Chia cổ tức khủng, Tim Cook thoát ra cái bóng của Steve Jobs?

PV  | 21/03/2012 0:00 AM

Tim Cook đang điều hành Apple theo đúng cách của Steve Jobs: nghĩ khác.

Sau nhiều năm làm giám đốc điều hành (COO) công ty, Tim Cook chính thức lên nắm chức vụ tổng giám đốc điều hành CEO thay cho Steve Jobs vào tháng 8 năm ngoái. Và trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, Cook đã cho thấy ông ta không phải là cái bóng của Jobs như người ta vẫn lo ngại. Ông đang chèo lái Apple đi theo cách của riêng mình trong khi vẫn giữ lại những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của Apple: lập quỹ từ thiện, thu hút thêm nhà đầu tư, báo cáo về tình hình thực tế tại các nhà máy sản xuất của công ty trên toàn cầu...
 
Mới đây nhất, Cook lại để lại một dấu ấn rõ nét trong cách thức điều hành khi công bố Apple sẽ bắt đầu trả cổ tức cho cổ đông với mức chia cổ tức 2,65 USD mỗi cổ phiếu bắt đầu từ tháng 7. Apple cũng sẽ dành 10 tỷ USD để mua lại cổ phiếu trong 3 năm tới. Hai động thái này được đưa ra nhằm trả lời nhanh cho câu hỏi Apple sẽ làm gì với núi tiền khổng lồ của mình, vốn đã đạt 98 tỷ USD vào tháng 12 năm ngoái và sắp tới còn lớn hơn với việc New iPad được bắt đầu bán ra. 


Tạo lập con đường riêng
 
Quyết định của Tim Cook cho thấy ông không hề chịu ảnh hưởng bởi triết lý điều hành của người tiền nhiệm Steve Jobs. Để hiểu Cook nghĩ khác và khác với Jobs như thế nào, chúng ta chỉ cần nhìn vào những gì Jobs đã từng phát biểu trong quá khứ. Trong cuộc gặp cổ đông hồi tháng 2 năm 2010, khi được hỏi về việc liệu Apple có tính đến việc chia cổ tức cho cổ đông, Jobs cho biết ông không tính đến khả năng đó và giải thích vì sao ông thích giữ tiền mặt hơn. 
 
"Tiền mặt giúp Apple an toàn hơn và linh hoạt hơn rất nhiều. Khi bạn muốn mạo hiểm, như việc nhảy từ cao xuống, sẽ rất tuyệt khi biết bạn sẽ chạm đất an toàn. Đứng trên quan điểm tài chính, chúng tôi điều hành công ty theo cách tiết kiệm nhất có thể, bởi vì bạn không bao giờ biết được khi nào cơ hội sẽ tới... Apple thật may mắn khi mỗi lần chúng tôi muốn mua lại một sản phẩm, dịch vụ gì đó, chúng tôi chỉ cần kí séc mà không phải đi vay tiền". 
 
Tim Cook muốn tạo lập con đường riêng.
 
Sự bảo thủ của Steve Jobs có nguồn gốc từ nỗi lo sợ về tiền bạc mà chính ông phải đối mặt khi quay lại điều hành công ty vào năm 1997, một ít tuần trước khi Apple sắp phải phá sản. Nhưng những gì ông gợi ý trong câu nói trên không phải là lo sợ một ngày Apple sẽ rơi vào cảnh nợ nần. Jobs muốn Apple linh hoạt và chủ động hơn trong các hoạt động thâu tóm mua lại các công ty, dịch vụ cũng như mua lại các công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng và đi trước đối thủ.
 
Tất nhiên, đó là khi Jobs nhìn vào kho tiền trị giá 40 tỷ USD và giá cổ phiếu lúc đó của Apple là 200 USD. Và có lẽ không ai dám chắc Jobs vẫn còn giữ nguyên quan điểm của mình nếu ông ở trong tình huống hiện tại của Tim Cook: lượng tiền mặt của Apple lên tới 100 tỷ USD và giá cổ phiếu đạt ngưỡng 600 USD. Apple trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới với giá trị thị trường 555 tỷ USD. Jobs nổi tiếng với các quan điểm đôi khi mâu thuẫn với thực tế, nhưng như tiểu sử về ông đã chỉ ra, ông cũng có thể thay đổi quan điểm của mình một cách nhanh chóng.

