Liệu có ai nghĩ rằng đối thủ lớn nhất của máy tính không phải là virus, mail rác mà là mặt trời? Ít ra nếu chúng ta xét về tiêu chí màn hình LCD gương thì điều này hoàn toàn đúng. Một cái bóng đèn hay một cửa sổ mở toang cũng có thể khiến cho bạn không thể sử dụng nổi chiếc laptop hay tablet của mình. Bất chấp nhược điểm này, một vài người vẫn luôn trung thành với loại màn hình gương hoặc màn hình nhám. Cả 2 đều có đặc điểm riêng biệt, tuy nhiên lựa chọn cái nào luôn luôn phụ thuộc vào sở thích của từng người.
Màn hình nhám – hay loại màn hình LCD chống lóa đang được coi là loại màn hình chủ đạo dành cho các thiết bị di động trong vài năm qua. Đây là loại màn LCD hiển thị tốt nhờ vào một lớp nhám được dát mỏng trên bề mặt của màn hình. Lớp tráng có khả năng khuếch tán ánh sáng, giảm mật độ ánh sáng phản chiếu, khiến cho loại màn hình này có thể làm việc được trong các điều kiện cạnh cửa sổ, bóng đèn hoặc một vài nguồn sáng gián tiếp khác. Đây chính là ưu điểm mà các nhà thiết kế đồ họa và những người làm công việc sáng tạo trên máy tính cần đến, một loại màn hình triệt tiêu các yếu tố gây ảnh hưởng tới màu sắc hiển thị. Tuy nhiên loại màn hình này cũng có mặt hạn chế. Một lượng ánh sáng phản chiếu được giảm đi đáng kể nhờ lớp nhám, tuy nhiên lớp nhám này cũng gây ảnh hưởng tới chất lượng hiển thị của màn hình LCD. Ánh sáng từ chính màn hình cũng sẽ bị phản chiếu lại và có thể khiến hình ảnh mờ hơn trước, màu đen sẽ có tông màu sáng hơn và độ tương phản cũng giảm đi.
Khả năng hiển thị của màn hình nhám trong điều kiện ánh sáng mạnh.
Màn hình gương thì có thể khắc phục được nhược điểm này, bằng cách sử dụng một lớp tráng mịn trên bề mặt. Lớp tráng này giống như một bộ lọc cho phép ánh sáng từ màn hình đi qua mà không bị phản chiếu lại, vì thế nó sẽ cho độ tương phản tốt, sáng rõ, màu sắc chính xác và có thể hiển thị màu đen sâu hơn. Tuy nhiên khả năng phân tán ánh sáng rất kém sẽ dẫn đến hiện tượng bị lóa, dễ dàng nhận thấy ở loại màn hình này – điển hình là dòng máy MacBook Pro màn hình gương của Apple, nổi tiếng sáng và cho màu sắc trung thực. Và vì lý do đó mà rất nhiều người cảm thấy khó chịu khi sử dụng màn hình gương ở điều kiện ngoài trời hoặc nhiều ánh sáng.
Trong điều kiện tương tự, màn hình gương nhìn lóa hơn nhiều.
Những điều này sẽ giúp bạn có một cái nhìn rõ nét hơn về ưu nhược điểm của cả 2 loại màn hình – 1 loại đa năng ở môi trường sử dụng và khả năng hiển thị hình ảnh khá toàn diện, 1 loại cho độ tương phản và màu sắc thật hơn. Đây là lý do tại sao chúng ta thường thấy những màn hình LCD nhám chống lóa là lựa chọn hàng đầu cho các văn phòng làm việc, nơi có nhiều nguồn sáng đặt ở khắp nơi. Một điều nên nhớ rằng cả màn hình nhám lẫn màn hình gương đều sử dụng chung một loại màn hình LCD, điểm khác nhau duy nhất chính là lớp tráng bề mặt. Trong những điều kiện lý tưởng thì chúng đều hiển thị hình ảnh tương đương với nhau. Việc chọn loại màn hình nào tùy thuộc vào sở thích, môi trường làm việc của bạn.
Khi tắt hoàn toàn, màn hình gương (trái) vẫn phản chiếu ánh sáng nhiều hơn hẳn so với màn hình nhám (phải).
Dĩ nhiên những nhược điểm này khiến cho các nhà khoa học vẫn không ngừng nghiên cứu để tìm ra loại màn hình tốt hơn. Những hãng như Sony đang phát triển một loại màn hình với lớp tráng có thể giảm phần lớn lượng ánh sáng phản chiếu dành cho màn hình gương. Manh mối để phát triển loại màn hình này đến từ loài bướm đêm. Loài côn trùng này có những hạt nổi với kích thước nano trên mắt, có tác dụng giảm thiểu ánh sáng phản chiếu và khiến chúng trở nên vô hình đối với những loài săn mồi. Hình mẫu tương tự có thể được áp dụng lên màn hình HDTV hoặc những loại màn hình nhỏ hơn giúp chúng chống lóa trong điều kiện ánh sáng chiếu trực tiếp hoặc quá mạnh. Sony cho rằng công nghệ này sẽ giảm lượng ánh sáng phản chiếu xuống còn 1/30 so với mức bình thường, và tăng cường độ sáng của màn hình. Apple nên chú ý điều này, bởi đây chính là công nghệ hoàn hảo nhất dành cho những người yêu mến MacBook Pro.