Chống phân mảnh: iOS đánh bại Android một cách tuyệt đối

LH  | 16/04/2012 0:00 AM

iOS và Android là hai hệ điều hành thống trị, cạnh tranh quyết liệt trên thị trường thiết bị di động hiện nay; vậy trong cuộc chiến chống phân mảnh, ai là người chiến thắng?

Kể từ khi hệ điều hành cho các thiết bị di động xuất hiện, một khái niệm mới ra đời kéo theo nhiều tranh cãi trong giới công nghệ: sự phân mảnh. Khi thị trường di động (smartphone và tablet) hình thành nên 2 đối thủ kình địch nhau là iOS và Android, người ta luôn đi tìm lời giải cho câu hỏi: HĐH của Apple hay Google bị phân mảnh nhiều hơn. Vậy phân mảnh là gì? iOS và Android, đâu là HĐH bị phân mảnh hơn, chúng ta hãy cùng tìm hiểu phần nào vấn đề này qua bài viết dưới đây.
 
Phân mảnh là gì? Đánh giá mức độ phân mảnh như thế nào?
 
Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về sự phân mảnh, nhưng xét trong trường hợp này – nhằm so sánh “Mức độ phân mảnh” của hai nền tảng iOS và Android, chúng ta tạm hiểu: Phân mảnh xảy ra khi tồn tại nhiều phiên bản hệ điều hành, tương ứng với nhiều loại, nhiều thế hệ thiết bị phần cứng khác nhau. Lấy ví dụ, iPhone đời đầu không thể chạy được iOS 4, hay hàng loạt các máy tính bảng đến giờ vẫn chỉ hỗ trợ Android 2.3 Ginger Bread.
 
Vậy tại sao phải "Chống phân mảnh"? Hiện tượng phân mảnh sẽ làm suy yếu khả năng tương tác trên cùng một nền tảng, khi ứng dụng tương thích với phiên bản hệ điều hành này và thiết bị này, lại không chạy được trên phiên bản khác và thiết bị khác. Vì vậy, các nhà cung cấp sẽ gặp trở ngại lớn khi cần tạo ra những ứng dụng thích hợp với nhiều dòng máy khác nhau.
 
Trong bài viết dưới đây, để đánh giá độ phân mảnh của iOS và Android, chúng ta dựa trên hai tiêu thức:
 
-       Biến thiên thị phần các phiên bản theo thời gian thực.
-       Tốc độ gia tăng thị phần các phiên bản, khi đưa về cùng một xuất phát điểm.
(Lưu ý: Thị phần của một phiên bản được tính = lượng sử dụng phiên bản đó / tổng lượng sử dụng của nền tảng)
 
Thị phần theo thời gian thực
 
iOS
 
Thị phần các phiên bản iOS tính từ tháng 7/2010.
 
Từ biểu đồ trên, có thể nhận ra quy luật tương đối rõ ràng: sự đi xuống về thị phần của một phiên bản iOS gắn liền với sự ra đời một phiên bản mới.
 
Android
 
Thị phần các phiên bản Android tính từ tháng 12/2009.
 
Không bất ngờ khi người đọc cảm thấy…hoa mắt trước những số liệu trên. Tuy nhiên, có thể khẳng định quy luật phiên bản mới ra đời – phiên bản cũ giảm thị phần không hề đúng với Android. Ví dụ, phiên bản 2.2 (Froyo) tăng trưởng và đạt đỉnh một vài tháng sau khi phiên bản 2.3 (Ginger Bread) được giới thiệu. Điều tương tự cũng đang xảy ra ở thời điểm hiện tại, khi Ginger Bread tăng trưởng mạnh hơn Ice Cream Sandwich (4.0) rất nhiều.
 
Thị phần các phiên bản nếu đưa về cùng xuất phát điểm
 
Thị phần các hệ điều hành trong 50 tuần từ khi ra mắt.
 
Có thể nhận thấy các phiên bản iOS có tốc độ tăng trưởng thị phần nhanh hơn đáng kể so với các phiên bản Android. Cùng một khoảng thời gian, trong khi thị phần iOS 5 cán mốc 75%, Ginger Bread mới đạt 4%. Thậm chí, nếu chọn mốc thời gian là 15 tuần sau khi ra mắt, iOS 4 đạt 75% thị phần, iOS 5 đạt 70% nhưng con số của Ice Cream Sandwich chỉ là … 1%. Theo thống kê, các phiên bản iOS đạt mốc 10% nhanh gấp 300 lần, 30% - 19 lần, 50% - 7 lần so với các phiên bản Android.
 
