[Chuyện xưa tích cũ] Huyền thoại về chiếc PC PS/2 của IBM (P.2)

Leopard  | 16/07/2012 0:00 AM

Tuy không thành công như mong đợi của IBM, nhưng chiếc PS/2 đã đặt nền móng cho những cách tân mới mà hầu hết các PC đã / đang dùng cho tới hôm nay.

Ở phần trước, chúng ta đã tìm hiểu sơ lược về nguyên nhân và hoàn cảnh ra đời chiếc PS/2 của IBM. Còn ở lần này, chúng ta sẽ nói về các tính năng nổi bật, thứ đã giúp cho PS/2 trở thành một huyền thoại.

Tích hợp các cổng giao tiếp mới, dùng chuẩn nhớ mới

Trong các dòng PC được IBM tung ra trong suốt giai đoạn 1981 - 1984, hãng này có "sở thích" làm ra những cấu hình "nền" (base) với một lượng tính năng tối thiểu nhất. Rồi IBM cho phép người tiêu dùng nâng cấp các hệ thống của mình bằng những card mở rộng thông qua các khe cắm nằm bên trong. Tức một chiếc IBM PC ra mắt trong 1981, sẽ có thêm 5 khe mở rộng "để dành" bên cạnh một card đồ hoạ, một bộ điều khiển ổ lưu trữ (cứng hoặc mềm), một card serial và một card máy in - cấu hình "chuẩn" vào lúc bấy giờ.


Ngoài ra, với PS/2, IBM còn theo hướng tích hợp sẵn các cổng giao tiếp phổ biến trực tiếp lên mainboard, người tiêu dùng sẽ không cần phải mua thêm card mở rộng nếu muốn dùng các loại cổng này. Mỗi model PS/2 sẽ kèm theo một cổng serial, một cổng parallel, cổng cho chuột máy tính, cổng video và một đầu đọc đĩa mềm. Nhờ vậy mà người dùng "tiết kiệm" được 5 khe mở rộng kia cho các mục đích khác.

Bên cạnh đó, các model PS/2 cao cấp khác còn kèm theo một số tính năng dành riêng khác, ví như con chip 16550 UART cho phép trao đổi tín hiệu serial (dùng với modem mạng) nhanh hơn, hoặc khe cắm RAM 72 chân SIMM (single in-line module). Cả hai tính năng này nhanh chóng trở thành chuẩn công nghiệp trở về sau.

Cổng PS/2 cho bàn phím & chuột

Thi thoảng nếu bạn thấy một chiếc mainboard hoặc chuột máy tính hay bàn phím nào đó ghi "cổng PS/2" thì đấy chính là chiếc cổng "mới" được IBM ra mắt trong những năm cuối thập niên 1980. Đấy cũng là chiếc cổng mà chúng ta đã đề cập ở trên - mỗi chiếc PS/2 được kèm theo một chiếc cổng mới (nên gọi là cổng PS/2) được thiết kế lại chỉ để gắn bàn phím hoặc chuột, có cấu tạo gồm 6 chân mini-DIN.

Theo ý đồ của IBM, thì con chuột - vốn là một thiết bị ngoại vi trong các năm 1980 - sẽ trở thành một phần quan trọng của hệ thống. Big Blue hứa hẹn rằng một giao diện đồ hoạ mới (HĐH OS/2) sẽ đối chọi được giao diện của những chiếc Macintosh của Apple về mặt tính năng cửa sổ.


Cho tới hôm nay, cổng PS/2 đã hoàn thành xuất sắc vai trò lịch sử của mình và đang dần nhường chỗ cho cổng USB. Song vẫn còn khá nhiều model chuột & bàn phím vẫn tiếp tục áp dụng cổng này.

Ổ đĩa mềm mới

Mọi chiếc PS/2 được IBM kèm theo một ổ đĩa mềm 3,5-inch. Đây là công nghệ do Sony phát triển, mà về sau, trở thành một trong các điểm sáng giá nhất trên dòng máy Macintosh của Apple. Model cấp thấp PS/2 30 chỉ kèm theo một đầu đọc và ghi được các đĩa mềm 720 KB. Còn các model P2/S khác đến với một "bất ngờ khác" vào lúc bấy giờ: một đầu đọc đĩa 1.440 KB (hay 1,44 MB). Tương tự cổng PS/2, ổ đĩa mềm "mật độ cao" này nhanh chóng trở thành một chuẩn công nghiệp khác trong suốt 2 thập kỷ (người dịch - tôi vẫn nhớ những ngày đầu tiên dùng máy tính và copy dữ liệu trên đĩa mềm, tai lắng nghe tiếng cọc-cạch và chắp tay... cầu cho mọi thứ suôn sẻ).


