top”: 3,3kg chưa tính sạc. Nếu mang theo đầy đủ phụ kiện, bạn sẽ phải vác tổng cộng 5kg trên vai, khá bất tiện trong những chuyến đi xa.
 
Ưu:
 
- Thiết kế bóng bẩy.
 
- Cấu hình tương đối.
 
- Bàn phím thiết kế tốt, sử dụng dễ chịu.
 
- Công nghệ 3D Vision nâng đến tầm cao mới trong giải trí.
 
Khuyết:
 
- Cấu hình chưa hợp lý: “Lưỡi kiếm” GTS 360M chưa tương xứng với “chiếc khiên” i7.
 
- Màn hình hỗ trợ Full HD nhưng khá bé.
 
- Cân nặng đến 3,3kg.
 
Tổng kết lại, với mức giá 26,5 triệu, Asus G51JX-X5 thực sự là một lựa chọn không tồi.
 
Dell Alienware M11xR2
Giá: 25 triệu đồng
 
Không cần giới thiệu nhiều, cái tên Alienware đã quá quen thuộc với dân nghiền game Việt. Thiết kế cực kì tuyệt vời, khiến người viết không thể không ưu ái viết dài hơn.
 
 
Giống như các anh em của mình, M11x đóng bộ cánh “nhìn biết ngay”, cực ngầu và đầy bí ẩn, gợi liên tưởng đến một thiết bị đến từ ngoài hành tinh với khá nhiều đèn LED: dưới bàn phím, đèn báo trạng thái, nút power hay thậm chí cả logo.
 
Bàn phím của M11x được thiết kế dạng phẳng các phím kích thước hợp lý, khá đẹp và bắt mắt, được Dell quảng cáo là đã tinh chỉnh cho phù hợp với việc chơi game. Tuy nhiên tôi khá nghi ngờ về điều này, bởi nói gì thì nói, bàn phím phẳng đương nhiên không thể đem lại cảm giác phân biệt rõ ràng giữa các phím khi lướt tay thao tác. Một hệ thống đèn LED được gắn bên dưới bàn phím, nhìn cực ngầu và phấn khích. Nếu chơi game vào buổi tối thì thật là tuyệt vời!
 
 
Được trang bị bộ xử lý Intel Core i5-520M và 4GB RAM DDR3, Alienware M11x đem lại năng lực tính toán vừa đủ. Bản thân người viết đánh giá cao điều này, bởi “vừa đủ” mới chính xác là những gì người tiêu dùng cần. Nếu như chiếc Asus G51JX ở trên sử dụng cấu hình này, nó sẽ cân đối hơn với card đồ họa GTS 360M, giá thành cũng đương nhiên giảm đáng kể trong khi hiệu năng chơi game không bị ảnh hưởng nhiều.
 
Card đồ họa Dell cung cấp cho sản phẩm này là Nvidia GT 335 1GB. Thực sự thì lựa chọn này không làm tôi hài lòng cho lắm, bởi sức mạnh của nó khá khiêm tốn, chỉ đứng hàng trung bình trong các card đồ họa dành cho laptop.
 
 
Tuy nhiên, có lẽ nhà sản xuất đã có ý đồ từ trước, bởi M11x sử dụng màn hình kích thước khá “tí hon” 11.6” độ phân giải 1366x768. Tại độ phân giải này, GT335 cũng có thể cung cấp chất lượng chơi game khá tốt với các thiết lập từ trung bình đến cao. Đặc biệt với kích thước nhỏ nhắn như vậy, đại diện đến từ Dell Alienware có trọng lượng đáng kinh ngạc trong thế giới gaming laptop: chỉ 1,8kg - Thậm chí còn nhẹ hơn 1 số laptop dòng phổ thông!
 
Không chỉ vậy, ưu thế của “thấp bé nhẹ cân” còn được thể hiện bằng thời lượng pin: với pin 8-cell, máy cung cấp 4,5 giờ sử dụng các nhu cầu cơ bản như lướt web, nghe nhạc; 2 đến 2,5 giờ chơi game. Bạn sẽ không thể tìm thấy điều này ở bất kì một chiếc laptop chơi game nào khác.
 
Ưu:
 
- Thiết kế tuyệt đẹp.
 
- Xây dựng cấu hình tốt, các linh kiện tận dụng hợp lý sức mạnh của nhau.
 
- Trọng lượng nhẹ đem lại sự linh hoạt khi có nhu cầu di chuyển.
 
- Thời lượng pin tốt.
 
Khuyết:
 
- Cấu hình không “đã”.
 
- Sử dụng bàn phím phẳng.
 
- Màn hình nhỏ.
 
Nếu so sánh với các laptop chơi game khác, Alienware M11x “đuối” hơn về sức mạnh và trình diễn, nhưng nếu là người coi trọng thẩm mĩ và tính linh hoạt, bạn sẽ bị thuyết phục bởi vẻ thiết kế phong cách, trọng lượng nhẹ cùng thời lượng pin tốt của nó. Nếu so sánh với Asus G51JX-X5, có vẻ Alienware M11x là một phản chiếu ngược hoàn toàn. Sản phẩm có giá 25 triệu VNĐ.
 