Jobs được biết đến là con người cực đoan, nhưng Cook và giám đốc tài chính (CFO) Peter Oppenheimer lại chọn con đường ôn hòa hơn để lãnh đạo Apple: tìm cách xóa dịu những chỉ trích của phố Wall về việc nắm giữ quá nhiều tiền mặt, nhưng vẫn giữ lại số tiền đủ để giúp công ty linh hoạt và chủ động trong hoạt động kinh doanh. Sau khi tiến hành chia cổ tức và mua lại cổ phiếu, Apple sẽ còn khoảng 50 tỷ USD tiền mặt đến năm 2015. 

Đáng chú ý, cái giá cổ tức 2,65 USD/cổ phiếu mà Cook và Oppenheimer bỏ ra, theo thời báo phố Wall là không cao so với số tiền mà các công ty công nghệ khác như AT&T, Verizon, Microsoft... bỏ ra để trả cổ tức.

Trả cổ tức không có nghĩa Apple đã phát triển tới hạn

Động thái mà Apple vừa đưa ra liệu có nghĩa Cook đang tỏ ra chủ quan và không chú trọng đến viễn cảnh phát triển của Apple hay không. Có lẽ cũng không.

Tại hội thảo vừa diễn ra sáng nay, Cook giải thích những cơ hội phát triển cho Apple và nhấn mạnh ông tự tin như thế nào về tương lai của công ty. Tim Cook nhắc lại rằng mặc dù Apple bán được 37 triệu chiếc iPhone từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái, nhưng con số đó chỉ chiếm 9% số iPhone mà công ty bán được trên khắp thế giới. "Số điện thoại mà Apple bán ra có thể tăng lên 2 tỷ đến năm 2015. Tiềm năng của iPhone là vô cùng lớn" - Tim Cook cho biết. 

Tim Cook: iPhone rất nhiều tiềm năng.

Ông cũng đưa ra phát biểu tương tự khi nói về iPad, tự tin rằng tablet của công ty sẽ vượt mặt PC như thế nào. Mac mặc dù chỉ chiếm 6% thị phần PC nhưng theo ông cũng đang phát triển ở tốc độ cao hơn cả toàn thị trường PC. Cook cho biết Apple sẽ mở thêm 40 cửa hàng bán lẻ mới trong năm nay.

Ý tiềm ẩn mà Tim Cook muốn nói qua các phát biểu đó là gì? Đó là Apple không phải đã phát triển đến hạn, rằng họ đã cạn kiệt ý tưởng, vốn dĩ cũng là hai vấn đề mà người ta lo lắng nhất cho Apple thời hậu Steve Jobs. Quyết định của Tim Cook cho thấy ông khác biệt với Steve Jobs về cách thức điều hành. Tuy nhiên, Cook cũng đảm bảo rằng động thái dành 45 tỷ USD tiền mặt cho các hoạt động trả cổ tức và mua lại cổ phiếu không phải đi chệch con đường mà Apple đã vạch ra. Trong hội thảo, Tim Cook cho biết sau kế hoạch này, công ty vẫn còn rất nhiều tiền mặt và công ty sẽ sử dụng chúng như trước đây: nghiên cứu, phát triển, mở cửa hàng mới, chi tiêu chiến lược cho các chuỗi cung ứng và mua lại các dịch vụ, công ty khác. "Apple sẽ mở rộng các hoạt động này trong tương lai. Các quyết định ngày hôm nay không ảnh hưởng gì đến kế hoạch phát triển trong tương lai mà Apple đã vạch ra" - ông nhắc lại.

Tham khảo: Gigaom

Xem thêm:

apple