Chiếc ổ mềm 3,5-inch trên PS/2 lúc ấy thực sự là điều hoàn toàn mới với giới PC. Trước đấy, IBM vẫn "trung thành" với các ổ 5,25-inch. Và bước chuyển này ban đầu đã gây shock cho những người dùng có cả bộ "sưu tập" dựa trên các đĩa 5,25-inch. Dù rằng IBM cũng đã có tuỳ chọn dùng lại ổ 5,25-inch cho dòng máy PS/2, nhưng cả giới công nghiệp "nhái" đã nhanh chóng học theo với các model mới dùng ổ 3,5-inch. Về sau, nhiều công ty phần mềm trên thế giới bắt đầu bán sản phẩm dựa trên cả 2 đĩa mềm trên.

Cổng tín hiệu VGA & MCGA

Cũng trong rất nhiều năm, PS/2 trở thành một trong các huyền thoại vì chiếc cổng VGA (Video Graphics Array hay còn gọi là D-Sub) của nó mà về sau, thành một chuẩn công nghiệp.

Trong số nhiều model, chiếc cổng VGA của PS/2 hỗ trợ độ phân giải "tới" 640 x 480 trên một màn hình 16 màu hoặc 320 x 200 trên màn hình 256 màu. Ngày nay những thứ này nghe rất "cùi", nhưng hơn 20 năm trước, đấy là một trong những cải tiến lớn nhất cho công nghiệp PC. Chiếc cổng VGA này cũng tương thích ngược với các cổng EGA (Enhanced Graphics Adapter) và CGA (Color Graphics Adapter) trước đấy của IBM.


Model 30 cấp thấp một lần nữa, lại bị cho "ra rìa" bằng cổng MCGA (Multi CGA) cũng hỗ trợ độ phân giải 320 x 200 ở 256 màu, nhưng chỉ trắng đen ở mức 640 x 480. Ngoài ra, MCGA không tương thích ngược với EGA nên các hãng "nhái" không mặn mà với nó. VGA trở thành lựa chọn của nền công nghiệp về sau.

Bus MCA & ISA

Những ánh hào quang đầu tiên của PS/2 còn được đánh bóng thêm bởi một bus mở rộng mới, được gọi là MCA (Micro Channel Architecture). Mọi chiếc PS/2 ngoại trừ Model 30 đều được bán kèm với các khe MCA dùng cho mục đích mở rộng. Riêng Model 30 lại dùng khe ISA, loại có trên các chiếc IBM PC đầu tiên và PC AT về sau.

Điều đáng ngạc nhiên là khác với các cải tiến đã nêu ở trên, giới công nghiệp không mặn mòi với MCA mà lại ủng hộ ISA. Một nguyên nhân chính được cho là đã hạn chế sự đón nhận bus MCA, là việc IBM độc quyền việc sử dụng và phát triển loại bus này. Hãng nào khác muốn dùng MCA phải trả một phí bản quyền khá cao nên họ quay trở lại với bus ISA.

Khe cắm ISA 8 bit & 16 bit.

Nhưng bus ISA không phải không có điểm dở, nó đã trở lên chậm chạp và gặp nhiều hạn chế từ giữa các năm 1980. IBM cải thiện điều này với bus MCA bằng cách tăng bề rộng dữ liệu truyền tải từ 16 bit lên 32 bit và đồng thời tăng xung nhịp của bus từ 8 lên 10 MHz.

IBM còn đồng thời phát triển thêm một tính năng tương tự plug-and-play nhưng còn ở mức sơ khai cho MCA. Tức mỗi card mở rộng MCA sẽ kèm theo một số ID 16-bit nhằm giúp các hệ thống PS/2 tự động nhận diện bản thân chiếc card và tự cấu hình cho nó. Về lý thuyết, cách này đơn giản hơn phương pháp cấu hình "tay" điều chỉnh jumper trên các card ISA. Song trong thực tế, nó không hữu dụng lắm, vì những chiếc đĩa IBM Reference Disk cũ không nhận diện được ID của những chiếc card mới, và IBM phải thường xuyên ra các bản IBM Reference Disk cập nhật mới danh sách trên. Trong các năm 1980, việc cập nhật này thông qua đĩa mềm chứ không bằng Internet như trên Windows hiện nay nên sự cố này cực kỳ bất tiện.