Thị phần các hệ điều hành sau 160 tuần kể từ khi ra mắt.
 
Từ biểu đồ trên, có thể đưa ra một số nhận định: thứ nhất, các phiên bản iOS đạt đỉnh với thị phần rất cao - xấp xỉ 90%, trong khi thị phần tối đa của các phiên bản Android chỉ quanh ngưỡng 60%. Thứ hai, vòng đời của các phiên bản iOS được tính toán rất hợp lý - 1 năm tăng trưởng để đạt đến thị phần tối đa, và 1 năm suy giảm để nhường thị phần cho phiên bản mới ra đời. Nếu quá trình này tiếp diễn liên tục, mỗi năm sẽ có một phiên bản iOS thống lĩnh thị trường – phù hợp với chính sách mỗi năm một phiên bản mà Apple áp dụng cho các dòng sản phẩm của mình.
 
Kết quả
 
Các phân tích trên đã chứng tỏ các chỉ trích về sự phân mảnh của iOS là vô căn cứ, ít nhất là khi so sánh với Android. Nói cách khác, trong cuộc chiến chống phân mảnh, iOS xứng đáng là người chiến thắng.
 
Tạm kết: Có hay không một cuộc chiến công bằng?

Nguyên nhân chủ chốt dẫn đến hiện tượng phân mảnh của Android, trớ trêu thay, lại chính là tính mở - bản chất của hệ điều hành này. Trong khi iOS chỉ được sử dụng trên 3 dòng sản phẩm gắn mác Apple (iPod Touch, iPhone và iPad), tồn tại cùng lúc hàng chục nhà sản xuất cùng hàng trăm thiết bị dựa trên nền tảng Android. Điều này tạo ra hai vấn đề: Thứ nhất, không có những tiêu chuẩn nhất định cho các dòng sản phẩm này – mỗi thiết bị có kích cỡ, cấu hình và thiết kế riêng biệt. Thứ hai, chiếc lược phát triển, vòng đời và mức độ thành công của từng sản phẩm là rất khác nhau.

Chính vì lẽ đó, nhiều ý kiến cho rằng: đánh giá iOS và Android dựa trên những tiêu chí trên là không công bằng. Tuy nhiên, hãy xét đến lợi ích cao nhất mà người dùng và nhà phát triển ứng dụng hướng tới. Thứ người sử dụng cần chính là những tính năng, ứng dụng mới nhất. Họ sẽ cố gắng đạt được mục đích đó bằng cách trực tiếp (cố gắng update hệ điều hành) hay gián tiếp (mua một dòng máy khác thay thế). Trong khi đó, các nhà cung cấp ứng dụng cần một nền tảng thống nhất để tối ưu hóa quá trình thiết kế và thử nghiệm sản phẩm.
 
Ở thời điểm hiện tại, Android vẫn là hệ điều hành giữ ngôi vị số 1 trên thị trường thiết bị di động với tốc độ tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, sau sự ra mắt của các phiên bản mới với những tính năng ngày càng ưu việt, vẫn còn đó một vấn đề nhức nhối: việc tồn tại quá nhiều thiết bị, quá nhiều phiên bản cùng lúc đang đe dọa sự phát triển của nền tảng này. Bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu xấu, khi một nhà phát hành game nổi tiếng mới đây cũng quyết tâm rời bỏ Android do những lo ngại về phân mảnh.
 

 
Về phía iOS, tốc độ thâm nhập thị trường của các phiên bản sau này được hứa hẹn sẽ còn ấn tượng hơn nữa, nhờ vào những cải tiến trong cơ chế cập nhật được tích hợp trên iOS 5 . Dữ liệu cập nhật được lưu trữ trên iCloud; các thông báo cập nhật luôn trong trạng thái sẵn sàng; thêm vào đó, quá trình cập nhật không đòi hỏi phải kết nối với PC. Điều này đảm bảo người dùng sẽ cập nhật iOS nhanh nhất có thể, trong khi các nhà phát triển ứng dụng sẽ chuyển trọng tâm nghiên cứu vào phiên bản mới ngay sau khi nó được ra mắt.

Trong cạnh tranh, không tồn tại hai chữ “công bằng”, và trong cuộc chiến chống phân mảnh, Apple đang tận dụng rất tốt những ưu thế của mình.

Tổng hợp