Asus G73JH - BTS7
Giá khoảng: 30 triệu đồng
 
Nếu như đối với những người ít tìm hiểu, nhắc đến laptop chơi game, cái tên Alienware lập tức xuất hiện ngay trong đầu, thì đối với dân trong nghề, Asus G73JH mới là lựa chọn sáng giá và phổ biến nhất. Sở hữu cấu hình có thể nói thuộc hàng mạnh nhất hành tinh, G73JH có mức giá hấp dẫn hơn các đối thủ cùng sức mạnh đến từ Dell Alienware khá nhiều (tại thị trường Việt Nam). Có lẽ lý do ở đây là thương hiệu. Thương hiệu lớn luôn đồng nghĩa với giá cả chênh lệch “kha khá”.
 
 
Nếu như Alienware M11x trông giống như một thiết bị đến từ ngoài hành tinh, thì G73JH gợi liên tưởng đến một chiếc vali quân sự thông minh trong các bộ phim hành động (để chống lại người ngoài hành tinh chăng?) với tông đen xám là chủ đạo – nhìn toát lên vẻ lạnh lùng và hầm hố. Tuy nhiên lớp vỏ nhựa lại có khả năng bị trầy xước, khá nguy hiểm khi một trong những “nhiệm vụ” của laptop là “bị quăng quật”. Máy có kích thước khá đồ sộ, với màn hình 17.3” hỗ trợ độ phân giải 1600x900, chiều dày lớn nhất 568mm. Tuy nhiên, G73JH lại có khối lượng khá khiêm tốn nếu so với kích thước: chỉ 3,7kg.
 
 
Máy có 2 khe tản nhiệt đặt phía sau, giúp duy trì nhiệt độ ổn định suốt thời gian chinh chiến. Dù là khe tản nhiệt nhưng nhìn cũng rất ngầu, trông giống cửa của động cơ phản lực thì đúng hơn.
 
Giống như Asus G51JX, bàn phím được thiết kế dạng nút (chicklet) với đèn chiếu sáng bên dưới, khá thuận tiện cho những ai trốn vợ hay bố mẹ chơi game ban đêm. Các phím được thiết kế với độ lớn chuẩn trừ phần phím số bên phải, ai hay sử dụng có thể sẽ cảm thấy hơi chật chội và khó chịu.
 
 
Nếu mệt mỏi và căng thẳng sau nhiều giờ chinh chiến, bạn có thể thưởng thức các bộ phim qua ổ đĩa Blu-ray được hãng trang bị. Tuy nhiên, do giới hạn về độ phân giải, người dùng chỉ có thể tận hưởng tối đa 720p.
 
 
G73JH sở hữu cấu hình cực kì mạnh mẽ: Intel Core i7-740QM 1.73Ghz (2.93GHz Turbo Mode), bộ nhớ RAM 6GB DDR3, với lưỡi gươm cực sắc bén AMD 5870M – đứng trong nhóm top 1 card đồ họa cho laptop, có thể nói không trở ngại nào có thể cản bước con quái vật này.
 
Bạn hoàn toàn có thể thưởng thức các game mới nhất với thiết lập cao nhất, đem lại cảm giác ngây ngất chỉ những người từng chơi game max setting mới hiểu. Tuy nhiên, card đồ họa 5870M xảy ra một số bug nhỏ tại một số game, tuy bạn chỉ có thể phát hiện ra nếu dán mắt vào màn hình và soi mói, nhưng nó cũng phá vỡ sự hoàn hảo mà lẽ ra hệ thống phải mang lại. Thêm một điểm trừ nữa: ổ cứng dung lượng 640GB đem lại khả năng lại khả năng lưu trữ khá lớn, nhưng lại hoạt động ở tốc độ 5400 vòng/phút – có khả năng trở thành nút thắt kéo lùi trình diễn trong vài trường hợp. Khá khó hiểu khi Asus lại lựa chọn như vậy!
 
 
Đối với laptop, cấu hình khủng luôn đồng nghĩa với thời lượng pin thấp. Dù được trang bị pin 8-cell, bạn chỉ có thể nghe nhạc, lướt web và chat chit trong khoảng hơn 2 giờ; xem phim thì chỉ được khoảng 1 giờ 15 phút (còn chưa hết nổi một bộ phim nữa), còn chơi game thì… tốt nhất là không nên chơi game khi dùng pin.
 
Ưu:
 
- Cấu hình mạnh mẽ đáp ứng hoàn hảo nhu cầu chơi game.
 
- Bàn phím chicklet có đầy đủ cả phím số.
 
- Thiết kế cực đẹp, tuy không bắt mắt nhưng vẫn toát lên vẻ lạnh lùng hầm hố.
 
- Tản nhiệt tốt.
 
- Giá cả cực hợp lý.
 
Khuyết:
 
- Vỏ máy có khả năng trầy xước.
 
- Thời lượng pin không thể tệ hơn.
 
- Sử dụng ổ cứng tốc độ 5400 vòng/phút.
 
Tuy vẫn còn tồn tại vài khuyết điểm, nhưng có thể nói, đây là model laptop chơi game mà người viết cảm thấy ưng ý nhất trong bài viết này. Sản phẩm có giá 30 triệu VNĐ.