Card mở rộng MCA.

Cộng đồng "nhái" PC không thích việc IBM kiểm soát loại bus mới này nên một năm sau khi MCA ra mắt, một liên hiệp 9 hãng sản xuất PC đã ra mắt chuẩn EISA của riêng họ, vốn là bản nâng cấp ISA lên mức 32 bit nhưng có chi phí bản quyền cực thấp. Rồi sau cùng, khi Intel ra mắt bus PCI vào đầu 1990, gió lại đổi chiều.

Hệ điều hành OS/2

Cũng là một sản phẩm của IBM như MCA, điều khôi hài là HĐH mới do IBM đặt ra cho các hệ thống PS/2 lại chính là thứ đã "đánh chìm" nền tảng này.

Như đã nói, IBM đặt ra cho PS/2 một mục tiêu trở thành một nền tảng hoàn toàn mới, cả về phần cứng lẫn phần mềm. OS/2 được xây dựng với tiêu chí tận dụng được các tính năng mới của dòng chip 386 nằm trên dòng sản phẩm cao cấp Model 80, vốn có một môi trường đồ hoạ cửa sổ tương tự dòng máy Apple Macintosh.

Giao diện đồ hoạ của OS/2.

Song vấn đề ở chỗ: IBM thuê MS sản xuất ra OS/2. MS lại chính là người đã làm ra MS-DOS - phiên bản khác của PC-DOS. Vào lúc đấy, hãng phần mềm này đang rất ăn nên làm ra bằng việc bán MS-DOS cho các hãng PC "nhái" và tỏ ra ít quan tâm với phiên bản phát triển cho riêng IBM.

Nên đến khi IBM công bố rằng OS/2 sẽ bị hoãn ra mắt cho tới cuối 1988 (trước đấy đã có vài bản preview nền DOS vào cuối 1987), nhiều thuyết âm mưu đã tràn ngập giới công nghiệp. Lại nói về MS, hãng này đang rục rịch ra mắt Windows 2.0, vốn có khá nhiều tính năng trên OS/2, nhưng vào cuối 1987 - sớm hơn một năm trước khi IBM tung ra OS/2. Câu chuyện này trở thành một bài học đắng cay khi thuê đối thủ làm ra sản phẩm cho mình (như Apple đang thuê Samsung làm chip chẳng hạn). Điều đáng nói là, IBM dường như không nhận ra (và không có động thái ngăn chặn) hành vi phản bội này.

Kết thúc thời huy hoàng của IBM PC

Tại thời điểm ra mắt, PS/2 được bán khá chạy (khoảng 1,5 triệu sản phẩm được tiêu thụ trong tháng 01-1988) nhưng giá thành cao so với các thương hiệu PC khác đã khiến nhiều người dùng bỏ chọn chúng.

Tệ hơn cho IBM là, hầu như mọi tính năng tiên tiến mà hãng này áp dụng cho PS/2, đều bị các đối thủ vượt qua (hoặc copy lại). Doanh số PS/2 sụt giảm đáng kể trong giai đoạn cuối 1980. Dòng sản phẩm này trở thành một trong các thất vọng lớn của IBM.

ThinkPad là một trong các dòng PC nổi tiếng mà người ta còn nhớ đến của IBM.

Đến 1990, IBM rõ ràng mất đi vị thế mở đường cho thị trường PC. Tới 1994, Compaq đã thay thế vị trí đứng đầu của IBM tại trường PC của Mỹ. Big Blue tiếp tục sa lầy trong thị trường PC tới 2004, cho đến khi hãng này bán lại bộ phận ấy cho Lenovo. Mặc dù trong giai đoạn này IBM vẫn có được một số cải tiến lớn cho PC như các tiêu chuẩn đồ hoạ và dòng máy di động (đặc biệt như ThinkPad), nhưng không sản phẩm nào của họ có được ảnh hưởng lớn lên thị trường như chiếc PS/2 hồi giữa 1980.

Tham khảo PCW.